Chúng tôi nhận được bài viết sau đây của ông Dương Danh Huy, một cộng tác viên quen thuộc của BVN, góp phần giải thích thêm về bài trả lời phỏng vấn của ông Lê vĩnh Trương trên báo Pháp luật TP HCM với tựa đề “Không nên cực đoan đối với Trung Quốc” từng gây xôn xao dư luận. Những lý giải của tác giả bài viết, theo chúng tôi, đã làm sáng tỏ nhiều ý tưởng chủ đạo trong bài trả lời của ông Lê Vĩnh Trương, và cũng giúp người viết chúng ta rút ra được nhiều kinh nghiệm trong việc thận trọng ngôn từ khi trả lời báo chí, giữ đúng nguyên tắc về bản quyền ngôn bản, nhất là với những cơ quan ngôn luận thường phải thay đổi sắc màu theo định hướng. Xin trân trọng đăng lên để bạn đọc xa gần tham khảo.Bauxite Việt Nam
Gần đây một bài phỏng vấn của ông Lê Vĩnh Trương (ông LVT) trên báo Pháp luật TPHCM (PL) và cá nhân ông LVT đã bị phê phán nặng nề trong không gian mạng của người Việt. Theo tôi hiểu thì một số lời phê phán là dựa trên hai quan điểm của người phê phán,
- Người phê phán cho rằng ông LVT cho rằng chúng ta cực đoan đối với Trung Quốc.
- Người phê phán cho rằng ông LVT biện minh cho cách ứng xử của Chính phủ Việt Nam về Hoàng Sa, Trường Sa, Biển Đông, trong khi họ cảm thấy rất bức xúc rằng cách ứng xử đó là không đủ để bảo vệ biển đảo.
Hai yếu tố có thể gây phản cảm
Phỏng vấn, ảnh minh họa |
1. Bài này được PL đặt trong khung “Không nên cực đoan đối với Trung Quốc” một cách không phù hợp với bối cảnh.
1.a Thứ nhất PL đặt tựa “Không nên cực đoan đối với Trung Quốc”:
Cá nhân tôi khi đọc tựa này cũng thấy ngạc nhiên. Tựa này có thể gây ấn tượng là bài phỏng vấn mặc nhiên cho rằng chúng ta có cực đoan với Trung Quốc, hoặc đã lên lớp một cách không cần thiết, hoặc bị cho là do một âm mưu nhằm làm cho chúng ta bớt chống lại sự xâm lăng của Trung Quốc. Một vài điểm khác trong bài cũng có thể gây thêm ấn tượng đó.
1.b Thứ nhì là bối cảnh đối ngoại:
Mặc dù nói chung chung thì mệnh đề “Không nên cực đoan” có thể là đúng, nhưng bối cảnh của chúng ta là Trung Quốc là phía gây hấn, là phía say sưa thuốc phiện chủ nghĩa dân tộc cực đoan, đường lưỡi bò là một tham vọng cực đoan chưa từng có trong lịch sử hải dương thế giới đang đe dọa tính sống còn của nền độc lập của chúng ta, và bối cảnh cũng là chúng ta không cực đoan trong vấn đề Hoàng Sa,Trường Sa và Biển Đông. Trong bối cảnh đó, một bài phỏng vấn trong khung “không nên cực đoan với Trung Quốc” sẽ dễ làm cho người ta cảm thấy bị kết tội oan là cực đoan.
1.c Thứ ba là bối cảnh đối nội:
Rõ ràng hiện nay có người cảm thấy bức xúc vì họ cho rằng CP Việt Nam không làm đủ cho việc bảo vệ biển đảo. Trong bối cảnh đó, một bài phỏng vấn trong khung “không nên cực đoan với Trung Quốc” sẽ dễ bị cho là mục đích của nó là nhằm biện minh rằng CP Việt Nam đã làm đủ, và trong trường hợp đó dễ gây ra phản ứng mạnh từ những người đang bức xúc về vấn đề bảo vệ biển đảo, vốn là một vấn đề thiêng liêng đối với người Việt Nam.
Đọc bài trên PL, tôi thấy thật ra chính ông LVT đã bác bỏ mệnh đề chúng ta cực đoan đối với Trung Quốc. Như vậy, về khái niệm “cực đoan với Trung Quốc” không có sự khác biệt giữa ông LVT và những người phê phán ông. Có lẽ vấn đề là bài phỏng vấn là không phù hợp với bối cảnh đối ngoại và đối nội và điều đó làm cho nó dễ bị phê phán.
2. Một số câu trả lời có thể là chưa chặt chẽ, chưa tính đủ đến khả năng người đọc có thể hiểu chúng theo những cách khác nhau.
Những điều quan trọng
Có thể hai yếu tố trên đã góp phần tạo ra sự phê phán nặng nề. Nhưng tôi cho rằng dù với hai yếu tố đó thì những điều quan trọng vẫn là:
- Ông LVT và những người phê phán ông đều bác bỏ mệnh đề “chúng ta có cực đoan đối với Trung Quốc”. Bác bỏ mệnh đề đó là chuẩn xác và cần thiết.
- Bài phỏng vấn này đã đưa được lên báo chính thức [chính thống] một số điều tuy nhiều người biết nhưng ít ai đã đưa được lên báo chính thức[chính thống].
- Đối với bất cứ nước nào, việc có những người dân bức xúc mong muốn và đòi hỏi chính phủ tích cực trong việc bảo vệ chủ quyền hợp pháp là bình thường, việc có những người dân bức xúc muốn góp phần bảo vệ chủ quyền hợp pháp là cần thiết. Khi một nước bị xâm lấn và tiếp tục bị đe dọa bởi một láng giềng khổng lồ bất chấp luật quốc tế và lẽ phải thì dĩ nhiên là sự bức xúc đó nằm ở mức rất cao. Sự bức xúc đó là tự nhiên, cần thiết và đáng quý trọng.
- Cần phải hết sức cẩn thận tránh làm cho người ta cảm thấy sự bức xúc trên không được tôn trọng, bao gồm cả phải tính đến việc cùng một lời phát biểu thì có khi nhiều người có thể hiểu theo nhiều cách khác nhau. Theo quan điểm cá nhân của tôi thì có một vài câu mà ông LVT đã không cẩn thận đủ và có thể làm cho người đọc cảm thấy những câu đó phủ định sự bức xúc trên của họ. Cũng theo quan điểm cá nhân của tôi thì đó là ông LVT đã không cẩn thận đủ, chứ không phải ông LVT có chủ ý hay âm mưu phủ định sự bức xúc đó.
Về câu hỏi 1 của phóng viên
Nhiều người Việt Nam hiện nay có xu hướng bài xích Trung Quốc (Trung Quốc), thể hiện ở việc không dùng hàng Trung Quốc, chửi bới Trung Quốc, miệt thị người Trung Quốc… Ông đánh giá như thế nào về hiện tượng này?
Câu hỏi này mặc nhiên cho rằng có “xu hướng bài xích Trung Quốc”, có “việc không dùng hàng Trung Quốc, chửi bới Trung Quốc, miệt thị người Trung Quốc”. Tôi không muốn đoán về ý định của PV, nhưng cho rằng việc đặt câu hỏi dựa trên sự mặc nhiên thừa nhận những điều đó là không nên, vì nếu người trả lời không sáng suốt, họ có thể bị vấp vào sự mặc nhiên thừa nhận đó.
Về trả lời 1 của ôngLVT
Ở góc nhìn kinh tế, hàng hóa và dịch vụ Trung Quốc, như dịch vụ phòng khám chẳng hạn, có một số không nhỏ gây quan ngại về phẩm chất làm cho người tiêu dùng nghi ngờ về sự cẩu thả trong quản lý. Đây là phản ứng tự nhiên của thị trường một cách công bằng và lành mạnh [1]. Nếu giới thương mại và sản xuất Trung Quốc muốn cải thiện hình ảnh hàng hóa và dịch vụ Trung Quốc vào Việt Nam thì họ phải điều chỉnh chất lượng cho thị trường Việt Nam. Tôi không thấy có sự bài xích nào ở đây cả [2].
Người Việt Nam nói chung có một sự căm phẫn trước hình ảnh Trung Quốc tung hoành biển Đông, xâm chiếm đảo của Việt Nam [3]. Năm 2005, họ giết ngư dân Hậu Lộc (Thanh Hóa) và thi thể ngư dân phải ướp nước đá chở về [4]. Từ đó đến nay, lính liên tục quấy phá, xâm hại, bắt bớ, đánh đập, sỉ nhục ngư dân Việt Nam đến mức phải vái lạy ngay trên tàu[5]. Và oái oăm là chính họ lại đưa lên các phương tiện thông tin để thị uy[6].
Đặc biệt, vài năm gần đây, có thể đọc dễ dàng trên mạng các câu chuyện giới cầm quyền Trung Quốc lợi dụng cuộc chiến tranh ở Việt Nam để thủ lợi [7]. Thế nên cảnh giác với giới chức Trung Quốc là một tình cảm bình thường ở người Việt Nam[8].
Trong trả lời trên, ông LVT đã bác bỏ những điều mà PV mặc nhiên thừa nhận trong câu hỏi:
[1] Ông LVT nói việc có dùng hàng hóa Trung Quốc hay không “là phản ứng tự nhiên của thị trường một cách công bằng và lành mạnh”, tức là không phải cực đoan, không phải bài xích.
[2] Ông LVT nói cụ thể là không có sự bài xích Trung Quốc.
[3] Ông LVT nói rằng dân Việt Nam có một sự căm phẫn “trước hình ảnh Trung Quốc tung hoành biển Đông, xâm chiếm đảo của Việt Nam”. Đó là sự thật, và trong chúng ta không phải ai cũng nói lên được điều cần nói đó trên báo chính thức[chính thống].
[4], [5] và [6] nói một cách chính xác sự gây hấn, dã man và ngạo mạn của Trung Quốc. Trong chúng ta không phải ai cũng nói lên được những điều cần nói đó trên báo chính thức[chính thống].
[7] Trong khi quan điểm chính thức [chính thống]là Trung Quốc đã giúp Việt Nam trong chiến tranh 1954-1975 thì ông LVT đã đưa lên báo chính thức [chính thống]một quan điểm khác, “giới cầm quyền Trung Quốc lợi dụng cuộc chiến tranh ở Việt Nam để thủ lợi”. Trong chúng ta, không phải ai cũng góp phần đa dạng hóa các quan điểm trên báo chí chính thức [chính thống]được như thế.
[8] Ông LVT bác bỏ mệnh đề “miệt thị người Trung Quốc” trong câu hỏi của PV, ám chỉ rằng vấn đề không phải là “miệt thị người Trung Quốc” mà là “cảnh giác với giới chức Trung Quốc”.
Như vậy, trong trả lời, ông LVT đã sáng suốt không bị vấp vào những sự mặc nhiên thừa nhận trong câu hỏi của phóng viên, đã bác bỏ chúng, đã khẳng định rằng chúng ta không bài xích Trung Quốc,không cực đoan, và đã bênh vực cho thái độ của người Việt, eg, “phản ứng tự nhiên của thị trường một cách công bằng và lành mạnh”, “là một tình cảm bình thường”.
Ngoài ra, ông LVT còn nói được lên báo chính thức những sự thật cần phải nói ([4], [5], [6]), những quan điểm góp phần đa dạng hóa nền quan điểm của chúng ta ([7]). Mặc dù chúng ta đã biết những điều này, nhưng nói được lên báo chính thức [chính thống]cũng là một thành quả. Trong chúng ta, không phải ai cũng đã làm được điều này.
Về câu hỏi và trả lời 2
. Đó là với giới chức, còn với người dân thường Trung Quốc thì sao?
+ Theo tôi, nhân dân Trung Quốc đã bị giới chức Trung Quốc tẩy não về Hoàng Sa và Trường Sa [9] đến một mức độ gây nguy hiểm cho chính Trung Quốc và những người tỉnh táo ở Trung Quốc đang tìm cách hạ nhiệt thông qua vụ “Hoàng triều trực tỉnh địa dư toàn đồ” [10] được giới thiệu trên các phương tiện thông tin đại chúng Trung Quốc vào tháng 7-2012.
Theo tôi, có lẽ chưa chính xác khi cho rằng có sự miệt thị người Trung Quốc [11]. Người Việt trong tinh thần bao dung và cùng chung sống hòa bình vẫn sống và làm việc với người Âu, Mỹ và người Trung Quốc [12]. Tại Việt Nam, quảng cáo trường học Hoa ngữ và cả phòng khám bệnh vẫn có mặt trên báo chí, người Hoa vẫn thoải mái đi chùa chiền lễ bái của mình… Người Việt Nam vẫn cứu ngư dân Trung Quốc gặp nạn; vẫn treo tranh thủy mặc, đọc thơ Đường các dịp lễ tết, như mối giao lưu văn hóa xã hội bao năm qua giữa các cộng đồng dân tộc Việt Nam với nhau [13].
Dẫu vậy, tôi vững tin rằng nhân dân Việt Nam sẵn sàng đập tan âm mưu bành trướng nhiều kiểu của Trung Quốc [14] từ thủ đoạn phân hóa nội bộ người Việt Nam đến lấn chiếm biển đảo, phá hoại kinh tế, kích động sắc tộc cho đến phá Việt Nam trên trường ngoại giao ASEAN gần đây [15].
[9] Chưa từng ai nói được trên báo chinh thức [chính thống]là giới Trung Quốc tẩy não dân của họ.
[10] Tôi không đồng ý với ông LVT là vụ “Hoàng triều trực tỉnh địa dư toàn đồ” là “những người tỉnh táo ở Trung Quốc đang tìm cách hạ nhiệt”.
[11] Ông LVT bác bỏ mệnh đề “có sự miệt thị người Trung Quốc”. Bác bỏ như thế là đúng và cần thiết.
[12], [13] Ông LVT bác bỏ mệnh đề chúng ta cực đoan với người Trung Quốc.
[14] Câu này có vẻ như là cách nói hoa mỹ. Theo tôi hiểu thì ý của ông LVT là người Việt là bao dung và muốn hòa bình nhưng nếu Trung Quốc muốn bành trướng thì nhân dân Việt sẵn sàng tự vệ. Chắc ai cũng đồng ý rằng người Việt là bao dung và muốn hòa bình. Còn cho dù có đồng ý hay không với điểm “nhân dân Việt Nam sẵn sàng đập tan” thì tôi thiết nghĩ cũng không có gì phải lên án ông LVT nếu có bất đồng ý kiến về điểm đó.
[15] Đưa những điều “phân hóa nội bộ người Việt Nam đến lấn chiếm biển đảo, phá hoại kinh tế, kích động sắc tộc cho đến phá Việt Nam trên trường ngoại giao ASEAN gần đây” lên báo chính thức [chính thống]một cách thẳng thắn là một việc không phải người nào cũng làm được. Mặc dù chúng ta đã biết những điều này, nhưng nói được lên báo chính thức [chính thống]cũng là một thành quả.
Về câu hỏi và trả lời 3
Quan điểm của ông thế nào về một ám ảnh nước lớn đè nặng lên Việt Nam?
+ Ở thế hệ chúng tôi, công bằng mà nói, có sự khâm phục người Trung Quốc cần cù lao động và phát triển kinh tế, khâm phục trí thức Trung Quốc bảo tồn nền văn hóa của họ. Việc nhẫn nhịn Trung Quốc đã diễn ra từ ngàn xưa, khởi đầu từ các triều đại Việt Nam sau mỗi lần đánh tan quân xâm lược phương Bắc[16]. Nhẫn nhịn để lo cho kế sách lâu dài của đất nước khác với buông xuôi đầu hàng[17]. Nhưng nếu cho rằng hiện có một nỗi sợ Trung Quốc thì với quan sát của cá nhân, tôi cho rằng chưa bao giờ có [18]. Giới làm chính sách có cách ứng xử của họ[19] nhưng tôi tin họ biết và quý bức thông điệp rằng đại bộ phận người Việt Nam không sợ Trung Quốc[20].
Người Trung Quốc cũng không thiếu những trí thức như Lý Lệnh Hoa, Lưu Á Châu đã nhìn thấy được điều khiếm khuyết của chính nước họ[21]. Không phải tất cả họ đều sẵn sàng cho một cuộc gây hấn với Việt Nam vốn là một bãi lầy quân sự, một bãi mìn chính trị mà kẻ gây hấn phải trả giá cao[22].
Khi có đầy đủ kiến thức, ý chí và ý thức về quan hệ Việt Nam-Trung Quốc không chỉ từ xưa mà cả thời cận đại từ 1954 đến nay, người Việt sẽ không còn ở hai thái cực – một là quá sợ và hai là quá căm giận người Trung Quốc mà mất khôn, dẫn đến ứng xử theo tinh thần dân tộc cực đoan [23].
[16], [17] Hai câu này có thể làm cho người đọc nghi vấn ông LVT. Nếu người đọc đang bức xúc rằng đối sách của CP Việt Nam là không đủ để bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ, mà họ lại cho rằng ông LVT ví đối sách đó với đối sách ngàn xưa của Việt Nam nhằm biện minh cho nó, thì họ dễ có phản ứng mạnh với ông LVT.
[18] “chưa bao giờ có” nghe có vẻ tuyệt đối. Tôi đoán đó là một cách nói với ý nói người Việt Nam nói chung không sợ Trung Quốc. Nhưng nếu người đọc đang bức xúc vì họ cho rằng hiện đang có người Việt Nam nào đó sợ Trung Quốc, và họ có thể cho rằng ông LVT nói “chưa bao giờ có” là để che đậy cho những người sợ Trung Quốc này thì họ dễ có phản ứng mạnh với ông LVT.
[19] Tôi phải nói là tôi không đồng ý với câu này. Cách ứng xử của giới làm chính sách phải phục vụ ước vọng của nhân dân và phải có phong cách mà nhân dân mong muốn, và giới làm chính sách phải trả lời với nhân dân.
[20] Ông LVT nói “đại bộ phận người Việt Nam không sợ Trung Quốc” có lẽ là chính xác hay ít nhất không có vấn đề gì , nhưng “tôi tin họ biết và quý bức thông điệp” thì có thể gây phản ứng mạnh từ những người cho rằng “Giới làm chính sách ” không quý. Giới làm chính sách có quý hay không là vấn đề của họ, những người khác đánh giá thế nào là vấn đề của họ, lẽ ra ông LVT không cần nói là họ quý hay không.
[21] Tôi nghĩ ông LVT đã quá rộng rãi ở đây, hay đang nói kiểu ngoại giao. Tôi cho rằng Trung Quốc rất thiếu “những trí thức như Lý Lệnh Hoa, Lưu Á Châu đã nhìn thấy được điều khiếm khuyết của chính nước họ” hay ít nhất cũng thiếu những người có thể nói ra những gì là công lý.
[22] Dĩ nhiên là “Không phải tất cả họ đều sẵn sàng cho một cuộc gây hấn với Việt Nam”, nhưng vấn đề không phải là “tất cả” mà là “bao nhiêu”, và “những người đó có ảnh hưởng gì với chính sách của Trung Quốc”. Không phải tất cả người Đức đều muốn diệt chủng, xâm lăng, nhưng những điều đó vẫn xảy ra. Vì vậy, dù “không phải tất cả” thì chúng ta cũng phải đối phó. Và có thể nói là Trung quốc vẫn đang gây hấn (với hình thức trong chiến lược của họ và hiện nay hình thức đó chưa phải là chiến tranh thuần túy).
[23] Câu “Khi có đầy đủ kiến thức, ý chí và ý thức về quan hệ Việt Nam-Trung Quốc không chỉ từ xưa mà cả thời cận đại từ 1954 đến nay, người Việt sẽ không còn ở hai thái cực – một là quá sợ và hai là quá căm giận người Trung Quốc mà mất khôn, dẫn đến ứng xử theo tinh thần dân tộc cực đoan” rất dễ bị hiểu là ông LVT cho rằng hiện nay có người Việt ở hai thái cực “quá sợ” và “quá căm giận người Trung Quốc mà mất khôn” đó. Cá nhân tôi sẽ xét câu này trong ngữ cảnh ông LVT đã khẳng định rằng chưa bao giờ có nỗi sợ Trung Quốc, và tôi sẽ cho rằng đó là một câu giả định mà ông LVT đã diễn đạt không chính xác. Tuy nhiên tôi hiểu là người đọc có thể hiểu một cách khắt khe hơn về câu đó, và nếu ông LVT viết cẩn thận hơn, chính xác hơn, chặt chẽ hơn, thì sẽ tốt hơn.
Về câu hỏi và trả lời 4
. Dù thế nào chăng nữa, Trung Quốc sẽ mãi mãi là một người hàng xóm của chúng ta, bất chấp họ có thân thiện hay không. Nếu là ông, ông sẽ lựa chọn thái độ cá nhân đối với Trung Quốc như thế nào?
+ Khi bàn về những giải pháp hàn gắn quan hệ, theo tôi, mỗi bên cần tìm những điều tích cực từ phía bên kia đã làm cho mình để chiêm nghiệm và thực hiện những điều tích cực trong mối quan hệ. Người Việt Nam với bản tính khoan hòa đã chủ động làm nhẹ nỗi đau trận đại bại 1979 của Trung Quốc và sự thảm hại của tội ác “chống lưng” diệt chủng Khmer Đỏ của họ[24].
Ngược dòng thời gian, tôi nhớ tới hình ảnh Tôn Thất Thuyết nghĩ về Trung Quốc như một nước bạn có thể giúp Việt Nam phục quốc chống Tây – hình ảnh ông ẩn náu ở Trung Quốc và ngày ngày chém đá, nhìn nước mất vào tay kẻ thù làm xúc động thế hệ chúng tôi. Những mối giao hảo của các chí sĩ Việt Nam-Trung Quốc trước và sau cách mạng Tân Hợi vẫn còn đó. Người Việt Nam chia sẻ nỗi đau của nhân dân Trung Quốc trong vòng lệ thuộc mãi về sau năm 1949[25].
Thế còn Trung Quốc thì sao? Người Trung Quốc chua xót với nỗi đau nô lệ của dân tộc mình nhưng tại sao lại để cho giới cầm quyền thản nhiên ức hiếp, sát hại ngư dân nghèo Việt Nam, ngụy tạo chứng cứ độc chiếm biển Đông, tuyên truyền một chiều cho hàng loạt hành động sai quấy, vụng về trong chính sách bên miệng hố chiến tranh, hống hách trên bàn hội nghị, cậy tiền trong các mối quan hệ? Chính họ đã phản lại “văn hóa hài hòa”, “cầu đồng tồn dị” do chính họ đưa ra trước đây không lâu[26].
“Kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân” – Không nên hành xử với kẻ khác điều mà mình không muốn kẻ khác ứng xử với mình. Họ quên cả lịch sử lẫn lời dạy của ông thầy nước họ hay sao? [27]
Câu chuyện ngàn năm qua cho thấy: Bạn hay thù là do nước lớn Trung Quốc quyết định, nước nhỏ thì chỉ muốn yên ổn. Nói cách khác, Trung Quốc là một người hàng xóm có khuynh hướng giàu đổi bạn, có ký ức không bền về lịch sử Trung Quốc-Việt Nam và từ chối hiểu phẩm giá Việt Nam – vốn hiếu hòa nhưng thừa tinh thần bảo vệ đất nước. Việc thiếu ký ức này không phải lỗi của đại bộ phận nhân dân Trung Quốc.
[24], [25] Ông LVT kể về cách đối xử của Việt Nam với Trung Quốc để đối chiếu với cách đối xử của Trung Quốc.
[26], [27] Ông LVT lên án cách đối xử bá quyền của Trung Quốc đối với Việt Nam, và trách ““Kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân” – Không nên hành xử với kẻ khác điều mà mình không muốn kẻ khác ứng xử với mình. Họ quên cả lịch sử lẫn lời dạy của ông thầy nước họ hay sao?” Khó có thể không tán thành những lời lên án này của ông LVT cho Trung Quốc. Những lời phê phán thẳng thắn như thế cũng ít khi xuất hiện trên báo chính thức [chính thống]. Điều đáng tiếc là người nói điều đó trên báo chí chính thức [chính thống]lại bị chỉ trích nặng nề.
Về câu hỏi và trả lời 5
. Về việc Trung Quốc chiếm đảo Trường Sa, ông nghĩ sao?
+TS Trần Vinh Dự có lần viết rằng Việt Nam – với tư cách là một quốc gia tồn tại – vẫn sẽ mãi tuyên bố chủ quyền tại Hoàng Sa và Trường Sa [28]. Xin bổ sung: Việt Nam đã từng mất nước hàng ngàn năm và trong các cuộc chiến vẫn thường tạm rút ra khỏi thủ đô nhưng… những gì của Việt Nam theo sử sách và luật pháp quốc tế thì Việt Nam vẫn sẽ khôi phục lại, vẫn mãi là của Việt Nam[29]. Dĩ nhiên, trong câu chuyện này, không thể chỉ nói suông mà mỗi người Việt Nam phải hành động cụ thể để bảo vệ và khôi phục chủ quyền này như cha ông Việt Nam đã làm hàng ngàn năm nay[30].
Chúng ta phải ôn hòa và kiên trì sử dụng Công ước LHQ về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS) và Tuyên bố về ứng xử của các bên tại biển Đông (DOC) cũng như những chứng cứ chủ quyền về Trường Sa – Hoàng Sa từ trước đây, tạo nên cách thức chủ đạo để bảo vệ biển Đông và các đảo Việt Nam; thu thập đầy đủ chứng cứ pháp lý để khi cần Việt Nam sẽ có thể đấu tranh pháp lý với Trung Quốc trên mặt trận pháp lý quốc tế[31].
Bên cạnh đó, việc cần làm là ghi lại hình ảnh những hành vi xâm lấn để đề phòng Trung Quốc tạo cớ leo thang và chuẩn bị đầy đủ sức mạnh vũ trang để đáp trả khi bị tấn công và thông báo cho dư luận quốc tế[32].
“Ứng xử tương xứng với phẩm giá, điều mà Thủ tướng Nhật nói với dân, là một kinh nghiệm tốt” [33].
[28], [29] Có hai cách để hiểu hai câu này. Một là ông LVT muốn nói Việt Nam sẽ không bao giờ bỏ rơi Hoàng Sa, Trường Sa cho nằm dưới gót giày đinh quân Trung Quốc. Hai là ông LVT muốn nói cứ bỏ mặc Hoàng Sa, Trường Sa cho nằm dưới gót giày đinh quân Trung Quốc cũng chẳng sao – sau ngàn năm lấy lại cũng được. Tôi thấy cách hiểu thứ nhất là chính xác hơn, nhất là nếu xét ông LVT đã làm gì trong những năm qua.
[30] Câu này là hoàn toàn đúng: không thể chỉ nói suông mà mỗi người Việt Nam phải hành động cụ thể để bảo vệ và khôi phục chủ quyền này như cha ông Việt Nam đã làm hàng ngàn năm nay. Câu này cũng bác bỏ cách hiểu thứ nhì về [28][29].
[31] Đề nghị “kiên trì sử dụng Công ước LHQ về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS) và Tuyên bố về ứng xử của các bên tại biển Đông (DOC) cũng như những chứng cứ chủ quyền về Trường Sa – Hoàng Sa từ trước đây, tạo nên cách thức chủ đạo để bảo vệ biển Đông và các đảo Việt Nam; thu thập đầy đủ chứng cứ pháp lý để khi cần Việt Nam sẽ có thể đấu tranh pháp lý với Trung Quốc trên mặt trận pháp lý quốc tế” là hợp lý. Tôi có thể đi xa hơn và cho rằng Việt Nam nên công khai đề nghị Trung Quốc ra Tòa án quốc tế, nhưng có lẽ nhiều người cũng đồng ý rằng đoạn tôi trích cũng là hợp lý.
Câu “Chúng ta phải ôn hòa và kiên trì sử dụng Công ước LHQ về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS)” có từ “ôn hòa”. Trước sự gây gấn của Trung Quốc, đề nghị chúng ta phải ôn hòa có thể gây phản cảm. Nhưng có lẽ ông LVT có quyền đề nghị ôn hòa, và người khác có quyền đề nghị không ôn hòa, mà không cần phải đả kích nhau nặng lời. Và cũng còn tùy mỗi người định nghĩa thế nào là “ôn hòa”.
[32] Trả lời đó là hợp lý, và trong đó “chuẩn bị đầy đủ sức mạnh vũ trang để đáp trả khi bị tấn công” cũng nói lên phần nào về từ “ôn hòa” trong câu trước. Đề nghị ôn hòa nhưng phải sẵn sàng đáp trả vũ trang khi bị tấn công, không phải là đề nghị Việt Nam nên nhu nhược.
[33] Câu này ở đây và nằm trong ngoặc kép có vẻ lãng xẹt. Theo tôi hiểu thì nó là kết quả của sự biên tập vụng về. Tuy nhiên, khái niệm hay cả đề nghị “Ứng xử tương xứng với phẩm giá” không có gì sai nói chung hay trong bối cảnh hiện nay. Như ông LVT đã nói, người Việt Nam không sợ Trung Quốc – đó là một phẩm giá. Quyết liệt bảo vệ chủ quyền trước xâm lăng từ phương Bắc là một phẩm giá được đề cao cho mọi người từ lãnh đạo đến người dân (eg, những người dân như Hai bà Trưng, Bà Triệu, Phạm Ngũ Lão, Lê Lợi, Trương Công Định), một phẩm giá mà thế giới cho là rất đặc trưng về dân tộc Việt Nam. Ứng xử tương ứng với những phẩm giá đó là điều cần thiết cho mọi người từ lãnh đạo đến người dân.
- Bài phỏng vấn có những điểm tích cực và đã nói được lên báo chính thức [chính thống] một số điều tuy nhiều người biết nhưng ít ai đã đưa được lên báo chính thức [chính thống].
- Bài phỏng vấn cũng có một số điểm chưa cẩn thận đủ, chưa tính đủ đến các cách hiểu khác nhau của người đọc hay các ấn tượng khác nhau mà người đọc có thể có.
- Nhưng điều quan trọng là cái khung [nhan đề] của nó là không phù hợp cho bối cảnh.
Dương Danh Huy
Theo Bauxite Việt Nam
_________________________________
* Tác giả Dương Danh Huy là thành viên Quỹ Nghiên cứu Biển Đông.
** Bài liên quan: + 1347. TS Lê Vĩnh Trương: Không nên cực đoan đối với Trung Quốc. Lời bình của trang Ba Sàm: + Tin Chủ nhật, 4/11/2012; + Tin thứ Hai, 5/11/2012; + Tin thứ Ba, 6/11/2012.
Lời góp ý của trang Ba Sàm: Điều mà tác giả bài này nhận xét là “vụ bắn lầm đáng tiếc” và nội dung “hai quan điểm của người phê phán” là không được chính xác. Dù bài viết không nói ra, nhưng chúng tôi được biết nhận xét đó bao gồm và thậm chí chủ yếu nói về những bình luận của trang BS trong 3 ngày liền **.
Cần nói rõ một lần nữa là mục đích của chúng tôi không những phân tích, đánh giá nội dung trả lời phỏng vấn của ông Lê Vĩnh Trương, mà còn muốn đi tới cùng sự thực, làm rõ thực chất cái gì đằng sau nội dung đó, tức là có gì không bình thường ở việc biên tập, sử dụng bài phỏng vấn của báo PLTPHCM. Vậy thì cái đích “bắn” đâu đơn giản là ông LVT, mà là cả tờ báo PLTPHCM, đặc biệt là việc được gọi là “bắn” suy cho cùng cũng như để “cứu” ông LVT, đâu phải để “triệt hạ”, không lẽ tác giả Dương Danh Huy không đọc lời bình thứ ba của chúng tôi ngày 6/11/2012, khi mà ông cũng đã cùng chúng tôi trao đổi nhiều lần về vụ việc. Nếu ông tham khảo ít nhất hai bài, một của TS Nguyễn Minh Phong trên báo Nhân dân và một về bài “phỏng vấn” Nhà văn Nguyên Ngọc trên Quân đội ND thì chắc ông còn rõ thêm phương pháp của chúng tôi.
Muốn khép lại vấn đề này ngay sau lời bình thứ ba, thậm chí cũng tránh nói ra nhiều vấn đề “tế nhị” quanh việc sử dụng bài phỏng vấn đó vì không muốn phiền tới vài người trong cuộc, nhưng nay chúng tôi cũng đành phải nói thêm lần nữa và không bàn thêm nhiều nội dung bài báo này của ông Dương Danh Huy, trong đó ngay từ câu đầu: “người phê phán cho rằng ông LVT cho rằng chúng ta cực đoan đối với Trung Quốc” đã có sự lầm lẫn, đánh đồng rất tai hại khi dùng từ “chúng ta” như thể bao gồm trong đó cả người dân lẫn nhà cầm quyền VN.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét