"...đừng mất thì giờ và công sức cho những kiến nghị với Đảng, hay trăn trở tìm cách chấn chỉnh Đảng. Vô ích và vô duyên. Giải pháp cho đất nước chỉ có thể tìm thấy ngoài đảng cộng sản..."
Sự kiện quan trọng nhất năm 2012 đối với Việt Nam là một biến cố không được thông báo. Đó là cái chết của Đảng Cộng Sản Việt Nam. Nó đã đến như là kết quả của một tiến trình lão hóa và phân hóa chậm và liên tục.
Vá chỗ nào bác ơi? Nguồn: Biếm họa Kỳ Cục |
Một người chết lâm sàng có thể vẫn còn thở, tim có thể vẫn còn đập nhưng bộ óc đã ngưng hoạt động, không tri giác và không còn phản ứng được với thế giới bên ngoài.
Đó là đối với một con người. Đảng cộng sản là tổ chức và một chính đảng, cái chết của nó là cái chết của một chính đảng. Một tổ chức là sự kết hợp giữa những con người cùng theo đuổi một mục tiêu chung với cùng một phương thức. Đồng thuận về mục tiêu và phương thức là sức sống của một tổ chức. Khi đồng thuận không còn, dù vì người ta không đồng ý trên những mục tiêu hay vì không đồng ý trên cách đạt muc tiêu, thì tổ chức đã chết, ngay cả khi chưa tự giải tán. Một chính đảng là một tổ chức chính trị. Nó sống và chết như một tổ chức, chỉ khác một điều là đồng thuận của nó khó hơn vì mục tiêu của nó cao cả hơn và hành động của nó ảnh hưởng tới cả một dân tộc. Kinh nghiệm của mọi quốc gia đã chứng tỏ rằng một chính đảng chỉ có thể xây dựng và giữ gìn được nếu được quan niệm như một kết hợp để thể hiện một tư tưởng chính trị và để thực hiện một dự án chính trị. Khi không còn chức năng đó nó không còn lý do tồn tại và số phận chờ đợi nó là một cái chết chắc chắn. Hy vọng duy trì một đảng cầm quyền bằng quyền lợi, nhất là quyền lợi bất chính, là một hy vọng hão huyền luôn luôn bị thực tế bác bỏ. Quyền lợi chỉ chia rẽ chứ không bao giờ đoàn kết những con người trong một chính đảng. Vả lại một chính đảng chỉ có thể có những phương tiện cần thiết để thực hiện mục tiêu chứ không thể có quyền lợi, bởi vì về bản chất nó là một môi trường để hy sinh và đóng góp chứ không phải để thụ hưởng. Cái chết của một chính đảng khác cái chết của một con người ở chỗ nó kéo dài và không có thời điểm chính xác. Đảng mất dần sức sống và chết đứng. Nếu là một đảng đối lập nó chìm dần vào quên lãng. Nếu là một đảng cầm quyền nó biến thành một hư cấu làm bình phong cho một chế độ độc tài cá nhân và tan biến tức khắc cùng với nhà độc tài bởi vì nó chỉ là một hư cấu. Người ta đã thấy Tập Hợp Dân Chủ Hiến Định tại Tunisia và Đảng Quốc Gia Dân Chủ tại Ai Cập tan biến ngay sau khi Ben Ali và Mubarak bị hạ dù chúng đều là những đảng lâu đời và mới ngày hôm trước còn có hàng triệu đảng viên và hàng tỷ USD trong quỹ. Đó cũng đã là số phận của các đảng cộng sản Đông Âu và của đảng Baas của Saddam Hussein tại Iraq. Lý do là vì chúng chỉ là những hư cấu. Chúng được duy trì chỉ vì một lý do đơn giản là các chế độ độc tài cá nhân đều không muốn thú nhận rằng chúng là những chế độ độc tài cá nhân.
Sự chuyển hóa sang độc tài cá nhân là một chặng đường tự nhiên trong tiến trình đào thải của một chế độ độc tài đảng trị. Và đó là điều đã xảy ra tại Việt Nam. ĐCSVN đã mất lý tưởng sau ngày thống nhất khi mô hình Liên Xô mà Đại Hội IV, tháng 12 năm 1976, đã chọn thất bại một cách bi đát. Từ đó đảng cộng sản cai trị thuần túy bằng bạo lực như một lực lượng chiếm đóng và bắt đầu tiến trình phân hóa. Nó không còn dự án nào cho đất nước cả. Các cương lĩnh của các đại hội đảng kế tiếp nhau đều nhàm chán một cách tuyệt vọng. Chúng chỉ là những bản liệt kê những mục tiêu không biết dựa vào đâu mà có và làm thế nào để đạt tới, và được viết một cách gượng gạo. Tệ hơn nữa, chúng còn nhắc lại sự trung thành với chủ nghĩa Mác-Lênin, một chủ nghĩa đã chết và bị lên án như một tội ác đối với nhân loại. Và rồi đảng dần dần biến thành một tập đoàn kinh doanh bất chính với những công ty và khách sạn. Tham nhũng vì thế gia tăng nhanh chóng như là hậu quả tất yếu của một đảng cầm quyền đã mất lý tưởng và đạo đức.
Năm 2012 đã chứng kiến cố gắng cuối cùng để hồi sinh đảng cộng sản. Tháng 10-2011 hội nghị trung ương 4 ra nghị quyết về "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay". Những "vấn đề cấp bách" là tham nhũng, lãng phí và chiếm đoạt của công, mua quan, bán chức, chạy tội, chạy án, chạy bằng. Sau đó là trọn một năm chật vật phê bình và tự phê bình. Một "hội nghị cán bộ toàn quốc" gồm 1000 đại biểu trong đó có toàn bộ trung ương đảng, gần như một đại hội đảng giữa nhiệm kỳ, được triêu tập. Bộ chính trị và ban bí thư họp 21 ngày trong bốn đợt, ba tháng. Một ủy ban được thành lập để giúp bộ chính trị và ban bí thư nghiên cứu và đúc kết những báo cáo. Sau cùng là hai tháng chuẩn bị cho hội nghị trung ương 6, hội nghị kéo dài nhất trong lịch sử đảng. Tất cả với mục đích chỉnh đốn lại đảng để cứu đảng. Trong lịch sử các chính đảng khó có thể có cố gắng chỉnh đốn nào qui mô hơn. Nhưng kết quả đã chỉ là một con số không; không một ai bị kỷ luật cả, kể cả thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng mà bộ chính trị qui trách nặng nề. Lý do? Đảng cộng sản không thể làm gì cả vì không còn thực chất nào cả, nó chỉ còn là một hư cấu. Kết thúc hội nghị tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khóc, khóc mếu máo như trong một đám tang người thân. Hơn ai hết ông hiểu rằng đảng cộng sản không còn cứu vãn được nữa.
Người ta có thể nghĩ là để tôn trọng hình thức việc khiển trách hay bãi nhiệm thủ tướng và các bộ trưởng là công việc của quốc hội, ngay cả một quốc hội bù nhìn. Nhưng kỳ họp quốc hội sau đó cũng chẳng có gì, tuyệt đối không có gì. Năm 2012 đã chứng tỏ mọi cố gắng phục hồi đảng đều vô vọng.
Cũng có thể là Nguyễn Tấn Dũng sẽ bị loại trong thời gian tới. Ông quá tệ. Nhưng nếu như thế thì kết quả cũng chỉ là thay thế chính quyền của ông Dũng bằng chính quyền của một người hay một nhóm người khác. Vai trò đảng cộng sản cũng sẽ không thay đổi vì không thể thay đổi. Đó vẫn là một vai trò của một xác chết chưa chôn. Đảng cộng sản đã chết, chết đứng.
Tại sao cần hiểu là đảng cộng sản đã chết?
Một kết luận là để đừng mất thì giờ và công sức cho những kiến nghị với Đảng, hay trăn trở tìm cách chấn chỉnh Đảng. Vô ích và vô duyên. Giải pháp cho đất nước chỉ có thể tìm thấy ngoài đảng cộng sản.
Nguyễn Gia Kiểng
(tháng 12/2012)
Theo Thông Luận
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét