David Brown
Người dịch: Nguyễn Quốc Khải
Vào một buổi chiều của tháng 12, Đại Tá Trần Đăng Thanh trình bầy quan điểm của ông về vấn đề ngoại giao với một cử tọa gồm khoa trưởng và giáo sư thuộc nhiều trường đại học tại Hà Nội.Những nhận xét của Đại Tá Thanh được xem là bí mật quốc gia như tất cả những công việc của Đảng Cộng Sản Việt Nam (CSVN). Tuy nhiên, một người trong cử tọa đã thâu âm buổi nói chuyện này ngoài sự hiểu biết của Đại Tá Thanh, một giảng viên tại một trường quân sự hàng đầu. Chẳng bao lâu, toàn bộ bài thuyết trình này được đưa lên Internet và lan truyền đi khắp nơi.
Hình (Đài Chương Mỹ): Đại Tá Trần Đăng Thanh |
Trung Quốc xâm chiếm không thương xót những hòn đảo và lãnh hải mà Việt Nam đòi chủ quyền là một vấn đề khó chữa trị của chế độ. Trong vài năm nay, chánh quyền Việt Nam bị chỉ trích mạnh mẽ vì phản ứng quá yếu ớt đối với những khiêu khích của Trung Quốc theo cái nhìn của những bloggers.
Nhiệm vụ chính của Đại Tá Thanh là giải thích tại sao, theo quan điểm của những nhà lãnh đạo Việt Nam, chính sách kiềm chế là con đường hữu lý duy nhất của quốc gia đối với một nước láng giềng to lớn. Việc thu âm không làm mọi người chú ý nếu Đại Tá Thanh gắn bó với chủ đề này. Tuy nhiên, ông đã thêu dệt buổi nói chuyện hai giờ với những điệp khúc như sự phụ bạc của Hoa Kỳ, chế độ đáng được khâm phục của Bắc Hàn và Ba Tư, sự trở lại hầu như chắc chắn của Nga, và cuộc thảo luận lâu dài và khó hiểu về sự cùng sống còntrên 1,000 năm với người láng giềng khổng lồ ở phương Bắc.
Đối với những người phê phán chế độ Việt Nam, những lời bình luận lung tung của một giáo sư cho đến nay ít được người ta biết đến này tiêu biểu cho những sai lầm về chính trị của Việt Nam. Tuy nhiên, cuộc thảo luận về chính sách ngoại giao không làm năng động thế giới bloggers.
Ở trong nước, người ta hết sức chú ý đến một đoạn ngắn ở gần phần đầu của bài nói chuyện.Đại Tá Thanh ghi chú rằng trong nhiệm kỳ đầu Tổng Thống Nga Vladimir Putin đã cấm những hoạt động của Đảng Cộng Sản và hủy bỏ lương hưu của nhửng cựu viên chức Liên Bang Sô Viết. Đại Tá Thanh báo động rằng điều này cũng có thể xẩy ra ở Việt Nam nếu Đảng CSVN sụp đổ.
“Hiện nay các đồng chí đang công tác chưa có sổ hưu nhưng trong một tương lai gần hoặc một tương lai xa chúng ta cũng sẽ có sổ hưu và mong muốn mỗi người chúng ta sau này cũng sẽ được hưởng sổ hưu trọn vẹn. Và tôi đi giảng bài cho tất cả các đối tượng, bảo vệ tổ quốc Việt Nam thời XHCN hiện nay có rất nhiều nội dung, trong đó có một nội dung rất cụ thể, rất thiết thực với chúng ta đó là bảo vệ sổ hưu cho những người đang hưởng chế độ hưu và bảo vệ sổ hưu cho những người tương lai sẽ hưởng sổ hưu, ví dụ các đồng chí ngồi tại đây. Cho nên ta phải nói rõ luôn, hiện nay chúng ta phải làm mọi cách để bảo vệ bằng được Tổ quốc Việt Nam thời XHCN.”
Blogger Dong Phung Viet bầy tỏ một cách khinh bỉ rằng Đại Tá Thanh không đề cập đến chủ đề tuyên truyền quen thuộc của đảng một lần nào cả. Ông không nói gì về cuộc đấu tranh để xây dựng một quốc gia “hòa bình, độc lập và xã hội chủ nghĩa, công bằng và dân chủ, có chủ quyền và an ninh trên toàn lãnh thổ.”
Những nhà ngoại giao ở Việt Nam chắc chắn đang mải mê nghiên cứu chuyến thăm viếng thế giới của Đại Tá Thanh nhìn từ phía Hà Nội. Ông đề cập riêng đến năm nước trong buổi nói chuyện: Hoa Kỳ, Nga, Iran, Bắc Hàn, và Trung Quốc. Một cách tóm tắt, Đại Tá Thanh nói:
Về Hoa Kỳ, “thực ra mà nói, Mỹ đang thực hiện chiến lược hai mặt. Một mặt đang dùng Việt Nam như một lực lượng tiên phong để chặn Trung Quốc. Mặt thứ hai đang tìm mọi cách để phá vỡ mối quan hệ đoàn kết lâu đời của Việt Nam, giữa nhân dân Việt Nam và nhân dân Trung Quốc mà người hưởng lợi sẽ là nước Mỹ. … Mỹ cũng đang rất muốn là có được quân cảng Cam Ranh bởi vì quân cảng Cam Ranh là một trong ba cảng tốt nhất thế giới … người Mỹ đang thực hiện diễn biến hòa bình trên lĩnh vực giáo dục đào tạo của chúng ta.”
Về Nga, “vươn lên lại với một nền kinh tế được thúc đẩy bởi nguồn dự trữ vô tận về dầu hỏa và khí đốt và những kỹ nghệ quốc phòng hàng đầu. Câu hỏi đặt ra Liên bang Nga cần gì ở Việt Nam? Liên bang Nga đang xác định là quay lại khu vực Châu Á Thái Bình Dương, đặc biệt là khu vực Đông Nam Á. Trong quá khứ, Nga đã hỗ trợ mạnh mẽ bộ binh và hải quân của chúng ta.Họ cũng đang muốn thông qua Việt Nam để quay lại. Liên bang Nga đánh giá rất cao Việt Nam chúng ta, Việt Nam là một nước thủy chung son sắt … Họ cũng muốn thuê Cam Ranh của chúng ta như người Mỹ tham gia đề nghị. Và chắc chắn chúng ta cũng sẽ không cho bất cứ nước ngoài thuê mướn …”
Về Iran.“Tổng số người dân đạo Hồi trên thế giới chiếm khoảng 1,1 tỷ dân ở giữa Châu Âu và Châu Á. Họ là những dân tộc thiện chiến … Người Hồi giáo muốn làm những điều có nghĩa là nhào nặn lại trái đất này để theo đúng ý định của thánh Ala.Cộng hòa Hồi giáo Iran kiên quyết phát triển năng lượng hạt nhân vì mục tiêu hòa bình. Còn câu chuyện người ta từ năng lượng hạt nhân vì mục tiêu hòa bình, họ sản xuất vũ khí hạt nhân hay không là việc của họ, ta không bàn ở đây ... Và họ chắc chắn rằng Cộng hòa Hồi giáo người ta có đủ sức mạnh để bảo vệ quyền lợi của họ.”
Về Bắc Triều Tiên, “dân nghèo về phương diện kinh tế, nhưng họ lại quá thừa về lòng yêu nước. Lòng yêu nước của họ như những năm 60, 70 của thế kỷ 20 ở đất nước chúng ta. Triều Tiên vẫn đang trong trạng thái chiến tranh.Họ phóng hỏa tiễn … và được kính nể.Họ làm bất cứ điều gì họ nói.Họ quyết tâm trở thành một quốc gia nguyên tử. Họ làm những nước lớn mất ăn mất ngủ vì hỏa tiễn của họ. Đó là vài điều chúng ta cần nghiên cứu.”
Về Trung Quốc, (tới đây Đại Tá Thanh chuyển sang đề tài phụ trong khoảng 20 phút về lịch sử văn hóa của Việt Nam vay mượn của Trung Quốc trong khi đó phải chiến đấu để đẩy lui quân xâm lăng khoảng 200 năm một lần. Sau cùng ông nói đến sự phát triển kinh tế lớn mạnh của Trung Quốc dưới thời cựu lãnh tụ Đặng Tiểu Bình, ‘Khát vọng cháy bỏng của Ông Đặng,’ là vấn đề Biển Đông).
Đại Tá Thanh nói rằng những suy tính về quốc phòng và những lôi cuốn của nguồn dầu hỏa và hơi đốt ở gần nhà là những yếu tố quy định chính sách của Trung Quốc.Điều này làm cho Trung Quốc trở thành mối đe dọa chính đối với những hòn đảo và lãnh hải mà Việt Nam đòi chủ quyền, nhưng đó không phải là mối đe dọa duy nhất.
Chuyển sang việc thảo luận về những vấn đề Biển Đông.Dù Đại tá Thành không khi nào nói đúng như vậy, ông ấy đã khăng khăng tìm cách đưa ra quan niệm rằng việc chiến đấu với Trung Quốc là chuyện không thể tường tượng được.Trung Quốc có 1.3 tỉ người và chúng ta chỉ có 90 triệu. Như vậy đối với Việt Nam, Trung Quốc là một trường hợp đặc biệt.“Ta không quên họ đã từng xâm lược chúng ta nhưng ta cũng không được quên họ đã từng nhường cơm xẻ áo cho chúng ta. Ta không thể là người vong ơn bội nghĩa.”
Đại Tá Thanh coi thường ý niệm rằng Việt Nam có thể dựa vào sự hỗ trợ của Hoa Kỳ. “Người Mỹ chưa hề, chưa từng và không bao giờ tốt thật sự với chúng ta cả. Phải nói rõ luôn. Nếu có tốt chỗ này, có ca ngợi chúng ta chỗ kia, có ủng hộ chúng ta về Biển Đông chẳng qua vì lợi ích của họ. Họ đang thực hiện ‘thả con săn sắt, bắt con cá rô.’”
Đại Tá Thanh xác nhận rằng điều quan trọng thứ nhất của chiến lược của Việt Nam phải là bảo vệ nền độc lập và quyền tự quyết, ông vay mượn một câu nói thường được nhắc tới của Ông Hồ Chí Minh.Nhưng việc gìn giữ hòa bình cũng phải được ưu tiên, Ông Thanh nói tiếp.Đây không phải là việc dễ dàng, quả thật nó là một việc mâu thuẫn, và chìa khóa để đạt được điều này là duy trì sự đoàn kết giữa hai dân tộc Việt Nam và Trung Quốc.
Ông Thanh tuyên bố rằng bốn điều phải tránh là đối đầu về quân sự, đối đầu về kinh tế, cô lập và dựa vào một nước ngoài. Ông Thanh thừa nhận rằng “lấy lại quần đảo Hoàng Sa (Trung Quốc đã đánh đuổi quân đội miền Nam Việt Nam bảo vệ những đảo này) sẽ rất khó khăn, nhưng chúng ta phải thử một cách khôn khéo, tránh đụng độ trực tiếp.”Ông Thanh nói “chúng ta bảo Trung Quốc rằng việc đòichủ quyền của chúng ta đối với các đảo tốt hơn là của Trung Quốc.Việt Nam có đầy đủ cơ sở lịch sử và pháp lý, các đồng chí [Trung Quốc] không nhất trí, chúng tôi với các đồng chí cùng ra tòa quốc tế. Tòa án quốc tế xử lý như thế nào thì chúng tôi chấp nhận như thế.”
Sau cùng, Đại Tá Thanh nhấn mạnh về sựliên hệxác đáng của buổi thuyết trình vớicác nhân vật quan trọng tụ họp để nghe ông nói. Ông tuyên bố rằng những cuộc biểu tình chống xâm lăng của Trung Quốc bất hợp pháp không phục vụ quyền lợi của đất nước. Những kẻ thù của Việt Nam đang dùng vấn đề Biển Đông để kích động sinh viên.Đại Tá Thanh nói rằng quá nhiều cuộc biểu tình đã xẩy ra và cần phải được chấm dứt.
Ông Thanh nói toạc ra rằng “Điều này tùy thuộc tất cả các đồng chí, những người lãnh đạo các trường học. Đảng trông đợi các đồng chí quản lý những người trẻ.Nếu chúng tôi biết sinh viên thuộc trường của các đồng chí tham dự vào những cuộc biểu tình, chắc chắn hồ sơ của các đồng chí sẽ có vết đen.”
Người dịch: Nguyễn Quốc Khải
----------------------------------------
Nguồn: State Secrets Revealed in Vietnam - David Brown (Asian Time)
Chú thích của người dịch:
1. David Brown nguyên là nhà ngoại giao Hoa Kỳ. Ông thường xuyên viết về Việt Nam.
2. Trần Đăng Thanh, đại tá, phó giáo sư, nhà giáo ưu tú, giảng viên Học Viện Chính trị, Bộ Quốc Phòng.
3. Nguyễn Quốc Khải, cựu tham vấn và cựu chuyên viên của Ngận Hàng Thế Giới, cựu tham vấn của Đài Á châu Tự Do, và cựu giáo sư thính giảng của Johns Hopkins University.
4. Một phần của bản tiếng Việt này trích từ bài thuyết trình của Đại Tá Trần Đăng Thanh để phản ảnh trung thực ngôn từ của Ông Thanh.
5. Đoạn tiếng Việt sau đây là của Ông David Brown: “Dù Đại tá Thành không khi nào nói đúng như vậy, ông ấy đã khăng khăng tìm cách đưa ra quan niệm rằng việc chiến đấu với Trung Quốc là chuyện không thể tường tượng được.”
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét