Doanh nhân Sài Gòn - Cảm ơn suy thoái - Người Đưa Tin -->

Breaking

Post Top Ad

Thứ Ba, 18 tháng 12, 2012

Doanh nhân Sài Gòn - Cảm ơn suy thoái


Bích Hồng

Chuyện thay đổi đang diễn ra ở các ngân hàng nắm giữ mạch máu lưu thông nền kinh tế. Tại một chi nhánh chuyên phục vụ khách gửi tiền tiết kiệm của Ngân hàng A., nhân viên các quầy đồng loạt ngẩng lên khi nghe tiếng cửa mở và sẽ có một cô nhanh miệng ríu rít gọi đúng tên khách hàng và hỏi: "Cô cần gì, lại đây em làm cho?".

Khách đến với ý định rút tiền chuyển sang chỗ khác có lãi suất hấp dẫn hơn chút đỉnh đâm ra ngần ngừ vì thái độ nồng nhiệt ấy. Với số tiền tích lũy khiêm tốn từ đồng lương công chức đem gửi tiết kiệm mà vẫn được người của ngân hàng nhớ mặt, nhớ tên, một thái độ trân trọng tuyệt vời như thế mấy khi khách "lẻ” được hưởng.

Ngoài cửa chi nhánh còn có một anh bảo vệ chuyên dắt xe xuống vỉa hè cho khách đến giao dịch. Những chuyện ấy hồi trước làm gì có, thậm chí trước đây nếu khách không đến làm thủ tục lúc đáo hạn tiền gửi, có thể sẽ phải cãi cọ với nhân viên giao dịch vì bỗng nhiên phải chịu lãi suất tự do, tức là mức lãi suất thấp nhất, một cách vô lý.

Vậy là khách quyết định không rút tiền nữa, coi thái độ ân cần của cô nhân viên kia là một món lãi văn minh cộng thêm họ được hưởng thụ.

Một anh bạn kể chuyện, bước vào một trung tâm của MobiFone, anh được cô gái xinh đẹp mặc áo dài mở cửa, kéo ghế mời ngồi và hỏi anh cần gì. Cô gái đẹp làm anh lúng túng vì mình là đàn ông mà được "chăm sóc" kỹ vậy! Anh mất điện thoại và muốn giữ lại số sim cũ.

Lúc này nhân viên giao dịch cũng không bắt anh khổ sở nhớ xem 5 số điện thoại gọi gần nhất là số nào, một việc ít ai làm nổi nhưng trước nay MobiFone vẫn bắt khách hàng phải làm.

Giờ thì miễn! Khách được giải đáp tối đa, được mời uống trà và ăn kẹo trong lúc chờ lấy sim mới với cái giá phải trả đúng 15 ngàn đồng. Cô gái đẹp mặc áo dài lại mở cửa tiễn anh ra tận vỉa hè với nụ cười làm anh thấy mình cứ muốn quay lại đó lần nữa!

Ở trung tâm giải trí lớn và sang trọng nhất Đà Nẵng, món quà Giáng sinh đã được gửi từ tuần lễ đầu của tháng 12 đến các khách hàng thân thiết. Một chai champagne Nga và hộp sôcôla cho ngày lễ vui vẻ. Đi chơi game mà được tặng quà hậu hĩ?

Óc sáng tạo thời suy thoái kinh tế đã làm việc cật lực để giúp người kinh doanh nghĩ ra những độc chiêu giữ chân khách bất ngờ như thế! Họ cần đảm bảo dù các gia đình thắt chặt chi tiêu vẫn không thể bớt chút tiền giải trí mùa Giáng sinh và đón chào năm mới ở trung tâm này.

Ở đâu bạn cũng nhận được tấm lòng thơm thảo của người kinh doanh. Các trung tâm bất động sản in catalogue màu, tuyển nhân viên đẹp, ăn mặc lịch sự đến tận khu dân cư giới thiệu sản phẩm.

Các cô gái bán hàng thời trang sẵn lòng lục tung tất cả mẫu mã, cho bạn thử hàng chục loại váy áo với nụ cười và những lời khen ngợi. Quán cà phê quen tăng cường thêm cây xanh và những bức tranh sơn dầu, mặc cho lạm phát leo thang bắc cầu, bảng menu đã hai năm vẫn giữ giá cũ.

Thỉnh thoảng ông chủ quán còn gửi đến bàn một dĩa nhỏ bánh cake để khách nhấm nháp với ly cà phê trưa. Ngay cả quán xá Hà Nội khét tiếng về "khinh khách" nay cũng tỏ thái độ khiêm tốn hơn trước thượng đế. Đến bà hàng rau, hàng thịt cũng tìm mọi cách chứng minh với khách miếng thịt, mớ rau của em là từ quê ra, không phải hàng Trung Quốc.

Tình cờ báo sáng nay đăng hình ảnh một con trăn gấm "khủng" bị bắt ngoài ruộng, nằm trong chuồng chê mồi. Hai con vịt sống đứng trên mình con trăn, một con rúc đầu vào cánh vô tư ngủ, con còn lại bình thản đưa mắt nhìn xung quanh.

Cái khung cảnh thanh bình ấy làm người ta ngạc nhiên vì bản năng hoang dã, hung tợn của loài trăn đâu rồi, sao nó lại chung sống hòa bình với hai con vịt béo múp?

Một chuyên gia nuôi trăn nhận định, con trăn này là trăn nuôi lâu ngày bị sổng, đã mất hết bản năng gốc, nó thích ứng với đời sống mới nên chỉ ăn trái cây. Chợt nhận thấy nền văn hóa kinh doanh thời suy thoái rất giống con trăn nuôi, đã từ bỏ được những thói quen cũ, thích ứng thật nhanh với hoàn cảnh.

Trong muôn vàn cái khổ vì suy thoái kinh tế, vì lạm phát leo thang, đồng lương giậm chân tại chỗ, hãy tự an ủi và nói lời cảm ơn suy thoái đã tạo ra một nền tảng mới chắc chắn hơn cho văn hóa thương mại, trả lại "cái ghế” thượng đế cho người tiêu dùng.

BÍCH HỒNG

Theo báo Doanh Nhân Sài Gòn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad