Sau nhiều cuộc thử lửa lòng yêu nước của người Việt Nam chống bá quyền Trung Quốc thông qua những cuộc xuống đường từ 2007 đến cuộc biểu tình mới nhất diễn ra ngày 09/12/2012, tôi chủ quan nhận định tình hình dân chủ đang tiến những bước xa hơn, nhanh hơn.
Hà Nội với mười mấy cuộc biểu tình, đã dần hoàn thiện hơn về chất "biểu tình chuyên nghiệp", đặc biệt tính đoàn kết "một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ" là điều rất quý báu mà người Hà Nội quyết không ra về cho đến khi một người bạn cuối cùng chưa được thả ra tại Lộc Hà, đó chính là điều mà Sài Gòn chưa có được trong việc chở che lẫn nhau.
Nét mới của Sài Gòn trong lần biểu tình này, có lẽ gây ấn tượng mãnh liệt nhất là từ những người (tạm gọi là) "mới" trong cuộc xuống đường như: ông Lưu Trọng Ninh, ông Lê Phú Khải, vợ chồng LS. Trương Trọng Nghĩa - Nguyễn Thế Thanh (cựu phó GĐ Sở VH - TT), ông Kha Lương Ngãi (Phó TBT báo SGGP), ông Nguyễn Hữu Phước (con trai LS. Nguyễn Hữu Thọ) v.v... đặc biệt là từ ông Huỳnh Tấn Mẫm - một trong những vị khởi xướng lần biểu tình này.
Quan sát trực tiếp từ Sài Gòn cho đến những hình ảnh, video clip tại Hà Nội, tôi có suy nghĩ những cuộc biểu tình của chúng ta cần đổi mới và linh hoạt hơn nữa với những sáng tạo nhỏ, vui tươi hơn, hóm hỉnh hơn, giảm bớt mệt nhọc dù ít nhất và đặc biệt là không quá căng thẳng với lực lượng an ninh, mà giờ đây họ đã trở nên nhất quán "thu về một mối", không để cho quận tự biên tự diễn nữa như blogger Người Buôn Gió đã nhận xét từ Hà Nội [1]. Đặc biệt tại Sài Gòn, một chàng trai trẻ đã bị bắt giữ cho đến nay chưa biết được tung tích ra sao [2].
(Ảnh AP/Na Son Nguyen) |
Bầu ơi thương lấy bí cùng
Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn
(Ca dao Việt Nam)
Những lời kêu gọi như thế chắc chắn lay động ít nhiều những tâm hồn dù sỏi đá nhất, bởi chúng ta xuống đường là cho an nguy toàn dân tộc, không cho riêng ai. Trong sâu thẳm tâm hồn của phần lớn những chàng trai, cô gái cho đến những viên công an với chức vụ cao cùng tuổi đời không còn trẻ, có lẽ họ cũng cảm nhận việc làm đúng của những người biểu tình. Hãy cảm thông với họ và tránh quá căng thẳng với họ. Điều đó cũng có nghĩa chúng ta luôn giành thế CHỦ ĐỘNG - điều quan trọng cho bất kỳ cuộc biểu tình nào.
Tại Hà Nội, tôi chỉ ngạc nhiên, những lần trước, nhiều người vui vẻ kéo rốc nhau lên xe bus mà không đợi phía công an phải lôi kéo, trong khi lần này có vẻ quá giằng co? Xin hãy kéo nhau hết lên xe bus như các lần trước, bởi các bạn biết rõ, bạn hữu không bao giờ bỏ rơi như đã diễn ra nhiều lần.
Cuộc xuống đường tại Sài Gòn dù diễn ra không thành công bằng Hà Nội, nhưng tạo được tiếng vang tốt, có lẽ xuất phát từ những người quá nổi tiếng, bởi họ là những người:
Lại đúc nên chính cỗ máy này.
Tuy vậy, việc biểu tình tại Sài Gòn vừa qua cho thấy những người khởi xướng có vẻ chuẩn bị chưa thật chu đáo, với nhiều chi tiết lóng ngóng để giới an ninh dễ dàng vô hiệu hóa và ngăn chặn. Kinh nghiệm từ những cuộc biểu tình 40 năm về trước, dường như bị bỏ quên khiến một số vị bị "lụt nghề" sau quá nhiều năm im tiếng???
Trước hết, xin đừng nghĩ dân kéo đến với biểu tình mà hãy nghĩ ngược lại, các vị chủ xướng hãy cùng nhau chủ động đến với dân, thông qua CHỢ.
Từ đó, chúng ta thấy, về địa điểm, mặc dù, Nhà hát Tp ở Sài Gòn, Nhà Hát lớn ngoài Hà Nội với lợi thế kiến trúc kiểu Pháp, mười mấy bậc tam cấp tạo cho sảnh vào trở thành một "sân khấu lộ thiên", nhưng dường như nó chỉ thích hợp cho những cuộc diễn thuyết, hùng biện mang chất dân chủ tự do văn minh theo phong cách phương Tây, hơn là nơi để kêu gọi toàn dân chống bá quyền Trung Quốc từ những người dân vẫn còn bề bộn cơm áo? Và "sân khấu lộ thiên" đó bỗng trở nên khá dễ dàng cho những bộ óc ấu trĩ, thô kệch và quê mùa độc chiếm nó như là một khu vực dễ dàng phong tỏa, xé lẻ và vây bắt hơn bất kỳ sân khấu lộ thiên nào khác, cũng như khá nguy hiểm đối với người cao tuổi mà (hình như) một vị Kiến trúc sư cao tuổi (tại Sài Gòn) bị xô ngã, tuy may mắn không xảy ra hậu quả lớn.
Tại Hà Nội, có thể lần tới nên khởi đầu từ chợ Đồng Xuân (hay chợ nào nổi tiếng ngoài Hà Nội, xin lỗi tôi không rành), trong Sài Gòn, tôi đề xuất chợ Bến Thành.
Các cuộc biểu tình năm ngoái, người ta thấy xuất hiện nhiều hình ảnh của ông Hồ Chí Minh, ông Võ Nguyên Giáp và nay những hình ảnh này đã không còn hiệu quả. Tại sao chúng ta không nghĩ đến những tấm ảnh cỡ lớn của ông Nguyễn Tấn Dũng, Nguyễn Phú Trọng, Trương Tấn Sang, Trần Đại Quang, Phùng Quang Thanh, Tô Huy Rứa, Đinh Thế Huynh, Phạm Quang Nghị, Nguyễn Thế Thảo, Lê Thanh hải, Lê Hoàng Quân, Nguyễn Thị Quyết Tâm, Nguyễn Đức Chung (GĐ CAHN), Lê Đông Phong (GĐ CA Tp.HCM) v.v... và những tấm ảnh phóng đại cỡ lớn này nên là những tấm ảnh thật đẹp (đúng nghĩa đen) cùng với những khẩu hiệu mà chính các ông này phát ngôn ví dụ: "không thể nào trù úm cả dân tộc", "nhóm lò lên, củi khô củi tươi gì cũng cháy" v.v... và còn rất nhiều câu mà tôi tin với sự thâm thúy của người Việt Nam, chắc chắn sẽ bật ra những câu tưởng như vô ích bỗng trở nên đầy ý nghĩa.
Các cuộc biểu tình chúng ta luôn vô cùng căng thẳng và kết thúc là những cuộc bắt bớ, hành hung và tống vô trại giam. Đó là điều ai cũng biết và bức xúc, tuy vậy, tôi xin đề xuất một số ý nhỏ để sự căng thẳng giảm bớt phần nào và hình ảnh sẽ trở nên hài hước hóm hỉnh có thể làm cho giới công an không quá mạnh tay:
+ Ngoài các khẩu hiệu quen thuộc (và có phần căng cứng), hãy nghĩ ra những khẩu hiệu vẫn đầy ý nghĩa nhưng vui nhộn như: "có ai không muốn ăn cá Biển Đông khô...ông?!" (nghe như một tiếng rao hàng, vui lắm chứ), "mất biển Đông cạp đất mà ăn à?!" v.v... với sự hài hước, hóm hỉnh của giới trẻ Việt Nam và cả những bậc trưởng thượng, tôi tin còn khối câu khẩu hiệu hài hước hơn mà vẫn đầy ý nghĩa.
+ Ngoài màu đỏ, có lẽ nên thêm những màu dịu mắt khác như: xanh nước biển (rất có ý nghĩa), xanh lá non với phông chữ màu cam, vừa nổi bật vừa mát mắt. Chúng ta đều biết, màu sắc góp phần ảnh hưởng tâm lý khá nhiều.
+ Đoàn biểu tình cũng nên nghĩ đến HOA. Hãy hình dung trên tay mỗi người chỉ cần thêm một cành hoa, không khí sẽ bớt căng thẳng đi hẳn, khi rừng hoa cùng vung cao tay. Xin hãy chọn những hoa tương đối bền như: Cẩm Chướng, Cúc, Thược Dược, Phong Lan v.v...
+ Theo tôi biết, hiện nay điệu nhạc GANGNAM STYLE [3] rất thu hút giới trẻ (gần một tỉ người xem trên youtube), vừa vui nhộn, vừa hóm hỉnh, nhảy tự do, không ràng buộc, phù hợp với đường phố, thậm chí cả người lớn tuổi cũng có thể nhảy được, như nghệ sĩ Kim Cương đã làm [4]. Phải chăng các bạn trẻ cần nghĩ tới điệu nhảy hài hước này với trang phục bắt mắt, cùng những khẩu hiệu viết trên ngực, sau lưng, dải băng cột ngang đầu, đôi giày thể thao chọn màu thật nổi v.v...? Tôi nghĩ, chỉ cần chừng 5 hay 7 thanh niên, thiếu niên cùng biểu diễn trong dòng người biểu tình (tất nhiên càng đông càng hay), chắc chắn sẽ gây ấn tượng lớn và sẽ gây ngạc nhiên, thích thú lẫn phì cười góp phần làm giảm căng thẳng cho cuộc biểu tình vốn trước nay quá khô, cứng và đầy bạo lực. Phần nhạc để làm nền, các bạn trẻ có thể dùng máy nghe nhạc mp3 (nhỏ gọn, giắt theo bên hông gọn nhẹ) rồi cùng mở nhạc đồng loạt. Phần lời, có thể chế ra lời Việt cho phù hợp với nội dung biểu tình chống giặc Tàu.
"Tuổi nhỏ làm việc nhỏ tùy theo sức của mình" :) Lời này thì ai cũng biết.
Các bạn trẻ còn nhớ khô...ông!!!
Cám ơn các bạn trẻ xuất hiện ngày càng nhiều để chứng minh Đất Nước này vẫn còn cơ may vẹn toàn.
Nguyễn Ngọc Già
________________
[1]Người Buôn Gió - Ngày hôm qua
[2] Paulo Thành Nguyễn - Viết cho người anh em bị bắt
[3]http://www.youtube.com/watch?v=9bZkp7q19f0
[4] NSND Kim Cương nhảy Gangnam style
Theo Dân Luận
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét