Một vài ý kiến phản hồi GS Hoàng Tụy về Cải Cách Giáo Dục - Người Đưa Tin -->

Breaking

Post Top Ad

Thứ Bảy, 15 tháng 12, 2012

Một vài ý kiến phản hồi GS Hoàng Tụy về Cải Cách Giáo Dục


Tôi có một vài ý kiến phản hồi bài Đề Cương Cải cách giáo dục (*) của GS Hoàng Tụy như sau:

1) Một chương trình giáo dục phổ thông tiên tiến (CTGDPTTT) không nhất thiết phải bao hàm ngay các vấn đề nhạy cảm.

GS Hoàng Tụy
Theo tôi, chương trình giáo dục phổ thông tiên tiến cần đảm bảo được thời gian tự học và sáng tạo cá nhân, thời gian thảo luận, giảm tầm quan trọng của điểm số, khuyến khích tinh thần hiếu học của học sinh và một vài điều khác. Quan trọng là xây dựng được khung thời gian hợp lý cho từng loại hoạt động giáo dục (thời gian giáo viên giảng bài, thời gian thảo luận, thời gian tự học và sáng tạo, thời gian sinh hoạt ngoại khóa v.v..). Các vấn đề nhạy cảm hoặc không nhạy cảm chỉ là các nội dung để bỏ vào cái khung ấy. Nếu cứ đòi hỏi lồng ghép ngay lập tức các vấn đề nhạy cảm vào khung thì rất có thể các thế lực bảo thủ sẽ cương quyết chống lại toàn bộ các nỗ lực cải cách để bảo vệ lợi ích của họ. Cho dù Ủy Ban Quốc Gia Chỉ Đạo Cải Cách Giáo Dục được thành lập nhưng những người tâm huyết muốn đưa các nội dung nhạy cảm vào CTGDPT bị gạt ra ngoài thì mong muốn của GS Hoàng Tụy cũng không thực hiện được.

Tôi nghĩ bước đầu chương trình giáo dục phổ thông tiên tiến cần đặt ra một số mục tiêu cơ bản như: học sinh được tiếp nhận một khối lượng kiến thức đủ lớn và quan trọng, có năng lực tranh luận, có kỹ năng tự tìm kiếm tài liệu, tự nghiên cứu vấn đề và có đủ thời gian để phát triển sáng tạo cá nhân.

Trẻ em Mỹ và nhiều quốc gia phát triển được cho thảo luận về các vấn đề chính trị, v.d. bầu cử tổng thống từ lớp 1. Giáo dục tiểu học Việt Nam cũng có thể sử dụng khung chương trình giáo dục của Mỹ, chỉ có điều thay thế các chủ đề đó bằng các vấn đề văn hóa, xã hội khác. Các vấn đề nhạy cảm sẽ được các nhà giáo dục thảo luận, đấu tranh, đưa vào dần dần. Một khi đã có khung chương trình và thử nghiệm một thời gian tương đối tốt, thay thế nội dung giáo dục này bằng nội dung giáo dục kia không phải là điều khó và mất nhiều thời gian.

2) Thuê các chuyên gia giáo dục và giáo viên nước ngoài ở những vị trí chủ chốt trong quá trình cải cách giáo dục.

Các chuyên gia nước ngoài sẽ thiết kế toàn bộ khung chương trình giáo dục phổ thông. Những người này cũng sẽ phối hợp với các chuyên viên giáo dục của Việt nam xây dựng các nội dung chương trình giảng dạy và các hoạt động cho khung đó. Các giáo viên giỏi và nhiều kinh nghiệm của nước ngoài sẽ được thuê để làm việc dài hạn ở VN để tập huấn cho các giáo viên Việt Nam.

Lấy ví dụ là các chương trình tìm kiếm các tài năng thanh nhạc hiện nay ở Việt nam. Thực tế cho thấy, mặc dù tất cả các chương trình này đều rất đơn giản, nhưng những chương trình sử dụng format của nước ngoài luôn hấp dẫn hơn và hứa hẹn có tuổi thọ lâu dài hơn. Giáo dục cũng vậy, các nhà giáo dục phương tây có kinh nghiệm hơn ta rất nhiều trong việc xây dựng chương trình, khuyến khích tinh thần hiếu học, tìm tòi, sáng tạo của học sinh cũng như kinh nghiệm xây dựng các chương trình thi cử, đánh giá và đào tạo giáo viên.

Đặt vấn đề thuê chuyên gia và giáo viên nước ngoài bởi tôi biết rằng trước đây Chương Trình Quốc Gia về Công Nghệ Thông Tin (CNTT) và Thương Mại và Chính Phủ Điện Tử (TM & CPĐT) là do chuyên viên Bộ Khoa Học và Công Nghệ và Bộ Thương Mại thiết kế. Đấy là một trong những lý do khiến các chương trình này thất bại. Tôi e ngại rằng chương trình Cải Cách Giáo Dục cũng sẽ lại thực hiện theo cung cách đấy. Bộ Giáo Dục cử chuyên viên đi tập huấn ở nước ngoài vài khóa rồi về tự thiết kế cây nhà lá vườn, bởi họ cho rằng cải cách giáo dục không khó và nhiều nội dung chương trình là đặc thù Việt Nam và phải dựa trên điều kiện kinh tế Việt Nam.

Mặc dù chương trình Cải Cách Giáo Dục không phức tạp và khả năng thành công cao hơn các chương trình CNTT và TM & CPĐT, tôi nghĩ vẫn nên để cho các chuyên gia nước ngoài thiết kế toàn bộ và cố vấn về nội dung chương trình. Chuyên gia Việt Nam chỉ nên phụ giúp thôi. Tốn tiền một chút nhưng khả năng thành công và độ bền của chương trình cao hơn nhiều.

Một vấn đề nữa là không nên mất thì giờ tranh cãi về Triết lý giáo dục. Các trường tư danh tiếng ở phương tây đều có sẵn các bản triết lý giáo dục rồi. Việt Nam chỉ cần đem về sửa đổi câu chữ một chút cho phù hợp hoàn cảnh nước ta. Dĩ nhiên, thiết kế chương trình cho một trường tư thì khác với chương trình giáo dục của một quốc gia, nhưng dưới nhiều góc độ, chương trình một quốc gia cũng chỉ là nhân bản chương trình của một trường tư mà thôi.

3) Cải cách tiền lương cho giáo viên không thể một sớm một chiều

Dưới góc độ kinh tế học, lương của các công chức/viên chức của một ngành kinh tế không thể vượt xa các ngành kinh tế khác. Nhưng để nâng lương cho toàn bộ công chức/viên chức nhà nước lên gần mức đủ sống thì tôi e rằng quỹ lương của Việt nam hiện nay không chịu nổi.

Nhưng như vậy không có nghĩa là không thể cải cách giáo dục phổ thông. Tôi nghĩ rằng vẫn có các biện pháp dung hòa cải cách giáo dục phổ thông và việc giáo viên tự tổ chức dạy thêm để nâng cao thu nhập. Chẳng hạn nghiêm cấm việc dạy thêm với khối lượng kiến thức mới và bài tập nặng nề. Tuy nhiên, không khuyến khích nhưng cũng không cấm giáo viên tổ chức cho sinh viên tham gia các buổi thảo luận theo chủ đề hoặc sáng tạo hoặc tự học, tự đọc sách theo chủ đề tại nhà riêng của họ. Giáo viên chỉ giữ vai trò là người giám sát, khơi gợi vấn đề hoặc đặt câu hỏi.

4) Thành lập Hiệp Hội/Nhóm Trí Thức Hỗ Trợ và Xúc Tiến Cải Cách Giáo Dục.

Tôi cho rằng nên coi việc Cải Cách Giáo Dục Phổ Thông là việc của toàn dân. Đặc biệt, trong bối cảnh Việt nam dự kiến chỉ có một chương trình giáo dục phổ thông thống nhất trên toàn quốc, theo mô hình các chương trình giáo dục tiên tiến ở phương tây, thì tầm quan trọng của chương trình ấy càng lớn và càng cần sự tham gia của ý kiến của mọi trí thức, đặc biệt là trí thức Việt kiều.

Đề xuất thành lập Ủy Ban Chỉ Đạo Cải Cách Giáo Dục Quốc Gia là một ý kiến rất hay, tuy nhiên có thể có một số hạn chế, chẳng hạn như không tận dụng được sự đóng góp to lớn và đa dạng về kinh nghiệm và tri thức của Việt kiều, những người có con em đang trực tiếp được hưởng những nền giáo dục tiên tiến. Hơn nữa, dù có hay không Ủy Ban này thì việc thành lập các tổ chức giám sát và hỗ trợ hoạt động cải cách giáo dục với sự tham gia của đông đảo các tầng lớp nhân dân trong và ngoài nước luôn luôn cần thiết.

Chính bởi vậy tôi đề nghị thành lập Hiệp hội/Nhóm Trí Thức Hỗ Trợ và Xúc Tiến Giáo Dục. Hiệp hội này có thể do một nhóm các trí thức cả trong và ngoài nước tự tổ chức, với nòng cốt từ 10-20 người nhưng kêu gọi sự tham gia của tất cả những ai tâm huyết với sự nghiệp giáo dục. Công việc của hiệp hội này có thể là:
- Vận động nhà nước đầu tư để nghiên cứu kinh nghiệm cải cách giáo dục ở các quốc gia.

- Vận động nhà nước thuê chuyên gia nước ngoài thiết kế khung CTCCGDTT.

- Giới thiệu và khuyến khích các chuyên gia giáo dục Việt nam tham gia nghiên cứu nội dung CCCCGDTT.

- Vận động công khai hóa dự thảo chương trình giáo dục để nhân dân thảo luận.

- Cử thành viên cùng tham gia các buổi giảng thử, các tiết thảo luận và sinh hoạt ngoại khóa thử nghiệm.

- Giám sát tiến độ cải cách giáo dục.

- Tìm hiểu các khó khăn, trở ngại cụ thể diễn ra trong quá trình cải cách, viết bài nêu vấn đề để toàn dân cùng thảo luận, tìm kiếm giải pháp.

- v.v…
Hiện nay cũng có một số nhóm tự phát quan tâm đến giáo dục nước nhà, v.d. như nhóm Chấn Hưng Giáo Dục. Tôi chưa tìm hiểu kỹ tuy nhiên có vẻ như các nhóm này chưa tập trung vào những công việc cụ thể và dài hơi. Điều quan trọng, tôi nghĩ là Hiệp Hội/Nhóm Trí Thức Hỗ Trợ và Xúc Tiến Giáo Dục cần có nòng cốt là những trí thức có uy tín ở trong và ngoài nước, có mối quan hệ với các cơ quan nhà nước. Có thể tạm thời chưa đụng đến các vấn đề nhạy cảm như đưa các chủ đề chính trị vào chương trình học và yêu cầu giám sát minh bạch hóa tài chính ở các dự án cải cách giáo dục. Các chủ đề này là vấn nạn của tất cả các ngành chứ không chỉ ngành giáo dục và cần một cuộc vận động khác.

Nguyễn Kiều Dung
_______________________________________________

(*) Đề cương Cải cách giáo dục - Hoàng Tụy (Tia Sáng)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad