Những tháng cuối năm là thời gian cho cuộc đối thoại nhân quyền Việt Mỹ được nhiều người trông đợi. Đây cũng là lúc để hai bên nhìn lại những gì đã đạt được kể từ cuộc đối thoại nhân quyền trước đó và mục tiêu hướng tới.
Tình trạng nhân quyền xuống dốc
Ông Phạm Bình Minh bắt tay bà Hillary Clinton nhân chuyến thăm Liên Hiệp Quốc ở New York, ông cũng phát biểu về nhân quyền Việt Nam nhân dịp này. |
Phát biểu với đài Á châu tự do về tình hình nhân quyền ở Việt Nam trong năm nay, ông Phil Robertson, Phó Giám đốc phụ trách khu vực châu Á của Tổ chức Theo dõi nhân quyền quốc tế (Human Rights Watch), cho biết:
Chính quyền Việt Nam đã làm cho tình trạng nhân quyền ở Việt Nam hiện nay suy thoái rất trầm trọng trong hai năm qua. Chúng ta thấy tòa án Việt nam càng ngày xử càng nhiều những bloggers, những người dân phản đối chính quyền chiếm đất đai, nhà cửa của họ, và những tín đồ tôn giáo. Nói chung là chính quyền đàn áp quyền tự do bày tỏ ý kiến và tự do hội họp của rất nhiều người thuộc mọi giới.
Theo Human Rights Watch, thống kê trong năm ngoái cho thấy Việt Nam đã bỏ tù hơn 30 nhà hoạt động ôn hòa, và các bloggers, những người bất đồng chính kiến. Trong năm nay, đã có ít nhất 12 nhà hoạt động bị kết án trong các phiên tòa ngắn thiếu công khai và phải chịu mức án tù nhiều năm, trong khi 7 người khác vẫn đang đợi ra tòa.
Hà Nội không coi trọng đối thoại nhân quyền Việt Mỹ
Đại sứ Mỹ Michael Michalak nói chuyện về nhân quyền tại Đại sứ quán Mỹ ở Hà Nội ngày 9/12/10. AFP photo |
Một lần duy nhất mà Việt Nam có nhượng bộ là khi họ muốn gia nhập WTO, và để làm được vậy, họ cần phải có quan hệ thương mại bình thường và vì vậy họ đạt được thỏa thuận trả tự do cho một loạt những tù chính trị, những người bất đồng chính kiến dưới thời Tổng thống Bush. Nhưng kể từ đó đến nay tình trạng ngày càng trở nên tồi tệ.
Trong khi đó, Hà Nội cũng đã và đang xây dựng hợp tác đối tác chiến lược với nhiều nước trên thế giới, trong đó có Hoa Kỳ. Quan hệ này với Hoa Kỳ là điều mà Hà nội rất cần nhất là giữa lúc có những căng thẳng với Trung Quốc trong vấn đề tranh chấp chủ quyền ở biển Đông. Tuy nhiên để đạt được điều này, Việt Nam cần phải có đối thoại nhân quyền với Mỹ. Đối thoại nhân quyền giữa hai nước đã được bắt đầu liên tục kể từ năm 2006 đến nay. Tuy nhiên theo giáo sư Carl Thayer thì Hà Nội dường như không coi trọng đối thoại này.
Đối thoại nhân quyền quan trọng đối với Mỹ hơn là đối với Việt Nam. Chừng nào mà họ chỉ gói gọn các vấn đề trong phạm vi mang tính kỹ thuật thì họ không phải lo lắng gì.
Mặc cả về nhân quyền với Việt Nam
Tiến sĩ Nguyễn Quốc Quân, một công dân Mỹ gốc Việt đang bị tạm giam ở Việt Nam. AFP photo |
Mới đây trong bài viết được đăng tải trên blog của mình, đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam, David Shear đã một lần nữa khẳng định nhân quyền là điều quan trọng trong quan hệ hai nước. Ông viết đại ý rằng nhân quyền là phần quan trọng trong mối quan hệ với Việt Nam. Hoa Kỳ không bao giờ quên những người đã bị bỏ tù vì đã thực hiện các quyền của mình một cách hòa bình và kêu gọi Việt Nam phải trả tự do cho tất cả các tù nhân lương tâm. Ông kêu gọi tự do báo chí, tự do internet và kêu gọi chính phủ Việt Nam cho phép các nhà báo, các blogger được hoạt động tự do mà không phải lo bị bắt bớ, giam cầm.
Các vị dân biểu Mỹ đã nhiều lân kêu gọi chính quyền của Tổng thống Barack Obama phải ra điều kiện trong việc trao đổi thương mại với Việt Nam. Vào tháng 9 vừa qua, Hạ viện Mỹ đã thông qua dự luật nhân quyền cho Việt Nam lên án Hà Nội ngày càng gia tăng việc bắt giam, sách nhiễu và ngăn cản những tiếng nói đối kháng trên internet.
Hoa Kỳ cũng gây sức ép lên Việt Nam bằng cách không dỡ bỏ những hạn chế bán vũ khí quân sự cho Việt Nam chừng nào vấn đề nhân quyền chưa được cải thiện. Phát biểu trong chuyến viếng thăm Việt Nam vào hồi đầu năm nay, thượng nghị sĩ John McCain và Joe Lieberman khẳng định Mỹ chỉ có thể bán các loại vũ khí sát thương đặc biệt cho Việt Nam một khi nước này cải thiện tình trạng nhân quyền, và rằng mối quan hệ an ninh giữa hai quốc gia sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp bởi vấn đề nhân quyền.
Bình thường, vào thời điểm này trong năm, đối thoại nhân quyền Việt Mỹ đã diễn ra. Tuy nhiên, năm nay khác hẳn với mọi năm khi cho đến lúc này cả hai phía vẫn chưa có thông tin chính thức nào về đối thoại này. Theo giáo sư Carl Thayer thì đây có thể là do các vấn đề về nhân quyền tại Việt nam.
Dấu hiệu của sự chậm trễ trong đối thoại nhân quyền của 2 nước có thể là do các vướng mắc về vấn đề nhân quyền và có thể là trong khi chờ đợi phiên tòa đối với nhà hoạt động người Mỹ gốc Việt.
Nhà hoạt động mà Giáo sư Carl Thayer nói đến chính là ông Nguyễn Quốc Quân, một Việt Kiều Mỹ bị chính quyền Hà Nội bắt giam nhiều tháng nay và cáo buộc tội lật đổ chính quyền nhân dân. Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ cũng đã lên tiếng về trường hợp bắt giữ này.
Theo thông tin được vợ ông Nguyễn Quốc Quân, bà Mai Hương cho đài Á châu tự do biết thì có nhiều khả năng ông sẽ bị đưa ra tòa xét xử trong khoảng tháng 12 hoặc tháng 1 tới.
Tờ Washington Post mới đây trích lời của bà Linda Malone, giáo sư luật thuộc trường đại học luật Mary, người trợ giúp về pháp lý cho ông Nguyễn Quốc Quân, nói rằng nếu chính quyền Việt Nam đưa ra một bản án nặng nề đối với ông Quân, một công dân Hoa Kỳ đấu tranh đòi quyền con người một cách hòa bình, thì đó sẽ là một thảm họa cho Việt Nam.
© Việt Hà, phóng viên RFA
------------------------------
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét