Nguyễn Đình Ấm
Chiều 17/12/2012 thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dự hội nghị công an toàn quốc, ông nói: “Không để nhen nhóm hình thành tổ chức đối lập chống phá và đi ngược lại lợi ích của đất nước, của nhân dân…”, và “việc các thế lực chống phá qua diễn biến hòa bình, chiến tranh thông tin, chiến tranh tâm lý…đòi hỏi ngành CA phải nghiêm túc nhìn nhận để tham mưu và có biện pháp ứng phó…”.
- Theo tôi, ông Dũng khuyên ngành CA “nghiêm túc” trong việc này là hơi bị…oan. Phải nói, nhiều năm qua ngành CA không hề xao nhãng đề phòng, ngăn chặn những điều thủ tướng cảnh báo. Cụ thể, số vụ bắt tù người “tuyên truyền chống nhà nước, âm mưu lật đổ chính quyền nhân dân…” (Thực chất là bất đồng chính kiến với nhà cầm quyền) không ngừng tăng. Đến nỗi tại Sài Gòn CA “phải thả cả phạm nhân do quá tải nhà giam chứ không phải cải tạo tốt”. Lực lượng CA còn bằng mọi phương pháp, phương tiện, biện pháp, ngăn cản, trấn áp khốc liệt những người có ý kiến khác nhà cầm quyền trong quốc kế dân sinh, những người yêu nước biểu tình chống TQ xâm lược mà có lẽ họ nghi là mầm mống bạo loạn. CA dùng cả cái bao cao su “lướt” làm “quốc cớ” để bắt giam (không phải tội hiếp dâm) kẻ dám kiện thủ tướng - Sự mẫn cán đến thế còn gì?
- Việc thủ tướng giao cho ngành CA tìm tổ chức “nhen nhóm” đối lập cũng rất khó. Bởi vì, đến như lũ “lợi ích nhóm” (hạng xấu-theo định nghĩa của thủ tướng), bầy sâu…mà hành vi vơ vét của họ “nhìn đâu cũng thấy, sờ đâu cũng có” làm cho nền kinh tế khánh kiệt, nợ nần chồng chất, dân chúng lao đao mà đã rất nhiều lần đảng ra nghị quyết, kiểm điểm “quyết liệt” nhưng đến nay chùm tham nhũng vẫn là ẩn số X,Y,Z. Trong khi đó, cái “tổ chức” của bọn phản động “đối lập” mới “nhen nhóm” chỉ gồm vài ba tên lẩn khuất trong dân chúng nó họp hành, bàn tán, tung tin…qua các chầu bia hơi, nhậu nhẹt, “gặp mặt thân mật”, ma chay, cưới, hỏi…thì việc phát hiện, bắt giữ, quy tội cho chúng là rất khó. Hơn nữa, đặc điểm thời đại internet là các tổ chức chính trị không cần tổ chức theo lối cổ điển. Các lãnh tụ phong trào nào đó thường tập hợp quần chúng nhờ mạng internet. Các cuộc nổi dậy ở các nước đông Âu những năm 90, ở bắc Phi vừa qua…chủ yếu qua cái mạng “thù địch” này. Trước cuộc nổi dậy ở Libya, cha con Gadahfi với uy quyền, sức mạnh tuyệt đối nhưng bao năm xục xạo cũng không diệt được các tổ chức đối lập nhen hóm, bởi họ không cần tổ chức các cuộc hội họp, bàu bán, đến từng người, từng nhà dân vận động… lộ liễu như trước thời đại inernet.
- Việc thủ tướng giao cho ngành CA chống “chiến tranh thông tin” cũng rất khó. Trước đây chưa có mạng in-tờ- nét dân chúng chỉ nhận thông tin từ hơn 700 báo lề phải “định hướng” cho họ hiểu, nghĩ theo y phom ý muốn nhà cầm quyền. Thế nhưng, từ khi nảy nòi ra cái in-tờ-net chỉ mấy cái dây “lằng nhằng” mà dân đen có thể biết được mọi thứ ngoài 700 tờ báo của đảng. Các blog, đài, TV nước tư bản, facebook…không được kiểm duyệt của các tổng biên tập, ban tuyên giáo các cỡ VN làm cho nhận thức của dân vượt khỏi “định hướng” mà số này cứ tăng lên vùn vụt…Do không được định hướng nên người dân hiểu, suy nghĩ theo nhiều chiều, nhiều hướng nên ngày càng “khó bảo”. Không cho họ khiếu kiện đông người, không cho biểu tình chống TQ xâm lược…nhưng họ cứ đi, khuyên họ giao đất cho DN, đại gia làm dự án họ không nghe cứ dai dẳng kiện cáo... Để đấu tranh, trấn áp bọn in-tờ-net (xấu) thủ tướng đã ra chỉ thị ngăn chặn, khuyên mọi người không vào các trang “không định hướng” nhưng xem ra kết quả chưa “tương xứng với tiềm năng”. Hàng ngày các trang blog vẫn thi nhau gia nhập đội ngũ, các thông tin “không định hướng” ngày càng nhiều, mặc cho nhà nước bỏ bao tiền bạc, huy động bao chuyên gia an ninh mạng theo dõi, ngăn chặn cũng không cản được chúng. Nghe nói phá một trang blog rất tốn công, tốn của nhưng thiết lập lại trang cũ đơn giản ít tốn kém hơn nhiều. Như vậy chỉ còn nước cấm tiệt in-tờ-nét, đưa VN trở lại thời kỳ “đồ đá”, như thế có lẽ không được. Vì vậy, nhiệm vụ “chống chiến tranh thông tin, chiến tranh tâm lý” của ngành CA cũng rất khó.
- Một vấn đề nữa cũng khó cho ngành CA với những ai có chút hiểu biết về chính trị, xã hội qua chỉ thị của thủ tướng: “không để nhen nhóm hình thành tổ chức đối lập chống phá và đi ngược lại lợi ích của đất nước, của nhân dân”.
Ở đây ngành CA hiểu như thế nào? Tổ chức đối lập nào là chống phá đi ngược lại lợi ích đất nước, nhân dân? Ở VN ta ngành CA chưa tìm được tổ chức đối lập với nhà cầm quyền. Khi chưa biết nó thế nào hoặc chưa có thì biết nó có chống ai và đi ngược với ai? Hay là cứ đối lập với nhà cầm quyền là “đi ngược lại lợi ích đất nước, nhân dân”? Hoàn toàn sai!. Bởi vì, hiện nay trên thế giới hầu hết các nước văn minh đều đa đảng đối lập với đảng cầm quyền. Họ cạnh tranh nhau quyết liệt trong việc phụng sự đất nước, phụng sự nhân dân để được dân tín nhiệm bàu cho đảng phái mình tiếp tục cầm quyền. Vì vậy những nước đó đều dân giàu, nước mạnh, bảo toàn được chủ quyền lãnh thổ, lợi ích quốc gia. Ngược lại những nước độc tài, “cặn bã” của chế độ phong kiến thì bất ổn mọi mặt, lạc hậu, nghèo nàn, bệnh tham nhũng thâm căn cố đế…Nước nhiều tiền của như Trung Quốc nhờ xây dựng nền kinh tế “ăn xổi” (bóc lột người lao động, tàn phá tài nguyên, môi trường, làm hàng nhái, hàng giả…“đầu độc cả thế giới”) vẫn là nhà nước bệnh hoạn, chỉ là thiên đường của bọn chóp bu, lưu manh còn với dân vẫn là địa ngục, mỗi ngày nổ ra tới 500 cuộc biểu tình, bạo loạn…Kẻ có chút tiền của là đua nhau ăn chơi, rời bỏ quê hương đầy bất chắc tháo chạy sang các nước “đối lập” chính trị Mỹ, Anh, Pháp…gửi tiền, định cư sinh sống. Có thể nói,nước có “tổ chức đối lập” chưa chắc là xấu, ngược lại những chế độ độc tài, toàn trị như Trung Quốc chưa chắc là tốt, ngành CA chân chính một lòng phục vụ nhân dân phải xác định rõ “kẻ thù” để diệt trừ không phải dễ.
Vì vậy nhận nhiệm vụ này ngành CA phải xác định “tổ chức đối lập” nhen nhóm nó đang ở đâu, nếu thấy rồi phải xem nó có “đi ngược lại lợi ích nhà nước, nhân dân” không? Nếu nó có lợi cho đất nước, cho nhân dân như hầu hết các nước văn minh mà tiêu diệt nó là phản dân, hại nước, có tội với lịch sử. Vì vậy, đây cũng là nhiệm vụ không đơn giản với ngành CA.
Theo blog Huỳnh Ngọc Chênh
Post Top Ad
Thứ Bảy, 22 tháng 12, 2012
Từ khóa tìm kiếm:
# Chính Trị - Xã Hội
# Pháp Luật
# Thư Giản
Share This
About
Người Đưa Tin
Thư Giản
Labels:
Chính Trị - Xã Hội,
Pháp Luật,
Thư Giản
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Post Bottom Ad
Author Details
Người Đưa Tin - Trang Thông Tin Đa Chiều. Tất cả bài đăng tải trên thể hiện quan điểm riêng và cách hành văn của tác giả có thể gây ra những tranh luận đa chiều và trái chiều Người Đưa Tin mong nhận được ý kiến phản hồi và phản biện của độc giả
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét