Hôm nay đọc một bài về Internet ở Bắc Triều Tiên mình thấy nên đưa lại lên blog này để mọi người cùng tham khảo.
Bắc Triều Tiên là một trong mấy quốc gia mình để ý đến nhất. Trên blog này cũng đã đưa lên một số entry là những phóng sự “độc” của các nhà báo châu Âu giỏi nghề viết về chế độ Bình Nhưỡng. Rồi cũng đưa lên một số bài được coi là “đặc tả” về nhiều mặt sinh hoạt, về nếp sống ở một xứ sở được coi là rất lạ lùng ở phía đông bắc Á châu này.
Lý do mình chọn và ưu tiên việc đưa bài về Bắc Triều Tiên trên blog thì có nhiều nhưng lý do nổi bật chính là đất nước ấy có quá nhiều các vấn đề cần/nên/phải cho thế giới biết đến. Đó là từ một thể chế chính trị (vẫn nhân danh cộng sản) độc đáo có một không hai cho đến bộ mặt xã hội kỳ lạ. Đồng hành với những điều ấy là một đời sống thường ngày khép kín, lại luôn khác biệt so với phần còn lại của thế giới. Chính đó tạo nên sự hấp dẫn cho thông tin báo chí mà mình chú ý.
Nói đến Bắc Triều Tiên cũng có nghĩa là nói đến “những khác biệt”. Mà điều khác biệt bao trùm chính ở chỗ tất cả đều như phủ dày một bức màn che. Bức màn hoàn toàn từ phía cường quyền của chế độ này áp đặt. Chứ nhân dân thì chắc chắn không phải. Người Cao Ly ở phía nam vĩ tuyến 38 là Nam Triều Tiên – là Hàn Quốc – đâu có như vậy.
Những chính trị gia và giới dư luận quốc tế nhất trí cho rằng, mấy chục năm qua chế độ Bắc Triều Tiên đã thành công khi dăng ra một thức “bức màn sắt” đủ sức che mắt tất cả sự soi mói và quan sát của những người ngoại quốc - mà chính quyền Bình Nhưỡng luôn phân tuyến với sự nghi kỵ cố hữu.
Người ta đồn rằng ngay như chính quyền Trung Quốc được coi là “thân thiện” và có ảnh hưởng nhất đối với thể chế Bình Nhưỡng cũng hình như khó moi được những bí mật cung đình và phát lộ được gì nhiều về đời sống bên trong thực sự của đất nước và nhân dân Bắc Triều Tiên.
Với một xã hội đã khép rất kín như thế lại thêm yếu tố con người ở đó luôn như một thứ bí mật khó tiếp cận và không mấy khi họ sẵn sàng và cởi mở với khách nước ngoài thì những bài viết hay về Bắc Triều Tiên chưa thể có nhiều được. Ngay các nhà báo có giấy chính thức đến Bắc Triều Tiên cộng thêm khá nhiều các nhà báo khác khôn khéo trá hình vào các đoàn - hội - tổ chức… sang đây công cán thì những nghiệp vụ giỏi của họ cũng luôn bị hóa giả và cản trở. Còn nếu hành nghề được lại vấp phải ở đối tượng tìm hiểu - hỏi chuyện - phỏng vấn, tức là những người dân nước này, thường rất ít khi bày tỏ, thậm chí hầu câm lặng trước thực tế cuộc sống mà người hỏi chuyện đặt ra để lấy ý kiến của họ...
Vì sao như vậy? Chắc chắn là bởi họ đã được căn dặn như thế, hoặc giả họ chịu sự ép buộc và theo dõi của đám mật vụ quốc gia dày đặc đan xen có mặt ở khắp mọi nơi trên đất nước này…
Mình nhớ năm 2001 có dịp vào Bình Nhưỡng khi được cử tháp tùng một đoàn đại biểu cấp cao thăm chính thức nước này.
Do nghi lễ đón tiếp một vị nguyên thủ “bè bạn” là Việt Nam nên mình và một số nhà báo được đi tới vài địa điểm nhạy cảm.
Nông dân Bắc Triều Tiên canh tác vẫn còn rất lạc hậu so với 2 quốc gia láng gềng là Nhật bản và nam Triều Tiên |
Qua bà NTH đại sứ cùng đi hôm đó lại được biết khu vực đi thăm cũng sát gần với khu nghiên cứu và ứng dụng hạt nhân của Bắc Triều Tiên - một vấn đề vô cùng nhạy cảm và nóng hổi suốt liền mấy năm nay trước thế giới phương Tây và Liên hợp quốc. Rất nhiều tấm biển lớn trưng ra dọc đường cũng như trong khu trưng bày với chữ X mầu đỏ gạch chéo lên chiếc máy ảnh. Một khu vực được giữ bí mật rộng không những là công nghệ hạt nhân mà cả đời tư và cuộc sống bình thường của lãnh tụ.
Một điều rất lạ nữa là dọc hai bên con đường lớn rộng đẫn đến khu di tích bảo tàng, thấy đất đai đều bỏ trống. Nông dân làm việc nếu có là ở những dải đồng xa xa…
Trước hôm trở về Hà Nội, mình và LSVH là vụ phó vụ báo chí BNG khi đó đã ngồi nói chuyện khá lâu với D.C.C., một cậu thanh niên học tiếng Triều rất giỏi, sau khi học được tuyển chọn làm phiên dịch cho sứ quán ta ở Bình Nhưỡng.
Câu chuyện dài xoay quanh những cái lạ ở đất nước được coi là thế giới đầy bí hiểm này. Cháu T. kể rằng gạo hoặc bột mì bột ngô gì đó, tức là lương thực, đều được coi là mặt hàng chiến lược ở Bắc Triều Tiên. Đã chiến lược là rất coi trọng và quản rất chặt. Có những lúc bất cứ ai mang theo trên 10 kí lương thực mà không chứng minh rõ nguồn gốc, nói rõ lý do có được thì không những bị tịch thu mà còn gây nên rất nhiều điều phiền nhiễu đến nhân thân.
Khách sạn "tháp đôi" Kyoro lớn thứ 2 Bình Nhưỡng này mình được bố trí ở trong chuyến đi năm 2001 |
Cậu cán bộ phiên dịch trẻ và thông minh của sứ quán còn kể cho hai chúng tôi nghe chuyện cán bộ ngoại giao của họ. Do bị cô lập nên Bắc Triều Tiên ít có khách cấp cao. Nên mỗi khi có khách, bên nước này họ đủ nhân lực và các bộ xậu để sắp xếp cắt đặt cán bộ nhân viên tiếp đón và nhất là “theo dõi” phía khách vô cùng chặt chẽ. Ngay vụ thông tin báo chí trong BNG của họ, ngoài mấy người được giao trách nhiệm đi theo bộ phận báo chí của đoàn khách, còn có các loại được gọi là “mật vụ” đi kèm sát.
Dĩ nhiên những nhà ngoại giao cứ việc thực thi những phần việc nghiệp vụ với đoàn khách, nhưng nhất cử nhất động – ít nhất ở chỗ mà cánh mật vụ trông thấy nghe thấy được – có điều gì đó sai sót và không đúng với quy định của chính quyền nước này đã quán triệt tới cán bộ của họ thì gần như sau chuyến đón tiếp đó, người cán bộ “sai phạm” kia sẽ “biến mất” – cậu C. kể mấy chuyện trên hết sức cụ thể với tên tuổi người cán bộ ngoại giao bị huyền chức, bị sa thải, hoặc nặng nề hơn bị đi cải tạo lao động và rồi mất tích luôn, nhưng vì tên Triều khó nhớ nên mình chẳng ghi vào sổ tay được.
Bữa nay đưa ít trang ghi chép biên tập lại như vậy, có dịp mình sẽ đưa tiếp.
Dưới đây xin trở lại câu chuyện Internet. Và cả một mẩu ngắn về chính cái điện thoại di đông ở Bắc Triều Tiên mà một entry trước đây mình đã đưa lên. Tất cả đều là những chuyện rất lạ, rất hấp dẫn và gợi trí tò mò mà ở ta dù rất tài về trí tưởng tượng chắc cũng khó hình dung ra được!
Vệ Nhi
Theo blog Nguyễn Vĩnh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét