Vàng trong nước phi mã: Cơ quan quản lý "bó tay"? - Người Đưa Tin -->

Breaking

Post Top Ad

Thứ Năm, 27 tháng 12, 2012

Vàng trong nước phi mã: Cơ quan quản lý "bó tay"?


Xuân Quảng + Minh Thúy

Chuyện giá vàng trong nước liên tục "phi mã" bỏ xa thế giới hàng triệu đồng luôn là vấn đề thời sự. Thậm chí, Nghị định 24/2012/NĐ-CP ra đời hơn nửa năm nay với mục tiêu quản lý và bình ổn thị trường vàng trong nước thì những bất hợp lý trên vẫn chưa được hóa giải.

Ảnh chỉ mang tính minh họa (Nguồn: OnTheNet)
Hiện, giá vàng SJC vẫn cao hơn giá thế giới gần 5 triệu đồng. Chẳng những thế, thương hiệu "đặc biệt" này còn luôn cao hơn các thương hiệu vàng khác "phi SJC" có trên thị trường nội địa ít nhất là 2 triệu đồng...

Nghịch lý nguồn cung?

Tính từ đầu năm 2012 đến nay, giá vàng thế giới tăng khoảng 6% (tương đương gần 1,8 triệu đồng). Trong đó, có thời điểm vào tháng 10/2012, đồng kim loại quý này đã gần chạm ngưỡng 1.800 USD/ounce, nhưng ngay sau đó đã liên tục trượt giảm.

Còn trong nước, so với thời điểm đầu năm thì giá vàng SJC tăng khoảng 4,6 triệu đồng/lượng và ngưỡng cao nhất trong tháng Mười đạt 48,12 triệu đồng/lượng.

Tăng nhanh, giảm chậm, là nguyên nhân chính khiến khoảng chênh lệch của vàng trong nước so với thế giới luôn từ 3-3,5 triệu đồng/lượng. Đỉnh điểm là ngày 21/12 độ vênh của SJC so với thế giới đã lên đến 5 triệu đồng/lượng.

Lý giải bất hợp lý trên, theo ông Nguyễn Công Tường, Phó phòng kinh doanh Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC), là do người dân có xu hướng mua vàng khi thấy giá giảm, trong khi lượng mua vào của công ty thì không đáng kể.

"Đây là lý do khiến giá vàng trong nước không thể giảm như giá thế giới," ông Tường nói.

Trong khi đó, Tổng giám đốc công ty cổ phần đầu tư và kinh doanh vàng Việt Nam (VGB) Trần Thanh Hải cũng nhấn mạnh đền nguồn cung vàng trên thị trường trong nước đang bị thiếu hụt.

Theo ông Hải, có lúc giá vàng thế giới giảm hơn 50 USD/ounce, tương đương 1,25 triệu đồng/lượng nhưng giá trong nước chỉ giảm khoảng 430.000 đồng/lượng và lượng bán ra của người dân cũng rất hạn chế. "Thị trường vàng gặp nhiều khó khăn do các công ty mua được bao nhiêu mới bán bấy nhiêu," ông Hải nói.

Nghịch lý SJC và "phi SJC"

Có thể thấy, lý do thiếu nguồn cung luôn được các công ty kinh doanh vàng miếng đề cập tới. Thậm chí, ngay cả khi Ngân hàng Nhà nước chủ trương “bơm” thêm vào thị trường 350.000 lượng vàng SJC (tương đương 13 tấn) vào ngày 19/9/2012 với kỳ vọng sẽ giảm bớt sự mất cân đối này thì ngược lại động thái trên gần như không mang lại hiệu quả.

Theo giải thích của ông Nguyễn Thanh Trúc, Phó Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam, mục tiêu bơm 350.000 lượng vàng SJC vào thị trường thực tế là nhằm giảm mức chênh lệch giữa cung và cầu.

Nhưng vấn đề nằm ở chỗ, số vàng trên là lượng vàng miếng SJC móp méo và vàng miếng phi SJC mà các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp kinh doanh vàng miếng đề nghị Ngân hàng Nhà nước gia công.

“Như vậy, cung cầu trên thị trường hoàn toàn không có gì thay đổi, nên hiện tượng chênh lệch giá vàng sẽ khó giải quyết,” ông Trúc nhấn mạnh.

Mặt khác, nếu so với những cơn sốt vàng trong năm 2011 thì thị trường hiện tại có những dấu hiệu bất thường, bởi lẽ hoạt động giao dịch cũng không thật sự nhộn nhịp. Bình quân mỗi ngày, theo đại diện SJC giao dịch khoảng 3.000-6.000 lượng vàng (thua xa mức bán ra lúc cao điểm 11.000 lượng dịp năm ngoái).

"Với mức chênh lệch giá vàng hiện nay, đây rõ ràng là một bấp cập trong thị trường vàng, điều này đòi hỏi Ngân hàng Nhà nước sẽ phải quan tâm có những giải pháp để xử lý," chuyên gia tài chính ngân hàng Cấn Văn Lực nói.

Nghị định 24/CP có hiệu lực từ tháng 6/2012 được cho là một liều thuốc mạnh để điều tiết thị trường vàng trong nước. Điểm nhấn của Nghị định này cho phép Ngân hàng nhà nước có quyền thực hiện các biện pháp can thiệp, bình ổn thị trường vàng qua biện pháp xuất - nhập khẩu vàng nguyên liệu...

Tuy nhiên, theo chuyên gia Cấn Văn Lực, sau chính sách chọn SJC là thương hiệu độc quyền nhà nước, vàng miếng phi SJC đã bị bán đổ bán tháo khiến người giữ vàng miếng thiệt hại và như lẽ thường, vàng độc quyền làm mưa làm gió, đốn hạ các thương hiệu khác trên thị trường.

Quản lý "bó tay", niềm tin dân sứt mẻ...

"Những bất cập của Nghị định 24/CP là chưa bám sát thị trường vàng khiến mức chênh lệch với thế giới ngày càng lớn, niềm tin của người dân thì bị sứt mẻ," ông Lực nêu rõ.

Ngoài ra, ông Lực cũng chỉ ra rằng, nếu để liên thông giữa vàng Việt Nam với thế giới sẽ có mặt tích cực giúp bình ổn hơn thị trường cũng như hạn chế được một phần đầu cơ. Tuy nhiên, nếu không kiểm soát chặt sẽ nảy sinh việc nhập lậu. Thậm chí, nhiều công ty có thể nhập về để đầu cơ khiến cho công tác điều hành của Ngân hàng Nhà nước gặp nhiều khó khăn.

"Quan điểm của tôi là phải có sự dung hòa liên thông ở mức độ như thế nào cho phù hợp để có thể kiểm soát được mà lại không tạo ra độ rủi ro về chính sách cho Ngân hàng Nhà nước cũng như các cơ quan khác," ông Lực chia sẻ.

Đồng tình với ý kiến trên, nhưng theo chuyên gia Nguyễn Chí Hiếu, về quy chế quản lý vàng, Ngân hàng nhà nước vẫn chưa có khái niệm rõ ràng vàng là hàng hóa hay tiền tệ. Mặt khác, theo thông lệ, ở các nước, ngân hàng trung ương không làm nhiệm vụ quản lý vàng mà giao cho một cơ quan chức năng riêng biệt. Không nên giao cho SJC độc quyền gia công để tạo sự độc quyền kinh doanh.

"Tôi vẫn bảo vệ quan điểm Ngân hàng nhà nước nên phát hành chứng chỉ vàng. Đây là công cụ quản lý vàng đúng mức, bảo đảm giá trị tài sản," ông Hiếu cho hay. Ngoài ra, Ngân hàng nhà nước nên lập kế hoạch xúc tiến lập sàn vàng quốc gia; sàn vàng là nơi giao dịch vàng chính thống, được cấp phép làm ăn đàng hoàng. Thế nhưng dường như điều này đang bị cơ quan quản lý quên lãng.

Hơn 6 tháng thực hiện Nghị định 24/CP vẫn chưa phải là thời gian dài, theo ông Đào Xuân Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ quản lý Ngoại hối (Ngân hàng Nhà nước) thì việc quản lý thị trường vàng là một hướng đi đúng.

Mặc dù bước đầu cũng đang còn có những ý kiến khác nhau trong dư luận, nhưng nếu không làm thì sẽ không bao giờ làm được, chính sách sẽ khắc phục được những hạn chế và giúp ích tốt cho việc điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước và ổn định kinh tế vĩ mô.

"Chúng tôi cũng nghĩ ngay đến việc không thể toàn vẹn ngay từ đầu, sẽ còn có những ý kiến trái chiều, tuy nhiên đây là hướng đi rõ ràng chúng ta phải triển khai và rõ ràng đang đạt được kết quả và rõ ràng sẽ là yếu tố đóng góp cho việc ổn định kinh tế vĩ mô," ông Tuấn khẳng định.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã từng phát biểu, nếu giá vàng trong nước cao hơn giá vàng thế giới từ 400.000 đồng/lượng trở lên chứng tỏ có hiện tượng đầu cơ, làm giá. Tuy nhiên, trong suốt thời gian qua, lúc nào giá vàng trong nước cũng "đắt" hơn giá vàng thế giới từ 1-3 triệu đồng, thậm chí lên tới 5 triệu đồng/lượng như hiện nay thì câu trả lời về việc quản lý thị trường vàng trong nước vẫn còn đang bỏ ngỏ./.

Theo Việt nam Plus

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad