Bản án khắc nghiệt đối với ba nhà báo công dân gây nhiều phản đối trong dư luận trong và ngoài nước, bên cạnh đó điều 88 Bộ luật Hình sự bị lên án là đã để ngỏ khả năng cho các giải thích tùy tiện của các cơ quan tư pháp nhằm đàn áp công dân thực thi quyền tự do ngôn luận, được Hiến pháp quy định.
Phan Thanh Hải, Nguyễn Văn Hải và Tạ Phong Tần |
RFI: Xin chào luật sư Nguyễn Thanh Lương. Xin luật sư cho biết là, việc kết tội các bị cáo trong CLB Nhà báo Tự do, đặc biệt là chị Tạ Phong Tần, đã dựa trên các căn cứ nào và trong phiên phúc thẩm lần này, luật sư và thân chủ đề nghị xem xét lại các vấn đề gì?
Luật sư Nguyễn Thanh Lương: Trước đây, cáo trạng cũng như các bản án xét xử các bị cáo, cho rằng các bị cáo có hành vi tuyên truyền chống lại Nhà nước, thông qua các tài liệu, chứng cứ, lời khai của nhân chứng, kết luận giám định, từ đó cơ quan tố tụng đã quy kết rằng, có căn cứ để buộc tội. Chị Tạ Phong Tần, thân chủ của tôi, đã có đơn xin kháng cáo. Nội dung đơn của chị Tần cho rằng, chị không có tội theo quy định của bản án. Chị Tần cho rằng, mình không có ý thức, không có hành vi để chống đối lại Nhà nước, mà đó chỉ là những luận điểm phản biện về quan điểm. Hai nữa là căn cứ vào các quyền tự do ngôn luận và tự do báo chí, dựa trên các công ước về nhân quyền, về quyền dân sự và chính trị, từ đó, chị Tần cho rằng không có vi phạm pháp luật, không có nhìn nhận tội.
RFI : Thưa luật sư, ông có thể cho biết rõ hơn về việc buộc tội từ phía Viện Kiểm sát và Tòa án trong phiên sơ thẩm. Buộc tội như vậy có đúng không trên cơ sở pháp luật?
LS Nguyễn Thanh Lương: Tôi là người bào chữa trực tiếp cho chị Tạ Phong Tần trong vụ án vừa rồi. Cơ quan tố tụng có phần trình bày rất dài với văn bản buộc tội dài khoảng 17, 18 trang. Có thể nói vắn tắt như sau: Cơ quan căn cứ vào lời khai của nhân chứng, kết luận giám định, các bài viết thể hiện quan điểm của bị cáo, thì cho rằng, bị cáo có đường lối chống lại Nhà nước, từ đó quy kết vào tội « tuyên truyền chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam », áp dụng cụ thể là theo khoản 2, điều 88 của Bộ luật Hình sự.
Từ góc độ của luật sư, đương nhiên là do thân chủ không nhìn nhận tội, do đó luật sư cũng bào chữa theo hướng gỡ tội cho thân chủ. Trong quá trình bào chữa, thì cũng đưa ra một số vấn đề liên quan đến chất lượng giám định chưa có phù hợp với Pháp lệnh giám định hiện hành, rồi các mâu thuẫn tình tiết, mâu thuẫn giữa lời khai của nhân chứng. Có nhiều vấn đề để đặt ra. Buổi bào chữa, tôi dự kiến xin phép Hội đồng phiên tòa sơ thẩm 40 phút để phát biểu, trên tinh thần là đọc bài bào chữa, chứ không có biện luận, nhưng rất tiếc là phần bào chữa của tôi trong phiên tòa sơ thẩm đã bị giới hạn trong 10 phút. Do đó, tôi không hoàn thành được nhiệm vụ của người luật sư bào chữa cho chị Tạ Phong Tần. Điều này tôi cũng áy náy. Nhưng sau phiên tòa sơ thẩm, gia đình tiếp tục nhờ tôi, do đó tôi hy vọng là trong phiên tòa phúc thẩm này, tôi có cơ hội để trình bày những lời bào chữa theo hướng có lợi cho chị Tạ Phong Tần. Cũng mong là Hội đồng xét xử phúc thẩm sẽ thoáng hơn, thì hy vọng sẽ có nhiều điều lợi ích cho thân chủ tôi.
RFI : Ở đây có một chi tiết là, trong số các chứng cứ mà bên tố tụng sử dụng để buộc tội các blogger, thì đặc biệt có 26 bài viết, được gọi là xuyên tạc sự thật và chống phá Nhà nước. Đây có thể nói là chứng cớ để buộc tội, đúng không, thưa luật sư?
LS Nguyễn Thanh Lương: Đấy là một trong các chứng cớ, một phần lớn chứng cớ để buộc tội chị Tần.
RFI : Về 26 bài viết này, thì cụ thể theo giám định từ phía Nhà nước Việt Nam thì xác định ra sao, và xin luật sư cho biết quan điểm của luật sư về các lập luận của phía giám định.
LS Nguyễn Thanh Lương: Căn cứ vào kết luận giám định, thì không hẳn là 26 bài đó là hoàn toàn thể hiện sự chống đối lại Nhà nước. Thực chất là trong các kết luận giám định đó, có các ý kiến nhận xét như: « làm sai lạc thông tin », « kém thân thiện », « xấu, nhưng chưa đến mức phản động »… Theo nhận định của tôi, thì chính những kết luận giám định đó, nếu mà Hội đồng xét xử lắng nghe, thì chính đó là các phần bào chữa có lợi cho các bị cáo.
Cụ thể là, tỷ lệ các bài không nằm trong ý thức chống lại Nhà nước, riêng tôi cho rằng, chiếm khoảng 80%. Còn lại một phần nhỏ, có thể từ góc độ Nhà nước thì cho là « chống », những người khác, có thể cho là « phản biện ». Tóm lại, nếu Hội đồng xét xử lắng nghe, thì tôi cho rằng phiên tòa này có những thay đổi, theo hướng có lợi cho các bị cáo nói chung, và cho chị Tạ Phong Tần nói riêng.
RFI: Thưa luật sư, về thủ tục tố tụng, liên quan đến việc xem xét các chứng cứ, đặc biệt các bài viết, được giao cho cơ quan giám định thuộc Sở Văn hóa, Thể thao, Du lịch, vậy điều này có phù hợp với các nguyên tắc pháp lý không?
LS Nguyễn Thanh Lương: Về thủ tục giám định, theo tôi, có những bài phải do các cơ quan chuyên trách giám định, còn nếu giao cho Sở Văn hóa, Thể thao, Du lịch, tôi có thể nói vắn tắt là chất lượng giám định không hợp lệ, không bảo đảm tính pháp lý, theo những quy định pháp luật hiện hành.
RFI : Về phiên tòa sơ thẩm này, trong dư luận có rất nhiều ý kiến phản đối, cho rằng phiên tòa đã có những cáo buộc rất nặng nề, dẫn đến một cái án áp đặt, hay « án bỏ túi », theo cách gọi dân gian. Luật sư có nghĩ rằng, phiên phúc thẩm cũng sẽ diễn ra theo kịch bản đó không?
LS Nguyễn Thanh Lương: Tôi hy vọng sẽ khác hơn, bởi vì tôi tin tưởng vào Tòa án Tối cao, là những người thẩm phán có nhiều thâm niên, có nhiều kinh nghiệm, có nhiều bản lĩnh, thì họ sẽ tạo điều kiện cho luật sư, cũng như là bị cáo trình bày. Đó là cái mong mỏi của tôi. Còn mọi việc trên thực tế phải chờ phiên xử ngày 28 tới.
RFI: Về phiên tòa 28 tới, theo những thông tin rất ít ỏi được lưu truyền trên mạng mà công chúng biết được, thì dường như phiên tòa này được tổ chức không rõ ràng, cụ thể như tiếp xúc giữa luật sư với thân chủ đã không được dễ dàng thuận lợi, thì phải chăng đây là các dấu hiệu cho thấy phiên tòa phúc thẩm ngày 28 sẽ không phải là một phiên tòa minh bạch và công bằng?
LS Nguyễn Thanh Lương: Đúng là một câu hỏi khó đối với luật sư. Việc phiên tòa có minh bạch công khai hay không, thì tôi nghĩ rằng là minh bạch công khai. Nhưng tôi nghĩ rằng, vấn đề có nhiều người tham gia rộng rãi hay không thì đó là một vấn đề trên thực tiễn. Rõ ràng sẽ có sự giới hạn, nhưng mà cơ quan họ sẽ giải thích là để bảo đảm an ninh trật tự.
Nói chung vấn đề này còn phụ thuộc vào tiến bộ, vào vấn đề văn minh pháp quyền. Tôi nghĩ rằng, quý thính giả cũng có thể tự nghĩ và tự đánh giá.
RFI : Thưa luật sư, đứng từ góc độ của một luật gia nói chung, phải chăng sự vắng mặt của một cơ chế, ở Việt Nam, để bảo vệ quyền của công dân phát biểu những ý kiến riêng của mình, đối với những vấn đề chính trị, dẫn đến hệ quả là: Những người có các phát biểu về những vấn đề của quốc gia đất nước, mang tính động chạm, không được chính quyền chấp nhận, sẽ bị quy tội « chống phá »? Sự vắng mặt của một cơ chế bảo vệ quyền tự do ngôn luận là nguyên nhân của việc xảy ra những vụ án như thế này, khiến nhiều người bị trừng phạt một cách oan trái, dẫn đến những đau khổ rất lớn đối với cá nhân họ, cũng như đối với gia đình và những người thân của họ?
LS Nguyễn Thanh Lương : Bàn về vấn đề phóng viên vừa hỏi, cần trở lại vấn đề sự tồn tại của điều luật 88, cách hướng dẫn, cách lý giải để áp dụng điều luật đó như thế nào, để tránh sự ngộ nhận. Thực ra thì, theo quan điểm của tôi, điều luật đó cũng còn mang tính chung chung, từ đó nên trong thực tiễn vận dụng, nhất là áp dụng đối với những blogger để xử phạt họ, thì tôi cho rằng chưa thỏa đáng.
Tôi cũng từng phát biểu về vấn đề: Thế nào là Nhà nước, Nhà nước của trung ương, địa phương, cơ quan nào là đại diện Nhà nước... Thành ra (với một điều luật chung chung như vậy) trong việc xét xử, có khả năng nhiều sai sót. Các blogger thì cho rằng, họ vận dụng quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, theo công ước quốc tế. Còn đối với các cơ quan tham gia tố tụng, thì họ căn cứ vào điều 88 đã tồn tại.
RFI : Vậy, thưa luật sư, cần phải làm gì với điều 88 này?
LS Nguyễn Thanh Lương: Thật ra, không chỉ với cương vị của một luật sư, luật gia tham gia vào các phiên tòa sơ thẩm, phúc thẩm, để bào chữa cho những người « phạm tội » theo điều 88, mà hoạt động xét xử hàng ngày, thấy các sai sót của các cơ quan, thì tôi cũng mạnh dạn phát biểu bằng các văn bản, bằng việc nêu ý kiến trên báo chí.
Nói cho cùng, thì đó cũng chỉ là ý kiến cá nhân của luật sư, còn việc giải quyết vấn đề, thay đổi pháp luật, là một thủ tục thông qua cơ quan Quốc hội. Do đó, mọi việc còn phải chờ cả hệ thống công quyền.
Nói riêng, tôi xác định rằng, với những gì trong hệ thống pháp luật hiện đang tồn tại ở Việt Nam, để thực thi quyền bào chữa, là một điều khó khăn. Đây là vấn đề tôi lấy làm tiếc, nhưng nói cho cùng, thì cũng là những xung đột cá nhân về quan điểm với nhau. Ví dụ như, xung đột giữa luật sư với hội đồng xét xử, tôi cho rằng đó là xung đột giữa các góc nhìn khác nhau thôi.
Như tôi vừa nói, điều luật là một chuyện, vận dụng là một chuyện ; những cái tiến bộ hiện hành của pháp luật, văn minh của pháp luật là một vấn đề, còn việc vận dụng luật theo những gì đã cho phép cũng đã là một khoảng cách, là một điều khác biệt.
RFI: Như vậy, phải chăng luật sư nghĩ rằng, việc tranh tụng giữa bên tố tụng và bên bị cáo, cũng là một cách để tham gia vào xây dựng tiến bộ xã hội, hướng đến một xã hội văn minh hơn và tôn trọng nhân quyền hơn?
LS Nguyễn Thanh Lương : Vâng, đúng vậy, nó thể hiện một vấn đề tinh thần đối với những người trí thức ở Việt Nam, cụ thể đối với luật sư. Tôi nghĩ đó cũng là một cách để làm cho có một tiến bộ xã hội. Vì lý do đó mà tôi tham gia phiên tòa.
RFI xin trân trọng cảm ơn luật sư Nguyễn Thanh Lương
Trọng Thành thực hiện
Theo Đài RFI
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét