Ơ-rê-ka! 5 giải pháp “thần kì” cho nền kinh tế Việt - Người Đưa Tin -->

Breaking

Post Top Ad

Thứ Bảy, 5 tháng 1, 2013

Ơ-rê-ka! 5 giải pháp “thần kì” cho nền kinh tế Việt


TS Alan Phan

Đầu năm, các chuyên gia, dù được trả lương hay không, thi nhau nhào nắn các số liệu để kê đơn tìm thuốc cho nền kinh tế Việt. Tôi thì đã nói rõ là khi một chiếc xe bị mắc kẹt giữa đầm lầy thì giải pháp trước mắt là kéo chiếc xe ra khỏi đó bằng bất cứ phương tiện nào chấp nhận được với các chính trị gia, rồi sau đó mới chẩn bệnh và sửa xe (hoặc mô tơ, hoặc hệ thống điện hoặc bộ thắng…).

Tuy nhiên, giới truyền thông Việt Nam rất kiên cường. Họ quả quyết là các chuyên gia phải suy nghĩ cho ra khía cạnh thuần túy kinh tế của các giải pháp hay dự đoán (vì định hướng của chúng ta là có thể làm kinh tế mà không cần đến chánh trị). Hơn nữa, bài viết phải bầy tỏ sự “lạc quan, tích cực” của tình hình 2013 như Bộ Tuyên Truyền vừa chỉ thị (bất cứ gì xẩy ra ở Việt Nam phải tuân theo các đầu óc đang mơ màng sau hậu trường).

Nể bạn bè, đây là bài viết “không” phải do suy nghĩ của mấy năm học kinh tế hay 43 năm làm ăn; mà từ tư duy đơn giản của một anh già vừa ốm dậy, cơ thể đang còn lâng lâng với thuốc trụ sinh và những chuyện cổ tích thần kỳ về một thiên đường trong mơ tại quê nhà.

Trên căn bản, đây là 5 giải pháp thần kỳ, quá đơn giản và quá dễ thực hiện, cho nền kinh tế xứ này với một bảo đảm rất “sơn đông mãi võ” là bệnh nhân sẽ khỏi bệnh trong vòng 3 tháng.

1. Đóng cửa hết các báo chí truyền thông

Cuối năm, Thống Đốc NHNN có tiết lộ là 40 đến 50% các vấn đề về hệ thống tài chánh xứ này là do báo chí tạo ra. UREKA. Một em học sinh lớp 3 cũng biết rằng dập tắt nguyên nhân gây bệnh sẽ là giải pháp hợp lý nhất. Chỉ với một nghị định nửa trang giấy, chánh phủ có thể quyết định đóng cửa tất cả báo chí, các cơ quan truyền thanh, truyền hình, cơ sở xuất bản, nhà in… Chỉ một sáng một chiều, nền tài chánh sẽ cải thiện ít nhất là 40% mà không cần một động thái nào khác.

Nếu dân có phản đối về nhu cầu giải trí thì đã có cả chục ngàn phim bộ từ Trung Quốc, Hàn Quốc… tha hồ chiếu 24/7; cộng với các diễn văn, lễ ban huân chương, tiếp kiến các ông mọi Phi Châu…từ vài chục năm qua của các quan chức (vẫn hợp thời và chưa cần hiệu đính). Dân hoàn toàn mù tịt về kinh tế tài chánh thì các quan chức khỏi mất thì giờ giải thích, tự phê hay sợ bị …bắt gặp…Thế giới thanh bình, xã hội lạc quan, người người nhà nhà thoải mái ăn nhậu…Thời Nghiêu Thuấn, Mao Mác …lên ngôi, thật tuyệt vời.

2. Không còn nợ xấu ngân hàng

Nợ trở thành nợ xấu vì người vay không trả nổi. Chỉ cần ông Thống Đốc ra một thông tư là tất cả nợ tại Viêt Nam không cần phải hoàn trả và được tái ký vô thời hạn thì tỷ lệ nợ xấu sẽ thành zero trong vài giây. Từ nợ ngân hàng đến nợ công hay tín dụng đen, mọi món nợ sẽ thành nợ tốt. Và mọi người, từ chủ nợ đến người vay, sẽ hoan hỉ xếp lại vấn đề đã tốn không biết bao nhiêu thì giờ của các chuyên viên kinh tế Việt và Tây ba lô.

Nếu có ai thắc mắc là cuối cùng rồi ai sẽ đi dọn đống rác chất núi này thì… ta cứ cười hề hề, tôi đã hết nhiệm kỳ lâu rồi, sao lại hỏi tôi?

3. Giải quyết hết nạn hàng tồn kho

Một vấn đề thiên hạ bàn loạn khá sôi nổi là số lượng hàng tồn kho không thanh lý nổi, nhất là bất động sản. Đề xuất của tôi rất đơn giản: chánh phủ mua lại hết tất cả hàng tồn kho, với số tiền vay (không lo hoàn trả) từ các ngân hàng. Sau đó, theo cách làm xin/cho của cơ chế từ mấy chục năm qua, đem ra ban phát cho những thành phần có công trạng với đất nước. Các bác lãnh đạo lớn phải có các biệt thự căn hộ cao cấp xứng tầm. Các cấp thừa hành được việc (cho ai nhỉ?) sẽ trưng dụng các món hàng rẻ hơn. Tóm lại, chỉ cần 1 tháng là không còn hàng gì để tồn kho nữa.

Nếu sáng tạo hơn, thì giao cho Cục Xổ Số nhiệm vụ bán vé số khắp nước với các lô độc đắc mỗi ngày là hàng ngàn căn BDS hay các hàng phải thanh lý như ô tô nhập khẩu, nước hoa hàng hiệu. Cả nước sẽ lên cơn sốt “lô tô” không ai còn thì giờ suy nghĩ, đặt câu hỏi về các vấn nạn khó ưa như… giáo dục, y tế, biển đảo, cướp bóc hay tham nhũng lãng phí. Một giải pháp lý tưởng cho sự ổn định của xã hội.

4. Bắt GDP phải tăng trưởng 15% mỗi năm

Để tạo ấn tượng cho toàn dân, toàn thế giới… ghi rõ trong Hiến Pháp là GDP của Việt Nam sẽ phải tăng trưởng ít nhất là 15% mỗi năm. Việc này cũng dễ thôi: bắt buộc mọi người từ quan chức đến doanh nhân đến phó thường dân phải gia tăng chi tiêu 15% mỗi năm, dùng tiền vay của các ngân hàng, của ngân sách hay của mẹ đĩ… Ban huân chương lao động hay nhân dân gì đó cho anh chị nào tiêu xài “sang” nhất nước. Đặt ra các giải thưởng như “vì Việt Nam, tăng GDP”, “ăn nhậu để xây dựng một quê hương quang vinh”…

Với sách lược tuyệt vời này, chúng ta có 90 triệu quả “đấm thép” làm sửng sốt nhân loại và không ai còn dám cười nhạo Việt Nam về việc “đi tắt đón đầu”.

5. Không còn lạm phát hay bất ổn tỷ giá

Một trong những bất cập lớn nhất của chánh phù là vấn đề lạm phát, tạo áp lực về tỷ giá hay dự trữ quốc gia. Giá trị thực sự của VN Đồng luôn bị các chuyên viên quốc tế thẩm định và soi mói. Do đó, lấy độc trị độc, chánh phủ nên bỏ VN Đồng, mà bắt đầu in “tem, phiếu” về thực phẩm, xăng dầu, hàng hóa… và trả lương cho thành phần trung kiên của chế độ bằng các tem, phiếu này. Lạm phát sẽ hoàn toàn chấm dứt và quyền ban phát tem, phiếu sẽ gia tăng quyền lực của các quan chức trở thành tuyệt đối. Đàn cừu sẽ phải vâng lệnh 100% và giải pháp siêu việt này sẽ làm Obama xấu hổ về cách giải quyết “vách đá tài chánh” (fiscal cliff) của tư bản Mỹ.

Dĩ nhiên là nếu triển khai, 5 giải pháp trên sẽ đòi hỏi nhiều chi tiết điều hành khó khăn với nhiều nghịch lý. Tuy nhiên, Việt Nam có 22 ngàn tiến sĩ và tất cả lãnh đạo đều xứng đáng nhận lãnh một nửa giải Nobel nên chúng ta có “dư” trí tuệ để giải quyết chuyện quá nhỏ này.

Sau cùng, một lãnh đạo tư tưởng của chánh phủ tuyên bố gần đây là “chúng ta phải nhớ ơn Trung Quốc vì họ đã nhường cơm xẻ áo cho Việt Nam trong các trận chiến vừa qua”. Cách trả ơn hay nhất là chúng ta đang dư thừa chất xám, nên việc xuất khẩu các nhân tài ưu việt này qua Bắc Kinh giúp cho Trung Quốc điều hành kinh tế một cách bền vững như Việt Nam là một món quà hy hữu vô cùng quý giá. 16 chữ vàng cần những đóng góp cụ thể và đắc lực.

Alan Phan

Theo blog Góc Nhìn Alan

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad