Tướng Lương và nhà báo Mai Phan Lợi vì sao nên nỗi xung khắc? - Người Đưa Tin -->

Breaking

Post Top Ad

Chủ Nhật, 26 tháng 6, 2016

Tướng Lương và nhà báo Mai Phan Lợi vì sao nên nỗi xung khắc?


Thiếu tướng, Anh hùng LLVTND Lê Mã Lương – Nguyên Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam. Ảnh: Thảo Phượng/ PetroTimes
Tướng Lê Mã Lương nói: “Đây là một sự cố hết sức đau lòng không chỉ đối với lực lượng Phòng không – Không quân nói riêng mà toàn thể dân tộc Việt Nam nói chung…Vậy mà một nhà báo có tiếng nói, địa vị xã hội như Mai Phan Lợi lại dùng từ “tan xác” để nói về nguyên nhân mất tích máy bay CASA-212 trên một diễn đàn có hàng ngàn thành viên là nhà báo lại càng không ổn chút nào. Điều này là rất phản cảm và vô trách nhiệm…

Việc Mai Phan Lợi làm một cuộc thăm dò về nguyên nhân máy bay CASA-212 mất tích với các giả thiết mang tính chủ quan, nóng vội lại càng vi phạm đạo đức nghề báo. Vô tình càng làm cho nỗi đau của gia đình các nạn nhân thêm sâu hơn mà đáng ra, nếu anh không giúp được gì cho họ bớt đau buồn thì cũng đừng nên làm cho họ buồn thêm. Vì thế, tôi thiết nghĩ, cơ quan chức năng cần phải có hình thức kỷ luật thật nặng đối với hành vi này của nhà báo Mai Phan Lợi”

Gã trân trọng tướng Lương một người lính chiến thực thụ từng vào sinh ra tử và đi lên vai tướng và vai anh hùng của mình bằng chính máu xương của mình chứ không như không ít anh hùng và tưởng khác đi lên bằng những thứ… khác.

Gã quý tướng Lương vì ông khác với không ít tướng lĩnh khác đã không im lặng hoặc thờ ơ trước những hiểm họạ của đất nước trong thời khắc vô cùng lâm nguy về chủ quyền về một cuộc chiến tranh rất khắc nghiệt, sống còn đối với dân tộc.

Tướng Lương là người có dũng khí nói lên tiếng nói trung thực của mình bất chấp những lời nói ấy không làm hài lòng một số thế lực nào đó âm mưu đặt lợi ích của mình trên lợi ích dân tộc trước an nguy của dân tộc.

Nói thẳng ra tướng Lương là một tướng nhiều lần công khai gọi đúng tên của kẻ tạo nên những nguy cơ ấy là Trung Quốc.

Và đó là những cái lớn, cái cao đẹp, cái dũng khí can trường, cái phẩm chất của tướng Lương.

Gã tôn trọng những phản ứng rất lính, rất tinh thần đồng đội, thương lính, thương vợ con lính rất thật trước tổn thất sinh mạng của người lính, đồng đội.

Nhưng gã phải nói thẳng ra rằng nếu tướng Lương chỉ dừng lại ở việc nói lên thái độ của mình và cảm xúc của mình trước những việc làm, phát ngôn của nhà báo Mai Phạm Lợi thì sẽ không gây ra những phản ứng trái chiều của những ai có những tầm nhìn, cách nhìn, tư duy khác cũng trên lợi ích của dân tộc như tướng Lương đến như thế.

Phản ứng này chỉ có khi tướng Lương đề nghị “cơ quan chức năng cần phải có hình thức kỷ luật thật nặng đối với hành vi này của nhà báo Mai Phan Lợi” cùng những quy chụp về đạo đức và trách nhiệm.

Gã cũng phản ứng.

Cách dùng từ “tan xác” chỉ một thực tế nhưng do từ lâu trong ngôn ngữ báo chí nước nhà đã tự tạo nên quy định rằng “tan xác” là chỉ để dành cho kẻ xấu.

Nếu có ai viết “gã thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng”, “gã bí thư Đinh La Thăng” này nọ chắc chắn cũng sẽ bị kiểm duyệt không cho in báo chính thống vì cũng cái quy ước chủ quan rằng chữ “gã” là dành cho đối tượng có vấn đề hoặc kẻ không tử tế gì.

Như vậy gã đã bật mí cái lí do vì sao gã xưng là “gã” chứ không phải “tôi ,anh, mình” khi viết trên facebook.

Tướng Lương đã vượt qua được những thách thức của thời cuộc liên quan đến an ninh, nhưng ông còn lấn cấn trong những vòng tròn định sẵn của văn hoá và thói quen phản biện lệch chiều. Gã nhấn mạnh chữ “lệch chiều” chứ không nói là “trái chiều”.

Chao ôi giữ được nước đã khó nhưng làm sao cho nước cường thịnh lại càng khó gấp nhiều lần. Bởi muốn một quốc gia cường thịnh bền vững, dũng khí không đủ, lòng nhiệt huyết yêu nước không đủ, tình thương đồng bào, đồng đội không đủ mà còn rất cần cái yếu tố của đa chiều mênh mông văn hoá và sự mở lòng bao dung những ý kiến phản biện dù những ý kiến đó thiếu tế nhị, thiếu nhậy cảm và khó nghe.

Gã thích nhất câu nói của tổng thống Obama khi đến VN: Tôi thường xuyên nghe những ý kiến phê phán, nước Mỹ lớn lên từ những lời phê phán như thế.

Gã không hề nghi ngờ về tình yêu nước, nỗi quan tâm tới vận mệnh đất nước của cả nhà báo Mai Phan Lợi và tướng Lương. Gã chỉ buồn rằng tại sao một dân tộc có nhiều người yêu nước như thế lại thường xuyên chống đối lại nhau, công kích nhau?

Hiểu nhau.

Hiểu được nhau mới là quan trọng.

Đất nước gã hơn bao giờ hết cần lắm chữ “hiểu” này.

Vấn đề là chúng ta có thực sự muốn hiểu nhau hay không?

Mà muốn hiểu được nhau thì phải thật bình tĩnh lắng nghe và tôn trọng nhau đã.

© Lưu Trọng Văn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad