Các câu hỏi sau khi công bố nguyên nhân cá chết - Người Đưa Tin -->

Breaking

Post Top Ad

Thứ Hai, 4 tháng 7, 2016

Các câu hỏi sau khi công bố nguyên nhân cá chết


“Tại sao lựa chọn chuyển đổi nghề cho hơn 1 triệu ngư dân lại là giải pháp được quyết định nhanh chóng như thế? Thay vì giải pháp làm sạch biển, giúp ngư dân bám biển và duy trì sinh kế truyền thống của họ?

Không lẽ mai sau vỡ đập bùn đỏ boxit, hoặc nhiễm mặn… chúng ta lại sẽ chuyển nghề cho người dân vùng núi xuống biển đánh cá?”

Tiền có thể mua được cán cân công lý? Nguồn: internet
Tôi không có chuyên môn về công nghệ môi trường, tuy nhiên các thông tin công bố về nguyên nhân cá chết cho đến nay, đặt ra với cá nhân tôi nhiều câu hỏi (mà tôi chưa thể có câu trả lời thỏa đáng). Xin chia sẻ cùng bạn đọc để mọi người có thể có ý kiến làm sáng tỏ hơn nguyên nhân (đã hoặc chưa công bố), góp phần cung cấp dữ liệu & trải nghiệm khoa học cho các hoạt động bảo vệ môi trường, và sinh kế của ngư dân tại Việt Nam trong tương lai.

Ngày 30/6, Bộ trưởng Trần Hồng Hà trả lời báo VnExpress như sau: “Thứ nhất, kết quả xét nghiệm của các nhà khoa học cho thấy hơn 50% mẫu cá chết thu được có chứa phenol, xyanua.  Thứ hai, trong vùng chỉ có nhà máy luyện cốc của Formosa Hà Tĩnh thải ra phenol, xyanua.”

Và: “…chất thải của Formosa Hà Tĩnh đã trộn với nhau ra một hợp chất phức. Hợp chất này nặng hơn nước biển, chìm xuống đáy và hút các chất độc hại phenol, xyanua vào nó. Chúng ta hình dung một cách đơn giản là nó như một tấm chăn khổng lồ chứa độc cứ thế trôi ngầm theo dòng hải lưu, đi đến đâu sẽ làm xảy ra các phản ứng hóa học ở đó và khiến cá ở tầng đáy chết hàng loạt.”

Các câu hỏi cần được giải đáp thêm là:

1. Các nhà khoa học Việt Nam đã lấy bao nhiêu mẫu cá để phân tích? Lấy ở đâu? Tỷ lệ các loại cá (cá sống ở tầng mặt, tầng đáy) thế nào?

2. Hơn 50% mẫu cá chứa phenol và xyanua, cụ thể cho các mẫu cá lấy ở mỗi vùng biển ô nhiễm là thế nào? Có gì khác biệt giữa các vùng ô nhiễm và các loại cá không?

3. Nếu cá ở tầng đáy chết hàng loạt thì cá sống ở tầng mặt bị ảnh hưởng thế nào? Nếu không hoặc ít bị ảnh hưởng, liệu ngư dân có thể tiếp tục khai thác, để duy trì nghề biển & cuộc sống của họ?

Theo TS Vũ Đức Lợi, Phó Viện trưởng Viện Hóa học, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam, Phó chủ tịch Hội đồng khoa học tìm nguyên nhân cá chết: độc tố hóa học, cụ thể là phenol, xyanua cùng với sự đóng góp của hợp chất chứa sắt là nguyên nhân chính gây ra sự cố hải sản chết hàng loạt. Bản thân phenol và xyanua dạng tự do tan tốt và sẽ bị nước biển pha loãng nhanh, khó có thể gây hiện tượng cá chết tức thời trên diện rộng. Tuy nhiên, phenol, xyanua đã kết hợp phức sắt ở dạng keo (Mixel) xả ra môi trường biển. Nguồn xuất phát từ khu vực Vũng Áng, Hà Tĩnh.

Các câu hỏi cần được giải đáp thêm là:

1. Phức hợp Mixel là gì? Có thể tạo phức hợp này trong điều kiện phòng thí nghiệm không? Nếu có sao không dùng phức hợp (thí nghiệm) này để đánh giá độc tố với cá (thay vì lấy nước ô nhiễm trong tự nhiên (bao gồm rất nhiều yếu tố chưa xác định và có thể chưa kiểm soát được khi làm thí nghiệm để thử với cá sống như các nhà khoa học đã làm)?

[tìm kiếm bằng từ khóa “iron mixel” trong google scholar và web of science, không cho bất kỳ kết quả nào về (tổ hợp) từ khóa này. Phải chăng phức hợp mixel (chứa sắt) là thuật ngữ mới khám phá từ vụ cá chết mới đây ở Việt Nam?)

2. Nếu đã hiểu cấu trúc phức hợp Mixel, có thể có giải pháp làm sạch biển không (tác động cắt đứt liên kết giữa keo sắt và phenol, xyanua để các chất này bị pha loãng trong nước; hoặc làm kết tủa & thu hồi nếu có thể; hoặc tạo phản ứng hóa học bổ sung để hạn chế độc tố của phức hợp này….)?

(ANTV) – Để chia sẻ những khó khăn, mất mát của ngư dân 4 tỉnh miền Trung bị thiệt hại do bị ảnh hưởng do thủy, hải sản chết bất thường, các địa phương đã nhiều chính sách để hỗ trợ người dân. Trong đó, tăng cường cung cấp nguồn vốn để ngư dân chuyển đổi nghề nghiệp.

Các câu hỏi cần được giải đáp thêm là:

1. Tại sao lựa chọn chuyển đổi nghề cho hơn 1 triệu ngư dân lại là giải pháp được quyết định nhanh chóng như thế? Thay vì giải pháp làm sạch biển, giúp ngư dân bám biển và duy trì sinh kế truyền thống của họ? Lựa chọn nào khả dĩ hơn? Cơ sở ra quyết định là gì? Tại sao?

Việc chuyển nghề cho hơn 1 triệu ngư dân là khó khăn, thậm trí không thể chỉ với số tiền $500 triệu do Formosa đền bù, và với đặc điểm văn hóa ngư dân gắn biển.

Nếu có thể làm sạch biển, khả năng phục hồi các loài thủy sản rất có thể nhanh hơn thời gian mà người dân cần tập huấn và sắp xếp thay đổi sang nghề khác, trong khi sẽ đảm bảo sinh kế tốt hơn cho ngư dân, duy trì văn hóa gắn với ngư trường của họ, cũng như chủ quyền quốc gia.

2. Số người bị ảnh hưởng dán tiếp từ việc hơn 1 triệu ngư dân bỏ nghề biển là bao nhiêu (VD: người đan lưới, đóng thuyền, cung cấp dịch vụ xăng dầu, sửa máy móc, buôn bán cá, dịch vụ du lịch…)? Chắc chắn cũng là con số rất lớn.

Những người này sẽ làm gì thay thế để sống?

Xử lý môi trường là khó khăn và tốn kém, nhưng có lẽ là lựa chọn tốt hơn cho Việt Nam hiện nay. Lựa chọn này không chỉ giúp ngư dân bám biển, góp phần đảm bảo an ninh lương thực (hải sản), đảm bảo chủ quyền quốc gia, mà còn cung cấp những trải nghiệm và bài học quí báu cho các nhà khoa học Việt Nam, từ đó góp phần cải thiện chất lượng hoạch định chính sách công cũng như xử lý sự cố môi trường trong tương lai.

(Không lẽ mai sau vỡ đập bùn đỏ boxit, hoặc nhiễm mặn… chúng ta lại sẽ chuyển nghề cho người dân vùng núi xuống biển đánh cá?).

TS Phạm Văn Hội
Ba Sàm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad