“Phạt cho tồn tại …” - Người Đưa Tin -->

Breaking

Post Top Ad

Thứ Năm, 7 tháng 7, 2016

“Phạt cho tồn tại …”


Không phải càn rỡ hay coi thường pháp luật Việt Nam, một vị lãnh đạo Formosa, ông Chu Xuân Phàm đã nói bộc tuệch đúng bản chất của nó “Muốn bắt cá, bắt tôm hay nhà máy, cứ chọn đi. Nếu chọn cả hai thì làm Thủ tướng cũng không giải quyết được …”. Vậy thì khi cho Formosa “KHÔNG PHẠT VẪN TỒN TẠI” có phải chăng Chính phủ, các cơ quan chức năng đã chọn thép!

Ảnh minh họa. Nguồn: vanews file
Chuyện Formosa sau khi công bố là tác nhân chính gây ra hiện tượng cá chết, biển nhiễm độc lan tràn trên bốn tỉnh miền Trung (Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiện – Huế) và có khả năng lây lan trên diện tích hơn 250 km vuông biển dọc thềm lục địa nước ta, đã tạo ra những hệ luỵ và những câu hỏi chưa có lời giải! Tiền bạc đền bù cho người bị hại là nhân dân đã gánh chịu tai ương ấy là điều đương nhiên, phải làm! Giải cứu vùng biển ấy, làm cho biển không còn chất độc, trở lại trong xanh hiền hoà như ngày nào là việc bắt buộc phải làm, mà làm cẩn thận để khỏi di hại bao đời con cháu hiện tại và mai sau!

Nhưng làm sao để có được điều ấy khi cho đến bây giờ, trong tất cả những văn bản, thông báo, tuyên bố chính thức của quan chức trách nhiệm, của Formosa chưa hề có một phân tích nào về chất gây độc (công bố chính thức); tác hại của nó; quy mô nhiễm độc và quan trọng hơn hết là giải pháp giải độc cho biển và ai là chủ thể trách nhiệm trong việc giải độc biển này! Người ta chỉ biết và ngầm hiểu rằng: đền bù chủ yếu là hỗ trợ, chuyển đổi việc làm cho ngư dân vùng này. Và nguy hiểm hơn qua các văn bản thì đương nhiên dù đã hay chưa đền bù đầy đủ, Formosa vẫn tiếp tục tồn tại hoạt động “bình thường”; thậm chí là ngay quý ba này (theo thông báo của Formosa) sẽ tổ chức khánh thành nhà máy mà chưa có điều gì chứng tỏ Formosa có cải thiện hệ thống xả thải, nguyên nhân gây ra thảm hoạ vừa qua. Trước sự việc này, mọi người đều có thể hiểu theo nghĩa “PHẠT CHO TỒN TẠI”. Tệ hại hơn là không có PHẠT vẫn cho TỒN TẠI!

Ngày nay, ai cũng hiểu chữ câu chữ “phạt cho tồn tại” thông thường áp dụng cho các công trình xây dựng, các Dự án làm sai phép, có vấn đề về môi trường, xâm hại đến cộng đồng, sỡ hữu khác. Nó đồng nghĩa với chuyện vẫn tiếp tục làm như cũ, hoặc có sửa đổi tí chút cho phải phép sau khi đã tốn … một thời gian chạy các nơi có thẩm quyền cho tồn tại. Dù có nhiều quy mô xây dựng, Dự án trước nay đã được “PHẠT CHO TỒN TẠI”, thậm chí đến như cái mới nhất là công trình 8A Lê Trực (Hà Nội) thì Thủ Tướng đã hai lần đích thân chỉ thị, thì nó vẫn dùng dằng “tồn tại” (hồi sau sẽ rõ) thì việc “PHẠT CHO TỒN TẠI” một dự án gây quá nhiều và quá lớn tác hại đến con người, môi trường như Formosa quả là chưa có tiền lệ và thiếu mọi yếu tố để có thể cho nó TỒN TẠI như hiện nay dự án vẫn đang tiến hành!

Ngay cả khi Thủ Tướng Nguyễn Xuân Phúc nói “… nếu Formosa tái diễn sẽ kiên quyết đóng cửa” để hàm ý buộc Formosa phải thay đổi, phải làm tốt môi trường khi tiếp tục hoạt động, thì các cơ quan quản lý vẫn chưa đưa ra các tiêu chí, những bắt buộc Formosa phải làm đúng các quy định, Luật về môi trường … khi tiếp tục hoạt động. Mà những quy định này đều có thể hiểu nhiều cách khác nhau và thậm chí có thể có “đặc cách” để kẻ làm sai, làm bậy dễ dàng nương vào. Ví dụ vấn đề ống thải của Formosa nằm sâu và dẫn xa dưới lòng biển, khi vào lần đầu tiên ông Bộ Trưởng TNMT Trần Hồng Hà, mới nhậm chức đã phát biểu “Đối với pháp luật Việt Nam hệ thống xã thải mà lắp đặt ngầm là không được phép”, thì ngay lập tức Formosa đã trình ra giấy phép được lắp đặt như hiện tại cũng do Bộ TNMT cấp, cho phép.

Và diễn tiến sau đó là Bộ trưởng cũng lờ đi, không truy cứu ai, vì sao đã cấp trái phép như vậy (đặc cách ?)! Và cả những lần sau này, kể cả khi công bố Formosa là thủ phạm gây ra thảm hoạ trên, cũng không nghe ông BT hay bất kỳ ai nhắc đến ống xã thải nằm sâu dưới biển và trái phép này! Vậy có phải là sau ba tháng nghiên cứu, điều tra, cái ống thải, nguyên nhân ấy vẫn cứ TỒN TẠI hay sao? Ngay những lần kiểm tra đầu tiên sau tháng 4/2016, Formosa cũng trưng ra những thiết kế, thủ tục kiểm tra… cho rằng mình đã làm đúng, hợp chuẩn mà chưa có ý kiến nào phản bác cho đến hôm nay. Vậy có nghĩa là không cần phải thay đổi gì thì hệ thống xã thải của Formosa đã đủ chuẩn xã thải, không có gì phải sửa chữa, làm thêm. Vậy “TỒN TẠI” ở đây chính là nguyên trạng.

Mặt khác chính trong các thông báo của Formosa và của chính phủ qua cuộc họp báo đều cho rằng việc gây ra thảm hoạ môi trường vừa qua chỉ là sự cố do mất điện hay do nhà thầu phụ (không biết là ai và đã làm gì gây nên xả thải độc vào môi trường) gây nên. Như vậy là do không cố ý và chỉ là sự cố dễ dàng khắc phục khi có điện đầy đủ và thay đổi nhà thầu phụ là xong! Với quan điểm và nhận định đó, làm sao có thể buộc Formosa phải sửa chữa hệ thống xã thải không đạt tiêu chuẩn cho được. Hay chính với động thái vừa qua đã chính thức cho phép Formosa “KHÔNG PHẠT VẪN CHO TỒN TẠI”. Đó mới chính là thảm hoạ lâu dài về môi trường không chỉ cho bốn tỉnh miền Trung mà còn cho cả nước hay nói đúng hơn Formosa đã gây thảm hoạ môi trường cho trái đất này, cho mọi cư dân tồn tại trên hành tinh xanh cần có sự an toàn!

Thực sự khi nhìn lại, tìm hiểu Formosa là ai; đã làm gì để huỷ hoại môi trường sống của rất nhiều nơi khác Việt Nam ta hoàn toàn kinh ngạc vì sao Formosa có thể nhanh chóng được chấp thuận đầu tư vào Hà Tĩnh mà không ai quan tâm đến quá khứ quá kinh khủng của pháp nhân này. Ngay cả nơi xuất thân là Đài Loan thành tích phá hoại môi trường đã khiến họ bị đuổi đi từ nơi này đến nơi khác và hơn 11 lần bị phạt, dừng sản xuất, trục xuất … thì mới có thể hiểu ra lời hứa gió bay của tập đoàn này; huống hồ ở Hà Tĩnh, họ không có cả lời hứa. Hồ sơ phá huỷ môi trường của Formosa trên thế giới đã vào sách giáo khoa Luật môi trường tại Mỹ, và họ đã bị trao giải “Hành tinh đen” do tổ chức môi trường Ethecon trao năm 2009. Có thể tra trên mạng về “thành tích” khủng khiếp của Formosa để thấy rằng hệ thống công quyền của chúng ta đã “lỏng lẻo” đến đâu khi để cho Formosa đầu tư vào Hà Tĩnh với rất nhiều ưu đãi chưa từng có và “dễ dàng” thông qua các tiêu chuẩn môi sinh, tác động môi trường v.v… Cho đến những quan trắc môi trường cần thiết, bắt buộc khi Formosa hoạt động cũng được Bộ uỷ quyền cho Tỉnh và Tỉnh thì “uỷ quyền”… vào các báo cáo của Formosa để cho rằng đã đạt tiêu chuẩn môi trường. Cái gì để có thể hiểu được điều này nếu không muốn nói rằng “nén bạc đã đâm toạc tờ giấy”!

Trong nội dung văn bản 160610/CV-FHS ngày 18/6/2016 của Formosa thì số tiền họ bỏ ra còn để”giúp người dân nâng cao năng lực tìm kiếm việc làm phù hợp”. Điều này có nghĩa là người dân nơi đây phải từ bỏ nghề nghiệp đánh cá truyền thống bao đời để nhờ sự “giúp đỡ” của Formosa tìm việc làm khác! Có thể hiểu việc này như thế nào? Nếu Formosa đã có cải thiện môi trường biển, cá vẫn sống bình thường thì người dân sao lại phải học nghề khác. Hay nói đúng là không thể bảo đảm không ô nhiễm khi Formosa hoạt động và cá vẫn chết (hay không còn); môi trường biển vẫn độc hại nên ngư dân phải chuyển đổi ngành nghề khác. Vậy mà các cơ quan chức năng trong cuộc họp báo ngày 30/6/2016 công bố điều tra nguyên nhân cá chết, môi trường biển nhiễm độc vẫn ủng hộ là số tiền đền bù ấy sẽ giúp ngư dân học nghề, ổn định cuộc sống! Như vậy dù nói quanh co thế nào thì Formosa vẫn “TỒN TẠI” như hiện trạng mặc cho môi trường tương lai thế nào!

Không phải càn rỡ hay coi thường pháp luật Việt Nam, một vị lãnh đạo Formosa, ông Chu Xuân Phàm đã nói bộc tuệch đúng bản chất của nó “Muốn bắt cá, bắt tôm hay nhà máy, cứ chọn đi. Nếu chọn cả hai thì làm Thủ tướng cũng không giải quyết được …”. Vậy thì khi cho Formosa “KHÔNG PHẠT VẪN TỒN TẠI” có phải chăng Chính phủ, các cơ quan chức năng đã chọn thép!

Điều rất đáng ngạc nhiên là vì sao không xử phạt đơn vị đã gây ra tai hoạ môi trường là Formosa! Chúng ta đã có nhiều tiền lệ về xử phạt những đơn vị gây ô nhiễm môi trường như: Vedan, các Cty xử lý rác Tp HCM, Nghệ An, các công ty gây ô nhiễm trên sông Bưởi … Quá nhiều trường hợp đã bị xử lý mạnh mẽ, nhưng chưa bao giờ từng có một đơn vị gây ô nhiễm trầm trọng và ở diện rộng như Formosa tại Hà Tĩnh mà lại không có án phạt. Hay do đã phạt thì phải đình chỉ hoạt động để xem xét sửa chữa, trong khi Formosa công bố mình vẫn hoạt động sản xuất bình thường, chỉ hoãn làm lễ khánh thành mà thôi, vậy làm sao có thể phạt để dừng sản xuất, hoạt động của Formosa.

Có điều gì đó bất thường khi Formosa công nhận mình là thủ phạm và thống nhất đền bù 500 triệu Mỹ kim mà lại không hề có một xử phạt nào cho hành động phá huỷ môi trường này. Và thật đáng nói khi chúng ta không biết Formosa có tiếp tục phun thải, phun chất độc vào biển khi vẫn “TỒN TẠI” như vậy. Người bị hại chính là NHÂN DÂN vẫn chưa có câu trả lời CÁ đã ăn được chưa và BIỂN bao giờ trong sạch để mọi người có thể yên lành hưởng được môi trường biển như khi chưa có Formosa.

Để phát triển bền vững, tạo dựng cuộc sống ít bệnh tật, chúng tôi chọn cá, chọn biển không chọn Formosa.

© Nguyễn Trung Dân
FB Nguyễn Trung Dân

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad