Phó chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ: ‘Vụ Formosa tiềm ẩn lâu dài vấn đề quốc phòng – an ninh’ - Người Đưa Tin -->

Breaking

Post Top Ad

Thứ Ba, 12 tháng 7, 2016

Phó chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ: ‘Vụ Formosa tiềm ẩn lâu dài vấn đề quốc phòng – an ninh’


“Vụ việc Formosa bước đầu giải quyết tốt nhưng vẫn còn tiềm ẩn sâu xa nhiều vấn đề lâu dài trong đó có vấn đề Quốc phòng – An ninh”.

Phó chủ tịch QH Đỗ Bá Tỵ: “Vụ Formosa tiềm ẩn lâu dài vấn đề quốc phòng – an ninh”. Ảnh: Ngọc Thắng
Đây là nhận định của đại tướng Đỗ Bá Tỵ, Phó chủ tịch Quốc hội (QH) tại phiên họp sáng nay, 11.7, của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Nêu ý kiến về báo cáo của Chính phủ về các biện pháp thực hiện nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2016, Phó chủ tịch QH Đỗ Bá Tỵ đề nghị Chính phủ cần làm rõ hơn một số nội dung, trong đó có vấn đề liên quan đến vụ việc ô nhiễm môi trường ở miền Trung do xả thải của công ty Formosa.

Theo ông Đỗ Bá Tỵ, vấn đề Formosa bước đầu đã được xử lý tốt nhưng còn nhiều vấn đề liên quan. “Vấn đề khắc phục môi trường bao giờ sẽ làm được để nghề cá tiếp tục? Vấn đề liên quan quốc phòng – an ninh? Việc giải ngân số tiền đền bù của Formosa sẽ được thực hiện thế nào? Trách nhiệm của các cơ quan? Tiền đến tay người dân ra sao?”, ông Đỗ Bá Tỵ đặt ra một loạt các câu hỏi.

Theo ông Đỗ Bá Tỵ, nếu không làm tốt các vấn đề này, sẽ có những vấn đề khác phát sinh như việc người dân có thể tiếp tục khiếu kiện, chưa kể khả năng các thế lực thù địch sẽ có những tác động lợi dụng.

“Tôi thấy vụ việc Formosa còn là vấn đề tiềm ẩn lâu dài. Nếu không lường trước, tình hình sẽ còn diễn biến hết sức phức tạp. Vấn đề ở đây không chỉ đơn giản về kinh tế mà còn gắn với quốc phòng – an ninh”, ông Đỗ Bá Tỵ nhận định.

Trước đó, nêu ý kiến về vấn đề này, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của QH Hà Ngọc Chiến cho rằng, báo cáo của Chính phủ cần nhấn mạnh về việc các giải pháp khắc phục hậu quả môi trường hậu quả của vụ Formosa gây ra cá chết hàng loạt ở 4 tỉnh miền Trung.

Ông Hà Ngọc Chiến đánh giá cao việc vừa qua Chính phủ đã có chỉ đạo quyết liệt, đấu tranh để buộc thủ phạm Formosa nhận trách nhiệm và bồi thường. Theo ông Chiến, đây là thắng lợi lớn trước một tập đoàn có kinh nghiệm đối phó và cũng là thủ phạm gây ra nhiều thảm hoạ môi trường ở các nước.

Bên cạnh đó, ông Chiến cho rằng, cần điều tra nguyên nhân chủ quan từ phía Việt Nam trong việc phê duyệt, thẩm định dự án này. Theo những thông tin được báo chí và dư luận nêu lên ông Chiến nhấn mạnh “đây là dự án đầu tư nước ngoài được phê duyệt rất nhanh, đánh giá tác động môi trường cũng được phê duyệt rất nhanh”.

“Sau khi nhà đầu tư được cấp phép thì các yêu sách cũng được đáp ứng rất nhanh và cuối cùng hậu quả thảm hoạ cũng đến rất nhanh, mặc dù chưa hoạt động chính thức, mới chỉ vận hành”, ông Chiến nói.

Theo ông Chiến, riêng với vụ Formosa phải làm rõ nguyên nhân liên quan đến quản lý nhà nước, trách nhiệm thẩm định, phê duyệt, kiểm tra, giám sát cả quá trình để xác định lỗi chủ quan như thế nào. “Cần làm rõ mới có uy tín với cử tri, với nhân dân. Vừa qua đã làm tốt rồi, còn việc khắc phục hậu quả là tất yếu”, ông Chiến nói.

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của QH nói thêm, qua vụ việc này cần nhìn nhận lại với những dự án tương tự. “Dự án được cấp phép tới 70 năm trên một diện tích rất lớn, ở địa bàn rất nhạy cảm. Quy mô lớn như vậy thì cần tính với các dự án như thế có nên đưa vào loại dự án cần được phê duyệt xét duyệt ở cấp nào? Có phải công trình trọng điểm của quốc gia không? Hiện nay chúng ta thấy gần như Formosa do Trung Quốc điều hành là chính. Cần làm rõ các nguyên nhân chủ quan của chúng ta để có giải pháp khắc phục”, ông Chiến nói.

Theo ông Chiến, tới đây cần xem xét có điều chỉnh lại quy mô dự án, điều chỉnh lại các ưu đãi đối với dự án này hay không… Theo ông Chiến báo cáo của Chính phủ cần làm rõ và nhấn mạnh trong 6 tháng cuối năm sẽ xử lý như thế nào chứ không chỉ nói chung chung về việc khắc phục hậu quả môi trường rồi nhắc đến Formosa.

Cần dự báo những vấn đề quốc phòng - an ninh từ phán quyết vụ Philippines kiện Trung Quốc

Theo ông Hà Ngọc Chiến, trong 6 tháng cuối năm 2016, dự báo tình hình an ninh - quốc phòng, trật tự an toàn xã hội sẽ có những phức tạp, nhất là sau khi Toà án quốc tế phán quyết vụ kiện của Philippines với Trung Quốc về Biển Đông.

“Dù kịch bản nào xảy ra, Trung Quốc cũng sẽ có hành động phản ứng. Các hành động này sẽ không chỉ ở trên biển. Việt Nam là một bên trong tranh chấp ở Biển Đông, đồng thời cũng là nước nằm cạnh Trung Quốc, do vậy cần dự báo tình hình đề ra những nhiệm vụ giải pháp sát hơn trong đó có các giải pháp liên quan đến an ninh - quốc phòng, trật tự xã hội.

Đồng tình với quan điểm này, Phó chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ dự báo không chỉ Trung Quốc mà một số nước khác cũng sẽ có những phản ứng phức tạp. Theo ông Đỗ Bá Tỵ, sau phán quyết của Tòa sẽ có nhiều vấn đề cả về đối ngoại, an ninh trên biển, an ninh trên đất liền, trong đó có vấn đề biên giới Tây Nam, cần được lưu ý, đánh giá cụ thể.

Trường Sơn
Thanh Niên

***

Phó Chủ tịch Quốc hội: Vụ Formosa là vấn đề tiềm ẩn rất lâu dài

Ông Đỗ Bá Tỵ: “Riêng tôi thấy vụ Formosa đây là vấn đề tiềm ẩn rất lâu dài, nếu không có dự kiến, lường trước thì tình hình diễn biến sẽ rất phức tạp”

Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ. Ảnh: VOV
Sáng nay (11/7), tại phiên họp thứ 50, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về báo cáo của Chính phủ về tình hình triển khai thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội, ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm và các biện pháp thực hiện nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2016.

Giải pháp nào để đạt mục tiêu GDP mà Nghị quyết của Quốc hội đã đề ra khi 5 tháng qua đạt thấp; tác động từ sự cố môi trường cá chết hàng loạt ở miền Trung… là vấn đề nhận được nhiều ý kiến thảo luận.

Vụ Formosa là vấn đề tiềm ẩn lâu dài

Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ cho rằng, liên quan đến sự cố môi trường khiến hải sản chết ở miền Trung, Chính phủ đã có chỉ đạo rất quyết liệt, kịp thời để trả lời trước công chúng, tạo niềm tin với nhân dân.

Tuy nhiên, nhiều điều vẫn còn băn khoăn vì sẽ tác động đến việc thực hiện mục tiêu GDP 6,7% theo Nghị quyết Quốc hội.

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội, phần đánh giá, dự kiến trong báo cáo của Chính phủ chưa rõ. Vụ Formosa giải quyết bước đầu rất tốt, nhưng tiềm ẩn sâu sa còn rất nhiều vấn đề.

Ví dụ bao giờ chúng ta khắc phục được môi trường? Để nghề cá thực hiện được, ngành du lịch tiếp tục thực hiện thì liệu đến bao giờ? Về việc giải ngân tiền đền bù của Formosa sẽ giải quyết như thề nào?

Các cơ quan trách nhiệm ra sao để tiền đó đến được với dân? Nếu không giải quyết những vấn đề đó, thì vấn đề gì sẽ xảy ra?…

Nhấn mạnh lĩnh vực quốc phòng an ninh ảnh hưởng đến GDP, Phó Chủ tịch Quốc hội lưu ý: Khi Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) phán quyết về vụ kiện của Philippines sẽ tác động rất lớn và phản ứng của các nước sẽ rất phức tạp, từ đối ngoại, trên biển và trên đất liền. Do đó, báo cáo cần đánh giá kỹ hơn, từ đó đưa giải pháp để thực hiện được mục tiêu GDP đề ra.

“Tôi nghĩ còn khó khăn, dù chúng ta đã có rất nhiều cố gắng. Chia sẻ Chính phủ rất vất vả, nhưng nhân dân sẽ không chấm điểm vất vả mà sẽ chấm điểm ở kết quả” – ông Đỗ Bá Tỵ bày tỏ.

Làm rõ trách nhiệm mới uy tín với dân

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến nhấn mạnh, liên quan vụ Formosa gây ra cá chết hàng loạt tại 4 tỉnh miền Trung thì báo cáo cần tập trung nhấn mạnh vào giải pháp khắc phục.

Theo ông Hà Ngọc Chiến, cũng nên nhìn nhận lại việc cấp phép 70 năm ở địa bàn nhạy cảm và quy mô lớn như vậy thì nên đặt vấn đề là cần phải được phê duyệt, xét duyệt ở mức nào? Có phải công trình trọng điểm quốc gia không? Tới đây triển khai thế nào, có điều chỉnh lại quy mô dự án không?

Nhấn mạnh sự cố môi trường ở miền Trung vừa qua gây hậu quả rất lớn song không phải lần đầu vì từng xảy ra vụ Vedan, Tung Kuang, Hào Dương, Nicotex…, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga đồng tình với các kiến nghị của Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội là Chính phủ cần rà soát lại các dự án.

“Tôi đồng tình rà soát và kiểm tra nguồn thải ở lưu vực sông, biển; đánh giá lại tất cả khu công nghiệp, nhà máy xả thải thế này” – bà Nga nêu ý kiến và đề nghị rà soát kiểm tra lại đánh giá tác động môi trường (ĐTM) của các nhà máy, dự án có khả năng gây ô nhiễm cao, dư luận phản ánh nhiều.

“ĐTM là barie quan trọng đầu tiên để bảo vệ và dự án phải vượt qua nhưng nhiều ĐTM kém, có tính chất đối phó, có bản copy cắt dán ở các dự án khác nhau và công tác phê duyệt, theo dõi, kiểm tra sau này không đạt”.

“Phải báo cáo Quốc hội theo đề nghị của Uỷ ban Kinh tế là rà soát, đánh giá kiểm tra lại ĐTM của các dự án mà hiện nay người ta nghi có vấn đề về môi trường xem có thực sự đáp ứng yêu cầu, có cắt dán không và nếu có thì trách nhiệm thuộc về ai” – bà Lê Thị Nga nêu quan điểm.

Báo cáo của Chính phủ cho biết, khai thác thuỷ sản gặp nhiều khó khăn do tâm lý người tiêu dùng đối với vụ cá chết hàng loạt ở vùng biển Bắc Trung Bộ (Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế).

Hải sản khai thác khó tiêu thụ, nhiều ngư dân phải dừng đánh bắt ở vùng biển ven bờ, sản lượng thuỷ sản khai thác ở các tỉnh trên giảm mạnh, dẫn đến sản lượng khai thác chỉ tăng 3,2% (cùng kỳ tăng 4,4%); riêng sản lượng khai thác tăng 3,4% (cùng kỳ tăng 4,6%).

Ngọc Thành
VOV

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad