Cá tra miền Tây - Người Đưa Tin -->

Breaking

Post Top Ad

Thứ Bảy, 20 tháng 8, 2016

Cá tra miền Tây


Anh Hồng, một người nuôi cá tra ở huyện Ô Môn, tỉnh Cần Thơ chia sẻ: “Nó thất bại hổm rày bị Trung Quốc đánh cái vụ mua cá bự (lớn), phải nuôi lớn nó mới mua chứ không như trước đây.



Cách đây 4 tháng, hàng loạt nhà máy chế biến cá tra xuất khẩu ở miền Tây gặp khó khăn do thiếu nguyên liệu đầu vào. Nhiều doanh nghiệp phải đẩy mạnh tiến độ thu mua cá của dân loại 700 - 800 gram nhằm đảm bảo công suất chế biến, khiến nguồn cung trên thị trường càng cạn nhanh. Tuy nhiên, hiện tại mọi chuyện đã đổi khác, hàng tấn cá tra nguyên liệu bị ứ đọng với mức giá bù lỗ, người nông dân khóc ròng bởi không thoát bàn tay của thương lái Trung Quốc.

Nuôi không định hướng

Anh Hồng, một người nuôi cá tra ở huyện Ô Môn, tỉnh Cần Thơ chia sẻ: “Nó thất bại hổm rày bị Trung Quốc đánh cái vụ mua cá bự (lớn), phải nuôi lớn nó mới mua chứ không như trước đây. Nó mua như vậy thì mình phải nuôi lớn chứ không như trước đây bán lớn nhỏ đều được. Giờ lớn nó cũng không mua, giờ đứng ngồi không yên!”.

Anh Hồng cho biết, ba tháng đầu năm nay, khi thương lái Trung Quốc đến tận nơi để thu mua cá với giá cao, người nông dân ai cũng vui mừng.

Bà con vớt hết cá to, cá nhỏ để bán cho họ. Đặc biệt, bán cho thương lái Trung Quốc có cái lợi là họ không kiểm tra gắt gao quy trình nuôi, rồi chất lượng của cá. Thương lái mang xe đến tận nơi, vào tận nhà và mua hết toàn bộ cá không phân biệt cá thịt vàng hay thịt trắng.

Mọi việc diễn ra trong nhiều tháng trời. những ngày đầu tháng tư, giá cá nguyên liệu tăng mạnh từ 19,000 đồng mỗi kg lên 22,500 đồng mỗi kg. Thấy vậy, anh cùng nhiều người khác quyết định bỏ thêm vốn đầu tư để mở rộng diện tích nuôi, tăng số lượng cá thả.

  Bên Trung Quốc thì lúc nào cũng dễ hơn bên Mỹ...Trung Quốc thì không có chỉ tiêu nào ngoài trọng lượng. Nhưng rồi nó thả mình thì thua luôn!.

Ông Thương, chủ doanh nghiệp
Anh cho hay, bạn nuôi cá của anh ở các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ còn chủ động để cá quá lứa để dễ dàng bán cho thương lái Trung Quốc.

Tuy nhiên, khi lứa cá mới trở nên to hơn và đến thời kì thu hoạch, những thương lái Trung Quốc đã bỏ đi và để lại cho nhiều người những khoản nợ không nhỏ.

Một người nuôi cá khác tên Mau ở An Giang, chia sẻ rằng anh đã sai lầm khi từ chối các doanh nghiệp thu mua cá tại địa phương để bán trực tiếp cho các thương lái Trung Quốc. Hiện nay anh còn tồn khoảng 5 tấn cá quá lứa không thể tiêu thụ. Giá cá nguyên liệu cũng chỉ còn 18,000 đồng đến 19,000 đồng mỗi kg. Với mức giá này, người nuôi cá như anh đang phải chịu lỗ khoảng 1,000 đến 2,000 mỗi kí lô. Không biết gia đình anh sẽ cầm cự đến lúc nào.

Hướng đi nào cho người nuôi cá miền Tây

Ông Tân, một kỹ sư nông lâm đang làm việc cho một công ty chế biến cá tra xuất khẩu tại Cần Thơ chia sẻ: “Cá thị trường cá xuất khẩu thì người ta nuôi lớn rồi bị nó (Trung Quốc) nó thả. Tôi có ông cậu nuôi cá tra lớn rồi,m mỗi con nặng ba, bốn ký rồi mà bán không được. Ổng lỗ cả tỉ đồng. Bây giờ mình nuôi không có theo qui trình và chính sách của bên phía Trung Quốc nên người ta thả luôn. Mà làm sao lại phải nuôi theo qui trình của họ chứ?! Bây giờ mình điêu đứng rồi đó chứ!”.

Một cảnh sông nước miền Tây. RFA photo
Ông này cho hay, theo số liệu của Hiệp hội cá tra Việt Nam, gần 6 tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu cá tra Việt Nam sang thị trường Trung Quốc đạt khoảng 100 triệu USD, tăng gần 50% so với cùng kỳ 2015.

Trong đó, thời điểm đầu năm, nhiều hầm nuôi cá tra size lớn vẫn được thương lái Trung Quốc thu mua với giá cao; đồng thời không chú trọng nhiều đến việc kiểm tra chất lượng. Chính vì điều này mà nhiều doanh nghiệp thu mua quyết định ký hợp đồng để cung cấp cho thị trường Trung Quốc nhiều hơn các nước châu Âu và Mỹ. Nhiều đơn hàng số lượng lớn, giá tốt của các thương lái Trung Quốc đưa ra nhưng không đòi hỏi cao về kiểm soát chất lượng như các thị trường EU, Hoa Kỳ, nên nếu không bán được sang Trung Quốc thì cũng sẽ không có nơi khác tiêu thụ.

Ông Tân tỏ ra lo lắng khi cả doanh nghiệp và người nuôi cá tra tại các tỉnh miền Tây đều chọn hướng đi ngắn ngày. Việt Nam đang trong tiến trình gia nhập TPP. Nhưng nếu với đà hiện tại, thì khó mà có thể tồn tại được khi hiệp định này được ký kết.

Chủ một doanh nghiệp thu mua cá tra ở Cần Thơ, tên Thương chia sẻ: “Bên Trung Quốc thì lúc nào cũng dễ hơn bên Mỹ. Mỹ thì phải có nhiều chỉ tiêu về vệ sinh an toàn thực phẩm, về môi trường và nhiều chỉ tiêu khác. Trung Quốc thì không có chỉ tiêu nào ngoài trọng lượng. Nhưng rồi nó thả mình thì thua luôn!”.

Theo ông này, thương lái Trung Quốc tìm mọi cách nâng giá mua cá tra lên cao, để rồi nhiều gia đình nuôi mất cảnh giác, từ chối các doanh nghiệp trong nước mà sản xuất theo yêu cầu "khác người" của họ.

  Bây giờ mình nuôi không có theo qui trình và chính sách của bên phía Trung Quốc nên người ta thả luôn. Mà làm sao lại phải nuôi theo qui trình của họ chứ?! Bây giờ mình điêu đứng rồi đó chứ!.

- Ông Tân, kỹ sư nông lâm
Vì lợi nhuận trước mắt quá lớn nên nhiều người nuôi khó tránh được bẫy. Bởi những lần thu hoạch sau, sản phẩm cứ chất đổ đống mà thương lái thì biệt tâm. Đây cũng chính là trái đắng mà một lần nữa người nông dân miền Tây phải gánh chịu hậu quả.

Ông này tỏ ra buồn bã và lo lắng vì nông dân và doanh nghiệp chưa bao giờ hết phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc. Mới đây nhất, người em của ông ở Tiền Giang trồng thanh long ruột đỏ cũng bị lỗ gần 50 chục triệu do bị thương lái Trung Quốc thả khi giá thanh long ruột đỏ hiện chỉ còn 1,500 đến 3,000 đồng mỗi kg. Trong khi cách đây chưa đầy 1 tháng, thương lái vào vườn mua thanh long với giá 30,000 đồng mỗi kg.

Ông Thương cho hay việc xuất khẩu sản phẩm cá tra hiện rất chậm, trong khi giá bán thấp chỉ từ 2.1 đô đến 2.2 đô một kg với thị trường châu Âu và Trung Quốc; Mức giá này được nâng lên từ 2.8 đô đến 3 đô mỗi kg đối với thị trường Mỹ. Tuy nhiên, thị trường châu Âu và Trung Quốc đang trầm lắng do đồng tiền mất giá và nhu cầu giảm. Mặc dù bị kiểm soát gắt gao về chất lượng cá khi nhập nhưng ông cho hay rằng, xuất được cá tra sang Mỹ là một thành công của công ty ông hiện tại.

Tình trạng hiện tại của ngành nuôi trồng thủy sản miền Tây có thể nói là xám xịt. Bởi họ vẫn không tìm ra lối thoát trong chính sách hỗ trợ nhà nước mà lại càng bế tắc hơn khi bứt khỏi chính sách nhà nước để chơi với các thương lái Trung Quốc để rồi bị lừa. Nói theo cách của bà con nông dân nơi đây là tránh vỏ dưa thì lại gặp vỏ dừa.

Nhóm phóng viên tường trình từ VN
RFA
Nhấp vào nút play (►) dưới đây để nghe

Tải xuống

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad