Formosa bây giờ ở đâu? - Người Đưa Tin -->

Breaking

Post Top Ad

Chủ Nhật, 14 tháng 8, 2016

Formosa bây giờ ở đâu?


Một góc trung tâm hành chính – khu ký túc xá của Formosa, chỗ ở cho hàng ngàn lao động nước ngoài. Nguồn: báo PetroTimes

Về mặt địa lý thì Formosa vẫn đang ở Vũng Áng, tỉnh Hà Tĩnh cho đến hơn 50 năm nữa. Câu hỏi Formosa ở đâu không phải hỏi về mặt địa lý. Câu hỏi ở đây là câu chuyện Formosa xả chất độc ra biển giờ đang ở đâu trong dư luận Việt Nam?

Chính phủ Việt Nam tuyên bố sẽ công khai bản kế hoạch chi tiêu khoản tiền 500 triệu usd mà Formosa đền bù vào tháng 7 năm 2016. Ngày 29 tháng 7 một bản tin cho biết, chính phủ đã nhận được 250 triệu usd của Formosa vào ngày 28 tháng 7. Nhưng bản kế hoạch chi tiêu 500 triệu usd như lời chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã hứa vẫn không thấy đâu.

Trả lời về việc nhận 250 triệu usd, một nửa số tiền cam kết này của Formosa, ông Trần Hồng Hà bộ trưởng tài nguyên môi trường của chính phủ lòng vòng ca ngợi thành tích đòi được tiền từ Formosa, những công việc chính phủ sẽ làm trong tương lại… tuyệt nhiên không hề có một lời cụ thể nào về việc chi dùng số tiền này. Chỉ có một câu ngắn ông Hà cho biết việc hỗ trợ, bồi thường cho người dân đã được chính phủ chỉ đạo quyết liệt. Nên chú ý ông Hà nói chỉ đạo, chứ không nhắc đến việc thực hiện chỉ đạo đến đâu. Theo như ông cho biết thì Bộ Nông Nghiệp và nông thôn sẽ có báo cáo trước quốc hội vấn đề bồi thường này.

Khi nào thì báo cáo, báo cáo cái gì? Chuyện này chỉ có những người trong bộ máy chế độ biết với nhau. Như thế người dân chỉ biết dài cổ ngóng cho đến khi mỏi cổ và quay sang hóng vào chuyện khác, rồi quên dần câu chuyện tiền đền bù này đi.

Rõ ràng chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đang cố tình kéo dài và làm loãng thời gian để dư luận quan tâm đến việc chi dùng số tiền này. Điều dó khiến những người quan tâm phải đặt nghi vấn.

Thứ nhất liệu số tiền này có thực hay không, có đúng Formosa bồi thường từng đó tiền hay không, hay đây chỉ là số tiền ảo để đánh lừa dư luận.

Thứ hai số tiền đó là có thật và chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đang cố tình muốn lạm dụng số tiền này để chi vào việc khác, như một kiểu vay giật và lâu dài là quỵt luôn của người dân bị thiệt hại do Formosa gây ra.

Vào ngày 10 tháng 8 năm 2016, tức 10 ngày sau khi chính phủ Nguyễn Xuân Phúc công bố nhận 250 triệu usd đầu tiên của Formosa bồi thường, một bản tin trên báo Dân Trí cho dư luận biết tổng cục thuế thuộc Bộ Tài Chính sẽ miễn và hoàn thuế cho Formosa hơn 10 ngàn tỷ VNĐ. Số tiền này tương đương với gần 500 triệu usd. Lý do mà tổng cục thuế nêu ra đây là việc bồi thường cho Formosa bị thiệt hại do vụ biểu tình của người dân Hà Tĩnh vào hồi giàn khoan HD981 xâm phạm vùng biển Việt Nam.

Việc thiệt hại của Formosa sau cuộc biểu tình đó đã được các công ty bảo hiểm Việt Nam bồi thường hàng triệu usd. Formosa còn tranh thủ cuộc biểu tình đó để kiếm chác thêm nhiều ưu đãi về chính sách thuế, tiền đất. Trước kia những ưu đãi này của Formosa bị bác bỏ, nhưng sau vụ biểu tình giàn khoan thì đòi hỏi của Formosa được chấp nhận và được chuyển từ khu kinh tế công nghiệp thành đặc khu kinh tế.

Formosa tiếng là của chủ đầu tư người Đài Loan, nhưng số lượng công nhân tập đoàn này mang đến Hà Tĩnh có đến mấy ngàn người đều ở Trung Quốc Đại Lục, tức Trung Cộng. Đài Loan vốn dĩ là nơi tiếp nhận lao động Việt Nam, chuyện một công ty Đài Loan đến Việt Nam đầu tư mà không nhận công nhân Việt Nam, lại đi nhận công nhân Trung Quốc thật là khó hiểu.

Nghi vấn rất lớn số tiền mà Formosa đầu tư vào Việt Nam có phần lớn tiền của Trung Cộng Đại Lục đứng đằng sau.

Nếu số vốn đầu tư của Formosa vào Việt Nam là phần lớn của Trung Cộng, các vấn đề sẽ trở nên dễ hiểu hơn.

Ví dụ dễ hiểu vì sao chính quyền Đài Loan lên tiếng mạnh mẽ và gay gắt với Formosa. Lẽ ra chính phủ Đài Loan phải có động thái bênh vực công ty của mình, ở đây ngược lại họ lại rất phẫn nộ và muốn xử lý kiên quyết Formosa trong vụ việc xả chất độc.

Dễ hiểu vì sao chính quyền Việt Nam ngập ngừng không thẳng tay với Formosa, phải bàn bạc và thương thuyết để Formosa tự đưa ra mức bồi thường và nhận lỗi. Dễ hiểu vì sao sau cuộc biểu tình giàn khoan HD981 bỗng nhiên Formosa lại may mắn được hưởng quá nhiều lợi lộc sau khi đã được bảo hiểm nhanh chóng và mức kịch trần.

Dễ hiểu vì sao ngay khi xảy ra cá chết, đích thân tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đến ngay Formosa để tham quan và khen ngợi nơi này, như một sự bảo đảm cho Formosa.

Hầu như tất cả những gì liên quan đến Trung Cộng có tiếng xấu, đều được nhà cầm quyền Việt Nam tìm mọi cách để dẹp yên dư luận. Chắc hẳn Formosa cũng được nằm trong số những sự kiện liên quan đến Trung Cộng, nên vì thế nhà cầm quyền Việt Nam đang gắng sức dẹp bỏ dư luận và đẩy sự việc vào mớ bòng bong đầy rắc rối, khiến dư luận quan tâm hụt hơi và xao lãng vì những câu chuyện khác được dựng lên để làm lạc hướng.

Cho đến giờ thì chưa một quan chức cộng sản Việt Nam nào bị kỷ luật hay khiển trách trong vụ Formosa. Mặc dù có trong số họ có những phát ngôn hoàn toàn sai sự thật đến trắng trợn. Đó là điểm chung của việc liên quan đến Trung Cộng thì không quan chức Việt Nam bị kỷ luật, một điểm chung nữa là những ai khơi ra những việc bê bối liên quan đến Trung Cộng đều bị coi là thế lực thù địch, đảng Việt Tân giật dây kích động. Những mẫu số chung này củng cố thêm những nghi vấn về nhà đầu tư Trung Cộng đã nói trên để khẳng định Formosa có bàn tay Trung Cộng đứng đằng sau.

Bởi thế chuyện của Formosa bây giờ không biết đang ở đâu, cũng như câu chuyện liên quan đến đấu tranh giữ chủ quyền biển đảo của Việt Nam bây giờ cũng không biết ở đâu.

Những điều trên ngày càng nhiều và ở mức độ lớn ảnh hưởng và lan tràn khắp đất nước Việt Nam. Đã có nhiều người Việt Nam bừng tỉnh đặt câu hỏi mình đang ở đâu, có phải ở trên đất nước Việt Nam của mình không? Những người đặt câu hỏi này đang ngày càng một nhiều hơn. Một số người thay vì tìm câu trả lời thì chọn phương án B5, tức dạng định cư tại Hoa Kỳ theo dạng đầu tư hoặc ở châu Âu.

Thực tế cho thấy sau vụ Formosa xả chất độc và thái độ xử lý của nhà cầm quyền Việt Nam đã khiến cho nhiều người Việt khá giả tính con đường bỏ đất nước mà đi. Ít ra ở đất nước mới mà họ đến định cư, họ có thể hiểu rằng họ đang ở đâu nếu đất nước đó xảy ra những vụ gây thảm hoạ môi trường như Formosa gây ra. Còn ở Việt Nam họ không có câu trả lời ấy.

© Người Buôn Gió

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad