Một đóa hoa (nhầu) cho người ngã ngựa - Người Đưa Tin -->

Breaking

Post Top Ad

Thứ Sáu, 19 tháng 8, 2016

Một đóa hoa (nhầu) cho người ngã ngựa


"...Bây giờ chạy vào Quốc hội là bình thường, có tiền là chạy được, có quan hệ thân là chạy được..." Đại biểu Quốc hội Lê Văn Cuông


Nhật ký Vương Trí Nhàn, ghi ngày 14/8/1979, có đoạn rất xúc cảm. Đọc mà không ứa nước mắt (chắc) cũng ứa gan: “Các bệnh viện quá đông người. Bệnh viện St.Paul khoa nhi ba trẻ con một giường, đêm có đứa ngã xuống đất chết luôn. Không có điện, nhiều trẻ bị chết, các bà mẹ trông cả về Lăng Bác mà khóc.”

Ba mươi năm sau, vào ngày 1/12/2008, báo Tuổi Trẻ đi tin: “Tám bệnh nhân trên một giường... tại các khoa hô hấp, sốt xuất huyết Bệnh viện Nhi Đồng 1, bệnh nhân nằm gần kín các hành lang... Ban ngày hành lang còn có lối nhỏ để đi, chứ đến đêm kín mít chiếu. Mỗi gia đình là một khoảnh chiếu, cứ nằm vậy để thay nhau chăm con...”

Cái gì cũng phải “mua”

Những bà mẹ hồi năm 1979 nay đã phải thành nội/ngoại hết trơn. Những em bé thơ, vào thời điểm đó (nếu còn sống sót) hẳn cũng đều làm mẹ cả rồi. Phụ nữ thuộc thế hệ này, chắc chắn, không còn ai “trông về Lăng Bác mà khóc” nữa. Dân Việt – cũng may – tuy ngây thơ thật, ngây thơ lâu, và ngây thơ lắm nhưng không ngây thơ mãi!

Khóc lóc không giải quyết được gì. Để cho người thân có một chỗ nằm ở nhà thương thì điều cần là vài cái phong bì, chứ không phải là những giọt nước mắt.

Ở nhà giam cũng thế, theo lời của cựu tù nhân lương tâm Phạm Thanh Nghiên: “Cánh sĩ quan được tắm hàng ngày vào các buổi chiều. Một tuần được 3 lần gội đầu. Nước và thời gian cũng được nhiều gấp đôi cánh tù bình dân. Sĩ quan, là những người tù có tiền. Nói cho chính xác, đám này thuộc diện có gia đình ở ngoài khá giả... Ngay cả chỗ họ nằm, cũng là gia đình lo lót, mua cho. Thời điểm tôi bị giam ở Trần Phú (2008- 2009) mỗi xuất nằm trên sàn trung tâm có giá từ 2 đến 3 triệu đồng. Sàn đối diện giá rẻ hơn một chút, dao động từ 1 đến dưới 3 triệu, tùy theo vị trí.”

Một “xuất nằm” trong nhà thương, hay trong nhà lao mà cũng cần chạy tiền thì có chỗ nào ở nước CHXHCNVN mà không phải lo lót – kể cả chỗ đứng rất khiêm tốn, trước bảng đen/phấn trắng (với đồng lương còm cõi) của những người dậy học.

Trong bức Thư Ngỏ Gửi Quốc Hội & Ba Bộ Trưởng , gửi hôm 17 tháng 10 năm 2015, nhà báo Nguyễn Thu Trang viết:

“Từ năm 2009 đến nay, 185 giáo viên của huyện Sóc Sơn được UBND huyện nhận vào làm với mức giá, trên, dưới 50 triệu đồng/1 người. Không có tiền thì không bao giờ xin nổi việc và ngược lại. Vì muốn có việc làm, nhiều giáo viên phải vay mượn tiền để chạy việc, thông qua các đường dây cò mồi, một số trường, đích thân hiệu trưởng nhận tiền theo giá chung. Nhưng mọi quyết định cuối cùng đều nằm ở huyện...”

Tôi đã đặt bản thân mình vào hoàn cảnh của họ để viết giúp họ một bức thư, như một tiếng kêu cứu thống thiết, gửi đến những người có chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn cao nhất có thể xem xét lại giúp họ…”


   Bây giờ chạy vào Quốc hội là bình thường, có tiền là chạy được, có quan hệ thân là chạy được.

Đại biểu Quốc hội Lê Văn Cuông
Đã “mua” thì phải “hoàn vốn”

Nguyễn Thu Trang chắc cũng không ngờ rằng những kẻ “quyền hạn cao nhất” mà bà vừa gửi đến “tiếng kêu cứu thống thiết” cũng phải chạy (thấy mẹ luôn) mới thành được bộ trưởng hay dân biểu quốc hội, chớ chức tước đâu phải là đồ miễn phí. Điều khác biệt duy nhất giữa họ và những cô/thầy giáo (đáng thương) là một đằng chạy chỗ để kiếm sống qua ngày, còn đằng khác chạy chức để đầu tư.

Đại Biểu Quốc Hội Lê Văn Cuông cho biết: “Bây giờ chạy vào Quốc hội là bình thường, có tiền là chạy được, có quan hệ thân là chạy được.” Và chạy xong thì "tránh sao khỏi tâm lý ít nhất là hoàn vốn,” theo lời của nhà báo Bùi Hoàng Tám.

Sao hoàn vốn thôi sao, cha nội? Đâu có quan chức nào chịu (“huề”) như vậy? Họ đầu tư là để kiếm lời, bằng mọi cách, càng nhiều càng tốt, bất kể nhân phẩm và đạo lý. Xin đơn cử một trường hợp tiêu biểu, theo Wikipedia:

Võ Kim Cự (sinh 1957) là một chính khách Việt Nam, Bí thư, Chủ tịch đoàn Liên minh HTX Việt Nam nhiệm kỳ 2015-2020, nguyên Bí thư Tỉnh ủy, nguyên Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Hà Tĩnh, Đại biểu Quốc hội Việt Nam khóa 13, khóa 14 thuộc đoàn đại biểu Hà Tĩnh, thành viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội.

Không phải khi khổng khi không mà ông Võ Kim Cự trở thành Bí Thư Tỉnh Ủy, Chủ Tịch Uỷ Ban Nhân Dân, Đại Biểu Quốc Hội... Ở một xứ sở mà một chỗ nằm trong nhà thương, hay nhà tù, đều phải mua bằng tiền thì để được trở thành chính khách - tất nhiên – là phải chạy điên luôn!

Ông Cự rất chịu chạy và chạy rất nhanh nhưng – đôi lúc – có lẽ vì chạy bạo quá nên không tránh khỏi dăm ba điều tiếng (eo sèo) của người dân địa phương:

Ông Võ Kim Cự xuất thân từ cán bộ phong trào đoàn xã Cẩm Thăng, huyện Cẩm Xuyên. Ông chưa học hết cấp 3, nhưng nghe nói đã có bằng bổ túc công nông. Khi lên làm đoàn xã rồi đến đoàn huyện ở Cẩm Xuyên, ông có một lần bị kỉ luật vì làm cho một cô giáo mầm non bầu bí. Năm 1991, sau khi Hà Tĩnh tách ra từ Nghệ Tĩnh. Hà Tĩnh thành lập công ty khai thác Titan liên kết với Úc có tên là Khoảng sản Hà Tĩnh, tiền thân của tổng công ty Khoáng sản Thương Mại bây giờ. Trong quá trình làm ở Mitraco, ông Cự theo học lớp đại học tại chức luật được tổ chức ở thị xã Hà Tĩnh năm 1995-1997. Khi đó ông Cự là lớp trưởng, một người có vai trò tổ chức đưa đón thầy cô giáo và bố trí nơi ăn, chỗ nghỉ cho các thầy cô về dạy tại chức. Nên khi tốt nghiệp ông Cự đại loại cao, nhiều người thắc mắc thì có thầy giáo đã trả lời. "Chúng tôi nhờ có anh Cự giúp đỡ trong khi đi dạy ở đây nên chúng tôi cho anh điểm cao là chuyện dễ hiểu". Sau khi có bằng đại học tại chức, ông Cự lên giám đốc rồi công ty chuyển thành tổng công ty nên ông mang danh Tổng giám đốc. Sau đó vài năm ông lên chức chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh. Có nghịch lý là trong những năm ông Cự làm giám đốc Mitraco, nhiều dự án được vẽ ra và không thu được gì. Cuối cùng, các dự án này đều được bán dần để trả nợ (mà nhiều người cho là ông dùng tiền để chạy chức phó chủ tịch tỉnh). Trong khi làm phó chủ tịch, ông học Thạc sỹ MBA theo chương trình liên kết với đại học Western Pacific University. Trường này cũng nằm trong danh sách những Scam Universities mà báo chí đã từng nêu. Trớ thêu hơn, ông lại là sinh viên "thủ khoa" của khóa học này.

Trớ trêu hay không thì ông VKC vẫn là người có bằng cấp, học vị “được công nhận” bởi nhà nước hiện hành. Nhờ thế, ông ấy được bầu vào vị trí Phó Chủ Tịch UBND tỉnh, kiêm Trưởng Ban Khu Kinh Tế Vũng Áng. Sau đó là Chủ tịch UBND tỉnh rồi Bí Thư Tỉnh Ủy...

Ở địa vị này, ông VKC đã góp phần không nhỏ vào việc cấp phép cho công ty Formosa mở nhà máy thép ở Hà Tĩnh, và nhận được nhiều ưu đãi “kịch trần” – theo như (nguyên văn) cách dùng từ của báo Đất Việt: “Được hưởng thuế thu nhập doanh nghiệp 10% (doanh nghiệp trong nước là 22%), miễn thuế thu nhập trong bốn năm và giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo; được miễn thuế nhập khẩu máy móc, thiết bị; miễn thuế tài nguyên…”

Tổng cộng là hơn mười ngàn tỷ đồng tiền hoàn thuế. Theo phỏng tính của chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan phỏng tính: “Hơn 10.000 tỷ đồng nếu tính vào thời giá cuối năm 2014, đầu năm 2015 thì nó tương đương với 500 triệu USD.”

Thiệt là quá đã, và quá đáng!

Đúng qui trình

Nếu phần lại quả là hai chục phần trăm thì số tiền sẽ là một trăm triệu Mỹ Kim. Ông VKC – tất nhiên – ăn chia tử tế, theo đúng qui trình: đầu tư – hoàn vốn - kiếm lời. Việc làm này hoàn toàn không có gì sai trái nên đương sự được sự tán trợ và ủng hộ nhiệt tình của mọi giới quan chức (lớn/nhỏ) từ trung ương đến địa phương.

Vấn đề chả qua, và chả may, là Formosa lại là đồ độc. Nuốt vào rồi mới biết là lôi thôi lắm, lôi thôi lâu, và e (cả đám) sẽ lôi thôi lớn!

Vậy mà sau khi sự việc lỡ vỡ thì không thấy người gian nào (khác) mắc nạn hết trơn hết trọi, ngoài cái ông Kim Cự. Sao kỳ vậy chớ?

Câu hỏi thượng dẫn được blogger Nguyễn Ngọc Như Quỳnh trả lời rành rọt và chính xác: “Dồn hết sức tấn công ông Võ Kim Cự lúc này là cách cứu vãn hệ thống đúng đắn nhất mà đảng Cộng sản đã chọn.”

Thôi thế cũng đành. Chỉ có điều (hơi) khó đành và rất đáng phàn nàn là Đảng còn nhẫn tâm và trơ tráo xua ngay cả một bầy chó dại ra sủa nhặng xị cái người đồng chí (vừa mới vừa bị lộ) hôm qua:

– Báo Tiền Phong (18/07/2016) : “Formosa và Ba Lần Đụng Độ Ông Võ Kim Cự”

– Báo Tuổi Trẻ (22/07/2016) : “Ông Võ Kim Cự Có Trách Nhiệm Gì Trong Vụ Formosa Thuê Đất”

– Báo Vnexpress (24/07/16) “Formosa Chôn Lấp Chất Thải ở Đâu”

– Báo Dân Trí (25/07/2016) : “Trả Lời Của Ông Võ Kim Cự Là Lấp Liếm”

-Báo Người Lao Động 26/07/2016 : “Ông Cự quyết cho Formosa thuê đất 70 năm trước khi xin ý kiến”

– Báo VnMedia (26/07/2016) : “Cận Cảnh Biệt Thự Khủng Của Nguyên Bí Thư Tỉnh Ủy Võ Kim Cự”

-Báo Tin Nhanh (27/07/2016) “Phát hiện căn biệt thự ‘khủng’của nguyên Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh Võ Kim Cự”

Cái biệt thự to đùng, xây từ 2010, chớ có phải cái kim đâu mà sáu năm sau mới “phát hiện” ra – mấy cha? Trơ tráo tới cỡ đó mà vẫn được xem như là chủ trương “đúng đắn” thì chung cuộc chỉ có sự lựa chọn của ông VKC là sai lầm, và sai ngay từ đầu lận.

Hồi đó, thay vì vào ĐCSVN, nếu ông Võ Kim Cự gia nhập vào một thứ băng đảng nào khác thì đã không đến nỗi. Giới giang hồ đối với những kẻ đồng đảng, hay đồng vụ, tử tế và nghĩa khí hơn nhiều.

Tưởng Năng Tiến
Blog RFA

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad