Tổng Thống Obama là người chuẩn thuận vụ giao tiền này, đợt đầu tiên trong tổng số tiền $1.7 tỷ để dàn xếp một vụ kiện tại tòa án quốc tế ở The Hague, Hòa Lan, liên quan đến một thương vụ bán vũ khí thất bại trong thời gian trước khi xảy ra cuộc cách mạng Hồi Giáo ở Iran.
Chính quyền Iran ban đầu đòi bồi thường $10 tỷ.
Bởi vì luật hiện tại cấm Hoa Kỳ chuyển tiền cho Iran qua hệ thống ngân hàng, theo các giới chức Mỹ, cho nên, số tiền này được rút từ các ngân hàng trung ương ở Thụy Sĩ và Hòa Lan, sau đó, đổi ra tiền france của Thụy Sĩ, tiền euro của Châu Âu, và các loại tiền khác, đóng thùng lại, đưa lên một chiếc máy bay bí mật, chở qua giao cho Iran.
Theo các giới chức Mỹ, phía nhận tiền đòi trả bằng tiền mặt, bởi vì Iran không thể tiếp cận các định chế ngân hàng trên thế giới vì bị quốc tế cấm vận vào thời điểm đó.
Chi tiết của vụ giao tiền mặt này được nhật báo The Wall Street Journal đề cập đến đầu tiên.
“Họ không thể lấy tiền từ bất cứ ngân hàng nào, và không có cách nào giúp họ lấy số tiền này,” một giới chức cao cấp biết vụ giao tiền này nói với CNN.
Trong khi vụ giao tiền mặt này xảy ra cùng ngày Iran thả tù nhân Jason Rezaian và ba người Mỹ khác, các giới chức khẳng định rằng số tiền này không phải là tiền chuộc cho các tù nhân Mỹ, và rằng không có chuyện “có qua có lại” liên quan đến vụ giao tiền.
Các giới chức cũng nói rằng thỏa thuận thả tù nhân ăn khớp với quyết định của các cuộc thương thuyết song song, liên quan đến sự thất bại của thương vụ bán vũ khí.
Tuy nhiên, các giới chức Hoa Kỳ cũng thừa nhận rằng, các nhà thương thuyết Iran trong vụ thả tù nhân đòi phải giao số tiền mặt cùng thời điểm với việc thả những người Mỹ để chứng minh rằng số tiền này được giao để đổi lấy sự tự do cho công dân Hoa Kỳ.
“Như chúng tôi nói rõ, các vụ thương thuyết liên quan đến vụ kiện tại tòa không dính dáng gì tới vụ thả tù nhân,” ông John Kirby, phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Mỹ, nói về số tiền $400 triệu.
“Không chỉ hai cuộc thương thuyết này hoàn toàn riêng rẽ, mà còn được hai nhóm khác nhau của mỗi bên tiến hành, bao gồm cả vụ kiện ở The Hague, do các chuyên viên về thương thuyết thực hiện trong nhiều năm,” ông Kirby nói. “Số tiền giao cho Iran đơn giản chỉ là liên quan đến vụ kiện đã có từ lâu giữa Mỹ và Iran tại tòa quốc tế The Hague.”
“Chúng ta không ngạc nhiên khi phía Iran gọi đây là tiền chuộc của Mỹ bởi vì họ nói như vậy là có mục đích chính trị nội bộ,” một giới chức cao cấp khác của Mỹ nói. “Thế nhưng, câu chuyện không phải như vậy. Sự tin tưởng có được trong các cuộc thương thuyết nguyên tử giúp thương thuyết các vấn đề khác, thành ra, có thể nói rằng tất cả mọi thứ xảy ra cùng lúc với ngày thực thi thỏa thuận nguyên tử với Iran. Nhưng đây không phải là tiền chuộc.” (Ð.D.)
Người Việt
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét