Nhân một nhà văn lớn của miền Nam trước 1975 vừa qua đời… - Người Đưa Tin -->

Breaking

Post Top Ad

Thứ Năm, 4 tháng 8, 2016

Nhân một nhà văn lớn của miền Nam trước 1975 vừa qua đời…


Sau 30.4.1975, nhiều người miền Bắc vào miền Nam và nhận ra mình bị lừa, nhận ra sự dối trá của đảng và nhà nước cộng sản khi tận mắt chứng kiến sự phồn thịnh, sung túc, tự do, thoải mái, văn minh tiến bộ hơn hẳn của Sài Gòn và miền Nam.

Nhà văn Dương Nghiễm Mậu “Sống tự do hay là chết”. Ảnh: internet
Nhưng đó chỉ mới là khía cạnh kinh tế, và sự tự do dân chủ. Còn những cái mất mát đáng tiếc nữa, nói lên sự ngu xuẩn, tội ác của nhà cầm quyền và sự éo le của lịch sử khi một chế độ lạc hậu, man rợ hơn lại thắng một chế độ văn minh hơn. Đó là sự mất mát của cả một nền văn học nghệ thuật tự do, đầy sáng tạo, đầy tính nhân văn, một nền giáo dục “nhân bản, dân tộc và khai phóng” hay một xã hội đã xây dựng được tương đối một nền nếp đạo đức, quy củ, tôn trọng luật pháp…

Riêng trong lĩnh vực văn học nghệ thuật, ngay sau tháng 4.1975, nhà cầm quyền đã ra lệnh tịch thu, đốt phá cho bằng hết những sản phẩm văn hóa “đồi trụy” của miền Nam. Cùng với một số lượng lớn quân nhân công chức, trí thức của chế độ VNCH, nhiều văn nghệ sĩ miền Nam cũng phải lên đường đi học tập cải tạo, những người còn lại hầu hết buông bút, bị gạt ra ngoài lề xã hội, vất vả mưu sinh bằng những công việc khác, chả liện quan gì đến nghiệp văn, như ra chợ trời bán thuốc lá, bán đồ cũ, thậm chí làm ruộng, chăn dê (như nhà văn Nguyễn Thị Thụy Vũ chẳng hạn). Rồi nhiều người trong số họ lần lượt phải từ bỏ đất nước ra đi tìm tự do vì không chịu nổi đời sống tinh thần, chính trị, sáng tác bức bối, kỳ thị ở VN.

Hơn 41 năm sau, có lẽ chỉ có âm nhạc miền Nam là vẫn hiện diện thường xuyên trong đời sống tinh thần của người Việt trong và ngoài nước. Dù một số lượng tác phẩm và nghệ sĩ vẫn bị cấm biểu diễn, cấm phổ biến ở VN nhưng với những ai yêu âm nhạc miền Nam thì người ta vẫn có thể tìm nghe đủ hết, qua các kênh khác nhau. Nhiều ca sĩ, nhạc sĩ trong nước ra bên ngoài biểu diễn và nhiều ca sĩ, nhạc sĩ hải ngoại trở về nước hát, làm việc, ngay cả những người từng lớn tiếng chống Cộng hay tuyên bố không bao giờ trở về khi chế độ cộng sản còn tồn tại…Nhưng văn chương thì khó hơn nhiều. (Và điện ảnh chẳng hạn, tất nhiên càng không có cơ hội). Hơn 41 năm, một nền văn chương miền Nam dưới chế độ VNCH cực kỳ phong phú, đa dạng, tự do, sáng tạo, vẫn bị xem như chưa hề tồn tại.

Sự ngu xuẩn của nhà cầm quyền là ở chỗ trong khi Trung Cộng đã và vẫn đang, sẽ là kẻ thù lâu dài của dân tộc VN, là mối đe dọa lớn nhất đối với chủ quyền, độc lập toàn vẹn lãnh thổ, thì nhà cầm quyền lại tiếp sức, tuyên truyền không công cho văn hóa của họ. Sách, tiểu thuyết Trung Quốc được in đầy rẫy trong các nhà sách lớn nhỏ từ Nam ra Bắc, kể cả những loại ngôn tình nhảm nhí cho tới những quyển sách ca ngợi Mao Trạch Đông, ca ngợi Đặng Tiểu Bình- kẻ đã ra lệnh phát động cuộc chiến 1979 để “dạy cho VN một bài học”; phim truyền hình Trung Quốc chiếu tràn lan dày đặc trên các kênh từ trung ương đến địa phương.

Tội ác của nhả cầm quyền là ở chỗ đã bức hại hàng trăm, hàng ngàn văn nghệ sĩ miền Nam sau 1975 khiến họ phải đi học tập cải tạo, phải lăn lộn với những công việc lao động vất vả để mưu sinh, khiến tài năng họ mỏi mòn, thui chột, cho dù khi phải sống thầm lặng trên quê hương hay khi phải lang bạt tha hương trên xứ người.

Đôi khi tôi cứ nghĩ, nếu không có biến cố tháng 4.1975 thì văn học dịch thuật, khảo cứu ở miền Nam còn tiến tới đâu? Thì những nhà thơ như Nguyên Sa, Nguyễn Tất Nhiên, Phạm Thiên Thư, Bùi Giáng, Trần Dạ Từ, Cung Trầm Tưởng, Trần Tuấn Kiệt,Thanh Tâm Tuyền, Tô Thùy Yên, Sao Trên Rừng (Nguyễn Đức Sơn), Du Tử Lê….; những nhà văn như Nhã Ca, Nguyễn Thị Thụy Vũ, Túy Hồng, Trần Thị NgH, Nguyễn Thị Hoàng, Mai Thảo, Võ Phiến, Dương Nghiễm Mậu, Nguyễn Mạnh Côn, Doãn Quốc Sỹ, Phan Nhật Nam, Cung Tích Biền, Hoàng Ngọc Biên…; hay mảng nghiên cứu, phê bình, dịch thuật, triết học, phật giáo và công giáo với những cây bút như Nguyễn Đăng Thục, Nguyễn Duy Cần, Nguyễn Hiến Lê, Giản Chi, Nhất Hạnh, Võ Hồng, Hoài Khanh, Phạm Công Thiện, các giáo sư và linh mục Trần Thái Đỉnh, Lê Tôn Nghiêm, Cao Văn Luận, Nguyễn Văn Thích, Hoàng Sỹ Quý, Nguyễn Khắc Xuyên, Kim Định…sẽ còn tiếp tục cho ra đời bao nhiêu tác phẩm, công trình khác nữa?

Và chắc chắn với bầu không khí tự do, yêu chuộng văn chương học thuật của miền Nam sẽ còn có rất nhiều gương mặt mới, thế hệ mới xuất hiện, nhiều nhà sách, tạp chí, nhiều nhóm văn nghệ, tư tưởng ra đời như đã có nhóm Bách Khoa, Nhân Loại, Nhận Thức (Huế), Tinh-Việt văn-đoàn, Sống Đạo, Phương Đông, Đối Diện, Sáng Tạo, Hiện Đại, Thế Kỷ Hai Mươi, Gió Mới, Nghệ Thuật…Các tạp chí chuyên về tư tưởng, triết học như Tư Tưởng, Vạn Hạnh, Giữ Thơm Quê Mẹ, các nhà xuất bản Lá Bối, An Tiêm, Ca Dao…, và vô số những tờ báo, tạp chí văn học nghệ thuật như Sáng Tạo, Quan Điểm, Văn Hóa Ngày Nay, Nhân Loại, Văn Đàn, Bách Khoa, Văn Học, Văn, Nghệ Thuật, Tiếng Nói…không thể kể hết.

Gia tài văn học nghệ thuật của VN vốn đã mỏng, đã ít ỏi, lại còn bị triệt hạ, thủ tiêu tàn nhẫn bởi “bên thắng cuộc”.

Như nhà văn Dương Nghiễm Mậu, một nhà văn lớn của miền Nam vừa mới qua đời tối ngày 2.8.2016 tại Sài Gòn, nếu không có biến cố 30.4.1975 chắc chắn số lượng tác phẩm và sức sáng tạo của ông đã không dừng ở đó. Sau khi đi học tập cải tạo về, ông sống lặng lẽ bằng công việc vẽ tranh sơn mài cho đến khi nằm xuống vĩnh viễn. Vậy mà năm 2007, khi công ty Phương Nam và NXB Văn Nghệ tái bản bốn tập truyện của ông gồm: Nhan sắc, Đôi mắt trên trời, Tiếng sáo người em út, Cũng đành, ông vẫn bị “đấu tố” tưng bừng, bởi những cây bút đầy ghen tị, với nhân cách và tài năng “nhỏ bé” hơn ông.

Tính từ thế kỷ XX cho đến nay, lịch sử VN có quá nhiều biến cố bị che dấu, bị bóp méo, thậm chí bị xóa trắng, mà các nhà văn nhà thơ, nhà nghiên cứu cần tiếp tục viết nhiều, nhiều hơn nữa để cho các thế hệ sau và thế giới hiểu được sự thật, hiểu được những năm tháng sai lầm, ngang trái, bi kịch trên đất nước này.

Chỉ hy vọng rằng trong số những nhà văn còn lại của miền Nam phải im lặng sống tại quê nhà bao nhiêu năm hay phải tha hương trên đất khách vẫn giữ trong tim ngọn lửa văn chương chữ nghĩa, âm thầm viết để rồi một ngày nào đó chúng ta sẽ được đọc những tác phẩm của họ. Và những nhà văn thuộc thế hệ hôm nay, sinh ra, lớn lên sau chiến tranh, trong và ngoài nước, nhưng canh cánh một tấm lòng đối với nước mẹ VN, cũng vậy.

Bởi đó là món nợ của văn nghệ sĩ trí thức đích thực đối với lịch sử và với đất nước.

Song Chi
Blog RFA

Dương Nghiễm Mậu qua nét vẽ của Tạ Tỵ (trong “Mười gương mặt văn nghệ hôm nay”)

Dương Nghiễm Mậu

Nhắc đến nhà văn Dương Nghiễm Mậu (19/11/1936 – 2/8/2016) không thể không nói đến đóng góp nói chung của giới văn sĩ Bắc di cư mà nếu liệt kê ra phải mất đến nhiều trang. Thành công của họ dĩ nhiên là từ tài năng nhưng có một điều không thể phủ nhận là tài năng họ đã đơm thành hoa, kết thành trái là còn nhờ nhiều đến không khí sáng tác tự do. Khi từ Bắc đặt chân vào Nam năm 1954, họ không bị nghi kỵ hoặc kỳ thị gì. Chính quyền cụ Diệm không có chính sách kiểm duyệt họ hay kiểm duyệt văn hóa nói chung. Trong “Tổng quan văn học miền Nam”, nhà văn Võ Phiến viết:

“Giới trí thức giới nghệ sĩ vốn thận trọng và thường xa cách chính quyền, thế mà vào những năm đầu sau hiệp định Genève họ cũng mất cái dè dặt cố hữu. Doãn Quốc Sỹ nói chuyện với Nguyễn Ngu Í về cái lúc ông mới từ Bắc di cư vào, viết kịch “Một mùa xuân tin tưởng” đăng trên báo Lửa Việt của sinh viên hồi 1955: “Thời ở chẳng yên, mà lại là thời cảm động nhất, tin tưởng ở Cách mạng; lúc bấy giờ, gặp các ông bộ trưởng, đổng lý văn phòng, là anh anh tôi tôi thân mật với nhau, không chút ngượng ngùng”.

“Chính cái “thân mật, không chút ngượng ngùng” thuở ấy đã đưa một nhóm học trò trung học lên đài danh vọng, đã biến mấy cậu bé mới từ Bắc di cư vào thành những nhà văn nổi tiếng một thời: Lê Tất Điều, Trần Dạ Từ v.v… Họ bắt đầu cuộc đời cầm bút bằng cách xúm xít nhau làm báo Văn Nghệ Học Sinh của Lê Bá Thảng, tức tờ báo của Bộ Thông tin… Rõ ràng chính quyền lúc bấy giờ là một chính quyền được mến yêu, và lãnh tụ là một nhân vật được tin tưởng. Một thi sĩ đại danh nhân Vũ Hoàng Chương lúc này cũng không cần dè dặt nữa. Ông Vũ, nhân dịp Miền Nam bỏ phiếu trong cuộc trưng cầu dân ý về việc truất phế Bảo Đại, trao quyền cho Ngô Đình Diệm, đã không ngần ngại viết những lời say sưa trong Hoa đăng: “Lá phiếu trưng cầu một hiển linh, Phá tan bạo ngược với vô hình”…

“Không còn chuyện trùm chăn, chuyện lẩn tránh chính quyền nữa. Họ tích cực tham gia xây dựng quê hương trên những lãnh vực chuyên môn khác nhau. Riêng về văn hóa, những vị hồi hương vào độ ấy như Nguyễn Văn Trung, Trịnh Viết Thành, Nguyễn Khắc Hoạch, Trần Bích Lan v.v… đã có những đóng góp đáng kể. Người Bắc di cư, cái khối người bỏ “cụ Hồ”, theo “cụ Ngô”, thoạt tiên rất dễ ghét đối với người miền Nam, dần dần họ đổi kiểu nón đội trên đầu, họ thay kiểu guốc mang dưới chân như dân Sài Gòn, họ làm vang tiếng giày dép trong đêm giao thừa Sài Gòn, họ thêm thắt lung tung vào bữa ăn sáng bữa nhậu khuya của người Sài Gòn. Họ góp phần quan trọng vào việc chuyển hướng chính trị trong quần chúng miền Nam. Rồi chúng ta sẽ thấy vai trò của họ trong văn học nghệ thuật thời kỳ này không kém quan trọng chút nào”…

Một trong những người đóng góp vào văn hóa nghệ thuật thời kỳ đó dĩ nhiên có Dương Nghiễm Mậu. Trong “Mười gương mặt văn nghệ hôm nay” (1972), tác giả Tạ Tỵ giới thiệu nhà văn Dương Nghiễm Mậu như sau: “Dương Nghiễm Mậu xuất hiện trên văn đàn miền Nam cách đây ngoài 10 năm, như một chứng tích. Cái chứng tích đó là nỗi bơ vơ của tuổi trẻ, của một thế hệ tuổi trẻ đang sống giữa cuộc sống không thuộc về mình. Cái tuổi trẻ nào đó được tô hồng trong những dạ hội, dưới mái đại học, hay rong chơi quanh năm với bốn mùa tình tự, đều ở ngoài tầm tay của Dương Nghiễm Mậu. Cuộc sống đối với Mậu là cái gì quá khe khắt, quá cứng rắn và từ đó mỗi suy nghĩ, mỗi hành động hình như, ít nhiều gì cũng để chống đối cuộc đời. Những xấu xa, ti tiện, lòng ganh ghét và đố kị thấp hèn, trộn lẫn với tình thương yêu con người làm giọng văn của Dương Nghiễm Mậu vừa phẫn nộ vừa chua xót”…

Sau 1975, Dương Nghiễm Mậu bị tù “cải tạo”. Năm 2007, vài quyển truyện của ông được nhà Phương Nam phát hành. Không hiểu vì lý do gì mà nhà văn Vũ Hạnh, nhân dịp đó, đã “đập” Dương Nghiễm Mậu bằng một bài cay cú trên báo SGGP (22-4-2007): “Sách của Dương Nghiễm Mậu thì nổi bật tính phản động tha hóa lớp trẻ hầu đưa đẩy họ vào sự chống phá cách mạng, chống lại sự nghiệp giải phóng đất nước khỏi sự thống trị của bọn đế quốc xâm lược… Vì những lẽ đó, rất nhiều bức xúc, phẫn nộ của các bạn đọc khi thấy Công ty Phương Nam ấn hành sách của ông Dương Nghiễm Mậu… Đem những vũ khí độc hại ra sơn phết lại, rêu rao bày bán là một xúc phạm nặng nề đối với danh dự đất nước.”

Cần nhắc lại, trước 1975, khi Vũ Hạnh bị bắt, nhiều văn nghệ sĩ miền Nam đã cùng vận động ký tên yêu cầu thả Vũ Hạnh. Nhà văn Ngô Thế Vinh kể thêm: “Vũ Hạnh cũng được Văn Bút Việt Nam che chở, và khi bị kết án tù thì chính linh mục Thanh Lãng, Chủ tịch Văn Bút đứng ra bảo lãnh, để rồi sau đó Vũ Hạnh lại công khai ra ngoài hoạt động”. Kiểu “chơi” của Vũ Hạnh, thôi thì, không chấp. Chỉ tội ông Dương Nghiễm Mậu. Sau khi ra tù, ông sống lẳng lặng với nghề sơn mài rồi còn gì. Chơi vậy là không đẹp, rất không đẹp khi nói đến tình người chứ chưa nói đến tình văn nghệ một thời với nhau.

FB Mạnh Kim
……….

Các anh chị muốn đọc lại truyện Dương Nghiễm Mậu thì có thể vào trang này:

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad