Tịch thu giường ngủ ở Thanh Hóa, cựu ĐBQH: “Đó là trấn lột” - Người Đưa Tin -->

Breaking

Post Top Ad

Thứ Hai, 15 tháng 8, 2016

Tịch thu giường ngủ ở Thanh Hóa, cựu ĐBQH: “Đó là trấn lột”


“Tôi cho rằng, có lẽ đang hình thành tầng lớp giống như lý trưởng, chánh tổng ngày xưa, đó là cường hào mới ở nông thôn. Chỉ có cường hào mới thì mới o ép dân đến như thế”.

Ông Lê Như Tiến. Ảnh: T.C
Trấn lột người dân…

Xung quanh thực trạng “mùa đóng góp kinh hãi” ở Thanh Hóa, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Lê Như Tiến, đại biểu Quốc hội khóa 12, 13, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội khóa 13.

PV: Vừa qua, báo điện tử Trí Thức Trẻ liên tục có các phản ánh về thực trạng lạm thu, tận thu ở một số địa phương của huyện Hậu Lộc, Nông Cống (Thanh Hóa).

Trong đó, tại xã Trường Sơn, huyện Nông Cống, ngay kể gia đình liệt sỹ, do khó khăn, không đủ tiền đóng góp nên bị xã cắt hộ nghèo, hay có gia đình nghèo cũng vì không đóng đủ các khoản đóng góp đã bị xã, thôn đến tịch thu chiếc giường cũ.

Khi tiếp nhận các thông tin, ông có suy nghĩ, nhìn nhận gì về thực trạng đau xót này?

Ông Lê Như Tiến: Trước đây, tôi cũng đã từng có thông tin về một số huyện của một vài địa phương ở miền Trung có hiện tượng lạm thu. Trước đây là Hà Tĩnh và giờ là ở Thanh Hóa.

Miền Trung vốn dân đã nghèo rồi lại còn bị như thế. Tôi còn nhớ, trước đây, khi Quốc hội đã có nghị quyết về việc không thu thuế nông nghiệp nhưng họ vẫn thu, rồi bày ra rất nhiều khoản thu khác như thu về an ninh, trật tự trị an…

Nhiều khi khoản thu do chính quyền địa phương tạo ra khiến cho người dân vốn đã khó khăn, nghèo nàn rồi lại càng khó khăn hơn. Ở đây, cần xem lại những khoản thu đó có nằm trong quy định không hay thôn, xã tự nghĩ ra.

Người ta đã nghèo như thế mà vào còn tháo cả giường của dân ra, rồi có cái gì lấy được là lấy đi thì đó không phải vì dân mà hành động đó rất phản cảm, nặng hơn nữa thì đó là trấn lột của dân chứ không phải thu khoản này khoản khác.

Trước hết, phải kiểm tra xem các khoản thu đó có nằm trong quy định không? Có được cấp có thẩm quyền cho phép không? Chứ không phải anh tự nghĩ ra, thu gì tự thu.

Nếu như mà cần vận động người dân đóng góp khoản nào đó như chỉnh trang đường nông thôn, các phong trào… thì đó chỉ là vận động, phải để người dân tự giác.

Còn việc bắt buộc người dân phải nộp, không nộp thì trấn cái nọ, trấn cái kia thì điều đó không thể được.

Tôi đề nghị các cấp có thẩm quyền tức là lãnh đạo cao hơn như huyện, thậm chí cấp tỉnh của Thanh Hóa phải kiểm tra, rà soát lại xem như thế có đúng không và nếu không đúng theo quy định thì chấn chỉnh, sửa ngay.

PV: Thưa ông, có một câu chuyện đáng buồn xảy ra ở xã Trường Sơn khi một gia đình liệt sỹ thuộc diện hộ nghèo vì không đủ tiền đóng góp đã bị xã “cắt” hộ nghèo và cho biết, khi nào trả đủ các khoản sẽ được trả lại.

Ông có bình luận gì về việc này?

Ông Lê Như Tiến: Tôi nghe câu chuyện này mà thấy đau lòng. Gia đình liệt sỹ, thân nhân liệt sỹ đáng lẽ phải được hưởng chế độ ưu đãi người có công cao hơn nhưng vì chúng ta còn khó khăn nên ưu đã thấp, nay thuộc diện hộ nghèo nhưng vì không đóng đủ tiền đóng góp mà lại bị cắt hộ nghèo.

Lại còn đe dọa là phải nộp đủ mới trả lại chế độ hộ nghèo, việc này là trái với chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước.

Tôi đề nghị thanh tra của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Thanh tra Chính phủ phải vào cuộc uốn nắn ngay.

Đồng thời, phải có xử lý, kỷ luật đối với các tập thể hoặc cá nhân mà tự ý tạo ra các khó khăn cho người dân như thế và có những hành vi phản cảm như thế.

Đề nghị Chính phủ vào cuộc

PV: Khi trao đổi với chúng tôi, cựu ĐBQH Lê Văn Cuông có nhìn nhận thực trạng lạm thu, tận thu này cho thấy dường như đang có sự xuất hiện trở lại của một bộ phận “cường hào, ác bá” ở nông thôn khi tự ý đặt ra các khoản thu lên đầu người dân.

Từng là ĐBQH, trước thực trạng ở một số nơi như vậy ông có thấy điều này không?

Ông Lê Như Tiến: Tôi cũng thấy thế và vì thế tôi mới dùng từ rất mạnh, đấy không phải là hình thức thu mà là trấn lột.

Trấn lột của dân, đó là từ rất mạnh đối với những người có lương tri, lương tâm và phải dùng từ như thế mới lột tả được hết hành vi phản cảm của một bộ phận cán bộ có chức, có quyền như thế ở địa phương.

Tôi cho rằng, có lẽ đang hình thành tầng lớp giống như lý trưởng, chánh tổng ngày xưa, đó là cường hào mới ở nông thôn. Chỉ có cường hào mới thì mới o ép dân đến như thế.

Ở đây, không phải tìm hiện tượng, hành vi mà quan trọng hơn chính là tiếng chuông cảnh báo để cho các quan chức cấp cao ở huyện Nông Cống nói riêng, tỉnh Thanh Hóa nói chung, thậm chí cả các tỉnh có hiện tượng như thế phải chấn chính ngay.

Các quan chức tỉnh Thanh Hóa cần vào cuộc ngay, ví dụ như việc gia đình liệt sỹ ở trên thì Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh là cơ quan quản lý Nhà nước ở địa phương phải lên tiếng và Thanh tra phải vào cuộc.

Ngoài Thanh tra Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Thanh tra Chính phủ, tôi cũng đề nghị Thường trực Chính phủ nên có công điện để chấn chỉnh ngay việc này.

Trước đó, sau khi nhận được thông tin cung cấp từ phóng viên Báo điện tử Trí Thức Trẻ, ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội, đại biểu Quốc hội khóa 14 ứng cử tại Thanh Hóa cho hay, ông sẽ có ý kiến với tỉnh về việc này.Còn ông Đỗ Trọng Hưng, Phó Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa, Trưởng Đoàn ĐBQH khóa 14 của tỉnh cũng cho biết, ông sẽ yêu cầu lãnh đạo huyện Nông Cống báo cáo về vấn đề này.

Hoàng Đan
TTT/ Soha

***

Gia đình liệt sỹ bị cắt nghèo ở Thanh Hóa đã được trả sổ hộ nghèo

Gia đình anh Phạm Hữu Hùng (con trai liệt sĩ Phạm Hữu Đường) có sổ hộ nghèo bị thu. Ảnh: Soha/ TTT
Gia đình liệt sỹ nghèo được trả sổ hộ nghèo, một số hộ dân được trả lại tiền… là thông tin mới sau loạt bài “mùa đóng góp kinh hãi” ở Thanh Hoá của Báo điện tử Trí thức trẻ.

“Nếu Tỉnh về, nhà báo về thì trả lời… lại”

Trao đổi ngày 14/8 với chúng tôi, anh Phạm Hữu Hùng, con trai liệt sĩ Phạm Hữu Đường – nhân vật chính trong bài viết “Gia đình liệt sỹ bị cắt hộ nghèo vì không còn tiền… đóng quỹ” ở xã Trường Sơn (huyện Nông Cống, Thanh Hoá) cho biết, gia đình anh vừa nhận được sổ hộ nghèo.

Trong buổi làm việc để trao trả sổ hộ nghèo, theo lời anh Hùng, có cả Bí thư huyện uỷ huyện Nông Cống.

Cụ thể, người đàn ông này cho hay: “Chiều qua, 13/8, huyện đã trao sổ hộ nghèo cho gia đình tôi vào lúc 15h.

Họ nói sổ đã có từ lâu, nhờ người chuyển về hộ nhưng bị thất lạc nên giờ mới đưa cho được. Sổ có từ ngày 5/1/2016. Họ cũng bảo là tới đây tỉnh về, nhà báo về thì có gì trả lời lại… Nhưng không, có gì, tôi nói thật”
, anh Hùng kể.

Vợ chồng anh Hùng tối ngày phải ở ngoài lều vịt giữa đồng làng.

Anh Hùng chưa hết bức xúc cho biết thêm, tại buổi họp anh đã chất vấn các vị lãnh đạo: “Sổ có từ đầu năm mà cho đến khi các anh nhà báo đưa thông tin lên thì mới trả nhà tôi là sao?

Tôi đề nghị các ông phải xác nhận là các ông phát sổ hộ nghèo cho tôi vào hồi 15h ngày 13/8.

Họ nói: “Có gì thông cảm”. Tôi bảo không thông cảm. Có chi sau này các ông lật lại lời tôi, lật lại nhà báo lại bảo tôi nói bậy. Sau này nhà báo hay Thanh tra về thì các ông phải chấp nhận là đưa cho tôi ngày 13/8 chứ không phải trước đó”.

Một trong những bằng chứng anh Hùng đưa ra cho lãnh đạo Huyện về việc chưa nhận được sổ hộ nghèo đó là từ đầu năm 2016 đến nay, khi đi khám bệnh, anh vẫn phải chi trả đầy đủ các khoản. Có lúc thiếu, anh và gia đình vẫn phải đi vay để trả viện phí.

Trao đổi với chúng tôi, Chánh văn phòng UBND huyện Nông Cống Hà Vĩnh Thanh cho biết: “Sau khi bài báo lên, Chủ tịch huyện Trần Văn Tuấn đã có văn bản chỉ đạo thành lập tổ xác minh thông tin báo chí. Trong tuần tới sẽ có thông tin phản hồi tới báo chí”.

“Dứt khoát không để những khoản thu không hợp lý phát sinh”

Cũng liên quan đến “sưu cao thuế nặng”, tình trạng lạm thu của xã Hưng Lộc, huyện Hậu Lộc (Thanh Hoá) cũng được dư luận hết sức quan tâm, sau khi có thông tin báo Trí thức trẻ phản ánh, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Vũ Văn Liêm, Phó Bí thư Đảng ủy xã Hưng Lộc về vấn đề này.

Theo lời ông Liêm, xã đã xử lý và ra quyết định: Những khoản thu không hợp sẽ tiến hành trả lại cho bà con hết. Tuy nhiên, việc này phải tiến hành lần lượt.


Nhà có 6 khẩu, anh Nguyễn Văn San – một hộ dân ở xã Hưng Lộc (Hậu Lộc) phải đóng hơn 3,5 triệu đồng cho một “mùa đóng góp”.

Khi chúng tôi hỏi về ý kiến của người dân trong xã, ông Liêm cho biết: “Mình tổ chức họp, bà con cũng dân chủ, cái nào hợp lý thì bà con thống nhất thôi”.

Nói về vai trò giám sát của HĐND xã trong việc thu các loại quỹ của người dân, ông Liêm cho biết: “Xin rút kinh nghiệm. Những cái nào bãi bỏ rồi thì đợt thu tới sẽ xoá bỏ. Sẽ thực hiện tinh thần giám sát chặt chẽ tiếp. Dứt khoát không để những khoản thu không hợp lý phát sinh”.

Khi được hỏi về việc những cán bộ thu sai của dân, sau việc phải trả lại bà con tiền, liệu có xin lỗi nhân dân không thì ông Liêm nói không.

Vị Phó Bí thư này cho biết: “Tất cả những việc làm ấy do tổ chức sẽ tiến hành xử lý từng phần việc một. Bước đầu tiên là phải họp dân để báo cáo với dân xem những khoản nào mà chưa hợp lý về mặt đối tượng thì sẽ xử lý”.

Còn về tổng số tiền do thu bất hợp lý phải trả lại cho người dân là bao nhiêu thì vị Phó Bí thư xã này cho biết, hiện chưa xác minh được, phải tập hợp cụ thể do không đồng bộ giữa các thôn: Mỗi nơi mỗi khác. Có nơi thu 2000 đồng/khẩu nhưng có nơi thu 3000 đồng/khẩu.

Kết thúc cuộc trao đổi, thêm một lần nữa, vị cán bộ này khẳng định: “Qua quá trình rà soát xem khoản nào không hợp lý thì sẽ trả lại hết”.

Tuấn Nam – Đào Tuy
TTT/ Soha
Mời xem lại: Gia đình liệt sĩ bị cắt hộ nghèo vì không còn tiền… đóng quỹ  — Ra văn bản khẩn chỉ đạo sau loạt bài “mùa thuế phí kinh hãi” (TTT/ Soha). – Mùa “đóng góp” hãi hùng ở Thanh Hoá: Xông vào nhà tịch thu cả giường ngủ để ép dân nghèo nộp tiền (TTT/ Soha/ VA). – “Chế độ ta làm gì có sưu cao, thuế nặng như thời phong kiến”   — Lạm thu ở Thanh Hoá: Bí thư huyện nói về việc tạo sức ép với xã   —   Ông Dương Trung Quốc nói về mùa “sưu thuế kinh hãi” ở Hậu Lộc (TTT/ Soha).

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad