Việt Nam có dứt khoát đoạn tuyệt với chế độ hộ khẩu? - Người Đưa Tin -->

Breaking

Post Top Ad

Thứ Năm, 4 tháng 8, 2016

Việt Nam có dứt khoát đoạn tuyệt với chế độ hộ khẩu?


Một báo cáo của Ngân hàng Thế giới cho rằng hệ thống quản lý hộ khẩu tạo ra bất bình đẳng về cơ hội ở Việt Nam.
“Ngũ gia liên bảo”

Chế độ toàn trị có một năng lực hiếm có: rất nhiều quy định pháp quy làm tổn thương đến quyền con người nhưng vẫn được gần hết xã hội đương nhiên chấp nhận sau một thời gian tồn tại đủ dài.

Hộ khẩu là một trong những hệ lụy tổn thương và đang gây ra tổn hại cho nhiều triệu người không có được cuốn sổ “xác minh lý lịch” ấy.

Vào giữa năm 2016, một báo cáo của Ngân Hàng Thế Giới (WB) cho biết có đến 5.6 triệu người dân không có hộ khẩu mà do đó đã phải chịu tình cảnh bất tương xứng trong việc tiếp cận các dịch vụ công như trường học, bệnh viện, đăng bộ xe… Đây cũng là những vấn đề mà các cơ quan quản lý nhà nước Việt Nam đã thừa nhận từ lâu nay, tuy chưa chịu tiến hành các biện pháp để cải thiện.

Hộ khẩu cũng là một trong những “con tin” mà giới công an trị của chế độ ưa dùng để khống chế hoạt động của nhiều người trong giới đấu tranh dân chủ và nhân quyền. Trong vô số trường hợp, công an phường xã đã tổ chức chiến dịch “kiểm tra hộ khẩu” vào đêm khuya đối với những người sắp đi biểu tình phản đối Trung Quốc hoặc bảo vệ môi trường vào sáng hôm sau. Những nhà hoạt động công đoàn độc lập như Trương Minh Đức đã từ lâu trở thành đối tượng bị công an kiểm tra hộ khẩu gay gắt nhất.

Nhìn từ góc độ chính trị, chế độ hộ khẩu ở Việt Nam rất gần gũi với “người anh em” Trung Quốc. Trong lịch sử phương Bắc từ thời Xuân Thu Chiến Quốc, chế độ “Ngũ gia liên bảo” đã bắt vạ những nhà còn lại trong tổ năm nhà, nếu có một nhà làm phản triều đình. Chế độ hộ khẩu ở Việt Nam cũng khá tương đồng với cơ chế “Propiska” về quản lý nhân khẩu của Liên Xô trước đây. Nhìn chung, đây là một thói quen và cũng là một não trạng rất khó bỏ của các chính quyền quen độc trị.

Riêng ở Việt Nam, chế độ hộ khẩu đã tồn tại đến nửa thế kỷ qua. “Để lâu cứt trâu hóa bùn” – tục ngữ dân gian qua bao nhiêu triều đại ấy hóa ra vẫn đúng cho triều đại sậm bóng hoàng hôn sau này. Nếu gần 500 đại biểu Quốc Hội Việt Nam vẫn chưa thể trở thành nghị sĩ theo đúng nghĩa do thói quen “ngủ ngày,” điều quái lạ là chẳng có mấy người dân Việt dám công hai mở miệng phản đối một chế độ hộ khẩu đã khiến phân hóa bất công đối với gần 6% dân số nước này.

Và cũng như nhiều vấn đề nhân quyền khác, những đòi hỏi về xóa bất công quyền làm người trong chế độ hộ khẩu lại đến từ cộng đồng quốc tế.

Hiện tượng “lạ”

Vào Tháng Sáu năm nay, một hiện tượng có vẻ “lạ” là Viện Hàn Lâm Khoa Học Xã Hội Việt Nam, trên cơ sở phối hợp với WB, đã công bố một bản khảo sát về tình trạng không có hộ khẩu của nhiều người dân. Cùng lúc, một số tờ báo nhà nước cũng đề cập đến tình trạng này theo quan điểm có vẻ đồng thuận với khuyến nghị của WB về sự cần thiết phải bỏ chế độ hộ khẩu ở Việt Nam.

Vì sao lại xuất hiện hiện tượng đặc biệt trên, trong khi hộ khẩu được coi là một công cụ hành chính không chỉ quản lý xã hội mà còn quản lý chính trị của chế độ Việt Nam?

Nếu có thể nhắc lại thì có thể từ năm 2013, việc bỏ chế độ hộ khẩu mới lần đầu tiên được đặt ra một cách rõ nét hơn. Khuyến nghị này đến từ WB và một số tổ chức nhân quyền quốc tế. Tuy vậy, quyền hành xử và quyết định về hộ khẩu lại thuộc Bộ Công An – một cơ quan bị coi là cực kỳ bảo thủ và rất thường bị thế giới lên án về đàn áp nhân quyền trong nước.

Nếu nhà nước Việt Nam đã thường “quên” cả những quyền rất căn bản của người dân – tự do biểu tình, tự do lập hội – được Hiến Pháp quy định từ một phần tư thế kỷ trước, thì việc Bộ Công An cố ý duy trì chế độ hộ khẩu như một loại giấy phép con để có “ba lợi ích” là hoàn toàn dễ hiểu. Chế độ bao giờ cũng tồn tại song trùng trên căn bản lợi ích kinh tế của “lực lượng chuyên chính.”

Cho đến đầu năm 2014, sau khi Việt Nam trở thành thành viên của Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc, trong cuộc kiểm điểm định kỳ phổ quát (UPR) tại Geneva, Thụy Sĩ, đã xuất hiện khuyến nghị bỏ cơ chế hộ khẩu đối với Việt Nam. Khi đó, chính thể Hà Nội không trả lời.

Tháng Mười Hai, 2015, bà Victoria Kwa Kwa, giám đốc WB tại Việt Nam, trao cho chính phủ nước này một bản khuyến nghị bảy điểm, với khuyến nghị đầu tiên là đặc biệt chưa từng có: Việt Nam cần sớm ban hành Luật Lập Hội.

Nửa năm sau đó, có hy vọng khuyến nghị của WB về việc bỏ chế độ hộ khẩu sẽ được chính quyền Việt Nam “xem xét.”

Bài học Cambodia

Trong thực tế, WB cùng với Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế (IMF) và chính phủ Nhật là ba chủ nợ lớn nhất của chính thể Việt Nam. Nhưng từ năm 2015, WB và IMF tuyên bố chấm dứt các khoản cho vay với lãi suất ưu đãi, tức đến giữa năm 2017, Việt Nam sẽ phải vay với lãi suất thị trường.

Không những khó vay, chính phủ Việt Nam đã thực sự chạm vào “thời điểm Minsky” về nhiều món nợ quốc tế đến hạn phải trả. Dù kế hoạch trả nợ nước ngoài của chính phủ Việt Nam trong năm 2016 là $12 tỷ, nhiều người hồ nghi rằng đây chỉ là một con số “cho có,” còn thực chất con số trả nợ có thể cao hơn nhiều, thậm chí tương đương với số tiền $20 tỷ phải trả nợ cho năm 2015.

Bối cảnh cực kỳ khó khăn của ngân sách Việt Nam đang khiến chế độ này “bơi” và có nguy “chìm” nếu không vay mượn được tín dụng quốc tế. Cũng bởi thế, đây là cơ hội để những khuyến nghị về nhân quyền của các tổ chức quốc tế có điều kiện “đưa ánh sáng nghị quyết vào thực tiễn” nhiều hơn.

Gần đây, nguồn tin của Đài Tiếng Nói Hoa Kỳ (VOA) vừa cho biết Hoa Kỳ đã theo dõi những chỉ trích của cuộc đàn áp gần đây của chính phủ Cambodia đối với giới đối lập và xã hội dân sự và hành động bằng cách liên kết gói viện trợ hàng triệu đô la của mình cho quốc gia này trong năm 2017 với việc cải thiện nhân quyền.

Gói hỗ trợ của Hoa Kỳ cho Cambodia trong năm tài chính tiếp theo sẽ lên đến khoảng $77.8 triệu, theo một dự luật đã được phê duyệt trong tháng trước. Khoản viện trợ này sẽ dành cho các dự án nhằm cải thiện chăm sóc sức khỏe, dỡ bỏ bom mìn và tòa án xét xử Khmer Đỏ, và một số lĩnh vực khác.

Nhưng dự luật của Hoa Kỳ đã quy định rằng viện trợ cho Cambodia sẽ được giải ngân chỉ khi nào Phnom Penh ngừng “bạo lực và quấy rối đối với xã hội dân sự tại Cambodia, trong đó có đối lập chính trị.”

Vào Tháng Sáu năm nay, sáu tổ chức xã hội dân sự độc lập, với sự khởi xướng của Hội Nhà Báo Độc Lập Việt Nam, đã ra một tuyên bố chung khẩn thiết khuyến nghị các tổ chức tín dụng quốc tế và các chính phủ nước ngoài rằng đã đến lúc cần suy nghĩ một cách nghiêm túc về việc đưa nhân quyền như một trong những điều kiện tiên quyết vào các chương trình cung cấp tín dụng, đặc biệt là vốn ODA và IDA, kể cả vay vốn ODA với lãi suất thị trường (không ưu đãi) cho Việt Nam.

Động thái Hoa Kỳ đặt điều kiện nhân quyền về cung cấp viện trợ cho Cambodia có thể là một tín hiệu sẽ gắn chặt viện trợ với cải thiện nhân quyền ở Việt Nam, trong đó đặc biệt là cải cách thể chế về luật pháp. Những quyền tự do lập hội, tự do thành lập công đoàn độc lập cho công nhân, và cả việc xóa bỏ chế độ hộ khẩu mà trong thực tế chính thể Việt Nam dường như đã “chán” chế độ này, đều có thể được ràng buộc mật thiết với viện trợ cùng các nguồn tài chính khác từ phương Tây.

Phạm Chí Dũng
Người Việt

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad