Việt Nam sẽ dân chủ hóa bằng cách nào? - Người Đưa Tin -->

Breaking

Post Top Ad

Thứ Sáu, 5 tháng 8, 2016

Việt Nam sẽ dân chủ hóa bằng cách nào?


...Nguyên nhân chính dẫn đất nước đến tình trạng tụt hậu hiện nay là do chế độ chính trị bao cấp, độc đảng và độc quyền bóp nghẹt mọi cơ hội phát triển. Thể chế yếu kém làm đất nước nghèo. Muốn đất nước phát triển thì phải thay đổi thể chế, tức là đi theo con đường dân chủ hóa với thể chế đa đảng, đa nguyên cạnh tranh lành mạnh và áp dụng các cơ chế kiểm soát quyền lực chéo với một hệ thống tư pháp và truyền thông thật sự độc lập để thực thi kiểm soát quyền lực hành pháp và lập pháp... Tiến trình dân chủ hóa không phải là một cuộc chạy đua nước rút mà là đường trường đầy gian nan giữa một bên là cộng sản, độc tài, dối trá, bạo lực, tụt hậu và bên kia là dân chủ, đa nguyên, công lý, nhân bản và tiến bộ. Trước sau gì thì Việt Nam cũng sẽ trở thành một quốc gia dân chủ vì đó là tiến trình lịch sử của nhân loại. Hành trình ngắn hay dài hoặc thời gian sớm hay muộn một phần lớn tùy thuộc vào nỗ lực và phương thức đóng góp của người Việt tại hải ngoại...


Vào ngày 15/6 vừa qua, Vietnamnet cho đăng tải bài phỏng vấn ông Lê Doãn Hợp Chủ tịch Hội Truyền Thông Số Việt Nam mang tựa đề “Phải loại bỏ nạn ‘trấn lột mềm’ và ‘bệnh cánh hẩu’ trong Đảng“. Trong bài phỏng vấn, ông Hợp cảnh báo Việt Nam đang bị bỏ lại phía sau ngày càng xa. GDP bình quân mỗi đầu người của Việt Nam hiện nay xấp xỉ khoảng $2000 Mỹ kim tức chỉ bằng 1/5 con số trung bình của thế giới là $10,000. So sánh với các quốc gia tại châu Á thì Nhật là $33,000, Hàn Quốc $27,000, Đài Loan $22,000, Mã Lai $10,000, Trung Quốc $8,000, Thái Lan $6,000, Nam Dương $3,500, Phi luật Tân $2,900, Lào $1,800, Miến Điện $1,300 và Cao Miên $1,200. Với những cải cách dân chủ thì Miến Điện sẽ có cơ hội tăng GDP gấp 4 lần vào năm 2030 có thể dễ dàng qua mặt nếu Việt Nam không thay đổi thể chế.

Một tiêu chuẩn khác để xem Việt Nam đang đứng đâu trên trường quốc tế là Báo cáo Liên Hiệp Quốc về Chỉ Số Phát Triển Con Người (Human Development Index). Báo cáo này dựa vào hai điểm chính là năng lực con người và điều kiện cho con người phát triển. Năng lực con người phụ thuộc vào 3 yếu tố gồm có tuổi thọ và sức khoẻ, trình độ giáo dục và tri thức và mức thu nhập. Bốn điều kiện cho con người phát triển là điều kiện tham gia vào đời sống chính trị và cộng đồng, môi trường bền vững, quyền con người và các điều kiện thúc đẩy bình đẳng và công bằng xã hội.

Theo Báo Cáo chỉ số phát triển con người 2015 thì Na Uy là nước đáng sống nhất (1/188) và Úc đứng nhì (2/188). Tại Á châu có Singapore đứng 11/188, Hàn quốc 17/188, Nhật Bản 20/188, Mã Lai 62/188, Trung Quốc 90/188, Thái Lan 93/188, Nam Dương 110/188, Phi Luật Tân 115/188, Việt Nam 116/188, Lào 141/188 và Cao Miên 143/188. Có nghĩa là nhìn bằng tiêu chuẩn quốc tế nào thì Việt Nam luôn là nước thứ ba áp chót tại châu Á chỉ hơn Lào và Cao Miên.

Báo Cáo cũng cho thấy về giáo dục, Việt Nam đứng 121/187 có nghĩa là dưới trung bình. Về y tế, sức khoẻ, Việt Nam đứng 160/190 tức thuộc nhóm quốc gia áp chót. Trong khi đó, chỉ số tham nhũng của Việt Nam theo Transparency International là 116/177, tức quốc gia thuộc nhóm 1/4 cuối bảng.

Bước vào năm 2016, một vài thách thức cụ thể của Việt Nam gồm có thứ nhất, kinh tế tăng trưởng chậm do lệ thuộc vào tăng trưởng của thế giới đặc biệt là của Trung Quốc. Nợ công sắp hoặc đã vượt qua ngưỡng 65% GDP. Chi phí lãi suất tăng nhanh có nguy cơ vỡ nợ. Doanh nghiệp nhà nước vẫn chiếm hết sân chơi nhưng có trình độ công nghệ kém, chất lượng sản phẩm kém và năng lực cạnh tranh thấp. Hơn nữa còn là môi trường cho nạn tham nhũng, thất thoát thể hiện qua các vụ Vinalines và Vinashin.

Về giáo dục, hệ thống giáo dục của Việt Nam có chất lượng kém và trình độ quốc tế thấp nhưng tỷ lệ thất nghiệp của sinh viên ra trường lại rất cao. Trong 3 tháng cuối năm 2015, có 225,000 cử nhân và thạc sĩ thất nghiệp. Giáo viên phải dạy thêm để kiếm sống.

Về môi trường, thảm họa môi trường từ vụ xả thải do Formosa gây ra tàn phá một vùng biển rộng lớn. Hàng chục ngàn ngư dân có thể phải bỏ nghề. Theo báo cáo sơ bộ của Chính phủ thì có hơn 100,000 nạn nhân bị ảnh hưởng trực tiếp vì mất việc làm và 176,000 người phụ thuộc tổng cộng hơn 276,000 nạn nhân. Nếu chia đều 500 triệu Mỹ kim mà Formosa đồng ý bồi thường cho số nạn nhân này thì mỗi người nhận chưa tới 2,000 Mỹ kim. Tuy đây là thảm hoạ môi trường nhưng nó bộc lộ thể chế chính trị và hệ thống công quyền yếu kém hiện nay trong viện quản trị môi trường và đầu tư ngoại quốc.

Thể chế lạc hậu này thể hiện rõ nhất qua hệ thống biên chế. Theo Kinh tế gia Phạm Chi Lan thì tại Việt Nam có tới 11 triệu người ăn lương nhà nước. Trong khi đó, Mỹ có dân số gấp 4 lần chỉ có 2.8 triệu công chức. Đây là một nghịch lý chỉ có thể tồn tại ở Việt Nam. Tức là dân số Việt Nam ít hơn Mỹ 4 lần nhưng số lượng cán bộ, công chức lại hơn Mỹ gấp 4 lần.

Để bảo vệ cho chế độ độc quyền đảng trị, Đảng Cộng Sản Việt Nam chi 14,000 tỷ đồng hàng năm để ‘nuôi’ các tổ chức đoàn thể ngoại vi như Mặt trận Tổ Quốc, Hội Phụ Nữ, Đoàn Thanh niên CSHCM, Tổng Liên đoàn Lao động…Theo Viện Nghiên Cứu Kinh tế và Chính sách, ngân sách này cao gấp đôi số chi dự tính cho Bộ Y tế, Bộ Giáo Dục và gấp 5 lần Bộ Văn Hóa – Thể thao – Du Lịch và Khoa Học Công Nghệ. Mức chi thường xuyên của chính phủ có lúc lên tới 72% ngân sách. Do đó nhà nước không còn tiền đầu tư cho phát triển vào hạ tầng cơ sở, giáo dục và y tế là những lãnh vực thúc đẩy phát triển kinh tế và xã hội. Bộ máy công quyền cồng kềnh yếu kém không chỉ lãng phí tiền thuế của dân mà còn sinh ra vòi vĩnh, nhũng nhiễu, và tham nhũng trở thành quốc nạn. Hiện tượng mua quan bán chức theo trình tự hậu duệ, quan hệ, tiền tệ và trí tuệ là một thực tế ở Việt Nam. Trong một thể chế mà nhân tài, hiền tài đứng sau chót thì quốc gia đó không thể nào phát triển. Theo lời của Đại Biểu Đỗ Văn Đương, hình ảnh xã hội Việt Nam ngày nay là một anh nông dân gầy còm phải cõng tới 4 quan chức béo phì chẳng hạn như cán bộ làng xã, Đảng ủy, Mặt trận và Nhà nước.

Rõ ràng là nguyên nhân chính dẫn đất nước đến tình trạng tụt hậu hiện nay là do chế độ chính trị bao cấp, độc đảng và độc quyền bóp nghẹt mọi cơ hội phát triển. Thể chế yếu kém làm đất nước nghèo. Muốn đất nước phát triển thì phải thay đổi thể chế, tức là đi theo con đường dân chủ hóa với thể chế đa đảng, đa nguyên cạnh tranh lành mạnh và áp dụng các cơ chế kiểm soát quyền lực chéo với một hệ thống tư pháp và truyền thông thật sự độc lập để thực thi kiểm soát quyền lực hành pháp và lập pháp. Một hệ thống dân chủ trong sáng và lành mạnh như vậy thì nhân tài và hiền tài mới có cơ hội phục vụ và đóng góp giúp đất nước phát triển hết tiềm năng. Mọi khuất tất, tham nhũng sẽ lập tức bị phanh phui và đưa ra ánh sáng. Câu hỏi đặt ra là Việt Nam sẽ dân chủ hóa bằng cách nào? Và người Việt hải ngoại đóng vai trò gì trong công cuộc đấu tranh dân chủ hóa để phát triển đất nước?

Sơ lược thời kỳ phát triển phong trào dân chủ

Nguyễn Vũ Bình chia tiến trình phát triển của phong trào dân chủ Việt Nam qua 4 giai đoạn. Giai đoạn thứ nhất là từ năm 1975 – 1988. Đây là thời kỳ phục quốc của quân dân cán chính Việt Nam Cộng Hòa với phương thức đấu tranh vũ trang, kháng chiến nhằm phục hồi quốc gia miền Nam cũng như khôi phục lại các quyền tự do căn bản cho người dân.

Giai đoạn thứ hai là từ năm 1988-2000 hay còn gọi là thời kỳ thức tỉnh thể hiện qua bài viết của ông Hà Sĩ Phu được phổ biến vào năm 1988 mang tựa đề “Nắm tay nhau đi dưới tấm biển chỉ đường của trí tuệ”. Đây là cột mốc đánh dấu sự thức tỉnh và phản tỉnh của tầng lớp trí thức Việt Nam như Hà Sĩ Phu, Hoàng Minh Chính, Trần Độ, Nguyễn Thanh Giang, Phạm Quế Dương, Lê Hồng Hà. Cũng trong giai đoạn này thì các phong trào tổ chức đấu tranh hải ngoại bắt đầu chuyển hướng từ bạo động thành bất bạo động mở cửa cho thời kỳ đấu tranh chính trị sau này.

Thứ ba là thời kỳ đấu tranh chính trị từ năm 2000 – 2007. Trong giai đoạn này có nhiều khuôn mặt trẻ công khai xuất hiện với những bài viết tấn công vào cơ sở và lập luận chính trị của Đảng Cộng Sản Việt Nam như Nguyễn Vũ Bình, Phạm Hồng Sơn, Lê Chí Quang, Nguyễn Khắc Toàn, Nguyễn Văn Đài, Lê Thị Công Nhân mà cao điểm là sự ra đời của Bản Tuyên Bố 8406.

Thứ tư là từ năm 2007 đến nay. Đây là thời kỳ đấu tranh kết hợp tinh thần yên nước chống Trung Quốc cùng với sự ra đời của phong trào xã hội dân sự. Đặc điểm của giai đoạn này là sự liên kết toàn cầu của các tổ chức và cá nhân đấu tranh qua hệ thống internet và các mạng xã hội như Facebook kết nối tất cả mọi giai cấp, tầng lớp, tôn giáo và thế hệ gồm mọi lứa tuổi cắm rễ vào quần chúng. Các tổ chức xã hội dân sự cũng lần lượt công khai xuất hiện ví dụ như Hội Anh em dân chủ, Hội Cựu tù nhân lương tâm, FC No U, Hội Phụ nữ nhân quyền, Nhà báo độc lập, Văn Đoàn độc lập, Hà nội Xanh…

Cũng theo nhận xét của một nhà hoạt động nhân quyền trong nước, phong trào đấu tranh dân chủ ở Việt Nam nở rộ như “nấm mọc sau cơn mưa” vào năm 2006 khi Việt Nam gia nhập vào WTO với sự ra đời của khoảng một chục đảng phái và hội nhóm chính trị đấu tranh đòi tự do và dân chủ trong khoảng thời gian này. Hình thức hoạt động chủ yếu là phổ biến và đấu tranh trên mạng Internet. Tuy nhiên chỉ khoảng 2 – 3 năm sau, hầu hết các tổ chức chính trị này đều bị chính quyền cộng sản tiêu diệt.

Khoảng trống của phong trào đấu tranh kéo dài trong khoảng 2 – 3 năm tiếp theo sau đó, cho đến khi cuộc biểu tình chống Trung Quốc vào năm 2011 nổ ra thu hút hàng ngàn người tham gia. Từ những cuộc biểu tình này, nhiều gương mặt mới đặc biệt là giới trẻ bắt đầu kết nối với nhau và tiếp bước phong trào đấu tranh. Rút kinh nghiệm từ lớp người đi trước và nhận thức từ sự đàn áp không khoan nhượng của chế độ công an trị khi hình thành các tổ chức chính trị đối lập, phong trào đấu tranh dân chủ đã chuyển hướng rõ rệt là không còn thành lập các tổ chức chính trị đối lập, mà thành lập các tổ chức xã hội mang tính chất đối kháng ít hơn và ôn hòa hơn. Đó là sự ra đời của các tổ chức xã hội dân sự đấu tranh đòi dân chủ và nhân quyền.

So sánh 2 giai đoạn phong trào này chúng ta có thể thấy một bước tiến khá lớn của phong trào dân chủ. Mười năm về trước phong trào chủ yếu là hoạt động phổ biến trên mạng Internet và chỉ dừng lại ở việc phê phán đường lối, chính sách cai trị của Đảng cầm quyền, mà chúng ta hay gọi những người đấu tranh là những “nhà bất đồng chính kiến”. Còn phong trào hiện nay, không chỉ dừng lại ở việc phê phán, những người đấu tranh đã biết xâm nhập vào các vấn nạn của đời sống và hành động tìm kiếm các giải pháp để giải quyết nó. Có nghĩa là phong trào đã chuyển bước từ những “nhà bất đồng chính kiến” sang những “nhà hoạt động” yểm trợ người dân một cách thiết thực và cụ thể. Các hoạt động nhân sinh, nhân quyền, cứu trợ dân oan bảo vệ môi trường, cây xanh ngày càng đi sâu vào đời sống và thức tỉnh người dân. Tuy còn non trẻ nhưng phong trào xã hội dân sự là xu hướng không thể đảo ngược trong tiến trình dân chủ hóa tại Việt Nam.

Bốn phương thức đấu tranh

Trong bài viết Phong Trào Dân Chủ Việt Nam (Vietnam’s Democratisation Movement) phổ biến vào tháng 5 năm 2015 trên tạp chí Diễn Đàn Đông Á (East Asia Forum), Giáo Sư Benedict Tria Kerkvliet thuộc Viện đại học ANU (Đại Học Quốc Gia Úc) đặt câu hỏi là Việt Nam sẽ dân chủ hóa bằng cách nào và liệt kê 4 khuynh hướng mà các nhà đấu tranh trong nước đang theo đuổi. Các khuynh hướng này đều có điểm chung là sử dụng phương thức đấu tranh bất bạo động nhưng cũng có nhiều quan điểm khác biệt về mối quan hệ giữa một thể chế dân chủ và sự phát triển kinh tế và xã hội.

Khuynh hướng thứ nhất cho rằng Đảng CSVN là nguyên nhân chính dẫn tới sự tụt hậu và tham nhũng hiện nay nhưng chính nó có thể thay đổi đưa đất nước tới dân chủ. Những người ủng hộ phương thức này cho rằng không cần phải vứt bỏ hết tất cả các cơ chế chính trị hiện nay. Việt Nam đã có một số cơ chế dân chủ và Hiến Pháp thừa nhận quyền con người và quyền bầu cử. Vấn đề lớn nhất là những yếu tố dân chủ không được thực hiện đúng bởi vì Đảng CSVN nắm quá nhiều quyền lực. Đảng CSVN tự thân nó có thể giải quyết được những vấn đề này bằng cách khởi động chuyển giao quyền lực sang cho người dân. Như thế thì Đảng CSVN sẽ giữ được uy tín, cứu chính bản thân họ và ngăn chặn những đau khổ và hỗn loạn to lớn có thể xảy ra với đất nước.

Khuynh hướng thứ hai nhắm vào sự đối đầu có tổ chức với chế độ. Những người theo khuynh hướng này lập luận rằng Đảng CSVN sẽ không bao giờ dẫn dắt người dân tới dân chủ thật sự và chủ nghĩa cộng sản không thể nào cải cách được mà phải được thay thế hoàn toàn. Điều kiện tiên quyết là thành lập một thể chế chính trị dân chủ đa đảng, đa nguyên để bảo vệ tự do ngôn luận và các giá trị dân chủ khác. Sau đó Việt Nam mới có thể phát triển. Và cách duy nhất để đạt tới hệ thống đa đảng là trực tiếp và công khai đấu tranh đòi hỏi dân chủ. Vì vậy cần phải thành lập tổ chức, đảng phái chính trị, đứng ra thách thức Đảng CSVN. Cái giá phải trả là sẽ có một số thành viên bị tù đày nhưng nó sẽ tạo điều kiện cho một phong trào dân chủ bền vững hơn trên đường dài.

Khuynh hướng thứ ba không đòi hỏi thay đổi thể chế chính trị hoàn toàn mà chủ trương cải thiện hệ thống bằng cách tích cực tham gia vào nó. Những người theo khuynh hướng này cho rằng nhiệm vụ cấp bách nhất không phải là loại bỏ Đảng CSVN hay tạo ra một hệ thống chính trị đa đảng mà phải chấm dứt những chính sách và hành động làm tổn thương đến nhân dân và sự phát triển của đất nước. Điều này có nghĩa là phải tranh luận với chính quyền các cấp, chống lại những chương trình và quan chức tham nhũng và thúc đẩy những chính sách và quan chức làm lợi cho đất nước. Dân chủ hóa, theo những người này, là để nâng cao đời sống của nhân dân. Và khi làm được điều trên thì tiến trình dân chủ sẽ tự động nổi lên. Không cần thiết “phải tham gia chính trị hoặc dương cao ngọn cờ dân chủ” vì làm vậy có thể dẫn tới phản ứng ngược từ chính quyền. Do đó những người theo khuynh hướng này chọn không gia nhập các tổ chức, các cuộc biểu tình hay ký các kiến nghị thư chống lại chính quyền.

Khuynh hướng thứ tư liên kết việc mở rộng xã hội dân sự (XHDS) với dân chủ hóa. Những người theo khuynh hướng này đồng ý với phương pháp thứ ba rằng dân chủ không đơn giản là có một hệ thống bầu cử đa đảng. Cả khuynh hướng thứ ba và thứ tư đều nhìn nhận vai trò của Đảng CSVN trong tiến trình dân chủ hóa Việt Nam nhưng không phải như một người lãnh đạo mà là trong những người tham gia. Khuynh hướng xã hội dân sự thúc giục mọi người sử dụng những biện pháp hợp pháp để phê phán các chính sách và quan chức tồi tệ và thúc đẩy sự cải thiện xã hội. Nhưng chính họ không nhắm tới việc tham gia vào chính quyền hoặc chủ trương tranh giành quyền bính. Ngược lại, họ chú trọng vào việc khuyến khích người dân phát triển các tổ chức xã hội dân sự độc lập với nhà nước. Trọng tâm của xã hội dân sự là công dân cổ súy cho ý tưởng của mình nhưng cũng tiếp cận và trao đổi với những thành phần không đồng quan điểm. Các giá trị dân chủ không tự nó xuất hiện mà công dân phải đấu tranh giành lấy nó một cách ôn hòa. Dân chủ có nghĩa là người dân cần biết cách bảy tỏ quan điểm, bộc lộ suy nghĩ của mình, lắng nghe người khác, biết thương thuyết và chấp nhận thỏa hiệp. Khi tham gia vào những tổ chức xã hội dân sự, người dân sẽ học được những kỹ năng và thực thi các giá trị dân chủ.

Những khó khăn của phong trào hiện nay

Một nhà hoạt động nhân quyền trong nước cho biết hiện nay có khoảngtổ chức 20 XHDS độc lập hoạt động độc lập với nhà nước. Đa số các tổ chức này còn đang trong giai đoạn phôi thai và thiếu thốn nhiều phương tiện về mặt tổ chức, kế hoạch, nhân sự và tài chánh. Họ không được nhà nước công nhận và không có tư cách pháp nhân. Cho tới nay Việt Nam vẫn chưa ban hành được Luật về Hội có nghĩa là đi sau thế giới văn minh cả hàng chục năm. Từ giữa năm 2014 đã có nỗ lực họp mặt các tổ chức XHDS mỗi tháng một lần tại Chùa Liên Trì hoặc Nhà Thờ Dòng Chúa Cứu Thế nhưng các buổi họp này gần đây không còn tiếp diễn. Một phần là vì các thành viên thường bị công an theo dõi và quấy nhiễu. Mặt khác, nó cũng cho thấy những hạn chế về phương thức điều hợp và khoảng cách giữa các tổ chức cũng như cá nhân lãnh đạo khó tạo ra một khối xã hội dân sự gắn bó và đoàn kết.

Thứ hai, sự ủng hộ của chính giới quốc tế đối với phong trào đấu tranh dân chủ chỉ giới hạn về mặt tinh thần như gặp gỡ, thăm hỏi chớ chưa có hợp tác hoặc yểm trợ rõ ràng. Chẳng hạn, phái đoàn EU, Đại sứ quán Hoa Kỳ, Úc, và các quốc gia khác ở VN có nhiều khoản tài trợ cho các dự án thúc đẩy dân chủ và nhân quyền ở VN, tuy nhiên họ chỉ cấp cho các tổ chức có tư cách pháp nhân, được nhà nước công nhận. Còn các tổ chức XHDS độc lập không được nhà nước công nhận thì không bao giờ nhận được sự tài trợ này. Do đó, vẫn chưa có tổ chức XHDS nào ở VN đủ sức vươn tầm hoạt động ảnh hưởng và thu hút sự chú ý của thế giới.

Thứ ba, cùng với sự phát triển của phong trào đấu tranh thì chính quyền cũng gia tăng mức độ đàn áp tinh vi hơn trong việc trấn áp các nhà hoạt động. Nếu như trước đây họ bắt bỏ tù các nhà bất đồng chính kiến thì bây giờ sử dụng đến các biện pháp cô lập kinh tế và xã hội nhiều hơn. Ngoài việc bỏ tù như là biện pháp cuối cùng, giới đấu tranh hiện nay phải đối mặt với những vấn đề thường nhật như bị đuổi việc, bị đuổi khỏi nơi nhà thuê, bạn bè bình thường đến thăm khi ra về thì bị bắt về đồn để điều tra mối quan hệ, đeo bám và ngăn chặn đi lại. Nhà nước cũng sử dụng truyền thông và dư luận để bôi nhọ danh dự và uy tín, và nghiêm trọng hơn là tăng cường các biện pháp vũ lực, cho côn đồ hoặc công an trá hình tấn công gây thương tích hoặc tra tấn những nhà hoạt động khi họ bị bắt vào đồn công an. Các hình thức trấn áp này có vẻ nhẹ nhàng hơn so với việc bị đi tù, nhưng nó tỏ ra hiệu quả gây nên những chấn động tâm lý, khủng hoảng tinh thần nặng nề cho các nhà hoạt động để họ từ bỏ lý tưởng và con đường của mình.

Thứ tư, nếu như trước đây, giới đấu tranh ít ỏi và lĩnh vực dân chủ và nhân quyền hầu như là “sân chơi riêng của trí thức”, thì với sự sự gia tăng về số lượng người đấu tranh trong thời gian qua, và sự lan tỏa của Internet đã phá vỡ cấu trúc sân chơi này. Nông dân bị mất đất bất bình đứng lên đấu tranh, giới buôn bán hàng rong thấy biểu tình nhận thức vấn đề tham gia vào đấu tranh. Thậm chí dân anh chị giang hồ thấy cảnh nhiễu nhương xã hội cũng tham gia vào đấu tranh. Điều này phản ánh sự đa nguyên của xã hội và tính ưu việt của phong trào đấu tranh khi có nhiều tầng lớp tham gia. Nhưng nó cũng gây ra tác động làm nên một phong trào đấu tranh không đồng điệu và thiếu thống nhất.

Sự chênh lệch về mặt học thức, kỹ năng hoạt động là khá rõ ràng trong bối cảnh hiện nay dù rằng có cùng mục tiêu đấu tranh chung. Từ đó phát sinh ra nhiều khuynh hướng đấu tranh khác nhau, dẫn tới hoạt động riêng lẻ và sự thiếu đoàn kết, tổ chức. Giới đấu tranh vẫn chưa xây dựng được một mạng lưới của phong trào. Một vài tổ chức hoạt động thiếu chuyên môn hoặc nặng hình thức hoặc hoạt động mang tính chất cầm chừng để tồn tại.

Kết luận và đề nghị

Phong trào đấu tranh dân chủ và nhân quyền VN còn non trẻ và đang trong quá trình định hình phải đối mặt trước nhiều khó khăn và thách thức từ chính quyền. Việc củng cố nội lực của phong trào đấu tranh sẽ là yếu tố quyết định tiến trình dân chủ hóa VN sẽ được nhanh hay chậm. Tiến trình này đòi hỏi sự yểm trợ từ nhiều nguồn lực khác nhau, mà Cộng đồng người Việt ở hải ngoại là một bộ phận chủ lực, là đầu tàu có thể giúp định hình tương lai của phong trào dân chủ trong nước.

Thứ nhất, chúng ta có thể vận động chính phủ nước sở tại mạnh dạn hợp tác và tài trợ với các tổ chức XHDS trong nước và công nhận họ như là một thực thể bình đẳng với các tổ chức được nhà nước cấp phép. Ngoài các cuộc trao đổi chẳng hạn như các cuộc đối thoại nhân quyền thường niên, họ cũng nên xây dựng cơ chế đối thoại tương tự song song với các tổ chức XHDS trong nước.

Thứ hai là tận dụng các diễn đàn quốc tế để lên tiếng phản ảnh về tình trạng vi phạm nhân quyền ở Việt Nam hiện nay. Quốc tế hóa mặt trận tranh đấu cho nhân quyền và dân chủ như đã được áp dụng ở Miến Điện sẽ có tác động đáng kể cho phong trào dân chủ tại Việt Nam.

Thứ ba, người Việt hải ngoại nên liên kết, hợp tác và yểm trợ phương tiện cho các tổ chức XHDS trong nước và hỗ trợ họ tìm kiếm quan hệ đối tác với các tổ chức phi chính phủ quốc tế. Chúng ta có thể hỗ trợ đào tạo kiến thức, kỹ năng hoạt động các cho giới đấu tranh. Hình thức đào tạo hoặc các khoá huấn luyện lãnh đạo có thể tiến hành trong và ngoài nước. Đặc biệt là yểm trợ phương tiện và tài chánh cho các dự án XHDS cụ thể ví dụ như hỗ trợ ngư dân đòi hỏi công lý, bồi thường và môi trường biển trong sạch để hành nghề đánh cá và sinh sống hoặc hỗ trợ công nhân làm việc trong các công xưởng lớn của các công ty ngoại quốckhi họ bị sa thải bất công hoặc khi quyền lao động của họ bị xâm phạm.

Sau cùng là sử dụng pháp luật quốc tế để bảo vệ quyền lợi của người dân cũng như những nhà hoạt động khi họ phải đối mặt với những rủi ro và bị đàn áp. Hai khía cạnh chính là luật quốc tế liên quan tới lao động và môi trường. Sau khi TPP có hiệu lực, chúng ta cần tận dụng các chương liên hệ hoặc các Công Ước của Tổ Chức Lao Động Quốc Tế hoặc Công Ước Bảo Vệ Môi Trường để tố cáo nhà cầm quyền trước các quốc gia thành viên của Công Ước hoặc Tòa Quốc Tế nếu họ có hành vi vi phạm Công Ước. Việc này đòi hỏi các luật sư trong và ngoài nước hợp tác và hỗ trợ lẫn nhau trong việc sử dụng luật và tòa án quốc tế để bảo vệ cho người dân cũng như những nhà hoạt động khi họ bị trấn áp.

Tóm lại, tình trạng tụt hậu và bế tắc của Việt Nam hiện nay là do thể chế độc quyền đảng trị. Không có dấu hiệu gì cho thấy Đảng CSVN sẽ thay đổi trao trả quyền lực cho nhân dân. Ngay cả khi có những người tài có khả năng muốn tham gia vào hệ thống để cải thiện thì họ cũng không có cơ hội thể hiện qua việc hàng loạt ứng cử viên độc lập bị loại khỏi danh sách tranh cử vào Quốc Hội trong tháng 5 vừa qua. Đảng CSVN cũng không cho phép bất cứ tổ chức, đảng phái chính trị nào có cơ hội thành lập, phát triển và sinh hoạt, cạnh tranh lành mạnh như tại các quốc gia dân chủ văn minh, tiến bộ trên thế giới.

Chỉ còn một khuynh hướng khả thi là XHDS, ít nhất là trong giai đoạn này. Người Việt hải ngoại tuy đóng vai phụ nhưng cực kỳ quan trọng và có tính quyết định tương lai của tiến trình dân chủ hóa đất nước qua hai mặt: giúp đỡ phương tiện để đặt nền móng tư tưởng và sinh hoạt dân chủ và nâng tầm kết nối các tổ chức XHDS trong nước với cộng đồng quốc tế. Tiến trình dân chủ hóa không phải là một cuộc chạy đua nước rút, mà là đường trường đầy gian nan giữa một bên là cộng sản, độc tài, dối trá, bạo lực, tụt hậu và bên kia là dân chủ, đa nguyên, công lý, nhân bản và tiến bộ.

Trước sau gì thì Việt Nam cũng sẽ trở thành một quốc gia dân chủ vì đó là tiến trình lịch sử của nhân loại. Hành trình ngắn hay dài hoặc thời gian sớm hay muộn một phần lớn tùy thuộc vào nỗ lực và phương thức đóng góp của người Việt tại hải ngoại.

Ls Nguyễn Văn Thân
DLB

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad