Ý kiến này được Tiến sỹ Trần Công Trục đưa ra hôm 26/8/2016 khi bình luận với BBC Tiếng Việt về việc Bộ Ngoại giao Campuchia kêu gọi Việt Nam 'chấm dứt xâm phạm biên giới' và gửi thư cho Hà Nội cáo buộc Việt Nam 'vi phạm' lãnh thổ Campuchia ở một số khu vực thuộc miền Đông, như các tỉnh Kandal và Takeo.
Ngày 29/8, hai quốc gia láng giềng ở Đông Nam Á theo kế hoạch sẽ có phiên họp về vấn đề này.
Từ Hà Nội, Tiến sỹ Trần Công Trục phỏng đoán về diễn biến và kết quả của cuộc họp:
"Để cầu thị, tôi nghĩ rằng hai bên cần phải gặp nhau. Tôi cho rằng giữa Việt Nam và Campuchia đã có một cơ chế đàm phán, trong quá trình nếu có những vấn đề tranh chấp thì việc hai bên gặp nhau là một chuyện hết sức cần thiết."
Chắc chắn trong lần gặp nhau đó, người ta sẽ đặt ra những nơi mà phía Campuchia nói rằng Việt Nam đã xây dựng và vi phạm Hiệp ước về quản lý biên giới, rồi Việt Nam sẽ bảo vệ và chứng minh... những điều mình làm... Tiến sỹ Trần Công Trục |
"Nếu như quá trình đó mà thấy ai mà làm sai thì bên đó phải thay đổi, sửa đổi, thực hiện cho đúng hiệp ước đã ký kết, tức là Hiệp ước quản lý biên giới trong vùng hiện nay, trước khi có đường biên giới mới..."
"Trong thực tế giải quyết những vấn đề biên giới giữa những nước láng giềng, Việt Nam cũng làm điều tương tự, giống như giữa Việt Nam và Trung Quốc, hay đường biên giới trên bộ giữa Việt Nam - Lào cũng thế."
"Rõ ràng trong quá trình thực hiện việc phân giới, cắm mốc và quản lý biên giới đó, không tránh đi những hiểu lầm, thậm chí không tránh đi những tranh chấp do lợi ích của các địa phương, các đơn vị cụ thể đó, cho nên vai trò của nhà nước và chính phủ của hai bên cử ra những đoàn đàm phán chính phủ để giải quyết, tôi cho đó là điều hết sức cần thiết."
'Không trên đất Campuchia'
"Tôi khẳng định rằng tất cả những công trình Việt Nam đang làm, những nhà cửa đang xây, những công trình thủy lợi đang làm rõ ràng là hoàn toàn nằm trên đất Việt Nam, chứ không phải nằm trên phía đất của Campuchia."
Tuy nhiên cựu lãnh đạo Ban biên giới lãnh thổ Việt Nam cũng nói thêm:
"Tôi cũng xin nói rằng là thật sự một cách cầu thị và khách quan, hiện nay công tác phân giới, cắm mốc trên thực tế chưa hoàn thiện một cách toàn tuyến, chưa thông tuyến."
Tôi cũng xin nói rằng là thật sự một cách cầu thị và khách quan, hiện nay công tác phấn giới, cắm mốc trên thực tế chưa hoàn thiện một cách toàn tuyến, chưa thông tuyến TS. Trần Công Trục |
"Trên thực tế đã có những nghị định thư xác định kết quả của phân giới cắm mốc thì hai bên mới bắt đầu tiến hành quản lý trên cơ sở của đường biên giới mới và mốc biên giới mới."
"Cho nên đây cũng là một yếu tố để nảy sinh những quan điểm khác nhau, những nhận thức khác nhau về khu vực mà họ quản lý trước đây," Tiến sỹ Trần Công Trục nói với BBC.
Trước đó, hôm 23/8, Thủ tướng Campuchia, ông Hun Sen đã công bố kế hoạch xây một con đường dọc biên giới Campuchia - Việt Nam và yêu cầu giới chức các tỉnh biên giới nỗ lực đưa người dân đến sống tại các khu vực gần phía biên giới Việt Nam, theo tờ báo Khmer Times.
Tổng tuyển cử ở Campuchia sẽ diễn ra tháng Bảy 2018 và Thủ tướng Hun Sen dự định tranh cử nhiệm kỳ thứ năm.
Tờ này cũng trích lời ông Hun Sen nói: "Tôi đã chỉ đạo chủ tịch tỉnh Take [tên Lay Vannak] và những lãnh đạo các tỉnh biên giới khác là cách tốt nhất để bảo vệ biên giới là đưa người Campuchia đến sống gần các biên giới phía đông, tây và bắc đất nước".
'Lần này rất cứng rắn'
Trả lời BBC Tiếng Việt trong một phỏng vấn gần đây, Chủ tịch Viện nghiên cứu Chiến lược Campuchia (CISS) Vannarith Chheang nhận định: “Có vẻ vấn đề an ninh biên giới lại nổi lên sau khi căng thẳng ở biên giới với Việt Nam ba tuần trước.
“Ba tuần trước, Bộ Ngoại giao Campuchia gửi một công hàm ngoại giao để phản đối Việt Nam trong trường hợp xây dựng mương trong khu vực biên giới mà cả hai nước chưa phân định,” ông nói.
Nhưng ông cũng nhận định việc Campuchia muốn xây đường xá và đưa dân cư tới các tỉnh biên giới giáp Việt Nam không phải “chiến lược mới”.
Ông nói: “Tăng dân cư sống ở khu vực này có nghĩa là cần đưa làng mạc và người dân Campuchia đến đó, vì khu vực gần biên giới Việt Nam có rất ít dân cư sinh sống vì thế nông dân Việt Nam tới thuê đất và thu hoạch trong khu vực. Ông Hun Sen cũng đưa ra chính sách không cho phép công ty Việt Nam hay cộng đồng người Việt thuê đất nông nghiệp dọc theo biên giới.”
Ông Hun Sen cần phải chứng minh ông là người bảo vệ lãnh thổ và chủ quyền vì thế bất cứ điều gì mà ông nghĩ xâm phạm chủ quyền Campuchia, ông sẽ phản đối. Lần này ông rất cứng rắn Ông Vannarith Chheang |
Nhà nghiên cứu Vannarith cũng nhận định vốn đầu tư xây các hệ thống đường xá và thị trấn dọc biên giới này sẽ đến từ Trung Quốc với vai trò “có lẽ sẽ là nhà đầu tư chính”, trong khi ông cũng cho rằng có việc chính trị đảng phái ở Campuchia trước các kỳ bầu cử sử dụng 'lá bài' dân tộc chủ nghĩa.
Ông nhận định: “Quan hệ giữa người Việt Nam và người Campuchia luôn luôn căng thẳng. Quan niệm của đa số người Campuchia về người Việt Nam khá tiêu cực, vì thế sự kiện này cũng bị khơi lên một phần vì chính trị nội bộ của Campuchia về vấn đề chủ nghĩa dân tộc. Tôi nghĩ chủ nghĩa dân tộc là lá bàn quan trọng để có thể thắng cuộc bầu cử.”
“Trong quá khứ, vị trí của đảng lãnh đạo Campuchia rất mạnh, nhưng giờ tôi nghĩ đảng cầm quyền cũng phải dùng đến lá bài chủ nghĩa dân tộc. Bởi vì kỳ bầu cử sắp đến vào năm tới, và cuộc tổng tuyển cử 2018 sắp tới. Vì thế nó cũng thể hiện chiến lược chính trị, bằng cách tăng cường chính sách dân tộc. Ông Hun Sen cần phải chứng minh ông là người bảo vệ lãnh thổ và chủ quyền vì thế bất cứ điều gì mà ông nghĩ xâm phạm chủ quyền Campuchia, ông sẽ phản đối. Lần này ông rất cứng rắn.
"Trước đây ông thỏa hiệp và xuống giọng khi nói đến vấn đề biên giới với Việt Nam. Nhưng bây giờ tôi nghĩ ông sẽ rất, rất cứng rắn,” nhà nghiên cứu chiến lược từ Campuchia nói với BBC.
BBC
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét