Bí thư tỉnh ủy, một “nghề nguy hiểm” thời nay - Người Đưa Tin -->

Breaking

Post Top Ad

Thứ Ba, 20 tháng 9, 2016

Bí thư tỉnh ủy, một “nghề nguy hiểm” thời nay


Nhưng dù sao, các vị Bí thư trên vẫn còn may mắn hơn ông Bí thư Yên Bái, bị cán bộ kiểm lâm tỉnh bắn chết ngay tại phòng làm việc hồi tháng trước...

Tang lễ Bí thư tỉnh ủy Yên Bái Phạm Duy Cường ngày 20.8.2016
Tôi nhớ, hồi trước xem nhiều vở kịch, đoạn cuối khi sân khấu đang rối tinh, xung đột bế tắc, thì bất ngờ đồng chí Bí thư huyện ủy xuất hiện như ông bụt. Để rồi tất cả được gỡ nút, đâu lại vào đấy, người tốt được bảo vệ. Thần công lý cấp …huyện là đủ !

Có lẽ xuất phát từ mô hình đấu tranh nội bộ thời nông trang tập thể của văn học Xô Viết những năm 50 của thế kỷ trước. Như kiểu Bí thư huyện ủy Martynov trong truyện ký “Chuyện thường ngày ở huyện” của Valentin Ovechkin

Ở ta, nhà văn Nguyễn Khải có tiểu thuyết “Chủ tịch huyện” (1972). Đào Vũ có “Bí thư cấp huyện” (1983). Đến “Đứng trước biển” rồi “Cù Lao Tràm” của Nguyễn Mạnh Tuấn đụng đến cao hơn, lãnh đạo cấp tỉnh, cấp Thứ trưởng. (Mới chỉ “chạm” tới chừng ấy, mà tác giả “Cù Lao Tràm” đã bị lãnh đạo các tỉnh miền Tây rần rần phản đối, thậm chí phát văn bản đòi đưa ông nhà văn đi “cải tạo” !)

Những phút cuối vở kịch “Tôi và chúng ta” (1984) của Lưu Quang Vũ, giám đốc xí nghiệp Thắng Lợi là Hoàng Việt người xé rào mở ra lối làm ăn mới, đang bị công an giải đi, thì (ông) Bộ trưởng đột ngột xuất hiện và …giải cứu thành công!

Tất nhiên nghệ thuật bao giờ cũng ước lệ, và chức vụ chỉ mang tính tượng trưng. Như “Mảnh đất lắm người nhiều ma”của Nguyễn Khắc Trường, sau được dựng thành phim truyền hình nhiều tập gây xôn xao “Đất và người”, chức Bí thư Đảng ủy xã đã là to lắm rồi, để các dòng họ mải miết giành giật nhau. Chỉ thấp thoáng bóng ông Bí thư huyện.

Bí thư Thanh Hóa bị kẻ xấu vu oan là có “bồ nhí, con riêng”

Thời đại đổi thay, nút thắt cao dần. Nay nâng cấp dần, đến chủ tịch tỉnh, rồi bí thư tỉnh uỷ. Tiểu thuyết “Bí thư tỉnh ủy”, sau được chuyển thể sang bộ phim cùng tên, có thể thấy chính ông Bí thư Kim Ngọc “cha đẻ khoán mười” ở Vĩnh Phúc thời ấy phải vất vả đấu tranh với các đồng chí mình như thế nào để bảo vệ tư duy và cách làm đổi mới… Và ngay bản thân ông cũng rất khó khăn khi bảo vệ chính mình. Đến mức có lúc ông buộc phải chối bỏ sự thật, viết kiểm điểm tự nhận đã “sai lầm nghiêm trọng” trong khoán hộ!

Ngoài đời, người thân của cố Bí thư Kim Ngọc (tên thật Kim Văn Nguộc, 1917-1979), kể rằng khi bị kỷ luật, cụ buồn lắm, bèn xin một góc đất ở bãi tha ma và đưa vợ con ra ở đó. Đến nay ngôi nhà cụ ở bãi tha ma vẫn còn nguyên.

Tác giả tiểu thuyết “Bí thư tỉnh ủy” – nhà văn Vân Thảo, kể trên báo Tuổi trẻ (16.4.2009): Cuối năm 1968, đoàn cán bộ trung ương về tỉnh tổ chức kiểm điểm Bí thư Ngọc. Ông Bí thư bèn đau đớn về nhà đem đốt hết những tấm ảnh của mình. Vợ ông hốt hoảng giật lại, nói “Quá lắm là các ông ấy cách cái chức bí thư của ông là cùng chứ việc gì mà khổ sở như vậy ?”. Ông Ngọc lặng yên một lát rồi nói: “Chức bí thư của tôi chẳng có quyền mà cũng chẳng có lợi. Con cái thì tôi đã dạy chúng nó phải tự đi bằng đôi chân của mình chứ đừng có núp bóng bố đẻ để tiến thân. Chúng nó đã nghe lời dạy bảo của tôi, dù tôi có mất chức bí thư cũng chẳng ảnh hưởng gì đến chúng nó”.

Bí thư Kim Ngọc (trái) thăm ruộng lúa bị bệnh vàng lụi. Người đang báo cáo là ông Ngát - bí thư Huyện ủy Bình Xuyên – (Ảnh tư liệu báo Tuổi trẻ)

Công lao của Bí thư Kim Ngọc sau này được ghi nhận: “Công lao anh Kim Ngọc thật lớn, cần phải dựng tượng để tỏ lòng biết ơn con người như Kim Ngọc” (Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh). Còn Đại tướng Võ Nguyên Giáp: “Đất nước phải biết ơn anh Kim Ngọc. Một người tâm huyết dám đưa ra cái mới, đến bây giờ đất nước có phát triển là nhờ có lúa gạo mà anh Ngọc đã đi tiên phong…”.

Một Bí thư tỉnh ủy xuất thân con nhà nghèo học đến lớp 5 rồi tự học lên đến lớp 7 như ông Kim Ngọc, mà tư duy đã đi rất xa trước thời đại, cùng cái tâm trong sáng biết bao ! Liệu vô vàn những bí thư, chủ tịch có bằng tiến sĩ nước trong nước ngoài, có dám liên hệ, soi bóng mình trong đó ?

Nghĩ ngợi linh tinh về “nghề bí thư”, khi bỗng thấy các Bí thư tỉnh ủy dạo này “gặp hạn” nhiều quá.

Bí thư tỉnh ủy Hà Giang Triệu Tài Vinh khó xử dù cả 8 người thân của ông đều được bổ nhiệm "đúng quy trình"


Chưa xong vụ ông Bí thư Hà Giang, rồi bà (tân) Bí thư Yên Bái phải lên báo “thanh minh thanh nga” về việc đề bạt, bổ nhiệm 8-9 người nhà cùng làm quan tỉnh, lại đến vụ ông Bí thư Thanh Hóa bị kẻ xấu vu oan là có “bồ nhí, con riêng”. Tỉnh ủy Thanh Hóa vừa phải gửi đơn đề nghị trung ương làm rõ kẻ đã cố tình tung tin thất thiệt hãm hại thanh danh, uy tín Bí thư của mình !

Bí thư tỉnh ủy Thanh Hóa Trịnh Văn Chiến yêu cầu các ban ngành chức năng làm rõ thông tin bịa đặt, xuyên tạc về cá nhân ông trên mạng xã hội

Nhưng dù sao, các vị trên vẫn còn may mắn hơn ông Bí thư Yên Bái, bị cán bộ kiểm lâm tỉnh bắn chết ngay tại phòng làm việc hồi tháng trước, mà đến nay còn đang chờ công an làm rõ nguyên nhân...

Trong “Tôi và chúng ta”, ông công nhân già tên Quých nói với nhân vật Bộ trưởng: “Vẫn biết các bác là đầy tớ của nhân dân nhưng đến được nhà các ông đầy tớ khó lắm”.

Diễn viên Hoàng Cúc nhớ lại, vở kịch vừa kết thúc, đạo diễn Hoàng Quân Tạo gạt mồi hôi trán bước vội xuống khán đài thăm dò ý kiến của Ủy viên Bộ Chính trị Tố Hữu, và Bí thư Trung ương Đảng Hoàng Tùng. Tố Hữu nhận xét “Hay! Tuyệt vời”. Còn ông Hoàng Tùng: “Đúng, tôi tán thành ý kiến của anh Lành”. Hú vía !

Bảo thủ lạc hậu đến như lão Am (trong tiểu thuyết Cái sân gạch – 1959 của Đào Vũ), còn đủ khôn ngoan để nói rằng: “Ai nói gì thì nói, cứ nghe ông Đảng là hơn cả”.

Thế nhưng, nhớ lời tâm sự thấm thía của ông Bộ trưởng trong vở kịch “Tôi và chúng ta”: “Tôi không phải là một ông thánh, tôi cũng chỉ là một con người”...

Có lẽ cũng là nỗi niềm chung của các lãnh đạo, là những con người với đầy áp lực.

Ai bảo Bí thư tỉnh ủy không phải “nghề nguy hiểm” ?!

Trần Tuấn
(VN Hôm nay)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad