ĐBQH: “Ông Trịnh Xuân Thanh phải có mặt, làm gì có chuyện đi tìm” - Người Đưa Tin -->

Breaking

Post Top Ad

Thứ Năm, 15 tháng 9, 2016

ĐBQH: “Ông Trịnh Xuân Thanh phải có mặt, làm gì có chuyện đi tìm”


ĐB Bùi Văn Xuyền đưa quan điểm: “Không có chuyện phải đi tìm ông Trịnh Xuân Thanh”. Ảnh Dương Thu.
Theo ĐBQH Bùi Văn Xuyền, ông Trịnh Xuân Thanh vẫn là công chức, buộc phải về nhiệm sở nhận kỷ luật chứ không có chuyện phải đi tìm.

Tỉnh ủy Hậu Giang đã có công văn triệu tập ông Trịnh Xuân Thanh để giải quyết các vấn đề có liên quan. Tuy nhiên, đến hạn triệu tập ngày 13/9, ông Trịnh Xuân Thanh vẫn không có mặt tại nhiệm sở.

PV báo Người Đưa Tin đã có cuộc phỏng vấn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Bùi Văn Xuyền, Ủy ban Pháp luật của QH về vấn đề này.

– Ngày 13/9 được xác định đến hạn triệu tập nhưng ông Trịnh Xuân Thanh vẫn không có mặt ở Hậu Giang để giải quyết những vấn đề liên quan. Trước đó, ông Thanh gửi đơn xin nghỉ phép để ra nước ngoài chữa bệnh và cũng đã có đơn xin ra khỏi đảng. Ông có bình luận gì việc này?

ĐB Bùi Văn Xuyền: Ông Trịnh Xuân Thanh là cán bộ công chức đã bỏ nhiệm sở không có lý do thì cứ theo Luật cán bộ công chức mà xử lý. Luật đã có quy định rất cụ thể với những trường hợp bỏ nhiệm sở không có lý do chính đáng sẽ tiến hành xem xét các hình thức xử lý kỷ luật.

Danh chính ngôn thuận, ông Trịnh Xuân Thanh vẫn đang là công chức của tỉnh Hậu Giang. Công chức không có mặt ở cơ quan hoặc nghỉ phép quá thời hạn đã bị xử lý. Ở đây, cơ quan có giấy triệu tập mà ông Trịnh Xuân Thanh vẫn không về, không có lý do, không có thông tin thì coi như ông Thanh đã rời bỏ nhiệm sở.

– Ban Bí thư đã biểu quyết 100% (dưới hình thức bỏ phiếu kín) khai trừ Đảng với ông Trịnh Xuân Thanh. Sự “mất tích” của ông Thanh có ảnh hưởng như thế nào đến việc tiến hành kỷ luật không, thưa ông?

ĐB Bùi Văn Xuyền: Ông Trịnh Xuân Thanh là cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý nên việc khai trừ khỏi Đảng với ông Trịnh Xuân Thanh, Ủy ban Kiểm tra Trung ương có đề nghị, Ban Bí thư kết luận và ra thông báo là hoàn toàn hợp lý. Còn thủ tục trình tự, theo quy định của điều lệ Đảng, phía tỉnh Hậu Giang phải thực hiện nghiêm túc.

Trong trường hợp đảng viên vắng mặt sẽ có hình thức xử lý riêng. Nếu đã thông báo trong thời hạn nhất định mà không có trả lời thì đương nhiên, quyết định kỷ luật sẽ có hiệu lực. Với một cán bộ công chức bỏ nhiệm sở không có lý do trong thời gian nhất định, cơ quan đã có thông báo triệu tập mà không về thì xử lý cao nhất là buộc thôi việc.

– Trên thực tế, ông đã từng biết đến những trường hợp trốn tránh như ông Trịnh Xuân Thanh chưa và theo ông, có cần thiết tìm ông Trịnh Xuân Thanh?

ĐB Bùi Văn Xuyền: Việc bỏ nhiệm sở của công chức bình thường, tôi biết đến khá nhiều. Nhưng việc bỏ nhiệm sở ở cấp lãnh đạo như ông Trịnh Xuân Thanh thì hiếm gặp.

Trong khi đang vướng nhiều lùm xùm mà bỏ đi khỏi cơ quan đơn vị, tôi nghĩ không cần phải đi tìm.

Hơn nữa, trách nhiệm của công chức là phải có mặt ở cơ quan để làm việc nên không có chuyện phải đi tìm ông Trịnh Xuân Thanh. Cơ quan nắm giữ hồ sơ cá nhân, có địa chỉ nơi ở rõ ràng. Khi vắng mặt ở nhiệm sở không có lý do, cơ quan quản lý sẽ thông báo về nơi cư trú cho gia đình về việc công chức đó đã đi khỏi cơ quan và hẹn trong thời gian nhất định phải có mặt. Nếu cán bộ công chức đó vẫn không có mặt, không có lý do chính đáng là cố tình. Như thế thì đương nhiên sẽ xử lý kỷ luật buộc thôi việc. Làm gì có câu chuyện đi tìm.

Còn việc, một đảng viên đang sinh hoạt tại cơ quan, đơn vị, bỏ đi không có lý do chính đáng, tổ chức Đảng sẽ vẫn tiến hành kỷ luật khai trừ khỏi Đảng bình thường, không có gì ảnh hưởng. Về nguyên tắc chung, sau khi kỷ luật sẽ thông báo hình thức kỷ luật vắng mặt và ông Thanh có quyền phản hồi, có ý kiến khiếu nại lên cấp trên. Nếu không có ý kiến thì quyết định kỷ luật có hiệu lực.

– Trân trọng cảm ơn ông!


Dương Thu (thực hiện)
Người Đưa Tin


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad