Cái bắt tay khác thường của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc - Người Đưa Tin -->

Breaking

Post Top Ad

Thứ Năm, 15 tháng 9, 2016

Cái bắt tay khác thường của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc


Thủ tướng Việt Nam cùng người đồng cấp của Thái Lan (trái) và Trung Quốc (phải) tại Hội nghị thượng đỉnh ASEAN-Trung Quốc ở Vientiane, Lào, 7/9/2016.

Mấy hôm trước trên mạng xã hội lan truyền bức ảnh Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc có động tác “khác thường” khi chụp ảnh lưu niệm với lãnh đạo nhiều nước khi tham dự Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 28-29 diễn ra tại Lào. Bức ảnh cho thấy trong khi tất cả lãnh đạo các nước khác đều làm động tác theo kiểu “ASEAN Way” (Phương cách ASEAN) truyền thống hàng chục năm qua, thì chỉ riêng ông Phúc làm một kiểu không giống bất kỳ ai. Dư luận ngay lập tức tranh cãi, có người cho rằng ông Phúc quá vô ý về nghi thức cơ bản này, trong khi nhiều người cho rằng không nên xét nét chi li.

Cá nhân tôi cho rằng, dù vô tình hay hữu ý thì hành động này của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc là một điều đáng trách. Có rất nhiều lý do để chúng ta không nên xem hành động ấy là chuyện bình thường, chuyện vô ý có thể thông cảm, hay là chuyện nhỏ nhặt không cần xét nét chi li so với những việc to lớn mà một vị Thủ tướng phải đảm nhận.

Nên nhớ rằng nghi thức hay nghi lễ ngoại giao đã xuất hiện hàng ngàn năm trước, khi bang giao các nước bắt đầu xuất hiện. Phải nhấn mạnh rằng, nghi lễ là công cụ đắc lực cho ngoại giao. Lãnh đạo càng chuyên nghiệp, thì uy tín và hình ảnh của quốc gia đó càng được củng cố và cải thiện. Tại sao Tổng thống Obama khi thăm Việt Nam chuyên nghiệp đến từng chi tiết nhỏ: uống bia Hà Nội, ăn Bún Chả, nhặt cái nem rơi, thanh toán bằng tiền Việt, hay bắt tay với tất cả mọi người có trong khán phòng? Câu trả lời đáp trả lại cho các hành động đó của ngài chính là hiệu ứng tốt đẹp mà người dân Việt Nam đã dành cho ông Obama. Tôi nhớ rất lâu trước đây, vào đầu những năm 1970s, Tổng thống Mỹ đến Trung Quốc còn tính chuyện tập dùng đũa trên máy bay, mục đích là tạo ấn tượng đẹp, qua đó gia tăng cảm tình trên bàn đàm phán. Việc Thủ tướng Phúc chọn kiểu bắt tay không giống ai, trong khi ngay cả những lãnh đạo không có trong ASEAN như Mỹ cũng nhập gia tùy tục, ít nhiều làm hình ảnh của Việt Nam xấu đi trong mắt bạn bè quốc tế.

Một câu vạ miệng của Tổng thống Philippines với Tổng thống Obama đã khiến cuộc gặp song phương bị hủy bỏ, và sẽ còn được mổ xẻ nhiều trong thời gian tới. Một cái bắt tay “thiếu thống nhất” của Thủ tướng Phúc trong khi tính thống nhất chính trị của ASEAN đang bị tranh cãi và đe dọa trong thời gian qua càng có thể khiến hình ảnh ASEAN bị chế nhạo. Trớ trêu thay, khi Thủ tướng Singapore tuyên bố “đừng để sự khác biệt chia rẽ ASEAN” thì cái bắt tay không giống ai của Thủ tướng Việt Nam ít nhiều biến hình ảnh của Việt Nam nói riêng và ASEAN nói chung thành thằng hề trong mắt những ai đang hoài nghi về “ASEAN Way” sau nhiều thất bại của ASEAN trong thời gian qua. Đừng nói người Việt hay xét nét, bởi khi hình ảnh này truyền đến màn hình của hàng trăm triệu người dân ASEAN, thậm chí người dân các quốc gia khác, thì sẽ không ít người cũng sẽ đặt một dấu chấm hỏi “tại sao?” về cách bắt tay vô tiền khoáng hậu này.

Cuối cùng, việc thiếu chuyên nghiệp của một lãnh đạo ở những nghi thức căn bản như bắt tay chụp hình lưu niệm (như trường hợp của Thủ tướng Phúc) không chỉ phản ánh sự chuẩn bị thiếu chu đáo của cá nhân ông, mà còn cả một ekip làm việc trong lĩnh vực lễ tân ngoại giao. Nên nhớ rằng phía sau một Obama, một Putin hay gần hơn là một Lý Hiển Long rất oai vệ nhưng gần gũi là một ekip những chuyên viên ngoại giao chuyên nghiệp. Mọi hoạt động đều được tập huấn rất kỹ nếu không muốn nói là có kịch bản chi tiết. Việc để xảy ra sự cố chưa từng có này, dù tình huống bắt tay quá đơn giản và không đòi hỏi kỹ năng hay nghệ thuật mà ngay cả một sinh viên hay bất kỳ một ai thường xuyên xem truyền hình, đọc báo cũng làm được, cho thấy sự thiếu nhạy cảm không chỉ của người làm lãnh đạo mà còn của cả một ekip hậu cần.

Có người bạn nói với tôi rằng “thông cảm cho Thủ tướng, có thể bác ấy chưa quen”. Nhiều bạn bè trên mạng xã hội vẫn bênh vực cái bắt tay mà theo tôi là “khó nhìn” này, vì cho rằng nó không đáng để nói qua nói về. Còn tôi thì nghĩ, chỉ thông cảm cho những nỗ lực không thành, hay những sai sót khách quan. Với một cách bắt tay rất đỗi bình thường mà cũng làm không giống ai, thì đó là điều đáng trách nhất là với một nguyên thủ quốc gia. Ở một góc độ rộng lớn hơn, trong những trường hợp ngoại giao nhạy cảm, một hành động không giống ai có thể gây tai họa.

Cao Huy Huân
Blog VOA

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad