Bên cạnh đó, vào ngày 26 tháng 9 này, Linh mục Đặng Hữu Nam, thuộc Giáo xứ Phú Yên, tỉnh Nghệ An sẽ hướng dẫn hàng trăm giáo dân, những nạn nhân trực tiếp của thảm hoạ môi trường biển do Formosa gây ra, nộp đơn khởi kiện lên Toà án thị xã Kỳ Anh đòi minh bạch.
Sự việc cụ thể như thế nào, Cát Linh có cuộc phỏng vấn Linh mục Đặng Hữu Nam để biết thêm chi tiết.
Giúp dân khởi kiện
Theo hệ thống luật pháp Việt Nam hiện hành, quy định về khiếu kiện tập thể chưa được công nhận về mặt pháp lý. Mỗi người khi ký đơn phải đến đệ đơn và phải ký xác nhận. Điều này theo Linh mục Đặng Hữu Nam, thuộc Giáo xứ Phú Yên, tỉnh Nghệ An, chính là một khó khăn trở ngại cho hàng trăm ngàn ngư dân khi muốn khởi kiện. Trả lời chúng tôi qua điện thoại vào đêm 20 tháng 9 ông cho biết:
Hiện tại đã có 430 bộ hồ sơ đã hoàn thiện và những ngày như hôm nay vẫn còn rất nhiều người đến để lam hồ sơ tiếp. Vì thế từ hôm nay đến 26 thì chưa biết sẽ thêm bao nhiêu nữa. -LM Đặng Hữu Nam |
Sau khi xảy ra thảm hoạ Vũng Áng Formosa, đời sống ngư dân bốn tỉnh ven biển miền Trung bị ảnh hưởng nặng nề. Hậu quả cho đến hôm nay vẫn chưa được giải quyết thoả đáng dù chính phủ đã công bố bồi thường thiệt hại cho người dân. Do đó, các tổ chức, hội đoàn cá nhân trong và ngoài nước cùng các giáo xứ thuộc vùng phụ cận đã thực hiện nhiều công tác kêu gọi đóng góp cứu trợ và đòi bồi thường thiệt hại minh bạch cho người dân.
Một trong những hình thức đòi hỏi quyền minh bạch và bồi thường thoả đáng, theo đúng pháp lý là khởi kiện công ty Formosa đã gây ra thảm hoạ ô nhiễm môi trường. Linh mục Đặng Hữu Nam nói thêm:
“Hiện tại đã có 430 bộ hồ sơ đã hoàn thiện và những ngày như hôm nay vẫn còn rất nhiều người đến để lam hồ sơ tiếp. Vì thế từ hôm nay đến 26 thì chưa biết sẽ thêm bao nhiêu nữa. Sẽ tổ chức đi vào ngày 26 tháng 9 tới đây, đệ đơn lên toà án. Trước mắt thì cũng xin ba luật sư cùng đi nhưng không biết là có hiện diện được không.”
Khi bắt đầu tiến hành thực hiện việc chuẩn bị hồ sơ khởi kiện, Linh mục Đặng Hữu Nam cho biết có tiếp cận và nhờ văn phòng của luật sư Hà Huy Sơn ở Hà Nội tham vấn về điều kiện pháp lý và xem xét, duyệt hồ sơ. Luật sư Hà Huy Sơn là người đã làm một đơn khởi kiện mẫu đưa lên trang cá nhân để hướng dẫn giúp cho người dân có nhu cầu khởi kiện.
|
“Số đơn này chỉ là trong khu vực của người giáo dân trong giáo xứ của Cha Nam và các giáo xứ lân cận cũng như của các anh chị em không cùng tôn giáo nhưng ở trong các vùng phụ cận này đến để nhờ Cha Nam làm đơn.”
Linh mục Đinh Hữu Thoại, thuộc Dòng Chúa Cứu Thế cho biết ngài rất ủng hộ về cuộc khởi kiện ngày 26 tháng 9 này:
“Cha Đặng Hữu Nam cũng như giáo dân của Giáo phận Vinh và Giáo xứ của ngài đang trong thời điểm cùng với Giáo phận Vinh lên tiếng về Formosa huỷ hoại môi trường 4 tỉnh miền Trung trong đó họ là nạn nhân. Thời gian vừa qua đã những cuộc xuống đường bày tỏ lập trường của giáo dân của Cha Nam, cho nên việc khởi kiện sắp tới cũng nằm trong chuỗi sự kiện đó.”
Chưa hy vọng ICC
Trong bài phóng sự trước, chúng tôi có đề cập đến một chính sách mới được đưa ra của Toà Hình sự Quốc tế - ICC, đó là sẽ thụ lý các vụ án về môi trường như những vụ cướp đất đai, phá rừng nhiệt đới hoặc làm nhiễm độc nguồn nước thì có thể sẽ bị đưa ra toà ở La Haye.
Tuy chính luật sư Hà Huy Sơn cũng cho rằng chính sách mới này là niềm hy vọng tích cực cho người dân Việt Nam nói chung và những nạn nhân của thảm hoạ Vũng Án Formosa nói riêng, tuy nhiên:
“Về thủ tục và trình tự thì đương nhiên nó cũng phải có thời gian. Bản thân các luật sư thì không có nhiều người nắm được thủ tục đó nên cũng chưa có hiệu ứng ngay được.”
Cũng cùng một nhận định, Linh mục Đặng Hữu Nam cho biết còn rất nhiều điều khó khăn để vượt qua, trong đó phải kể đến Quy chế Rome 1988:
Rất khó vì căn cứ vào khoảng A điểm 2 điều 12 của quy chế này thì ICC sẽ thực hiện quyền tài phán của mình ở quốc gia là thành viên. Vụ việc Formosa hôm nay phạm tội thì lại xảy ra ở Việt Nam, mà Việt Nam thì không phải là thành viên của ICC. -LM Đặng Hữu Nam |
Vào năm 2014, trong thời điểm dịnh kỳ phổ quát nhân quyền của Việt Nam, một quá trình 4 năm một lần dưới sự bảo trợ của Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc, nhiều quốc gia đã đưa ra kiến nghị Việt Nam cần phê chuẩn quy chế Rome nhưng nhà nước Việt Nam đã bác bỏ vì vấn đề nhạy cảm:
“Quy chế Rome công nhận thẩm quyền xét xử của ICC cho các tội nhân xâm phạm nghiêm trọng quyền con người nên rất nhạy cảm với Việt Nam. Điều thứ hai nữa,trở lại ý định đưa Formosa ra toà án quốc tế, thì quy chế Rome có nói rằng nếu Đài Loan đã phê chuẩn về quy chế Rome thì các tổ chức nhân quyền có thể đại diện cho người dân Việt Nam khởi kiện Formosa ra ICC. Nhưng cũng rất khó vì căn cứ vào khoảng A điểm 2 điều 12 của quy chế này thì ICC sẽ thực hiện quyền tài phán của mình ở quốc gia là thành viên. Vụ việc Formosa hôm nay phạm tội thì lại xảy ra ở Việt Nam, mà Việt Nam thì không phải là thành viên của ICC.”
Trong tài liệu đăng tải trên trang luatkhoa.org có ghi rằng: “Trong số124 quốc gia thành viên của ICC hiện nay không có tên Việt Nam và Đài Loan. Điều này có nghĩa là không thể truy tố quan chức chính phủ Việt Nam và lãnh đạo Formosa ra ICC, trừ trường hợp họ có quốc tịch của một trong 124 nước kể trên.”
Linh mục Phạm Sỹ Phương, một trong những người thực hiện Uỷ ban hỗ trợ nạn nhân thảm hoạ ô nhiễm môi trường biển đã từng chia sẽ với chúng tôi rằng tất cả là một con đường dài phía trước. Và điều quan trọng trước mắt của Giáo phận vẫn là phải làm điều gì đó để là điểm tựa cho người dân lúc này. Do đó cuộc khởi kiện ngày 26 tháng 9 tới đây cũng có thể được xem là một hy vọng, nhằm giúp cho ngư dân bốn tỉnh miền Trung tìm lại sự công bình thoả đáng.
Cát Linh
RFA
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét