|
Ở đâu còn tồn tại chủ chĩa cộng sản, ở đó có hận thù và chia rẽ. Ở đâu còn tư tưởng cộng sản thống trị, ở đó xã hội còn bị phân chia thành các giai cấp đối kháng, mâu thuẫn xã hội, từ những ganh đua dù lành mạnh và cần thiết, cũng bị đẩy lên thành xung đột giữa các thế lực đối địch, chỉ giải quyết được bằng công cụ trấn áp vũ lực, tiêu diệt lẫn nhau.
Ở những quốc gia còn do đảng cộng sản cầm quyền, dân chúng bị phân chia thành các loại hạng có những tiêu chuẩn giá trị và quy phạm xã hội khác nhau. Từ sự phân loại ý thức hệ, xã hội bị phân hoá thành các tầng lớp theo quy phạm đạo đức và văn hoá khác nhau, có các quyền lợi được chế độ phân phát khác nhau, chịu tác động và ứng xử của luật pháp khác nhau, có các cơ hội và quyền khai thác tài sản chung, tài nguyên quốc gia và thành quả phát triển khác nhau. Chế độ tồn tại dựa trên căn cứ chia rẽ dân chúng, đẩy dân chúng thành những lực lượng tự xung đột, kiềm chế lẫn nhau, buộc phải có nhu cầu dựa vào chế độ, buông quyền điều hành xã hội cho thế lực cầm quyền và tìm kiếm đặc quyền theo mức độ thiện cảm của chế độ.
Ở tột đỉnh quyền lực, đảng cộng sản đồng nhất hoá đảng với nhà nước, lái hướng nguyện vọng của đông đảo quần chúng theo khuôn khổ ý chí của chế độ, biến các công cụ quyền lực của Nhà nước thành công cụ chuyên chính khống chế tự do, trấn áp sáng kiến cá nhân và khác biệt ý thức hệ, chỉ nhằm bảo vệ chế độ và lợi ích của đảng.
Đó là loại chế độ sinh ra từ tiêu diệt đối kháng và tồn tại dựa trên nguyên tắc nuôi dưỡng mâu thuẫn đối kháng. Nếu trong lòng xã hội, những mâu thuẫn nảy sinh giưã các bộ phận thành phần có thể tự điều tiết, tự hoà giải thì vai trò của chế độ sẽ mất dần. Phải có mâu thuẫn đối kháng, phải có lực lượng chống đối để chính danh hóa lý do chuyên chế và tăng cường các công cụ trấn áp bạo lực, độc quyền hoá quyền sử dụng quân đội và cảnh sát. Dưới chế độ cộng sản, ổn định xã hội được duy trì bằng áp lực cưỡng chế. Đó là thứ ổn định giả, ổn định bề mặt. Chỉ nới lỏng áp lực cưỡng chế, ổn định đó tự tan vỡ.
Chủ nghĩa cộng sản ra đời từ một sản phẩm ý thức hệ nhân tạo và phản khoa học, một tư tưởng hận thù giai cấp vị kỷ, khi trở thành một trào lưu, đã đẩy nhân loại thành hai nửa đối kháng, nuôi dưỡng hận thù và nguy cơ chiến tranh huỷ diệt, cuối cùng đang chết dần và sẽ biến mất như một hiện tượng bất thường của tiến hoá.
Chủ nghĩa cộng sản mà đặc trưng của nó là chế độ độc đảng cực quyền, cưỡng chế xã hội thành một thực thể độc nhất, gồm một thành phần duy nhất, một phương thức tồn tại đồng nhất, một xã hội đơn nguyên, duy ý chí, trái quy luật vũ trụ. Những cải cách giả hiệu chỉ là những giải pháp tình thế bắt buộc tìm kiếm tăng trưởng, nhằm xoa dịu những bức bối nghèo đói, che đậy bản chất phản dân chủ, đánh lạc hướng dư luận và áp lực xã hội, những tăng trưởng bề mặt đósẽ nhanh chóng hết đà và bộc lộ những mâu thẫn không thể khắc phục. Hơn một thế kỷ tồn tại, chủ nghĩa cộng sản thế giới đánh dấu khúc quanh cuối cùng trong hành trình tìm kiếm phẩm giá nhân cách của loài người.
Nhân lọai đi về đâu, đang đi về đâu và cuối cùng sẽ về đâu? Câu hỏi luôn day dứt những con người lương thiện này, tưởng chừng phức tạp, nhưng thực ra lại đơn giản.
Bản chất tự nhiên của xã hội loài người, giống như vạn vật tự nhiên khác, có bản chất đa nguyên. Xuất phát từ tính đa nguyên của điều kiện sinh tồn, tính đa nguyên của môi trường sinh thái, vạn vật có cơ hội xuất hiện và phát triển đồng thời và độc lập lẫn nhau. Đó là một thế giới đa nguyên.
Cộng đồng loài người, ngay từ buổi ban đầu sơ khai là một cộng đồng đa nguyên. Con người sinh ra bình đẳng trước tạo hoá, ngay từ sơ khai, loài người đã bình đẳng về cơ hội và sở hữu giá trị. Xã hội loài người, trước khi bị biến dạng do chính những tác động sai lầm, ấu trĩ của mình, là một xã hội đa nguyên.
Con người sinh ra tự do, bởi con người không sinh ra từ một mệnh lệnh áp đặt nhân tạo, vì vậy con người là chủ nhân duy nhất và tuyệt đối cuộc sống và số phận của mình. Con người có quyền sở hữu tối cao và hoàn toàn những tài sản tự có của cá nhân như tiếng nói, trí tuệ và những sản phẩm do chính lao động của mình làm ra, là chủ nhân tối cao và duy nhất đối với các quyết định, các lựa chọn của mình. Con người có khả năng và ý chí thích ứng và hoà hợp với môi trường vì chính sự tồn tại và phát triển của chính cá nhân mình. Con người chỉ hành động vì lợi ích của bản thân, nhưng con người cũng tự ý thức và có khả năng thích ứng hoà hợp lợi ích cá nhân với lợi ích cộng đồng. Mọi cá thể trong cộng đồng xã hội đều theo đuổi truy tìm một lợi ích cao nhất cho riêng mình. Như vậy, lợi ích cá nhân cao nhất có thể, trong một cộng đồng xã hội, là lợi ích cao nhất đạt được mà không vi phạm lợi ích cao nhất có thể của các cá nhân khác. Đó chính là nguyên tắc đồng thuận đa nguyên. Con người có bản năng tự vệ và có quyền tự tìm kiếm và lựa chọn phương thức bảo vệ cuộc sống và lợi ích của chính mình. Ngay bản thân luật pháp, khi không còn giá trị bảo vệ cá nhân, luật pháp đó không còn chính danh và không còn hiệu lực, ít nhất với cá nhân đó.
Xã hội với tư cách là cộng đồng của những cá thể tự do, tự nhiên và tất nhiên có tính đa nguyên, bắt buộc phải đa nguyên. Tính đa nguyên phản ánh bản chất của xã hội.
Lịch sử thế giới từ khi xuất hiện loài người là lịch sử trưởng thành của chính con người, là lịch sử phát triển từ những quan hệ sơ khai tới cấu trúc xã hội, từ một cấu trúc xã hội đơn giản tới một kết cấu xã hội đa tầng, đa diện. Nhưng từ sơ khai tới hoàn chỉnh, xã hội là một cấu trúc đa nguyên, khởi thuỷ và kết thúc đa nguyên. Những mô thức khác chỉ là những biến dạng có tính trung chuyển, quá độ, dù có thể có những giai đoạn kéo dài nhiều nghìn năm.
Đó là lịch sử đấu tranh sinh tồn của chính con người. Động lực và mục tiêu tự thân của lịch sử nhân loại là sự hoàn thiện chính mình, hoàn thiện những giá trị và phẩm chất của chính con người.
Cuộc đấu tranh cho chính sự hoàn thiện của mình là một cuộc vật lộn không ngừng nghỉ chống lại mọi thế lực chướng ngại, cản trở tiến trình truy tìm lợi ích và hạnh phúc cá thể trên nền tảng cộng hưởng và giao thoa sự hài hoà cộng đồng.
Trong những chướng ngại ngăn cản quá trình tiến hoá tới hoàn thiện của loài người, trước hết và thường xuyên gắn kết với quá trình tiến hoá hàng triệu năm của nhân lọai là thế lực thiên nhiên. Nhưng, cùng với sự tiến hoá, sự trưởng thành đã giúp loài người dần dần làm chủ thiên nhiên thông qua nhận thức các quy luật địa – vật lý- vũ trụ. Thiên tai đã từ lâu không còn là một thế lực thần bí và toàn năng. Con người đã đạt tới trình độ biến sức mạnh của thiên nhiên thành đồng minh, thành tài sản phục vụ lợi ích của mình.
Tuy nhiên, chính trong quá trình trưởng thành dần dần của mình, con người đã tự tạo ra những trở ngại, khiến lịch sử có lúc như dừng lại, có lúc đi lùi, ngược chiều, lặp lại quá khứ, tự tiêu diệt những mầm mống phôi thai của sự hoàn thiện.
Lịch sử đã chứng minh, từ khi hình thành xã hội, chính sự phát triển trí tuệ khập khiễng, mất cân đối đã đưa loài người vào các khúc quanh, khiến con đường tiến hoá trở nên gập ghềnh khúc khuỷu. Sự gian truân đó con người phái trả giá cho chính mình.
Loài người là sinh vật ở tột đỉnh của quá trình tiến hoá. Năng lực tự ý thức được việc làm của mình đã tách con người khỏi thế giới hoang dã. Loài người nhận thức được chính mình, nhận thức được xung quanh, hiểu việc mình làm và phát hiện các quy luật vật lý của vũ trụ. Nhưng chính cái trí khôn trong lúc phát triển mất cân đối, chưa đầy đủ đã đẩy con người tới việc vi phạm quy luật của vũ trụ, tự mê hoặc, phá huỷ chính mình.
Nhận thức chân lý là một quá trình liên tục, không có điểm cuối cùng. Con người, dù có một năng lực đặc biệt, chỉ tiếp thu được các chân lý tương đối, chân lý tại từng thời đọan, nó đúng khi chưa trở thành sai, mặc dù trên thực tế, đang dần trở thành sai. Như vậy, quá trình tiến hoá tới trưởng thành và hoàn thiện của loài người là một qúa trình những sai lầm gối đầu nhau liên tiếp. Tuy nhiên, đó cũng là quá trình tiệm cận chân lý, là quá trình gối tiếp nhau của sự tự điều chỉnh tiến dần tới hoàn thiện.
Trong lịch sử hơn hai nghìn năm của dân tộc, con người Việt nam đã phải đi qua bao nhiêu cuộc hành trình. Từ những cuộc khởi nghĩa của hai Bà Trưng, Bà Triệu, Ngô Quyền tới Lê Hoàn, Lý Thường Kiệt, ba lần kháng chiến chống quân Nguyên của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn, cuộc kháng chiến bền bỉ mười năm của Lê Lợi chiến thắng quân Minh, chiến tích tiêu diệt hai mươi vạn quân Thanh tại gò Đống Đa của Quang Trung Nguyễn Huệ. Đó là những cuộc hành trình đầy xương và máu, tìm kiếm giành giật tự do, nhân dạng của dân tộc Việt Nam. Nhưng sau mỗi cuộc đi, thành quả của sự hy sinh xương máu của người dân lại bị các thế lực cầm quyền tước đoạt. Vinh quang và phú quý lọt vào tay vua chúa quan lại.Tài nguyên quốc gia và lao động của số đông chỉ trở thành tài sản của thiểu số những thế lực đặc quyền. Số phận người dân chỉ thay đổi từ nô lệ cho nước ngoài thành nô lệ cho chính những đồng bào của mình.
Cuộc kháng chiến 35 năm, từ 1945 tới 1975, do đảng cộng sản dẫn dắt với danh nghĩa độc lập và giải phóng dân tộc, ruộng đất về tay dân nghèo, vì mục tiêu tự do và dân chủ công bằng, khiến gần 6 triệu người chết, hàng triệu người tàn phế, hàng vạn gia đình tan hoang, thất tán, hàng trăm nghìn trẻ mồ côi, nhưng cuối cùng, «đất đai do nhà nước thống nhất quản lý», tự do đi lại, cư trú, tự do báo chí, tự do ngôn luận, tự do ý kiến, tự do tư tưởng, tự do tôn giáo tín ngưỡng, tự do chính trị, tự do đoàn thể, tự do hội họp, mọi thứ tự do đều bị tước đoạt, cấm đoán và hình sự hoá. Thành quả của cách mạng lại một lần nữa lọt vào tay một nhóm người cầm quyền, tác oai quyền lực, bòn rút và vơ vét tài nguyên quốc gia. Một dân tộc khao khát tự do, nhân bản, giàu can đảm và lòng hy sinh một lần nữa lại bị tập đoàn một nhóm người lưà gạt.
Nhưng cuộc hành trình lần này là cuộc hành trình không theo một thứ chủ nghĩa nhân tạo nào, không chịu sự dẫn dắt của bất cứ ý chí chủ quan nào. Đây là cuộc hành trình quay trở về nguồn gốc của vạn vật, quay trở về bản chất của chính mình, rũ bỏ mọi sự biến dạng do ý chí chủ quan. Ở cuối con đường này là tự do cá nhân và sự phồn thịnh, là ước nguyện bất biến và bất khả xâm phạm.
Chúng ta đang cùng bước trên con đường chối bỏ chế độ độc đảng. Sức mạnh của chúng ta không phải là loại sức mạnh được tạo ra từ sự mê muội do một thiểu số nhỏ bé những phần tử bệnh hoạn và lạc hậu dẫn dắt. Sức mạnh của chúng ta đến từ ước nguyện bản năng, đó là tự do của cá nhân mưu cầu hạnh phúc cho chính mình. Không có loại hạnh phúc do người khác đem đến bằng cách tước đoạt tự do của mình. Không có lọai tự do dân chủ do một thiểu số người ban phát. Không có loại tư tưởng của một người hay một nhóm người có thể trở thành quy phạm của mọi tiêu chuẩn. Chúng ta là chủ thể duy nhất quyết định số phận của mình. Chúng ta là chủ sở hữu tối thượng và bất khả tước đoạt những tài sản do Thượng đế ban phát đều nhau cho tất cả, là chủ sỡ hữu duy nhất những sản phẩm được tạo ra từ chính sức lao động của mình.
Chủ nghĩa cộng sản đã chết. Chế độ độc đảng cộng sản chỉ còn sống sót ở một vài nơi trên mặt địa cầu, sớm hay muộn cũng sẽ chết. Xã hội phải quay về bản chất đa nguyên tự có của nó. Nhưng xã hội loài người là cộng đồng phức hợp của những sinh vật có trí khôn đã tiến hoá tới mức có tư tưởng. Chúng ta phải xây dựng những thiết chế cần có để những quái thai sinh ra từ những tư tưởng bệnh hoạn không thể một lần nữa quay trở lại.
Cuộc hành trình mà chúng ta đang dấn bước là hành trình tiến tới thiết lập một chế độ dân chủ đa nguyên, một chế độ tôn vinh tự do và trách nhiệm cá nhân, tôn trọng tính đa thể, đa dạng, đa năng, tôn trọng sự tồn tại tự nhiên bình đẳng của mọi thành tố xã hội, vĩnh viễn thay thế chế độ đơn nguyên độc đảng.
Chúng ta không chủ trương lật đổ bất kỳ ai, bất kỳ lực lượng hay hình thái tổ chức chính trị và xã hội nào đang tồn tại, nhưng chúng ta có quyền chuẩn bị để tiếp nhận một cách có trách nhiệm sự sắp đặt của lịch sử.
Trong cuộc đồng hành này, chúng ta sẽ có cơ hội thảo luận về mô hình tổ chức xã hội, lần lượt xem xét từng thành phần của hệ thống chính trị trong một thể chế đa nguyên dân chủ. Với tư cách là những môn đồ của chủ nghĩa đa nguyên, với chúng ta, mọi tiếng nói từ bất cứ đâu, bất cứ ai, bất cứ lực lượng nào đều có giá trị và được quý trọng ngang nhau. Nguyên tắc của chúng ta là không một ý kiến nào bị cấm nêu ra, không một đề tài nào bị cấm bàn đến, không một tư tưởng nào là thống soái.
ĐA NGUYÊN LÀ GÌ?
Đa nguyên, âm hán việt của việc chuyển nghĩa của thuật ngữ pluralisme, bắt nguồn từ chữ latin pluralis có nghĩa là đa, nhiều, ngược lại với nghĩa của từ đơn hay độc.
Tính đa nguyên phản ánh tính đa dạng của vật thể trong thế giới tự nhiên và trong xã hội loài người cùng tồn tại độc lập với nhau, có thể có những đặc tính chung hoặc khác biệt với nhau. Tính đa nguyên là đặc trưng tự nhiên của thế giới, bắt nguồn từ tính đa dạng của các điều kiện nảy sinh, tồn tại và phát triển của vạn vật.
Có đa nguyên sinh thái, có đa nguyên chủng tộc, có đa nguyên văn hoá, nghệ thuật, đa nguyên tôn gíáo, đa nguyên chính trị, v.v..
Đa nguyên chủ nghĩa (pluralisme) là một hệ thống chính trị thừa nhận và chấp nhận các khác biệt trong các ý kiến và các chủ thể đại diện của những ý kiến đó. Trong sinh hoạt chính trị, tính đa nguyên biểu hiện bằng tính đa đảng. Cơ chế đơn đảng, thậm chí lưỡng đảng là những cơ chế chính trị trong đó hàm lượng ý chí chủ quan chiếm ưu thế.
Đa nguyên là khuôn khổ tương tác trong đó các nhóm khác nhau thể hiện đầy đủ sự tôn trọng và bao dung cùng tồn tại và hoạt động tương tác trong không khí coi trọng ôn hoà hơn xung đột, không có ý chí triệt tiêu, lọai bỏ nhau.
Thuật ngữ Đa nguyên chỉ mới được dùng gần đây. Nhà triết học người Đức Christian Wolff là người sử dụng thuật ngữ này lần đầu tiên khoảng năm 1720. Mãi tới năm 1932 nó mới xuất hiện trong các từ điển tiếng Pháp. Khái niệm hiện đại của thuật ngữ đa nguyên còn nhiều tranh cãi, nhưng cốt lõi của nó hầu như được thực thể hoá cả trên lý luận và thực hành trong các quốc gia phát triển nhất, đại diện nhất của văn minh nhân loại.
Tuy nhiên, ý niệm về đa nguyên đã có dấu tích trong Hy Lạp cổ đại. Chủ nghĩa đa thần đã cho phép sự đa dạng các mô thức tồn tại, đa dạng trong nhận thức thế giới. Sự thống nhất trong đa dạng chính là sự tóm lược ý niệm của Đa nguyên.
Đa nguyên khác độc nguyên hay đơn nguyên và không phải là nhị nguyên, tức là nhiều hơn nhị nguyên.
Chủ nghĩa đa nguyên với tư cách là triết lý về hình thái cấu trúc xã hội có thể có những đặc điểm sau:
1- Chủ nghĩa đa nguyên chỉ đơn thuần là phản ánh của thế giới vào nhận thức có khả năng phê phán của con người. Chủ nghĩa đa nguyên không phải là một phát minh nhân tạo, không phải là một sản phẩm của tư tưởng có tên tác giả, nhóm tác giả hoặc có thể truy nguyên nguồn gốc từ con người. Chủ nghĩa đa nguyên chống lại mọi học thuyết có nguồn gốc nhân tạo.Tác giả của các quy luật vận động của vạn vật, trong đó có loài người là thế giới thiên nhiên, là sự chuyển động của vũ trụ, con người chỉ nhận thức các quy luật và hành động theo các quy tắc thuận chiều với quy luật. Con người không sáng tạo ra quy luật thiên nhiên và điều khiển chuyển động của nó.
2- Chủ nghĩa đa nguyên thưà nhận tính bình đẳng của mọi thành tố tạo nên xã hội, cả những thành phần hình thành từ nhu cầu tự thân, lẫn những cơ cấu nhân tạo do chính ý tưởng của con người làm ra từ bất cứ nguyên nhân nào và vì bất cứ một mục đích gì. Mọi thành phần, mọi sản phẩm có tư cách pháp lý ngang nhau. Cơ chế sàng lọc duy nhất của xã hội đa nguyên là hệ thống pháp chế. Vì vậy, hệ thống pháp chế phải đảm bảo thật sự là ý chí của toàn thể xã hội,được hình thành trên nguyên tắc đồng thuận, phản ánh quyền và lợi ích của mọi thành phần, bất kể quy mô và đặc điểm.
3- Nguyên tắc bất biến của chủ nghĩa đa nguyên là giải phóng các áp lực tự phát.
Thiên nhiên và xã hội loài người phát triển tiến hoá theo quy luật tự hoàn thiện, tối ưu hóa các nhân tố có đặc tính thích ứng cao nhất đối với điều kiện tồn tại. Những cái có đặc tính thích ứng vượt trội, vừa ra khỏi chiến thắng những cái lạc hậu, là những cái đang tồn tại. Nhưng những đặc tính thích ứng đó xuất hiện từ những điều kiện trong quá khứ, đang thay đổi và luôn thay đổi. Vì vậy, chính những cái đang tồn tại đang trở thành lạc hậu, xuất hiện những nhân tố mới có khả năng thích ứng tốt hơn với những điều kiện môi trường hiện hữu. Mâu thuẫn giữa cái cũ lạc hậu và cái mới tiên tiến xuất hiện. Áp lực tiến hoá sinh ra từ trong lòng sự vận động. Đó là một áp lực sinh ra ở mọi nơi, mọi lĩnh vực, mọi không gian và thường trực vĩnh cửu. Chủ nghĩa đa nguyên thưà nhận các mâu thẫn và áp lực đó. Chủ nghĩa đa nguyên không tìm cách cản trở, ngăn chặn các mâu thuẫn tự thân bằng các biện pháp cưỡng chế nhân tạo, duy ý chí. Các mâu thuẫn bị ức chế sinh ra xung đột, như một bộ phanh hãm ma sát, tiêu hao năng lượng của xã hội một cách vô ích. Thiết chế xã hội phải có cơ cấu của một van súp-páp tự động. Nó phải tự mở để giải phóng áp lực, hoá giải các xung đột trong hoà bình.
(còn tiếp...)
08/09/2016
Bùi Quang Vơm
Ba sàm
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét