Trước khi lên đường đến dự hội nghị thượng đỉnh G-20 ở Trung Quốc, ông Obama nói với đài CNN trong một cuộc phỏng vấn phát sóng hôm Chủ nhật rằng Bắc Kinh cần phải thể hiện sự kiềm chế trong mối quan hệ với những quốc gia nhỏ hơn, đặc biệt là khi ứng phó với những tranh chấp lãnh hải ở Biển Đông.
Nhà lãnh đạo Mỹ nói rằng "quyền lực càng tăng thì trách nhiệm càng lớn." Ông Obama cho biết Mỹ đã hối thúc Trung Quốc chấp nhận những quy tắc quốc tế để xây dựng một trật tự toàn cầu vững mạnh.
Trung Quốc, nước đã ký kết Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển, gần đây đã thua trong một cuộc tranh chấp trọng tài về Biển Đông tại Tòa án Trọng tài Thường trực ở thành phố The Hague, nhưng đã bác bỏ phán quyết. Tòa án phán quyết rằng Trung Quốc vi phạm quyền chủ quyền của Philippines bằng việc can thiệp vào hoạt động đánh cá và khai thác dầu khí của Philippines trong khu vực.
"Nếu bạn đã ký kết một hiệp ước kêu gọi sự phân xử quốc tế về những vấn đề hàng hải, việc bạn lớn hơn Philippines hay Việt Nam hoặc những nước khác ... không phải là lý do để bạn đi quanh diễu võ dương oai," ông Obama nói. "Bạn phải tuân thủ luật pháp quốc tế."
Ông Obama nói rằng ở nơi nào mà Mỹ thấy Trung Quốc "vi phạm những quy tắc và chuẩn mực quốc tế, như chúng tôi đã thấy trong một số trường hợp ở Biển Nam Trung Hoa (tức Biển Đông) hay trong một số hành vi của họ khi nói đến chính sách kinh tế, thì chúng tôi vẫn rất kiên quyết. Và chúng tôi đã nêu rõ với họ rằng sẽ có những hậu quả."
Ông cho biết Trung Quốc không thể cho rằng mình có thể "theo đuổi những chính sách trọng thương mà chỉ làm lợi" cho riêng mình khi mà giờ Trung Quốc đã trở thành một nước thu nhập trung bình, giàu có hơn. "Mặc dù bạn vẫn có rất nhiều người nghèo, bạn không thể chỉ xuất khẩu những vấn đề. Bạn phải có thương mại công bằng và không chỉ là thương mại tự do. Bạn phải mở cửa thị trường của bạn nếu bạn đòi người khác phải mở cửa thị trường của họ."
Ông Obama nói thêm: "Một phần trong những điều mà tôi đã cố gắng trao đổi với Chủ tịch Tập (Cận Bình) là Mỹ đạt tới quyền lực của mình một phần là do sự tự chế. Bạn biết đấy, khi chúng ta ràng buộc mình vào một loạt những chuẩn mực và quy tắc quốc tế thì đó không phải là vì chúng ta phải làm điều đó, mà là vì chúng ta nhận thức rằng về lâu dài, xây dựng một trật tự quốc tế vững mạnh là vì lợi ích của chúng ta."
VOA
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét