Trả lời phỏng vấn của BBC Việt ngữ hôm 23/9/2016, Luật sư Nguyễn Hà Luân, một trong sáu luật sư tham gia tranh tụng tại phiên phúc thẩm xét xử cựu Trung tá an ninh Việt Nam và đồng sự Nguyễn Thị Minh Thúy, nêu quan điểm:
Theo quy định của Bộ luật Hình sự Việt Nam 1999, thì điều 258 là một tội danh thuộc loại 'Tội xâm phạm trật tự quản lý hành chính' chứ không phải loại tội 'Xâm phạm an ninh quốc gia' như một số người vẫn quan niệm |
Sau đây là cuộc trao đổi giữa BBC với Luật sư Nguyễn Hà Luân:
BBC: Có tin nói tại phiên phúc thẩm, Viện kiểm sát khước từ tranh biện với luật sư?
Đại diện Viện Kiểm sát (VKS) không khước từ tranh biện, mà là tranh biện không đến cùng của từng vấn đề để làm sáng tỏ sự thật. Có thể nhận xét rằng, tại phiên xử này, đại diện VKS đã có sự tranh biện tốt hơn so với phiên toà sơ thẩm. Tuy nhiên, vai trò của VKS khi buộc tội là " phải có nghĩa vụ chứng minh" cho lập luận buộc tội của mình vẫn không được thực hiện đúng quy định.
Các Luật sư chỉ yêu cầu họ phải thực hiện cụ thể, có căn cứ pháp luật và không được nói chung chung để rồi suy đoán chủ quan và không phù hợp với quy định của pháp luật về tố tụng, nhưng họ không đáp ứng được yêu cầu đó.
Chứng cứ là hợp pháp?
BBC: Ông có thể tóm tắt một số điểm mấu chốt theo Viện Kiểm sát?
Quan điểm của VKS là chứng cứ thu thập được là hợp pháp và đã tuân thủ đúng quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự.
Lập luận của VKS là: Các chứng cứ được in trực tiếp từ máy tính thuộc sở hữu của 2 bị cáo, các máy tính này chỉ có các bị cáo dùng và bảo mật... như vậy, việc thu thập và chuyển hoá dữ liệu điện tử thành bản in giấy đó là hợp pháp.
Từ lập luận khẳng định các tài liệu giấy in đó là của ông Vinh, bà Thuý. VKS suy đoán theo hướng buộc họ phải chịu trách nhiệm về toàn bộ nội dung của các bài viết đã được in ra giấy.
BBC: Vậy các luật sư đã trả lời thế nào, thưa ông?
Điều 258. Bộ Luật hình sự nước CHXHCNVN
Tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân:
|
Do các chứng cứ đó được thu thập không đúng quy định. Lập luận này dựa trên căn cứ: Việc thu thập và chuyển hoá dữ liệu điện tử sang các tài liệu ( giấy in ..) đã không được thực hiện đúng quy định (Điều 5 Thông tư liên tịch số 10/2012/TTLT - Bộ Công an - Bộ quốc phòng - Bộ Tư pháp - Bộ Thông tin truyền thông - Viện KSND tối cao - TAND tối cao ngày 10/9/2012).
Do thu thập và chuyển hoá không đúng quy định, các tài liệu đó không thể được coi là chứng cứ hợp pháp để cáo buộc tội trạng cho ông Vinh và cô Thuý.
BBC: Theo ông, việc y án cho ông Vinh và bà Thúy có là chỉ dấu của những án liên quan đến Điều 258 sẽ luôn bị xử nặng?
Tôi không nghĩ như vậy. Toà án vẫn luôn cân nhắc từng trường hợp, kể cả sự cân nhắc đó khiến người bị cáo buộc vi phạm điều 258 phải chịu mức án nặng hoặc nhẹ hơn so với mức độ "gây hại" đã bị cáo buộc.
Việc ông Vinh đã làm có sức ảnh hưởng lớn tới suy nghĩ của nhiều người, nhiều thành phần trong xã hội.
Đối với điều 258 và nội dung của nó, chắc chắn trong một thời gian dài nữa sẽ tiếp tục có tác động đến xã hội Việt Nam với tư cách là một điều luật hình sự . Đây là một điều luật đã, đang và sẽ không được cụ thể hoá, nên việc áp dụng điều luật này sẽ không có sự thống nhất.
Trên đây là ý kiến và quan điểm riêng của Luật sư Nguyễn Hà Luân, mời quý vị theo dõi thêm tin bài của BBC Việt ngữ liên quan phiên xử phúc thẩm tại đây và tại đây.
BBC
***
Mẹ của cộng sự Ba Sàm ‘hụt hẫng’
Mẹ của bà Nguyễn Thị Minh Thúy, cộng sự của blogger Nguyễn Hữu Vinh, nói với BBC rằng bà ‘hụt hẫng’ về việc tòa phúc thẩm y án.
Phiên phúc thẩm ở Hà Nội ngày 22/9 xét xử ông Nguyễn Hữu Vinh và cộng sự giữ nguyên mức án ban đầu.
Ông Vinh từng là chủ trang Anh Ba Sàm. Trong sáu năm, cho đến khi chủ trang bị bắt giữ năm 2014, trang Ba Sàm đã thu hút hàng triệu độc giả trong và ngoài nước.
Tháng 3/2016, ông Nguyễn Hữu Vinh, tức blogger Anh Ba Sàm bị Tòa án Nhân dân Hà Nội tuyên phạt 5 năm tù giam, cộng sự của ông, bà Nguyễn Thị Minh Thúy, bị phạt 3 năm tù.
Tòa phúc thẩm giữ nguyên mức án này.
Ông Vinh và bà Thúy bị bắt giam từ tháng 5/2014.
‘Không còn quan trọng’
Hôm 23/9, trả lời BBC, bà Nguyễn Thị Thuyên, mẹ của bà Thúy, nói: “Tôi cảm thấy hụt hẫng.”
“Hôm qua, tôi cứ nuôi hy vọng rằng con gái mình sẽ được về, nhưng kết cục như vậy là quyền của tòa.”
“Tôi vẫn tin Thúy bị oan, nó đi làm thuê kiếm tiền nuôi con thôi. Bây giờ hai con trai của Thúy còn rất nhỏ [9 tuổi], không được chăm sóc chu đáo trong lúc bố các cháu đã có vợ sau.”
Bà cũng cho hay gia đình không được thăm nuôi cũng như nhận thư từ Thúy từ dịp Tết 2016.
“Mong muốn lớn nhất của tôi bây giờ là Thúy được về nuôi con”, bà nói thêm.
Trong khi đó, ông Nguyễn Hà Luân, một trong sáu luật sư tham gia tranh tụng tại phiên phúc thẩm, kể: “Chiều 21/9, trước khi phiên xử diễn ra, tôi là luật sư cuối cùng vào trại giam B14 Bộ Công An để làm việc với ông Nguyễn Hữu Vinh.”
“Khi đề cập đến tin bên ngoài cho rằng Nguyễn Hữu Vinh có thể đi nước ngoài để đánh đổi lấy tự do cho mình, ông cười tươi trả lời:
” Mức án với tôi lúc này không còn quan trọng, khi tôi cũng đã đi đến nửa thời gian rồi.”
“Tôi sẽ không đi đâu cả, dù là Đức hay Mỹ. Tôi vẫn còn nhiều việc để làm ở đây.”, luật sư thuật lại lời ông Vinh.
BBC
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét