Quảng Nam: không gặp nguy cơ vỡ đập liên hoàn nhờ thủy điện bậc thang - Người Đưa Tin -->

Breaking

Post Top Ad

Chủ Nhật, 25 tháng 9, 2016

Quảng Nam: không gặp nguy cơ vỡ đập liên hoàn nhờ thủy điện bậc thang


Dòng nước cuốn trôi và làm sạt lở các bờ kè tại hiện trường sự cố vỡ đường ống dẫn dòng Công trình thủy điện Sông Bung 2.

Nhấp vào nút play (►) dưới đây để nghe


Thủy điện bậc thang

Sau khi đường ống dẫn dòng thủy điện Sông Bung 2 bị vỡ, chính quyền địa phương Quảng Nam lên tiếng trấn an người dân rằng sự cố này không thể gây nguy cơ vỡ đập liên hoàn nhờ có thủy điện bậc thang.

Ông Huỳnh Khánh Toàn, phó chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân tỉnh Quảng Nam, nói rằng nhờ hệ thống bậc thang mà thủy điện trên xả nước thì thủy điện dưới sẽ chủ động tích nước, nước sẽ xả theo bậc thang trên xuống các thủy điện bậc thang dưới cùng.

  Nếu làm thủy điện bậc thang mà có điều hành, tiết chế nước theo đúng luật của nó và có căn cứ khoa học sẽ không gây đến mức những sự cố mà người ta hay đổ lỗi cho nó.

- Phó Giáo sư Tiến sĩ Cao Đình Triều
Trong khi đó thì dư luận trong dân cho rằng thủy điện bậc thang trên Sông Bung 2 và Sông Bung 4 là một trong những nguyên nhân gây khô hạn, sạt lở bờ biển tại Quảng Nam.

Trong lúc hạn hán rồi sạt lở bờ biển tại Quảng Nam hơn hai năm nay chưa có dấu hiệu thuyên giảm, thời tiết khô hạn khiến lịch thời vụ của nông dân bị đảo lộn, thì người dân bày tỏ sự lo lắng trước thực trạng thiếu lũ, thiếu phù sa và thiếu nước tưới, những yếu tố cần thiết trong việc canh tác trồng trọt những ngày tới.

Câu hỏi đặt ra ở đây là hệ thống thủy điện bậc thang ở Quảng Nam có phải là nguyên nhân gây ra những tình trạng vừa nêu không. Chuyên gia về thủy điện bậc thang, phó giáo sư tiến sĩ Cao Đình Triều, viện trưởng Viện Địa Vật Lý Ứng Dụng thuộc Liên Hiệp Các Hội Khoa Học Kỹ Thuật Việt Nam:

“Bậc thang Sông Bung 2 nằm ở phía Tây tỉnh Quảng Nam, chuyện đổ lỗi thủy điện bậc thang liên quan đến chuyện sạt lở đất theo kiểu chụp mũ mình là không nên. Nếu làm thủy điện bậc thang mà có điều hành, tiết chế nước theo đúng luật của nó và có căn cứ khoa học sẽ không gây đến mức những sự cố mà người ta hay đổ lỗi cho nó.”

Ông nói vấn đề ở đây là khu vực miền Trung có sông ngắn mà độ dốc cao, nước lại theo mùa, mùa mưa thì có nhưng mùa khô thì không, vì thế cách đắp đập bậc thang là cách đúng về mặt khoa học, nhưng:

“Điều tiết nước như thế nào và thực hiện như thế nào mới là vấn đề phải để ý vì phải đi song song hai lợi ích. Một là lợi ích của thủy điện và hai là lợi ích của nông nghiệp tức lợi ích tưới tiêu, làm sao kết hợp cho nó chuẩn. Thứ hai là điều tiết nước cho thích hợp theo các mùa. Nếu làm được những việc ấy tốt thì thủy điện bậc thang của khu vực ấy là tốt.” 

Dòng nước cuốn trôi và làm sạt lở các bờ kè tại hiện trường sự cố vỡ đường ống dẫn dòng Công trình thủy điện Sông Bung 2
Đó là những điểm tích cực của thủy điện bậc thang ở Quảng Nam, còn mặt tiêu cực của nó, phó giáo sư tiến sĩ Cao Đình Triều phân tích tiếp:

“Thực ra nói tiêu cực về lý thuyết thì không có nhưng về thực tế thì có. Về chính sách, về cơ sở khoa học thì không sai nhưng về thực tế khi thực hiện cái nhiệm vụ đó thì bài toán là tích nước lúc nào, thoát nước làm sao. Đảm bảo được hai quyền lợi ấy nói thật là bao giờ nó cũng bị xung đột vì lợi ích của nhóm, bên nông nghiệp, bên tưới tiêu và lợi ích của thủy điện. Làm thế nào để kết hợp những cái đấy là trụ cột của rất nhiều yếu tố mà quan trọng nhất là vấn đề điều hanh của chính phủ. Không bảo đảm được những lợi ích đấy là hỏng rồi.”

Tuân thủ qui trình xây dựng

Trở lại sự cố vỡ đường ống dẫn dòng thủy điện Sông Bung 2 mà hậu quả là người dân lo lắng đến mức nêu giả thuyết có thể vỡ đập liên hoàn, phó giáo sư tiến sĩ Cao Đình Triều giải thích:

“Một đường ống vỡ mà lại liên quan đến bậc thang thì mình cho là không đúng. Vỡ đập liên hoàn và vỡ dòng dẫn khác nhau, bài toán là đập nằm ở vị trí nào, đập trên nằm ở vị trí nào. Khi xảy ra vỡ đập hoặc xảy ra vỡ đường ống mà lũ xuống bao nhiêu thì trong thiết kế người ta đã tính đến chưa? Nếu chưa tính đến mà nó tác động đến vỡ đập bên dưới thì khi ấy mình chưa có bài toàn thì làm sao lại nói thất ngôn thế được.

Khi xây đập thủy điện liên hoàn người ta phải tính hết tất cả những yếu tố về vấn đề vỡ đập, tức là phải có kịch bản vỡ đập. Nói ví dụ bậc 1 là bên dưới, bậc 2 là bên trên. Khi bậc 2 vỡ thì nước ở bậc 1 như thế nào, điều tiết như thế nào. Tất cả những cái ấy trong nghiên cứu là phải làm, nên đừng nói là vỡ trên sẽ vỡ dưới, không phải như thế. 

  Một đường ống bị vỡ chẳng liên quan gì đến câu chuyện bậc thang cả mà đấy là do công trình, do anh tuân thủ qui trình xây dựng, tuân thủ qui trình lúc nào thì được xả lũ. 

 - Phó Giáo sư Tiến sĩ Cao Đình Triều
Hậu quả thì thực ra xấu cho cả hai bên, người dân địa phương thì chịu cảnh mất mát tổn thất là do vỡ đường ống dẫn đến. Bản thân của chủ đầu tư cũng thiệt thòi. Bây giờ phải tìm kiếm nguyên nhân tại sao xảy ra vỡ đường ống.

Có nhiều cái phải để ý, đánh giá, nhìn nhận vấn đề một cách khách quan. Một đường ống bị vỡ chẳng liên quan gì đến câu chuyện bậc thang cả mà đấy là do công trình, do anh tuân thủ qui trình xây dựng, tuân thủ qui trình lúc nào thì được xả lũ. Còn thủy điện bậc thang cái gì có lợi thì mình nói là có lợi, cái gì chưa được và chưa được chỗ nào thì phải phân tích rõ ràng. Nói nôm na Việt Nam mình mà thủy điện theo dạng bậc thang là nhiều.”

Nói về những hệ thống thủy điện bậc thang ở Việt Nam thì lớn nhất nước và có công suất cao nhất là thủy điện bậc thang Sông Đà của miền Bắc. Thủy điện bậc thang lớn thứ nhì nằm trên vùng sông Vu Gia - Thu Bồn của miền Trung, và thứ ba là hệ thống thủy điện bậc thang trên sông Đồng Nai.

Đây là những nơi mà các khoa học gia, chuyên gia địa vật lý hay động đất thường cảnh báo là phải cẩn trọng, điều nghiên kỹ càng chứ không thể chặt khúc dòng sông hay phá rừng đắp đập rồi viện cớ vào tiềm năng cũng như tận thu tối đa lợi ích thủy điện mà quên đi tính bền vững, phù hợp môi trường cũng như thích ứng với sự biến đổi khí hậu.

Thanh Trúc
RFA

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad