Để tiếng Trung trở thành NGOẠI NGỮ BẮT BUỘC thì không khác gì kéo con em chúng ta trở lại với thời kỳ “nào có ra gì cái chữ Nho” (*) mà ông cha từng phải chịu chấp nhận suốt chiều dài “ngàn năm văn hiến” đã qua.
Vì đây chỉ là ý kiến riêng trên trang cá nhân chứ không phải là phát biểu chính thức của chủ status trước công luận, nên tôi không dám bình luận gì! Tuy nhiên, do các bạn nói “hoang mang” và “khó hiểu”, nên tôi xin được chia sẻ một vài suy nghĩ thế này.
Một là, thật buồn cười và ngây ngô khi cho rằng người VN bây giờ muốn học tiếng Anh như ngoại ngữ thứ nhất chỉ vì đó là tiếng của nước Mỹ – một quốc gia giàu nhất thế giới!
Xin thưa, nước giàu nhất thế giới nếu tính theo GDP bình quân đầu người hiện nay không phải là Mỹ đâu, GS ạ! Tất nhiên, hiện nay tiếng Anh đang được sử dụng rộng rãi trên 101 quốc gia cũng là do ảnh hưởng của Anh và Mỹ về các mặt kinh tế, chính trị, quân sự, văn hoá, xã hội đối với một phần không nhỏ của thế giới, kể cả từ lý do là các cuộc xâm lăng ở những vùng thuộc địa cũ của các đế quốc này trong lịch sử. Nhưng nguyên nhân khiến cho 1,5 tỷ người trên toàn cầu hiện nay đang phải học và sử dụng tiếng Anh chắc chắn không phải đến từ sự giàu có của nước Mỹ! Điều này các nhà văn hoá, ngôn ngữ học, kinh tế học cũng như cả các chính trị gia đã lý giải một cách khoa học và thuyết phục hơn rất nhiều so với nhận định phiến diện nêu trên của một ông GS Toán học như NBC. Muốn biết những lý giải đó thế nào, chỉ cần vào Google tìm kiếm từ khoá “tiếng Anh” hay “English” là có thể ra vô số các bài viết cũng như những công trình nghiên cứu về nhu cầu học và sử dụng tiếng Anh trên thế giới ngày nay.
Thứ hai, GS có lẽ cũng vẫn còn chịu ảnh hưởng nặng nề bởi hậu quả tuyên truyền ở miền Bắc XHCN trước đây khi cho rằng “Liên Xô vĩ đại” từng là mô hình để cả nhân loại dõi theo và vì thế đã có lúc tất cả trẻ con phải học tiếng Nga (!?). Nói chính xác hơn, vào thời kỳ tồn tại “Liên Xô vĩ đại” ấy thì tiếng Nga chỉ được lưu dụng ở một số nước thuộc khối XHCN, trong đó có miền Bắc VN, chứ không phải là trẻ em ở mọi nơi trên thế giới đều phải học. Còn “mô hình để cả nhân loại dõi theo” đó đã chứng tỏ thành công như thế nào và có tồn tại được hay không thì nay ai cũng đã thấy câu trả lời rõ ràng từ thế kỷ trước!
Điều cuối cùng, hoàn toàn đồng ý với GS rằng nếu ở sát nách TQ mà có thể hiểu họ hơn họ hiểu ta thì rất tốt! Nhưng như thế không có nghĩa là để tồn tại được, chúng ta chỉ có một chọn lựa là bắt buộc phải buôn bán với họ. Lại càng không thể vì muốn “hiểu họ” mà phải chấp nhận để tiếng Trung trở thành một trong năm ngoại ngữ bắt buộc cho học sinh của chúng ta! Xin hỏi rằng Bhutan – đất nước nhỏ bé có 470 km đường biên giới cũng “sát nách” với TQ có phải chọn con đường bắt buộc giao thương với TQ và phổ cập tiếng Trung cho toàn dân để trở thành quốc gia có chỉ số hạnh phúc đứng đầu thế giới không? Xin hỏi thêm trong số 14 quốc gia có biên giới chung với TQ (bao gồm Nga, Mông Cổ, Ấn Độ, Myanmar, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan, Pakistan, Afghanistan, Nepal, Lào, Bắc Triều Tiên, Bhutan và Việt Nam), có quốc gia nào phát triển tốt nhờ sử dụng tiếng Trung là ngoại ngữ bắt buộc để “hiểu TQ hơn”? Và thêm nữa, tại sao người Singapore có tiếng mẹ đẻ là tiếng Hoa (cùng với tiếng Mã Lai) nhưng họ vẫn chọn tiếng Anh là ngôn ngữ thứ nhất để sử dụng và xem đây là chìa khoá mang lại thành công cho đất nước hiện đang được xếp hạng giàu thứ ba trên thế giới này?
Nếu lý giải theo “thuyết Âm mưu”, tôi không nghi ngờ rằng vẫn đang có những luồng tư tưởng muốn đất nước này tiếp tục phụ thuộc TQ sâu sắc cả về kinh tế, văn hoá cũng như chính trị (đương nhiên!), dưới nhiều luận điệu khác nhau. Việc từ bỏ được chữ Nôm để chuyển sang dùng chữ Quốc ngữ có thể được xem là thành tựu vô cùng ý nghĩa trong tiến trình cố gắng thoát Hán của dân tộc ta. Vậy mà sao ngày nay vẫn có quan niệm hồ đồ cho rằng phải học tiếng Hán (thuộc hệ mẫu tự tượng hình) để giúp làm trong sáng tiếng Việt (thuộc hệ mẫu tự Latinh) ? Vì sao lại vẫn xuất hiện kiểu biện minh thô thiển cho rằng phải học tiếng Trung như ngoại ngữ bắt buộc là bởi mình ở sát nách họ ? Quả đúng là không thể hiểu nổi khi những ý kiến đó lại xuất phát từ các vị GS, TS – những thành phần ưu tú đại diện cho trí tuệ quốc gia!
Hay có thể tôi là một kẻ kém cỏi, không đủ khả năng lĩnh hội được ý tứ của các bậc trí giả có học hàm học vị cao như thế ?
Thật sự, tôi chỉ nghĩ một cách giản dị rằng : Thoát Trung tất nhiên không có nghĩa là tẩy chay tiếng Trung. Nhưng để tiếng Trung trở thành NGOẠI NGỮ BẮT BUỘC thì không khác gì kéo con em chúng ta trở lại với thời kỳ “nào có ra gì cái chữ Nho” (*) mà ông cha từng phải chịu chấp nhận suốt chiều dài “ngàn năm văn hiến” đã qua. Mặt khác, với tư cách là một người từng BỊ BẮT HỌC cả tiếng Nga và tiếng Hán, rồi sau đó lại phải tìm cách TỰ HỌC tiếng Anh, tôi thấy cái gì dễ nhất, vừa sức mình nhất và có giá trị sử dụng thiết thực nhất thì cứ nên tập trung làm cho tốt đi đã! Xét cả về mặt cấu trúc ngữ âm và văn phạm, tiếng Anh là ngôn ngữ dễ dạy, dễ học nhất so với tiếng Trung, tiếng Nga. Chưa kể trong trường hợp học tiếng Trung, thử hình dung các em học sinh lớp 3 của chúng ta sẽ “đánh vật” thế nào khi mà vừa học viết tiếng Việt, vừa phải làm quen với lối viết theo một quy tắc khác hẳn của Hán tự là “từ trái qua phải, từ trên xuống dưới, từ trong ra ngoài” và những “ngang trước sổ sau”, “phết trước mác sau”…, cùng lúc với việc bắt đầu phải tập nhớ dần cho tới khi thuộc được khoảng 214 bộ chữ tượng hình? Tiếng Anh vốn gần gũi về hệ mẫu tự với tiếng Việt và lại đơn giản, dễ viết hơn rất nhiều so với tiếng Trung, thế mà bao nhiêu năm nay chất lượng đào tạo đối với cả người dạy cũng như người học môn này vẫn còn chưa đi tới đâu. Nay lại tính đưa thêm 4 thứ tiếng khác nữa vào thành ngoại ngữ bắt buộc thì thử hỏi việc dạy ngoại ngữ trong trường phổ thông rồi đây sẽ ra sao? Liệu có rơi vào tình trạng “đầu voi đuôi chuột” để lại thêm một thế hệ học sinh nữa tiếp tục khốn khổ với thí điểm?…
Riêng có điều này tôi tin : Nếu đã xác quyết chọn tiếng Trung là NGOẠI NGỮ BẮT BUỘC và “quy hoạch” các trường dạy tiếng Trung là chủ yếu, chắc rằng Chính phủ TQ với hơn 1,4 tỷ dân sẽ rất sẵn sàng và hài lòng để cung ứng nguồn nhân lực dồi dào cho việc phát triển tiếng Trung ở VN theo các chương trình hợp tác cấp chính phủ (giống như việc họ đã “giúp” mang cái mô hình Viện Khổng tử biến thái từng bị nhiều nước châu Âu và Bắc Mỹ từ chối để về đặt chễm chệ ở thủ đô Hà Nội của VN cách đây 2 năm về trước!).
Trở lại với câu hỏi từ các bạn FB rằng tôi nghĩ sao về cái status đó của vị GS Toán học nổi tiếng, tôi chỉ còn biết nói thế này: “Với ông ấy, tôi nể vì sự uyên bác trong lĩnh vực Toán học. Và duy nhất có thế mà thôi!”.
Nguyễn Thị Oanh
Ba Sam
______
(*) Thơ của cụ Tú Xương.
Hơn ngàn năm bắc thuốc và trên chục lần kháng chiến chống phương bắc đã quá đủ dể dân Việt hiểu rõ kẻ thù truyền kiếp và cũng hiểu rằng Lê Chiêu Thống không chỉ có ở thời lê.
Trả lờiXóa