|
Cơ bản là dân mất lòng tin, càng ngày càng mất nhiều hơn. Phân tích tình hình tập trung vào 2 nhóm vấn đề là sự tự diễn biến, tự chuyển hóa và sự suy thoái về đạo đức, lối sống của một số cán bộ đảng viên. (Việc ghép 2 vấn đề này vào trong cùng một bị tôi đã phân tich trong bài “Sự trộn lẫn khái niệm”). Cách nhìn tình hình như vừa nêu là của người vừa bị chột, vừa cận thị không kính, hoặc có cả hai mắt nhưng cố tình nhắm bớt lại. Họ chỉ thấy một góc nhỏ của hiện thực.
Sự mất lòng tin của dân còn do nhiều yếu tố quan trọng khác. Đó là càng ngày người dân càng thấy rõ nhiều việc làm và lời nói của Đảng không thống nhất, là XHCN với tự do, dân chủ, hạnh phúc chỉ là cái bánh vẽ to tướng, là chính quyền của dân, do dân, vì dân chỉ là khẩu hiệu trống rỗng. Đó là sự đề cao quá đáng, bắt nhân dân phải chấp nhận quyền lực vô biên và công ơn trời biển của Đảng, đặt Đảng trên luật pháp, là những chủ trương sai lầm trong phát triển kinh tế và quản lý xã hội, gây ra nhiều tai họa khôn lường, là việc dùng lực lượng đông đảo công an để theo dõi và đàn áp những người bất đồng chính kiến và dân thường không may rơi vào tay họ, là nạn dân oan khắp nơi, là việc xét xử bất công của tòa án, là sự phớt lờ dư luận đến mức coi thường, coi khinh ý chí của dân, là sự dối trá tràn lan v.v…
Ngay như nạn tham nhũng, chỉ mới thấy rõ một số vụ lớn hàng trăm, hàng ngàn tỷ mà chưa thấy hết tình trạng “ bóp nặn người dân” khi họ có việc phải đến cửa công. Hành động bóp nặn này xẩy ra muôn hình ngàn vẻ, phổ biến rộng khắp, từ cô hộ lý trong bệnh viện, chú cảnh sát đứng đường, thầy cô giáo dạy thêm cho đến cán bộ mọi ngành mọi cấp.
Đảng to tiếng kêu gọi nhìn thẳng vào sự thật, nhưng Đảng chỉ thích nghe một phần của sự thật mà Đảng muốn chứ không phải toàn bộ sự thật vốn có. Khi những người phản biện chỉ ra sự thật vốn có thì Đảng phản ứng như đỉa phải vôi, vội vàng tìm đủ mọi cách bịt miệng họ, thế thì làm sao mà biết được đúng tình hình.
2- Về nguyên nhân
Trước đây, mỗi khi nói đến sai lầm, tiêu cực người ta đều đổ lỗi cho tàn dư của đế quốc, phong kiến. Có ý kiến gì bất đồng với Đảng người ta đổ cho thế lực phản động, thù địch từ bên ngoài. Bây giờ có khá hơn, nhận định rằng nguyên nhân gồm cả khách quan và chủ quan, trong đó chủ quan là chủ yếu. Về phía chủ quan thì: “bắt nguồn từ việc bản thân cán bộ, đảng viên thiếu tu dưỡng, rèn luyện; lập trường tư tưởng không vững vàng; sa vào chủ nghĩa cá nhân, quên mất trách nhiệm, bổn phận trước Đảng, trước dân. Nguyên tắc tập trung dân chủ bị buông lỏng, nguyên tắc tự phê bình và phê bình thực hiện không nghiêm …” Ngoài ra còn kể thêm những vấn đề về cơ chế chính sách, quản lý lỏng lẻo, đánh giá, sử dụng, kiểm tra, giám sát, vai trò của nhân dân, của Mặt trận Tổ quốc.
Nguyên nhân như vậy chỉ đúng một phần nhỏ và đó chưa phải là nguyên nhân gốc. Sự thoái hóa của ĐCS, của sự mất lòng tin của dân có nguyên nhân gốc nằm ở bản chất của Chủ nghĩa Mác Lê (CNML) với luận thuyết đấu tranh giai cấp, chuyên chính vô sản, công hữu tư liệu sản xuất (đặc biệt là đất đai). Chính sự độc tài toàn trị của Đảng là bà đỡ cho nhiều tai họa của dân tộc, chính công hữu đất đai là nguồn cội nhiều tham nhũng và oan sai. Chung là như thế, xét riêng về sự tự diễn biến và sự suy thoái đạo đức thì nguyên nhân gốc có chỗ khác nhau.
Với tự diễn biến, nguyên nhân gốc là người ta đã thấy rõ quá trình theo CNML là bị nhầm, rằng lý tưởng vì tự do và hạnh phúc của nhân dân đã bị phản bội, rằng để xây dựng một xã hội dân chủ và công bằng thì phải từ bỏ CNML. Với sự suy thoái về đạo đức, nguyên nhân gốc là sự độc tài toàn trị cùng với tha hóa quyền lực là môi trường rất tốt cho những tệ hại xấu xa nhất, những thú tính của con người phát sinh, phát triển một cách không bị kìm chế. Những điều này Milovan Djilas đã phân tích rất rõ, rất kỹ trong tác phẩm Giai cấp mới (mà chắc các nhà lý luận của ĐCS VN chưa xem đến).
3- Về giải pháp
Nghị quyết đề ra 4 nhóm giải pháp đồng bộ. 1-Giáo dục chính trị tư tưởng, tự phê bình và phê bình. 2- Cơ chế, chính sách. 3- Kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng. 4- Phát huy vai trò của nhân dân, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị xã hội. Ngoài ra còn nêu những giải pháp cụ thể như là: nêu gương những người tốt, việc tốt; phê phán những việc làm sai trái, chống chủ nghĩa cá nhân, “lợi ích nhóm”, hoàn thiện cơ chế kiểm soát việc thực thi quyền lực. kiên quyết chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, sự gương mẫu của cấp trên, cả hệ thống chính trị phải vào cuộc v.v…
Mới nghe qua thì thấy đúng và hay, nhưng xem kỹ, nghĩ sâu mới thấy toàn bộ là rỗng tuếch. Nó giống như một điệu kèn lạc lỏng từ mấy chục năm trước vọng về, chỉ nhắc lại những điều nhàm chán. Đã có một số bài viết về vấn đề này, đáng chú ý là bài của An Tôn đăng trên trang Ba Sàm ngày 14 tháng 10, bình luận lời phát biểu của ông Nguyễn Quang A, rằng 4 nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn đảng là vô nghĩa.
Không dám làm mất thì giờ độc giả bằng cách phân tích toàn bộ các giải pháp, chỉ xin đề cập đến một vài điều làm thí dụ.
Về giáo dục chính trị và tư tưởng. Dùng ai và cái gì để giáo dục. Dùng mấy vị của Ban Tuyên giáo với đầu óc xơ cứng và ngôn từ sáo vẹt để tổ chức các lớp học nghị quyết mà nghe xong ra về, đa số người tham dự chẳng còn nhớ gì nội dung. Giáo dục cái gì, lại là những giáo điều cũ rích của CNML. Việc giáo dục chính trị và tư tưởng theo kiểu ấy đã được thực hiện mấy chục năm liên tiếp và những người tự diễn biến cùng những kẻ suy thoái đều là sản phẩm của nó.
Về tự phê bình và phê bình. Đảng cho rằng đó là vũ khí sắc bén. Thế nhưng vũ khí đó đã vừa cùn, vừa han gỉ từ lâu, nó làm gì còn tác dụng thực tế.
Về sự gương mẫu của cấp trên. Thỉnh thoảng nơi này nơi nọ, lúc này lúc kia có xuất hiện một vài cán bộ nêu được gương tốt, còn đa số chỉ nêu gương xấu về tham nhũng, lộng quyền, bất lực. Yêu cầu các cán bộ làm gương mẫu là một điều quá sức của họ.
4- Vài nhận xét và đề xuất
Chắc rằng Đảng đã tốn nhiều công sức để soạn thảo ra nghị quyết, tiếc rằng những người soạn ra nó, thông qua nó có trình độ, có cách nhìn còn quá hạn chế nên giá trị của nó rất thấp. Trừ trường hợp đưa ra nghị quyết chỉ làm cái cớ để thực hiện một thủ đoạn giấu kín nào đó, còn nếu muốn để xây dựng, chỉnh đốn đảng thì nó chưa đạt yêu cầu.
Đảng CSVN, nếu vẫn kiên trì con đường hiện tại, không sớm thì muộn, sẽ dẫn tới tan rã, sụp đổ. Muốn cứu vớt phải có những thay đổi cơ bản về nhận thức và tổ chức. Việc thay đổi có nhiều, nhưng tựu chung có 2 vấn đề lớn: 1-Chuyển một đảng làm cách mạng thành một đảng chính trị. 2-Chọn con đường nào, vẫn theo CNML xây dựng XHCN hay theo con đường Xã hội dân chủ. (Hoặc sáng tạo ra con đường VN- Về con đường VN, đã có người đề xuất và nghiên cứu). Từ 2 vấn đề lớn này suy ra nhiều việc cụ thể khác.
Về 2 đối tượng tự diễn biến và suy thoái phải có cách đối xử khác nhau. Nhóm tự diễn biến gồm những người có trí tuệ, có nhân cách, có suy nghĩ độc lập, dũng cảm, yêu nước thương dân, họ chỉ bất đồng quan điểm. Đối với họ, trước hết Đảng cần tôn trọng, nên tổ chức đối thoại để tham khảo ý kiến chứ không phải bắt bớ giam cầm. Những cách khủng bố thể xác và tính thần chỉ có thể ngăn cản được một số rất ít người hèn yếu. Làm sao có thể khủng bố và giam cầm được tư tưởng. Cách đối thoại là rất hay, tại sao Đảng lại sợ đối thoại.
Đối với bọn suy thoái về đạo đức và lối sống. Trước hết phải trừng trị thật nặng một số tên để làm gương, sau đó và có tính quyết định là xóa bỏ điều kiện dung dưỡng chúng. Đó là sự độc tài toàn trị, là đặc quyền đặc lợi. Khi bỏ điều 4 của Hiến pháp, thiết lập thể chế tam quyền phân lập, xóa bỏ nền độc tài đảng trị thì bọn chúng nó mất nguồn sữa nuôi dưỡng, mất chỗ ẩn nấp, lúc đó chỉ cần một vài nổ lực vừa phải cũng đủ thanh toán phần lớn chúng nó.
Vài lời phản biện thô thiển, mong đến được mắt những người cần nghe, cần biết.
© Nguyễn Đình Cống
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét