Cốt yếu của một nhà nước trong sạch - Người Đưa Tin -->

Breaking

Post Top Ad

Thứ Ba, 11 tháng 10, 2016

Cốt yếu của một nhà nước trong sạch


Cốt yếu của một nhà nước trong sạch . Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu trong lễ khai mạc Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam XII, 21/1/2016.

Giới báo chí trong nước tốn không biết bao nhiêu giấy mực sau vụ Trịnh Xuân Thanh bị cáo buộc làm thua lỗ gần 3.300 tỷ tại Tổng công ty Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC) thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam. Từ giữa năm 2016, hàng loạt khuyết điểm, vi phạm của ông Trịnh Xuân Thanh được vạch ra sau khi báo chí loan tin vị Phó chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang này đi xe Lexus LX570 tư nhân gắn biển số xanh. Sau đó, hàng loạt các bài viết chưa rõ thực hư đang làm dư luận dậy sóng.

Vụ ông Trịnh Xuân Thanh bất ngờ ngã ngựa khiến người ta liên tưởng đến một số tướng lĩnh cộm cán của Trung Quốc liên tiếp bị bắt kể từ khi ông Tập Cận Bình lên nắm quyền và phát động đợt truy quét “đả hổ”. Ở Việt Nam, sau khi ông Thanh bị hạ bệ và trốn biệt tăm, thì đến lượt Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương, Ủy viên Bộ Chính trị, bị một Facebooker (Trương Huy San – tác giả Bên Thắng Cuộc) liên tiếp đưa ra các bài viết cáo buộc Trịnh Xuân Thanh và Đinh La Thăng có dính líu đến các vụ tham nhũng. Các bài viết như còn nêu thắc mắc và ám chỉ đến “phần chìm của tảng băng” tham nhũng vốn không phải là ông Thanh (hay cả ông Thăng).

Sau khi mạng xã hội đưa ra nhiều thông tin bất lợi cho ông Thăng, thì báo điện tử Năng lượng mới (PetroTimes) bị đình bản ba tháng khi bị cáo buộc để xảy ra những sai phạm và Tổng Biên tập Nguyễn Như Phong bị cách chức và thu thẻ nhà báo. Trước đó tờ báo này đã trích đăng lại từ một bài báo dành cho người Việt ở nước ngoài về vụ án Trịnh Xuân Thanh, điều khiến nhiều người tin là nguyên nhân dẫn đến việc PetroTimes và ông Nguyễn Như Phong phải chịu trách nhiệm.

Vài ngày sau khi Nguyễn Như Phong bị cách chức, xảy ra một sự kiện khác cũng làm chấn động làng báo, đó là việc bà Lê Bình, giám đốc Trung tâm tin tức VTV24, bị đình chỉ công tác. Cư dân mạng đưa ra nhiều đồn đoán khác nhau, có người còn nêu lại thắc mắc về số tiền mà bà Lê Bình dùng để xây dựng VTV24.

Có lẽ hiếm, nếu không muốn nói là chưa khi nào Việt Nam diễn ra hàng loạt sự kiện mà bằng cách này hay cách khác, người ta có thể nối kết với nhau để xây dựng một hay nhiều câu chuyện có vẻ hoàn chỉnh và logic có tác dụng của một cuộc càn quét tham nhũng, nâng cao uy tín của Đảng Cộng sản. Mọi con mắt đều nhìn về Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, người đã có những hành động rất quyết liệt trong vụ Trịnh Xuân Thanh; dư luận cũng chú ý đến cả những thông tin liên quan đến cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng mặc dù ông đã nghỉ hưu.

Đây cũng là một dấu hiệu đáng lạc quan về việc chống tham nhũng. Tuy nhiên, theo tôi nghĩ, không chắc việc hạ bệ ông Trịnh Xuân Thanh và những cấp trên hay cấp dưới của ông sẽ giúp hạn chế tham nhũng, một tệ nạn đã làm Việt Nam đau đầu trong nhiều năm qua. Người dân có thể sẽ hồ hởi nếu mỗi sáng thức dậy được nghe tin rằng hôm nay một nghi phạm tham nhũng kiểu Trịnh Xuân Thanh vừa bị bắt và sẽ bị pháp luật trừng trị để làm gương, chứ không phải nghe tin “cơ quan thanh tra không phát hiện tham nhũng” hay là “tham nhũng đang ở mức độ ổn định”. Người dân sẽ rất vui nếu khối lượng tài sản mà tham quan đã cướp của dân sẽ bị thu hồi và trả lại đúng chỗ của nó. Người dân càng vui khi những người lạm dụng chức quyền để trục lợi bị đưa ra trước công lý để bị trừng phạt; và tất nhiên người dân cũng sẽ rất phấn khởi vì từ những nghi phạm này sẽ giúp các cơ quan chức năng lần ra những kẻ khác trong đường dây tham nhũng có tổ chức bài bản với sự che đậy tinh vi, bảo vệ lẫn nhau không khác gì giới giang hồ bảo kê.

Tuy nhiên, một lần nữa phải nhìn lại bài học từ Trung Quốc. Ông Tập Cận Bình đã đả biết bao con hổ, nhưng dân chúng Trung Quốc vẫn lũ lượt kéo nhau ra nước ngoài định cư vì niềm tin về sự minh bạch và lành mạnh của chính quyền không gia tăng đáng kể. Người ta tin rằng ông Tập nắm trong tay rất nhiều quyền lực, nhưng khó tin rằng Trung Quốc không còn tham nhũng khi chỉ số minh bạch trên bảng đánh giá quốc tế vẫn thấp lè tè. Bản chất của việc chống tham nhũng là mọi thứ phải được minh bạch, được thực hiện trên cơ sở thượng tôn pháp luật, được dân chúng giám sát và theo dõi bằng những hình thức chính thống chứ không phải chỉ là những tin đồn thổi. Người dân chỉ tin tưởng một đất nước không có tham nhũng hay tham nhũng không đáng kể khi các vị lãnh đạo gương mẫu về minh bạch hạ bệ những tên tham quan. Người ta có thể tranh cãi về sự độc tài của một nhà lãnh đạo, như trường hợp cố thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu, nhưng không hề nghi ngờ sự minh bạch của ông và tuyệt đối tin rằng ông sẽ làm tất cả vì dân. Còn nếu việc đấu tranh chống tham nhũng lại tạo ra khoảng trống thông tin, khiến người dân dễ dàng suy diễn lệch lạc sang các xu hướng đấu đá nội bộ hay thanh trừng chính trị, thì hiệu quả của cuộc đấu tranh đó sẽ giảm đi rất nhiều. Người ta sẽ tin tưởng một người có tướng mạo hung tợn ra tay diệt trừ cường hào ác bá giúp dân, hơn là tin tưởng một kẻ núp phía sau bức rèm để nhổ sạch một hay nhiều “cái gai” trước mặt.

Đây là một bài học cho bất cứ quốc gia nào muốn chống tham nhũng. Riêng đối với Việt Nam, việc chống tham nhũng dường như chỉ mới bắt đầu. Để có một nhà nước trong sạch thì phải làm sao để người dân tin rằng người đứng sau những trận càng quét tham nhũng là một người trong sạch và sẽ làm mọi việc một cách minh bạch mà không tạo ra bất kỳ một khoảng trống thông tin đáng tiếc nào.

Cao Huy Huân
Blog VOA

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad