Theo chỉ thị được công bố trên báo chí hôm 21/10, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh đã yêu cầu Cục Kỹ thuật An toàn và Môi trường Công nghiệp theo dõi, đôn đốc và báo cáo về những dự án có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao, đồng thời công bố danh sách 7 dự án, nhà máy được coi là “có nguy cơ cao”. Danh sách bao gồm một số nhà máy thuộc các tập đoàn Điện lực Việt Nam, tập đoàn Dầu khí Việt Nam, dự án Alumin Nhân Cơ – Đắk Nông và một số dự án mỏ sắt, khai thác đồng của tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam, tập đoàn Hóa chất Việt Nam, công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên của Tổng công ty thép Việt Nam, khu công nghiệp của tập đoàn Dệt may Việt Nam, và nhà máy giấy Bãi Bằng của Tổng công ty Giấy Việt Nam.
Chứng tỏ "thiện ý thực sự"
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, nguyên thành viên Ban Nghiên cứu Kinh tế của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam, nói bà “rất hoan nghênh” việc làm trên của Bộ Công thương. Bà nói bà hy vọng Bộ này cùng các bộ, ngành liên quan sẽ cho công chúng thấy một “thái độ thiện ý thực sự bằng những quyết định tiếp theo” trong việc giám sát, đánh giá một cách nghiêm ngặt tất cả các dự án, “chứ không chỉ dừng lại ở việc công bố rồi lại bỏ qua hết cả”.
Bà Lan nói: “Nếu như chính phủ và các bộ liên quan, như Bộ Công thương và các bộ khác, cũng ráo riết làm các việc kiểm tra, lên danh sách, đánh giá lại tất cả các vấn đề về tác động môi trường của các dự án đó có thể gây ra, và những yêu cầu nghiêm ngặt về bảo vệ môi trường mà các dự án bắt buộc phải thực hiện, từ đấy tính toán lại, vậy thì với chi phí phải bảo vệ môi trường bỏ ra, thì những dự án như vậy liệu có còn khả thi hay không, hay lại gây ra những đầu tư quá lớn và tốn kém cho xã hội, để rồi có quyết định khác. Ví dụ như dừng hẳn lại hoặc lùi lại để bao giờ có điều kiện tốt hơn hoặc nhu cầu thực sự cần thiết hơn thì hãy làm. Tôi nghĩ nếu làm tới được như vậy thì rất tốt”.
Giải thích tại sao danh sách công bố bao gồm toàn những tên tuổi của tập đoàn được xem là những “ông lớn” của nền kinh tế Việt Nam, bà Phạm Chi Lan cho rằng ngoài những cơ chế bất cập trong toàn bộ quá trình từ cấp phép đầu tư cho đến giám sát, còn tồn tại cả yếu tố “ưu ái”, “thiên vị”. Bà nói trên thực tế, có thể thấy các thanh tra về môi trường khi đi giám sát, xử lý các doanh nghiệp nhỏ thường hay “gây khó khăn” cho các doanh nghiệp này, thế nhưng lại có phần ưu ái “bỏ qua” cho các sai phạm lớn của các dự án do “các ông lớn” làm. Bà nói thêm:
“Cái cách lâu nay chiều chuộng và nương nhẹ đối với các công ty lớn là vẫn thường xảy ra. Chính vì thế nên mới có chuyện Formosa, mới có chuyện như Vedan trước đây hoặc nhà máy Lilama của đầu tư nước ngoài. Còn đầu tư trong nước thì ngay chính xã hội cũng thấy không ít trường hợp bản thân các doanh nghiệp lớn cũng có thể gây ô nhiễm rất cao, hoặc thực tế đã gây ô nhiễm rồi nhưng lại được bỏ qua, không tính tới”.
Không cần nhận bừa dự án
Theo chuyên gia Phạm Chi Lan, đã đến lúc Việt Nam không cần phải nhận bừa bất cứ dự án đầu tư phát triển nào, mà chỉ nên chọn những dự án thân thiện với môi trường, như lời cam kết của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc là “không đánh đổi môi trường lấy lợi ích kinh tế”:
“Vả lại trên thực tế, nguồn lực rất có hạn của Việt Nam không cho phép cứ lao đầu vào làm quá nhiều dự án lớn nữa, kể cả với cách tiếp nhận đầu tư nước ngoài. Hướng đầu tư nước ngoài thì Việt Nam bây giờ cũng đã vào cái thế, vị trí cần phải chọn lựa đầu tư nước ngoài rồi. Chọn lựa những lĩnh vực nào thực sự thiết yếu và có khả năng mang lại hiệu quả cao cho nền kinh tế, chứ không chọn lựa những dự án to về quy mô nhưng lại gây ô nhiễm môi trường kiểu như Formosa, cũng không để cho các nhà đầu tư nước ngoài lợi dụng việc Việt Nam cần hoặc mong muốn đầu tư nước ngoài rồi lại đưa những chất thải, xác thải công nghệ vào Việt Nam hoặc đưa những ô nhiễm của các dự án đó vào Việt Nam”.
Với cam kết của chính phủ và tiếng nói từ công luận, chuyên gia Phạm Chi Lan hy vọng Việt Nam sẽ đề ra các quyết định phù hợp với nguyện vọng của người dân và không chọn các dự án gây tổn hại cho môi trường. Tuy nhiên, cựu thành viên Ban Nghiên cứu của Thủ tướng cũng lưu ý về khả năng các nhóm lợi ích sẽ vì quyền lợi riêng mà quyết tâm đưa vào các dự án lớn, với lý do “Việt Nam cần phát triển, cần tăng trưởng”.
Khánh An
VOA
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét