Đây là khu đất cuối cùng tại Dương Nội bị cưỡng chế. Biện pháp này bị dân chúng địa phương phản đối vì cho rằng lấy đất sản xuất của nông dân giao cho doanh nghiệp tư nhân làm dự án kinh tế; như thế là trái với qui định của luật pháp Việt Nam.
Anh Trịnh Bá Phương, một thanh niên đấu tranh giữ đất Dương Nội, cho Đài Á Châu Tự Do biết một số diễn biến cuộc cưỡng chế:
“Sáng nay vào lúc 6 giờ sáng lực lượng cưỡng chế kéo đến và đến 7 giờ sáng họ bắt đầu quây tôn. Số tôn này được chở bằng xe containers đến từ chiều hôm qua. Hôm nay lực lượng công an được huy động rất đông, và cả lực lượng côn đồ, đến khu vực cưỡng chế.
Khu cưỡng chế hôm nay là Nghĩa địa Giải Phướn, ở đây có những thi hài được chôn cất từ năm 1945. Vào ngày 19 tháng 3 năm 2010, nghĩa địa từng bị ủi phá một lần; nhiều mộ bị bật nắp ván thiêng, xương cốt vương vãi ra khắp cánh đồng. Trong đợt cưỡng chế lần thứ hai hôm nay, họ cho xe ủi đào đất đổ tràn qua các ngôi mộ còn sót lại.
Một số người dân Dương Nội có mặt từ lúc 5 giờ sáng, và khi lực lượng cưỡng chế đến đã ghì, bóp cổ ông Phạm Xuân Huynh và một số bà con khác rồi lôi kéo họ ra bên ngoài và quây tôn lại.”
Được biết khu nghĩa địa Giải Phướn ở Dương Nội nằm trong các dự án buôn bán bất động sản của chủ đầu tư là Công Ty Xuất Nhập Khẩu Hà Nội. Người dân địa phương phản đối giá cả đền bù rẻ mạt và các cuộc khiếu kiện kéo dài của bà con Dương Nội vẫn còn tiếp diễn.
Anh Trịnh Bá Phương trình bày kế hoạch tiếp tục khiếu kiện về đất đai của dân Dương Nội mà họ cho là bị thu hồi không đúng pháp luật:
“Bà con tiếp tục đấu tranh pháp lý, tiếp tục khiếu kiện yêu cầu các doanh nghiệp và những người liên quan trong việc tước đoạt đất đai của người dân phải trả lại quyền lợi chính đáng cho người dân.
Mặt khác người dân Dương Nội sẽ vận động các đại sứ quán, các nước Phương Tây hỗ trợ trong việc chống cướp đất mà đã đẩy hằng triệu người dân Việt Nam trở thành thất nghiệp, nghèo đói do mất tư liệu sản xuất. Bà con cũng biết tòa quốc tế ICC cũng nhận đơn về các vụ chiếm đất phi pháp, nên bà con sẽ liên lạc với một số tổ chức nhân quyền quốc tế như Human Rights Watch, Amnesty International … cũng như Cao ủy Nhân quyền Liên hiệp quốc để kiện chính phủ Việt Nam ra Tòa án Hình sự Quốc tế.”
Trong cuộc khiếu kiện về đất đai ở Dương Nội, một số người từng bị bắt và kết án tù; trong đó có bà Cấn Thị Thêu được biết đến về sự kiên quyết không chịu nhượng bộ.
Bà bị kết án lần thứ nhất 15 tháng vào tháng 11 năm 2014 và lần gần nhất vào tháng ngày 20 tháng 9 vừa qua tòa tuyên bà 20 tháng tù với cáo buộc ‘gây rối trật tự công cộng’.
RFA
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét