Hiện tượng ‘Phan Anh’ - Người Đưa Tin -->

Breaking

Post Top Ad

Thứ Năm, 20 tháng 10, 2016

Hiện tượng ‘Phan Anh’


Một người đàn ông chèo thuyền vận chuyển hàng cứu trợ giúp các nạn nhân lũ lụt ở huyện Hương Khê, Hà Tĩnh. (Ảnh tư liệu). Nguồn: Reuters.

Báo chí Việt Nam đưa tin MC Phan Anh, một người dẫn chương trình nổi tiếng trong nước, đã quyên góp được hơn 16 tỷ đồng, tính đến ngày 19/10, để giúp cho các nạn nhân lũ lụt ở miền Trung Việt Nam.

Trong khi đó, tin cho hay các tổ chức chính thức như Hội Chữ thập Đỏ hay một số đoàn thể của chính quyền các tỉnh, thành phố đã không quyên góp được số tiền tương tự.

Trên mạng xã hội, nhiều người nói việc MC Phan Anh huy động được một số tiền kỷ lục chỉ trong ít ngày có một phần lý do là anh được công chúng vô cùng yêu mến không chỉ về khả năng nghề nghiệp, mà còn vì anh thường đưa ra những thông điệp ủng hộ tiến bộ xã hội.

Song bên cạnh đó, sự kiện quyên tiền này cũng được nhiều người nhìn nhận là một “hiện tượng” về lòng tin ở Việt Nam.

Nhiều người bày tỏ trên mạng xã hội rằng họ tin tưởng hơn khi đóng góp tiền cho những cá nhân như Phan Anh hay các nhóm xã hội dân sự vì có sự minh bạch. Ngược lại, họ cho rằng họ không biết tiền của họ khi nộp vào các tổ chức gắn với chính quyền sẽ được chi tiêu, phân phối ra sao.

Phân tích về vấn đề này, từ Hà Nội, Tiến sỹ Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội, nói với VOA:

“Cách hành xử của anh [Phan Anh] từ trước đến nay tạo ra một niềm tin. Và anh luôn công khai, rất là minh bạch về những đóng góp của mọi người và update thường xuyên về những việc mình làm. Thế còn cũng có một số tổ chức đã có truyền thống kêu gọi hỗ trợ thì ở một vài nơi cũng có những vụ lùm xùm khiến cho người dân không tin tưởng. Trong những vụ lùm xùm đó, câu chuyện về tài chính nó không được minh bạch. Hình như là cũng có vấn đề tư lợi ở đó. Cho nên là bây giờ người ta đặt niềm tin vào những người như là Phan Anh. Điều đấy nó cũng phản ánh những thay đổi của xã hội chúng ta trong những năm gần đây”.

Tiến sỹ Hồng, một nhà xã hội học, cũng cho rằng “hiện tượng” Phan Anh là một ví dụ nổi bật về việc các cá nhân hay hội, nhóm xã hội dân sự hoạt động hiệu quả hơn các tổ chức gắn với nhà nước trong các hoạt động thiện nguyện. Bà cho rằng nếu có luật lệ phù hợp, điều này sẽ càng thể hiện rõ hơn. Bà nói:

"Đây là một cơ hội rất là tốt để cho các nhà làm luật cũng như Quốc hội lắng nghe ý kiến của người dân và thực sự ban hành một luật về hội đáp ứng được cái mong mỏi. Các tổ chức xã hội dân sự, các cá nhân, các tổ nhóm, những mạng lưới tự nguyện, tình nguyện lại hoạt động rất hiệu quả. Thực sự họ làm là vì tự nguyện, vì họ thấy đó là những việc đáng phải làm, cần phải làm, đó là những việc đúng. Làm sao luật về hội phải phản ánh nhu cầu đấy của người dân, phải đáp ứng được những nguyện vọng đấy của người dân”.

Mới đây, một dự thảo luật về hội của Việt Nam đã bị nhiều trí thức và các nhà hoạt động vì tiến bộ xã hội phản đối. Họ cho rằng dự thảo luật có tính chất hạn chế công dân lập hội hơn là bảo đảm quyền tự do lập hội được nêu trong Hiến pháp.

An Tôn
VOA

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad