Vi phạm Hiến pháp
Tại sao công luận lại ném đá dữ dội đối với Dự thảo Luật về Hội, từng được người dân chờ đợi hơn 60 năm qua. Tiến sĩ Nguyễn Quang A, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển IDS, một tổ chức độc lập đã tự giải thể, từ Hà Nội nhận định:
Tôi nghĩ là có thể mất khoản đó và cái đấy rất là vô cùng thiệt thòi cho các tổ chức hội được đăng ký và cái đấy sẽ làm què quặt những hội mà đàng nào cũng bị Nhà nước kiểm soát từ trước đến nay. -TS Nguyễn Quang A |
Đấy là điểm quan trọng nhất mà nó thể hiện, thứ nhất muốn thành lập một hội thì phải có một ban vận động, mà ban vận động ấy phải được cơ quan Nhà nước người ta chuẩn y, tức là người ta thích ai thì cho không thích thì thôi. Tiếp theo là qui định không liên kết với các hội nước ngoài, không nhận tiền tài trợ từ nước ngoài … Tức là một số điều mà nó thực sự cản trở quyền lập hội của người dân…”
Trước đó tại buổi tọa đàm “Xây dựng Luật về Hội phù hợp với chiến lược hội nhập quốc tế của Việt Nam” do Viện Nghiên cứu Chính sách (VEPR) tổ chức hôm 21/10/2016 vừa qua tại Hà Nội, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan đã mô tả bản Dự thảo Luật về Hội là một bước lùi rõ rệt. Theo tin ghi nhận tại chỗ, bà Phạm Chi Lan chỉ ra Khoản 5 điều 8 Dự thảo Luật về Hội qui định hội không được liên kết, không nhận tài trợ từ nước ngoài, trường hợp đặc biệt phải do Chính phủ quy định.
Nhận định về vấn đề Dự luật về Hội cấm tổ chức hội liên kết với các hội nước ngoài và cấm nhận tài trợ từ nước ngoài. TS Nguyễn Quang A phát biểu:
“Tôi nghĩ là có thể mất khoản đó và cái đấy rất là vô cùng thiệt thòi cho các tổ chức hội được đăng ký và cái đấy sẽ làm què quặt những hội mà đàng nào cũng bị Nhà nước kiểm soát từ trước đến nay. Còn đối với các hội hay các tổ chức xã hội dân sự độc lập, tức là không có đăng ký thì với tinh thần là các tổ chức đó có thể bất tuân những luật vi phạm Hiến pháp. Thí dụ nếu dự Luật này được Quốc hội thông qua thì Luật đó có thể coi là vi hiến mà đã vi hiến thì người dân không có nghĩa vụ phải tuân theo.”
Quốc hội làm theo ý Đảng
Trong cuộc phỏng vấn của Nam Nguyên thực hiện qua điện thoại tối 25/10/2016, Luật sư Trần Quốc Thuận nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, hiện đang hoạt động trong lĩnh vực luật sư nhân quyền ở Saigon cho rằng, trong một thời gian dài Dự thảo Luật về Hội đã tập trung nhiều luồng ý kiến phản biện. Một phía mong muốn bộ luật sẽ cởi mở để người dân thực hiện quyền tự do lập hội, phía khác lại đi theo hướng kiểm soát chặt chẽ một quyền cơ bản của người dân.
Luật sư Trần Quốc Thuận trình bày quan điểm của ông về quyền tự do lập hội. Ông nói:
“Hiện giờ có hai loại ý kiến, tôi ủng hộ ý kiến là việc lập hội muốn lập là cứ đăng ký thành lập chứ không phải xin phép tắc ai cả và cũng không cần ai phê chuẩn ban chấp hành và người đứng đầu hội cả; cũng không cần phê chuẩn điều lệ. Trong Luật cũng có nói không được xâm phạm an ninh quốc gia, nước nào cũng có qui định như thế rất cụ thể rõ ràng. Tôi ủng hộ ý kiến nên đăng ký lập hội và báo cho người ta biết thôi chứ không phải đi xin phép.”
Trong Luật cũng có nói không được xâm phạm an ninh quốc gia, nước nào cũng có qui định như thế rất cụ thể rõ ràng. Tôi ủng hộ ý kiến nên đăng ký lập hội và báo cho người ta biết thôi chứ không phải đi xin phép. -LS Trần Quốc Thuận |
Luật sư Trần Quốc Thuận còn đề cập tới việc dự thảo Luật về Hội không chi phối một số Hội do chính quyền thành lập vì nhóm này đã có luật riêng. Ông nói:
“Tôi cho Luật lập hội kỳ này đặt vấn đề không được điều chỉnh 6 tổ chức chính trị xã hội đã có luật quy định rồi, trong đó có Mặt trận Tổ quốc, Hội Cựu Chiến binh, Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên HCM…
Cũng có ý kiến nói nên đưa những tổ chức này vào để bình đẳng với các tổ chức mới thành lập. Nhưng việc đó rất là khó, bởi vì các tổ chức đó đã có luật riêng rồi, Quốc hội đã ban hành rồi. Còn để đổi trở lại, tôi cho rằng với một Quốc hội mà hơn 90% là đảng viên mà để đáp ứng kiến nghị của các tổ chức xã hội dân sự thì tôi có cảm giác là khả năng đó hoàn toàn không thể có được.”
Tại phiên họp Quốc hội ngày 25/10/2016 Bộ trưởng Bộ Nội Vụ Lê Vĩnh Tân xin hoãn thông qua Luật về Hội trong kỳ họp thứ hai hiện nay, để ban soạn thảo tiếp thu, hoàn chỉnh và trình Quốc hội trong kỳ họp tới. Ông Bộ trưởng cho biết dự Luật có 33 điều thì các đại biểu đã có ý kiến tới 32 điều, chỉ trừ điều 33 là điều khoản hiệu lực thi hành. Sự kiện này cho thấy ngay chính các đại biểu cũng nhìn thấy những bước giật lùi và bất cập của một bộ luật về quyền cơ bản của công dân trong thời đại hội nhập.
Ngay chính Tạp chí Tuyên Giáo, cơ quan tuyên truyền lý luận của Đảng, trong bản tin trên mạng ngày 14/10/2016 còn dẫn lời các học giả chuyên gia cho rằng: “Dự thảo Luật về Hội còn nhiều điểm sai lệch cần tháo gỡ, bởi vì có những bó hẹp về quan điểm, cách nhìn nhận, chưa hướng mạnh mẽ đến bảo đảm quyền lập hội mà dường như chỉ chú trọng đến công việc quản lý Nhà nước chặt chẽ hơn đối với hội…” Bản tin này có thể đã bị gỡ xuống khỏi trang mạng của Tạp chí Tuyên Giáo và hiện nay không còn tìm thấy.
Nam Nguyên
RFA
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét