Bà Quỳnh, tức blogger Mẹ Nấm, bị bắt hôm 10/10 theo điều 88 Bộ luật Hình sự về “tuyên truyền chống phá nhà nước”.
Trong thông cáo ra ngày 12/10, Đại sứ Mỹ tại Việt Nam, Ted Osius, cho biết ông “quan ngại sâu sắc về các hành động gần đây chống lại các nhà hoạt động nhân quyền ôn hòa, trong đó có vụ bắt giữ blogger Nguyễn Ngọc Như Quỳnh…”
Bà Quỳnh bị công an tỉnh Khánh Hòa “khởi tố và bắt tạm giam”, ngay tại nhà riêng, trước sự chứng kiến của người thân.
Luật sư bất đồng chính kiến Lê Thị Công Nhân nhận định với VOA Việt Ngữ về vụ việc này:
“Cũng từ lâu rồi, chứ không phải bây giờ, nhưng gần đây nó được triển khai mạnh mẽ hơn, đó là có một sự phân cấp ngày càng lớn từ phía trung ương của Đảng Cộng sản Việt Nam cho các cấp tỉnh, để bắt các cấp tỉnh phải giải quyết, phải xử lý mạnh mẽ và dứt điểm những vụ việc có yếu tố chính trị để cho nó không lan truyền được sang các tỉnh khác, hoặc để tránh kết nối vụ việc ngày càng lớn hơn. Câu chuyện của bạn Như Quỳnh tôi nghĩ cũng là như vậy”.
Trước khi bị bắt, blogger Mẹ Nấm đã nhiều lần xuống đường phản đối công ty Formosa Hà Tĩnh và kêu gọi nhà nước minh bạch.
Ngay sau khi bà bị bắt, báo chí trong nước đồng loạt đăng tải thông tin mà phía công an cung cấp. VTV dẫn thông cáo của chính quyền nói rằng blogger này “nhận tiền” của Việt Tân, tổ chức mới bị Hà Nội chính thức coi là khủng bố, nhưng nhóm có trụ sở ở California lại bác bỏ.
Trước đó, công an Việt Nam nói rằng người dân sẽ bị coi là “đồng phạm khủng bố” và “bị xử lý theo luật pháp Việt Nam”, nếu “nhận tài trợ của Việt Tân”.
Trong khi đó, đại sứ Ted Osius cho rằng vụ bắt giữ bà Quỳnh cộng với các hành động chống lại các nhà hoạt động ôn hòa “đe dọa làm lu mờ sự tiến bộ của Việt Nam về nhân quyền”.
Ngoài việc kêu gọi thả họ, nhà ngoại giao Mỹ cũng kêu gọi Hà Nội “cho phép tất cả cá nhân tại Việt Nam thể hiện quan điểm chính trị của mình trên mạng và ngoài đời mà không lo sợ bị trừng phạt”.
Còn trong thông cáo công bố hôm 11/10, Đại sứ - Trưởng Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam cũng bày tỏ “tin tưởng rằng việc đảm bảo an toàn cho các nhà bảo vệ nhân quyền và việc bảo vệ quyền được bày tỏ ý kiến một cách tự do và hòa bình của họ mà không bị cản trở và đe dọa theo đúng những cam kết quốc tế của Việt Nam là điều rất quan trọng”.
Quan chức EU “yêu cầu nhà chức trách Việt Nam thả cô Nguyễn Ngọc Như Quỳnh ngay lập tức”.
Từng bị tống giam vì có những quan điểm trái chiều với nhà nước, luật sư Lê Thị Công Nhân nhận định thêm về vụ bắt giữ blogger Mẹ Nấm:
“Nếu khi bạn bị bắt vì điều luật về tội phạm xâm phạm an ninh quốc gia, như là tôi trước đây hoặc Như Quỳnh bây giờ, nó dễ xảy ra hai trường hợp. Thứ nhất là bạn thực sự thấu hiểu, và chấp nhận rằng lên tiếng đấu tranh ở Việt Nam thì rất có thể rơi vào những điều luật mơ hồ như vậy thì bạn sẽ có một tâm trạng đối mặt tương đối là thảnh thơi. Nhưng nếu như bạn, không có một tâm trạng chấp nhận một thực tế rằng ở Việt Nam là một vũng lầy, là một mớ hỗn loạn về pháp luật, thì bạn cũng sẽ rơi vào tình trạng cũng rất là căng thẳng, rất dễ rơi vào một vòng ức chế”.
Ba năm trước, sau khi một blogger khác là ông Trương Duy Nhất bị bắt vì cáo buộc “lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân”, blogger Mẹ Nấm nói với VOA Việt Ngữ rằng bà “tình nguyện đi tù” cùng ông vì cho rằng vụ bắt giữ cựu ký giả đã “xâm phạm nặng nề tới quyền tự do” của bà.
Việt Nam bấy lâu nay nhiều lần tuyên bố không bắt giữ những người bất đồng chính kiến mà chỉ tống giam những ai vi phạm pháp luật.
VOA
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét