- Lãnh đạo thông minh đến độ lập thiết kế xây nhà nhưng không xây cầu tiêu!
- Sách lược hai mặt: thanh trừng đảng viên tiến bộ, đàn áp nhân dân và thần phục thêm Bắc kinh
- Không bảo vệ thắng lợi của Phán quyết 12.7, nhưng lại giành trọn niềm tin vào bá quyền bành trướng Bắc kinh
- Nhân dân không còn tin, không trông chờ, ngược lại đang tích cực phá rào cản chính trị độc tài, phá rào công an ác ôn
“Trước kia chúng ta kêu gọi đầu tư nhưng không nghĩ đến vấn đề môi trường, không nghĩ đến đổ rác đi đâu, nên bây giờ chúng ta phải trả giá.” [1]
Trước các “đại biểu cử tri” tại Ba đình, Hoàn kiếm, tức những đảng viên ngoan ngoãn chỉ biết xu nịnh và bốc thơm, Nguyễn Phú Trọng đã không sợ bị chất vấn nên đã nói thẳng như thế ngày 17.10. Nhìn nhận cung cách suy nghĩ và quyết định công việc nước theo lối ăn xổi ở thì, bóc ngắn cắn dài từ bệnh kiêu ngạo quyền lực không cần nghe ý kiến của các chuyên viên cũng như nhân dân của chính Nguyễn Phú Trọng và các đại quan trong Bộ chính trị (BCT) và Trung ương đảng chế độ toàn trị có khác nào như người xây nhà mà không xây cầu tiêu, không lập hệ thống dẫn nước thải! Xây nhà máy sản xuất thép không tính tới chất thải độc hại! Xây hàng trăm đập thủy điện không tính tới việc đồng ruộng mất nước, nhân dân thiếu nước sinh hoạt và khi mưa lũ lại trở thành đại họa cho nhân dân!
Bất kể tới lời can ngăn của cố Đại tướng Võ Nguyên Giáp, nhiều tướng lãnh và chuyên viên những người cầm đầu chế độ toàn trị đã cho Bắc kinh xây các nhà máy khai thác Bauxit ở Tây nguyên bất kể tới hậu quả môi trường và an ninh quốc phòng! Nay họ cũng không đếm xỉa tới những cảnh báo của các nhà khoa học, vẫn đang chuẩn bị cho xây các nhà máy điện nguyên tử ở khu vực được coi là có nguy cơ động đất và lũ lụt, bất kể tới những hậu quả khôn lường cho hàng chục triệu nhân dân!
Đây là sự thông minh hay chính là sự ngu dốt và thái độ kiêu ngạo quyền lực của Nguyễn Phú Trọng và các đại quan đỏ trong BCT? Chính Phạm Văn Đồng, Thủ tướng đầu tiên và lâu đời nhất của chế độ toàn trị đã phải nhìn nhận là, sự ngu dốt và thái độ kiêu ngạo quyền lực đã gây ra những hậu quả thảm khốc cho nhân dân trong giai đoạn đó. Tình trạng này hiện nay còn tệ hại hơn, ngay Nguyễn Phú Trọng đã phải nhìn nhận!
Ông Trọng còn nói rõ “bây giờ chúng ta phải trả giá”. Nhưng “chúng ta” ở đây là ai? Có phải Nguyễn Phú Trọng và các đại quan trong BCT và Trung ương đảng đang sống vương giả và ngồi trong những biệt thự an toàn ? Chính thái độ ăn xổi ở thì và bệnh kiêu ngạo quyền lực của họ đã dẫn tới công ti Formosa gây thảm họa môi trường cho bao nhiêu triệu nhân dân 4 tỉnh miền Trung từ đầu tháng 4 đến nay và đang phải hứng chịu cảnh thất nghiệp, bệnh tật và đói nghèo. Họ chia sẻ sự cơ hàn với nhân dân như như nào? Khi thảm họa môi trường do Formosa gây ra sau mấy tuần hàng triệu nhân dân điêu đứng lo âu, nhưng Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Thường trực Ban bí thư Đinh Thế Huynh khi đi qua những vùng này vẫn ngoảnh mặt làm thinh; còn người cầm đầu chế độ toàn trị Nguyễn Phú Trọng lại đủng đỉnh tới thăm hỏi và khen ngợi Ban giám đốc Formosa và chẳng thèm màng tới nạn nhân của Formosa! Còn Chủ tịch nước Trần Đại Quang thì trước sau vẫn im thin thít. Trong buổi Quốc hội (QH) khai mạc Kì họp thứ 2 ngày 20.10 Ủy viên BCT, Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc -cánh tay dài của ĐCS- Nguyễn Thiện Nhân cho biết “đến nay vẫn chưa có cơ quan, tổ chức và cá nhân nào trong hệ thống quản lý Nhà nước có liên quan đứng ra nhận lỗi và chịu trách nhiệm”.[2] Mặc dầu Nguyễn Xuân Phúc vẫn lớn tiếng là “Chính phủ phục vụ” ; và từ tháng 5 đến nay trong các cuộc họp báo nhiều bộ trưởng đã thề thốt điều tra nhanh chóng, minh bạch và những người có trách nhiệm phải bị xử lí nghiêm minh bất kể là ai.[3] Rõ ràng là thái độ cao ngạo quyền lực từ cấp lãnh đạo trở xuống!
***
Thái độ vô cảm đến như thế của các đại quan trước những khó khăn bức xúc của nhân dân, nhưng vừa qua tại Hội nghị trung ương (HNTU) 4 Nguyễn Phú Trọng lại không tự phê bình mình mà lại lên tiếng chỉ trích và dạy bảo bọn quan đỏ cấp dưới:
“Sự suy thoái về đạo đức, lối sống thể hiện ở chỗ: sống ích kỷ, thực dụng, cơ hội, vụ lợi, hám danh, tham nhũng, ham quyền lực; bè phái cục bộ, mất đoàn kết; quan liêu, xa dân, vô cảm trước khó khăn, bức xúc của dân.”[4]
Trong thực tế, sự suy thoái đạo đức từ nhóm cầm đầu chế độ toàn trị tới các cán bộ cấp dưới đã đạt tới mức không chỉ vô cảm trước những đau khổ của hàng triệu người dân miền Trung, mà còn ngang ngược đàn áp những cuộc khiếu kiện của hàng ngàn người và biểu tình của hàng chục ngàn dân. Trong khi hàng triệu người dân phải hứng chịu hậu quả do thảm họa môi trường, phải trả giá bằng thất nghiệp, bệnh tật vì các đại quan đỏ trong BCT, Trung ương đảng “kêu gọi đầu tư nhưng không nghĩ đến vấn đề môi trường, không nghĩ đến đổ rác đi đâu”. Nhưng khi nhân dân đòi bọn quan đỏ đã tiếp tay gây ra thảm họa môi trường phải có những chính sách đền bù thích đáng và biện pháp nghiêm khắc với Formosa , thì bọn quan độc ác này đã không biết ăn năn, không chịu xin lỗi, lại còn cho báo chí và chính quyền địa phương chụp mũ xuyên tạc, cho công an ngăn cản và đe dọa “không bảo đảm an ninh cho người đi khiếu kiện”[5]
Chẳng những thế, vừa trải qua thảm họa môi trường, nhân dân miền Trung lại phải chịu cảnh lụt lội chưa từng có trong các ngày vừa qua. Hàng chục ngàn người mất nhà cửa, hoa mầu, gia súc; phải chịu cảnh đói rét trên các nóc nhà. Hậu quả một phần do thiên tai, nhưng phần khác là do nhân tai, bọn quan đỏ ở địa phương đã vội vã tháo ồ ạt nước lũ tại các hồ thủy điện làm người dân không kịp trở tay! Việc xây dựng hàng trăm hồ thủy điện trong các năm trước đây cũng từ chính sách bóc ngắn cắn dài và thái độ ngạo mạn quyền lực của bọn quan đỏ.[6]
Từ trước tới này họ đã đưa ra bao nhiêu kế hoạch và dự án trong kinh tế, quốc phòng, ngoại giao và nội trị; rồi tự vỗ ngực là có đường lối sáng suốt và tầm nhìn xa, nhất quyết không nghe những cảnh báo của các nhà khoa học, trí thức và cả nhiều đảng viên tiến bộ! Nay nhiều hậu quả tàn khốc đang diễn ra cho nhân dân và đất nước, nhưng trước sau họ vẫn rất cao ngạo và tàn bạo. Như thế là thế nào? Bởi chính Nguyễn Phú Trọng và các Ủy viên BCT vẫn tuyên bố, kết quả công việc chứng minh lí thuyết và khả năng lãnh đạo! Vậy cho ngoại quốc đầu tư nhưng không tính tới hậu quả môi trường, xây thủy điện không tính tới lũ lụt…, nhưng khi các chuyên viên, nhân sĩ và các đảng viên tiến bộ phê bình và nhân dân chống đối thì họ lại thẳng tay đàn áp! Khả năng rất thấp, tầm nhìn thiển cận, nhưng họ vẫn cứ ngồi lì giữ ghế ăn phần không chịu trả lại cho nhân dân quyền tự quyết! Như thế họ đã chứng tỏ đạo đức suy thoái !
Sách lược hai mặt: thanh trừng đảng viên tiến bộ, đàn áp nhân dân và thần phục thêm Bắc kinh
Sau 71 năm độc quyền, 30 năm thực hiện Kinh tế thị trường định hướng XHCN giành mọi ưu đãi cho các Doanh nghiệp nhà nước nên đã đẩy xã hội VN dưới chế độ toàn trị đang rơi vào thảm trạng quyền và tiền đang quyện chặt với nhau để định đoạt số phận của nhân dân, tương lai của đất nước. Kẻ có quyền đang dùng quyền để móc tiền. Kẻ có tiền đang dùng tiền để mua quyền. Quyền-tiền đã trở thành những giá trị đánh bạt đạo đức, kỉ cương và pháp luật. Trong khi các đại quan trong BCT vừa giành giựt vừa thỏa hiệp lười biếng với nhau trong vụ Vinashin 2010, gầm ghè nhau trong các HNTU suốt Khóa 11 với đỉnh cao mới của tranh giành quyền lực và tiền bạc là 12 tháng 1.2016.[7] Giữa khi ấy cán bộ cấp dưới cũng giành giựt quyền-tiền cho bản thân, gia đình, giòng họ. Ở nhiều bộ và nhiều địa phương cán bộ có quyền đang cất nhắc công khai cho con cái, họ hàng vào nắm các chức vụ béo bở hét ra quyền và hái ra tiền! Những kết quả hết sức tồi bại này do họ gây ra cho đất nước cũng giống như người xây nhà không xây cầu tiêu, không lập ống dẫn nước thải, phản ảnh đúng thừa nhận của Nguyễn Phú Trọng trên đây. Đó là lối suy nghĩ và hành động chỉ tính lợi cho cá nhân và phe nhóm, bất kể những hậu quả cực kì tai hại cho nhân dân và đất nước. Nguyên Ủy viên Trung ương và Phó trưởng ban Tuyên giáo Vũ Ngọc Hoàng đã xác nhận:
“Quyền lực là công cụ rất hữu hiệu để tập hợp lực lượng nhằm xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nếu như nó được trao đúng cho những người có đủ nhân cách tốt. Mặt khác, nó luôn làm tha hóa những người sử dụng quyền lực, nếu họ không đủ nhân cách và quyền lực không được kiểm soát. Chức quyền càng lớn hoặc sử dụng càng lâu thì nguy cơ tha hóa càng nhiều. Sự tha hóa quyền lực đến một mức độ trầm trọng thì nhà nước thay đổi bản chất, không còn là nhà nước của dân nữa, Đảng cũng sẽ thay đổi bản chất – không còn là Đảng chân chính, và rạn vỡ như một quy luật tự nhiên. Bài học này đã được thực tế chứng minh hồi đầu thập niên 90 của thế kỷ trước tại Đông Âu và Liên Xô cũ.”[8]
Đã thế vừa qua tại HNTU 4 Nguyễn Phú Trọng còn đề ra “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong nội bộ”[9] là một chủ đề chính của Hội nghị. Nguyễn Phú Trọng đưa ra “4 giải pháp” coi là đũa thần để cứu chế độ toàn trị. Ông Trọng còn cao ngạo nói cần phải “nhốt quyền lực vào trong lồng quy chế”.[10] Nhưng ông biết thừa là, “lồng qui chế”, ở đây là luật pháp của chế độ toàn trị chỉ như tắm từ vai trở xuống, bắt con cá ri thả con cá sộp. Chính nguyên Ủy viên trung ương và Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao Nguyễn Văn Hiện đã xác nhận “Tòa án muốn xử như thế nào cũng được!”
Không những thế, tuy bọn đại quan đã bị tha hóa đạo đức và đánh mất lương tâm, nhưng Nguyễn Phú Trọng lại lên giọng mời họ làm gương:
“Ở đây, sự gương mẫu của Trung ương là cực kỳ quan trọng, có ý nghĩa quyết định. Từng đồng chí Ủy viên Trung ương, Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, từng đồng chí đứng đầu cấp uỷ, chính quyền các cấp phải tự giác, gương mẫu thực hiện nghị quyết, nói đi đôi với làm, chỉ đạo quyết liệt với quyết tâm rất cao, sự nỗ lực rất lớn”.[11]
Nhiều nhân sĩ và chuyên viên trong nước đã chỉ ra rằng, những lời trên đây toàn là nhảm nhí, vọng ngôn, mị dân; vì các giải pháp đã cũ rích và vô ích suốt nhiều thập niên qua.[12] Nguyễn Phú Trọng và những người tiền nhiệm đã nói không biết bao nhiêu lần: Chống tham nhũng thì tham nhũng càng phình ra, chống tha hóa đạo đức thì bọn quan đỏ càng giành giật nhau ghế cao. Vì thế Nguyễn Phú Trọng không có thực tâm và cũng không đủ uy tín lẫn khả năng chống tham nhũng !
Việc ông ta lại cho giơ cao ngọn cờ chỉnh đảng lần này cũng chỉ là bình phong theo quỉ kế treo đầu dê bán thịt chó, chỉ cốt mị dân và đánh lừa đảng nhằm mục tiêu thực sự là đàn áp các đảng viên tiến bộ và củng cố thêm quyền lực.[13] Chỉ tính từ thời gian Nguyễn Phú Trọng làm Tổng bí thư từ tháng 1.2011, năm sau ông đã phát động phong trào chỉnh đốn đảng được coi là rầm rộ nhất từ nhiều thập kỉ qua. Tại HNTU 4 Khóa 11 cuối tháng 12. 2011 với chủ đề “Những vấn đề cấp bách phải làm ngay” Nguyễn Phú Trọng đã rống lên cao trào “Tự phê bình” và “Phê bình” từ các Ủy viên BCT và BBT tới các Ủy viên TU. Nhưng cuối cùng ông phải than thở là “đánh chuột sợ vỡ bình”, chỉ làm công việc “gãi ghẻ”; vài hôm trước ông phải nhận chống tham nhũng là “tự ta đánh ta”[14] , thái độ chưa đánh đã sợ như thế làm sao có thể chống tham nhũng được!
Chỉ lấy vài dẫn chứng thời sự gần đây nhất: Nguyễn Phú Trọng ra lệnh điều tra cán bộ trung cấp Trịnh Xuân Thanh, nhưng cuối cùng ông ta vẫn ra thoát được, mặc dầu công an mật vụ gài khắp nơi. Công an và Kiểm tra nhắm mắt cho bọn tham quan, nhưng lại tàn bạo với người dân chủ và dân lành! Khi Nguyễn Xuân Phúc mở miệng, “tìm người tài chứ không tìm người nhà”[15] cũng lại chính là lúc rộ lên các tin các bộ trưởng, thứ trưởng, bí thư tỉnh ủy…. cất nhắc con cái, thân thuộc vào các chức vụ béo bở. TS Lê Đăng Doanh đã báo động: “Gần đây việc luân chuyển cán bộ tại Việt Nam có những diễn biến rất khác thường. Không ít cán bộ ở các tổng công ty, những người làm giám đốc của các công ty nhà nước được chuyển về làm công tác chính trị một cách rất là đột ngột và rất là khác thường so với trước đây.”[16] Trong khi Nguyễn Phú Trọng rao giảng đạo đức thì chính ông trong Đại hội 12 vào đầu năm lại đòi nằng nặc cho bằng được để xếp vào “trường hợp đặc biệt” ngồi lì trong ghế Tổng bí thư, mặc dù tuổi đã quá cao vượt qua qui định của Điều lệ đảng và năng lực cũng quá tồi! Sự cao ngạo quyền lực còn thúc đẩy ông dựng lên ý đồ tự thần thánh hóa. Chỉ một ngày trước khi HNTU 4 họp, Nguyễn Phú Trọng đã cho huyện Đông Anh, nơi ông sinh trưởng, tổ chức đình đám “Lễ kỉ niệm 140 năm thành lập”.Trong dịp này Bí thư thành ủy Hà nội Hoàng Trung Hải đã ca tụng Đông Anh là nơi “địa linh nhân kiệt”! [17]
Chính sự tha hóa đạo đức chính trị của Nguyễn Phú Trọng đã làm gương xấu cho các cán bộ các cấp, khoét sâu thêm ganh tị, tranh giành địa vị, tranh giành tiền của….Ngay giữa những người cầm đầu đang gầm gừ nhau. Rõ ràng nhất là mới đây tam trụ Nguyễn Phú Trọng, Trần Đại quang và Nguyễn Xuân Phúc đều giành ghế trong Đảng ủy Công an trung ương. Vì trong những năm qua Bộ công an đã trở thành một quốc gia trong một quốc gia, không phải chỉ vì ngày càng có nhiều tướng, nhiều quyền, nhiều tiền; mà còn trở thành nơi dung túng cho bọn tướng tá lộng hành, thực hiện những âm mưu cực kì đen tối và đàn áp tàn bạo nhân dân…Đẩy được “Đồng chí X” đi thì mọc thêm Trần Đại Quang, Đinh La Thăng…!
Nói tóm lại, công việc chống tham nhũng và ngăn chặn suy thoái đạo đức của cán bộ các cấp đã hoàn toàn thất bại dưới chế độ toàn trị. Bởi vì chế độ độc đảng là nguồn gốc sinh sản và là mụ đỡ cho bọn quan tham nhũng quyền lực và bọn quan tham nhũng tiền bạc! Sự tha hóa đạo đức của cán bộ, nhất là thành phần chop bu đã trở thành bất trị! Chế độ độc đảng thiếu vắng nền tư pháp và tòa án độc lập, thiếu vắng các tổ chức dân sự và báo chí độc lập, giống như đêm tối thiếu ánh sáng. Vì thế nó là chỗ ấn náu, dung thân cho những kẻ làm ăn phi pháp, giết người trộm của! Đây chính là tình trạng rất bi đát của xã hội VN hiện nay dưới chế độ độc đảng toàn trị.
Trước thái độ giả nhân giả nghĩa của những người cầm đầu nên nhân dân nhiều giới ngày càng thấy rõ và đã can đảm đứng lên tố cáo. Không những thế nhiều đảng viên tiến bộ và quí lòng tự trọng cũng đã nhận ra bộ mặt thực và tim đen của những người cầm đầu. Họ đã mất tin tưởng thành phần lãnh đạo chuyên nói một đằng làm một nẻo, nam mô một bồ dao găm…Ngày càng đông số đảng viên thất vọng, xa lánh những người cầm đầu chỉ toàn một phường “thẻ đỏ tim đen”, chỉ biết tham quyền, tham tiền, chỉ lo thu vén cho gia đình và lợi ích nhóm. Nhiều đảng viên đang tự tách ra, nhiều người còn can đảm đứng vào hàng ngũ những người dân chủ tố cáo và chống lại những sai lầm và tội ác của nhóm cầm đầu toàn trị. Do tinh thần cảnh tỉnh và giác ngộ nên ngày càng nhiều đảng viên tự xa lánh chủ nghĩa sai lầm Marx-Lenin, khinh thường và công khai chống lại nhóm cầm đầu giả nhân giả nghĩa chỉ lo thu vén quyền tiền, bên trong thì đàn áp dân lành, bên ngoài thì cúi đầu trước đế quốc mới Bắc kinh. Sự bất lương và mất chính nghĩa đã đẩy nhóm cầm quyền rơi vào thế bị động, tê liệt, chỉ mạnh bề ngoài nhưng nội lực lại rất yếu. Cụ thể như bộ máy tuyên truyền của chế độ toàn trị từng được coi là võ khí sắc bén, với trên 800 báo, đài, hàng chục ngàn nhà báo và tuyên truyền viên. Nhưng trong những năm gần đây đã bị các báo lề dân của các tổ chức dân sự, các chuyên viên, trí thức -trong đó có sự tham gia ngày càng tích cực của những người trẻ tuổi- đang đẩy lùi tiếng nói xơ cứng và nịnh hót cấp trên của các báo, đài lề đảng. Nhiều báo lề dân đang trở thành các cơ quan thông tinh trung thực, nhanh chóng hướng dẫn dư luận vượt xa các báo đài lề đảng. Chính điều này đã được cựu Ủy viên Trung ương, nguyên Bộ trưởng Thông tin tuyên tuyền Lê Doãn Hợp nhìn nhận:
“Chúng ta phải hiểu rằng những việc xảy ra trong nước, mà ta không đưa tin thì bên ngoài sẽ đưa tin. Như vậy thì đâu còn chức năng định hướng dư luận xã hội, đâu còn tiêu chuẩn tiên phong. Mà mất đi vai trò tiên phong là mất đi vị trí của mình. Trong xã hội, báo chí đi sau, người dân sẽ không dùng đến báo chí nữa…
“Bây giờ có 59% người đọc tin tức qua internet. Tức là có khoảng 52 triệu người đọc báo qua mạng trong khi đó số người đọc báo in chỉ có khoảng 5 triệu. Mà đa số người đọc thông tin trên mạng là thế hệ trẻ.”[18]
Đứng trước nguy cơ dân bất tin, đảng viên bất kính, nhưng phe bảo thủ giáo điều đứng đầu là Nguyễn Phú Trọng vẫn không tỉnh ngộ; ngược lại trong thời gian qua đang thẳng tay bắt giam, đàn áp những người dân chủ, ngăn cản cuộc khiếu kiện và biểu tình của nhân dân. Ngoài ra nay ông Trọng còn tái phát động phong trào chỉnh đảng, mà lần này trọng tâm đánh vào các đảng viên tiến bộ còn biết quí lòng tự trọng. Tại HNTU 4 vừa qua ông Trọng đã kết án công khai họ là những đảng viên “tự diễn biến, tự chuyển hóa”, không còn tin vào chủ nghĩa Marx-Lenin và không chịu phục tùng lãnh đạo. Ngày 14.10 trong diễn văn bế mạc HNTU 4 Nguyễn Phú Trọng đã đánh trực diện thành phần này:
“Nguy hiểm nhất là sự phai nhạt lý tưởng cách mạng, không kiên định con đường xã hội chủ nghĩa, mơ hồ, dao động, thiếu niềm tin; nói trái, làm trái quan điểm, đường lối của Đảng; thậm chí sa sút ý chí chiến đấu, thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh, phụ hoạ theo những nhận thức, quan điểm sai trái, lệch lạc..”[19]
Chỉ bốn ngày sau, tại cuộc họp với đại biểu cử tri ở Tây hồ, Hà nội, ông Trọng đã kết án thêm:
“Từ chỗ hư hỏng về tư tưởng chính trị, tức là không còn tin Đảng, Mác – Lênin, Bác Hồ mà rồi đi con đường khác là nguy hiểm khôn lường.”[20]
Ở đây mọi người lại càng thấy rõ thái độ ngạo mạn quyền lực của ông Trọng, cả vú lấp miệng, biến trắng thành đen, đúng thành sai. Đảng viên nào chống ông, chống chủ nghĩa giáo điều và sai lầm, chống tham nhũng và tha hóa đạo đức đều bị kết tội là “hư hỏng”. Đây chỉ là cách lập lại rất hàm hồ và kiêu ngạo của Nguyễn Phú Trọng vài năm trước. Chính ông đã từng kết án tương tự nhiều trí thức và nhân sĩ, trong đó có nhiều đảng viên tiến bộ, khi họ ra lời kêu gọi công khai đòi hủy bỏ Điều 4 trong dịp sửa đổi Hiến pháp giả vờ năm 2013.[21]
Không bảo vệ thắng lợi của Phán quyết 12.7, nhưng lại giành trọn niềm tin vào Bắc kinh
Song song với các biện pháp đàn áp nhân dân, trấn áp những đảng viên tiến bộ, phe giáo điều bảo thủ Nguyễn Phú Trọng đang gia tăng gửi trọn niềm tin vào Bắc kinh, bất chấp những đe dọa về chủ quyền và độc lập của VN. Phán quyết ngày 12.7.16 của Tòa án Trọng tài Quốc tế phủ nhận toàn bộ những đòi hỏi phi lí của Trung quốc từ nhiều thập niên về “quyền lịch sử” trên các quần đảo Hoàng sa và Trường sa cũng như “Đường 9 đoạn” hay “Đường lưỡi bò” trên biển Đông. Đây là thất bại ngoại giao nặng nề nhất cho Bắc kinh, đồng thời là thắng lợi rất lớn về chính trị cho Phi luật tân, nước đứng đơn kiện, và Đông nam á, trong đó có VN, một nước ở trong vị trí trọng tâm của tranh chấp.[22]
Để dọn đường cho việc được tái cử làm Tổng bí thư trong Đại hội 19 của ĐCS Trung quốc vào cuối năm tới, thời gian qua Tập Cận Bình đã triệt để lợi dụng khai thác khoảng trống chính trị và ngoại giao quốc tế do nội tình xâu xé trong năm bầu cử Tổng thống ở Mĩ và khủng hoảng nội bộ trong EU.[23] Họ Tập o bế tân Tổng thống khùng-điên Duterte của Phi luật tân để tìm cách vô hiệu hóa Phán quyết của Tòa án Trọng tài Quốc tế 12.7.16. Ông Tập vừa sang Nam vang, dùng tiền và ảnh hưởng để mua chuộc Mên và Lào, từng là sân sau của Hà nội, trở thành đồng minh bao vây VN, đồng thời phá vỡ liên minh trong Asean không có tiếng nói chung trong tranh chấp biển Đông tại Hội nghị cấp cao vừa qua ở Lào. Họ Tập cũng còn lôi kéo Tổng thống Nga Putin tham gia thao diễn hải quân và không quân trên biển Đông. Trong khi đó Tập Cận Bình lại còn tìm cách vỗ về, hứa hẹn với phe giáo điều bảo thủ Nguyễn Phú Trọng giúp đỡ giải quyết những khó khăn kinh tế, thương mại và tài chánh và ru ngủ “hai bên cùng thắng”, với điều kiện là Hà nội không được đòi Bắc kinh thực thi Phán quyết 12.7!
Mồi của họ Tập đã được Nguyễn Phú Trọng cắn sâu. Cho tới nay chưa có một tuyên bố ở cấp cao nhất từ Tổng bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng tới Chủ tịch QH bày tỏ thái độ công khai về Phán quyết ngày 12.7 của Tòa án Trọng tài Quốc tế, mặc dầu ngày 14.7 Phát ngôn viên bộ Ngoại giao đã hứa là các cấp lãnh đạo sẽ sớm có tiếng nói chính thức về vấn đề quan trọng này.[24] Thay vào đó từ Nguyễn Phú Trọng tới Nguyễn Xuân Phúc chỉ tìm cách bàn ra, tránh né và câu giờ câu giấy. Đầu tháng 8 ông Trọng mới mở miệng, nhưng chỉ muốn nhấn chìm: “Vào thời điểm này, phải tính lợi hại đối với lợi ích, quốc gia dân tộc và phán quyết này phải nghiên cứu kỹ rồi mới có những tuyên bố tiếp theo được”.[25] Còn ông Phúc thì lại bàn lui: “Mình phải bình tĩnh trong việc giải quyết các tranh chấp trên biển Đông theo đúng tinh thần luật pháp quốc tế, bình tĩnh xử lý các vấn đề nhạy cảm. Nhân dân hãy bình tĩnh và tin tưởng vào Đảng, nhà nước, Chính phủ trong chính sách đối ngoại, quốc phòng an ninh”[26]. Còn Nguyễn Thị Kim Ngân lại chỉ ậm ừ “Lập trường Quốc hội về chủ quyền biển đảo không thay đổi”.[27]
Mặc dầu Phán quyết 12.7 tạo cho VN ở thế rất thuận lợi trong ngoại giao đối với Bắc kinh, nhưng trong thời gian gần đây không thấy Bắc kinh cử các phái đoàn cao cấp sang, mà ngược lại từ cuối tháng 8 tới nay Hà nội đã cử liên tiếp ba phái đoàn cao cấp quân sự, kinh tế và chính trị sang Bắc kinh. Chiều hướng như thế càng chứng tỏ mức độ lệ thuộc của Hà nội với Bắc kinh trầm trọng như thế nào! Cuối tháng 8 Nguyễn Phú Trọng đã cử bộ trưởng Quốc phòng Ngô Xuân Lịch sang gặp bộ trưởng Quốc phòng Trung quốc Thường Vạn Toàn. Việc cử đoàn quân sự cao cấp đi Trung quốc là có tính toán để tạo dư luận trong đảng và nhân dân VN là quân đội, cánh tay mặt của chế độ toàn trị, tuyệt đối trung thành với lãnh đạo và hậu thuẫn cho đường lối quốc phòng an ninh gởi trọn niềm tin vào Bắc kinh thì không có lí do gì lo ngại phương Bắc cả. [28]
Chỉ gần hai tuần sau Thủ Tướng Nguyễn Xuân Phúc được phái sang với một phái đoàn đông nhất để đàm phán về kinh tế, thương mại với Bắc kinh. Trong dịp này ông Phúc đã được Thủ Tướng Lý Khắc Cường hứa cải thiện giao dịch thương mại, nghĩa là Trung quốc sẽ nhập khẩu nhiều hàng hóa của VN hơn. Khi tiếp Nguyễn Xuân Phúc ngày 13.9 Tập Cận Bình đã nhấn mạnh “hai nước Trung Quốc-Việt Nam đều kiên trì sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản và Chủ nghĩa xã hội, đây là lợi ích chiến lược chung lớn nhất giữa hai nước” và nhấn mạnh phải giữ đàm phán song phương về tranh chấp biển Đông. Họ Tập còn đòi “tích cực thúc đẩy các công việc tiếp theo của hoạt động khảo sát chung trên vùng biển ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ, thúc đẩy cùng khai thác, phát triển trên vùng biển rộng lớn hơn trên Nam Hải sớm thu được tiến triển thực chất, biến thách thức của vấn đề trên biển thành cơ hội hợp tác.” [29]
Trong Thông cáo chung 15 điểm ngày 14.9.16 đã đề cao “gia tăng tin cậy chính trị” giữa hai bên, phần lớn (từ Điểm 6 tới 10) giành riêng cho mở rộng và khuyến khích quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư và du lịch giữa hai nước. Ông Phúc kêu gọi Trung quốc đầu tư và xây dựng thêm các nhà máy ở VN.[30] Đây không phải là lần đầu Bắc kinh hứa cải thiện giao thương để giảm nhập siêu của VN. Từ bao nhiêu năm qua Bắc kinh đều hứa như vậy. Nhưng mức nhập siêu của VN từ Trung quốc tiếp tục gia tăng nhanh từ năm này sang năm khác. Chỉ tính tới tháng 9 năm nay, mức giao thương giữa 2 bên đã lên tới gần 100 tỉ USD, nhưng mức nhập siêu của VN với Trung quốc đã dội lên tới gần 19 tỉ USD.[31] Đây là chưa kể hàng lậu từ Trung quốc xuyên qua biên giới phía Bắc lên tới hàng chục tỉ USD nữa. Ông Phúc đã được tiếp đón trọng vọng với 19 phát súng đại bác dàn chào, cho nên trong các cuộc hội đàm với Lý Khắc Cường và Tập Cận Bình và Thông cáo chung đã không dám nói tới Phán quyết 12.7.16. Làm như Phán quyết này không có! Trong khi đó giữa khi ông Phúc có mặt ở Bắc kinh thì Trung quốc đang cùng Nga thao diễn hải quân ở ngay biển Đông.[32] Không những thế Tập Cận Bình còn ép Nguyễn Xuân Phúc không được quốc tế hóa tranh chấp biển Đông và phải mở rộng việc khai thác tài nguyên trên biển Đông cho Trung quốc.
Sau khi tạo ra hình tượng là quốc phòng được ổn định và hợp tác kinh tế được mở rộng giữa hai nước thì việc làm sâu sắc thêm trong kết nối chính trị giữa đảng và hai nước là bước tất yếu. Vì thế giữa tháng 10 Nguyễn Phú Trọng đã cử Ủy viên BCT Đinh Thế Huynh, Thường trực Ban Bí thư, đại diện BCT và cũng là người được coi là kế vị, sang gặp Tập Cận Bình để thực hiện sứ mạng này.[33] Chính vào thời điểm này Hà nội đã lần đầu tiên cho các tầu hải quân Trung quốc ghé thăm quân cảng Cam ranh. Sau khi hội đàm với Ủy viên Thường trực BCT Lưu Vân Sơn ông Huynh đã gặp Tập Cận Bình và thề thốt, “tăng cường quan hệ hữu nghị và hợp tác toàn diện giữa hai quốc gia chính là chiến lược nhất quán, là lựa chọn chính trị của Việt Nam và của Đảng Cộng sản Việt Nam.”[34] Cũng như Ngô Xuân Lịch và Nguyễn Xuân Phúc trước đó, Đinh Thế Huynh đã không dám yêu cầu Bắc kinh tôn trọng Phán quyết 12.7 của Tòa án Trọng tài Quốc tế . Đáp lại Tập Cận Bình đã nói, Trung quốc và VN đều do hai ĐCS lãnh đạo “là cộng đồng cùng chung vận mệnh có ý nghĩa chiến lược”, nên phải biết gìn giữ đại cục thì sẽ “cùng có lợi, cùng thắng”.[35]
Sau khi thăm Bắc kinh Đinh Thế Huynh đã tới Hoa kì để gây một ấn tượng là họ vẫn theo chính sách ngoại giao độc lập; nhưng chủ đích chính lại là để Bắc kinh đừng ép thêm quá, đồng thời tìm hiểu khả năng của Hiệp ước Hợp tác xuyên Thái bình dương (TPP) ra sao cũng như chiến lược chuyển trục sang Châu á-Thái bình dương của Hoa kì trong thời gian tới có được tiếp nối hay không. Đây là những việc Hà nội rất lo ngại.[36] Mục tiêu quan trọng khác của chuyến đi là Đinh Thế Huynh gián tiếp tự ra mắt giới thiệu là người sẽ kế vị ông Trọng! Tuy nhiên chuyến đi của ông Huynh đã không được chính giới Mĩ lưu ý. Ngoài cuộc hội đàm với Ngoại trưởng J. Kerry, cả Tổng thống Obama lẫn Phó tổng thống Biden đều không tiếp.
Tóm lại, các cuộc vận động ngoại giao rất ráo riết của Tập Cận Bình bằng các chiến thuật cây gậy và củ cà rốt, vừa hứa hẹn, vừa đe dọa – đã khiến cho nhóm cầm đầu nhu nhược ở Hà nội -đứng đầu là Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống khùng-điên Phi luật tân không dám đòi hỏi Trung quốc phải thực thi Phán quyết 12.7. Họ Tập đã thành công trong việc làm vô hiệu hóa Phán quyết của Tòa án Trọng tài Quốc tế, và tại HNTU của ĐCS Trung quốc vừa họp từ 24-27.10 ông ta đã vỗ ngực là đã từ thất bại ngoại giao trở thành người chiến thắng trong tranh chấp biển Đông!
Nhân dân không còn tin, không trông chờ, ngược lại đang tích cực phá rào cản chính trị độc tài, phá rào công an ác ôn
Nói tóm lại, việc Nguyễn Phú Trọng và BCT cử liên tiếp Ngô Xuân Lịch, Nguyễn Xuân Phúc và Đinh Thế Huynh trong ba tháng 8, 9 và 10.2016 cầm đầu ba đoàn cấp cao quân sự, kinh tế và chính trị sang Bắc kinh mà không dám yêu cầu Trung quốc phải tôn trọng Phán quyết 12.7.16 của Tòa án Trọng tài Quốc tế phủ nhận “quyền lịch sử” và “Đường 9 đoạn” của Trung quốc. Làm như Phán quyết này không có là tạo thắng lợi cho Tập Cận Bình và khuyến khích Bắc kinh tiếp tục chủ trương bành trướng. Như vậy Nguyễn Phú Trọng và BCT đã không biết gìn giữ và bảo vệ thắng lợi ngoại giao, chính trị và luật pháp quốc tế. Trái lại, chỉ vì đặt quyền lợi của đảng và phe nhóm trên quyền lợi của đất nước, họ lại cúi đầu xin Bắc kinh che chở!
Thái độ “tăng cường niềm tin”, gởi trọn niềm tiên vào Tập Cận Bình, người đang mưu đồ tái lập mộng bá chủ Đại hán qua tuyên bố quyết thực hiện “Giấc mơ vĩ đại của Trung quốc” trong thế kỉ này và thực tế là đã chiếm đóng nhiều đảo của VN và còn đang mở rộng và biến các đảo này thành căn cứ quân sự để chấn giữ biển Đông, đe dọa quốc phòng trực tiếp VN và cản trở an ninh giao thương hàng hải quốc tế. Thái độ gởi trọn niềm tin cho bọn bành trướng phương Bắc của Nguyễn Phú Trọng và BCT đúng là trao trứng cho ác. Hành động cực kì điên rồ “đảng trước nước sau”, ăn xổi ở thì trong ngoại giao quốc phòng sẽ chỉ như xây nhà trên cát, không thấy những hậu quả rất tai hại. Giống như xây nhà mà không xây cầu tiêu trong việc cho ngoại quốc đầu tư, như Nguyễn Phú Trọng phải thừa nhận.
Hành động nhắm mắt cả tin vào Bắc kinh của phe bảo thủ giáo điều hiện nay rất thiển cận. Thậm chí họ không dám đòi Bắc kinh thực thi nghiêm chỉnh Phán quyết 12.7.16 của Tòa án Trọng tài Quốc tế phủ nhận toàn bộ những yêu sách ngang ngược của Bắc kinh về “quyền lịch sử” và “Đường 9 đoạn”. Quyền lợi chính đáng của đất nước được Tòa án Quốc tế công nhận nhưng không dám bảo vệ! Điều này giống hệt như việc làm sai lầm của Phạm Văn Đồng gởi Công hàm ngày 14.9.58 cho Chu Ân Lai công nhận hải phận 12 hải lí ở biển Đông của Trung quốc! Chính nó mở màn cho cho những hệ lụy cực kì nguy hiểm và bất lợi cho VN từ đó đến nay! Nay Nguyễn Phú Trọng và BCT đang chứng tỏ thái độ đầu hàng Bắc kinh từ Hội nghị Thành đô 9.1991 vẫn là kim chỉ nam trong chính sách ngoại giao của họ!
Không dám bảo vệ thắng lợi chính trị ngoại giao và công pháp quốc tế do Phán quyết 12.7 mà lại cử các đoàn cao cấp sang Bắc kinh tỏ lòng thần phục, như thế rõ ràng Nguyễn Phú Trọng và BCT đang công khai mở cửa cho Tập Cận Bình ngang ngược tung hoành hơn nữa trên biển Đông trong thời gian trước mắt. VN đang đứng trước nguy cơ mất thêm đảo, mất biển, mất tài nguyên. Không những thế sự lệ thuộc kinh tế-thương mại vào Trung quốc càng gia tăng. Nguyễn Phú Trọng và BCT đang biến thành những hình nộm để Bắc kinh sai khiến!
***
Nhân dân nhiều giới ngày càng thấy rõ chế độ toàn trị đang từ chuyên quyền của một đảng biến thành độc quyền thu vén quyền và tiền giữa vài nhóm đang nắm quyền lực và tiền bạc. Tham nhũng quyền lực và tham nhũng tiền bạc đã là động cơ hành động của họ. Mặc dầu chế độ độc tài đang bước vào giai đoạn phá sản do tha hóa đạo đức và bệnh cao ngạo của thành phần lãnh đạo; nhưng bệnh tham quyền và tham tiền đã đẩy họ vào thế ném lao thì phải theo lao! Vì thế sách lược hiện nay của Nguyễn Phú Trọng và phe cánh là, bằng mọi cách giữ quyền cho mình và phe giáo điều bảo thủ và thần phục Bắc kinh. Hốt hoảng trước những khủng hoảng ở Mĩ và EU, phe cánh Nguyễn Phú Trọng đang phải cầu cứu Bắc kinh để củng cố quyền lực, từ đó quay lại đàn áp nhân dân và trấn áp các đảng viên tiến bộ.
Chính vì thế nhân dân ta các giới, đi đầu là trí thức, chuyên viên và thanh niên, kể cả các đảng viên tiến bộ, đã dứt khoát không còn tin tưởng và chờ đợi những người thẻ đỏ tim đen. Điểm nóng ở đâu, nơi nào dân bị khốn khổ, bị đàn áp, bị hoạn nạn thì các giới đang quyết tâm đứng lên phá rào chính trị độc tài, phá rào công an ác ôn, hợp sức lại với nhau đấu tranh kiên trì, ôn hòa nhưng cương quyết. Các thông tin chính xác, nhanh chóng, các bình luận sắc bén, các lời tuyên bố và kêu gọi đanh thép đang thúc giục mọi người nhập cuộc, làm tê liệt hàng ngũ báo chí lề đảng. Các cuộc tuần hành khiếu kiện của hàng trăm người và biểu tình của hàng chục ngàn người của nhân dân miền Trung đòi được bồi thường nhanh chóng và công bằng, cũng như trừng trị nghiêm khắc công ti Formosa và bọn quan đỏ ở trung ương và địa phương có trách nhiệm để xẩy ra thảm trạng môi trường đã diễn ra trong trật tự, ôn hòa và cương quyết đang làm rúng động BCT, làm động lòng và cảm phục nhiều đảng viên tiến bộ và sự kính trọng của dư luận quốc tế!
Các hành động tăng cường theo dõi, giam giữ cả phụ nữ, thanh niên và những nhân sĩ dân chủ của bạo quyền trong các tháng gần đây không còn làm ai sợ; ngược lại đang trở thành đối tượng kết án nghiêm khắc và là động lực kết hợp các thành phần nhân dân, các tôn giáo, những người dân chủ -đi đầu là trí thức, chuyên viên, thanh niên và những đảng viên tiến bộ!
Tinh thần đấu tranh bất bạo động, bền bỉ và cương quyết của nhân dân VN đã tạo được cảm tình, sự khâm phục và ủng hộ của nhiều nước và các tổ chức quốc tế tên tuổi. Cao ủy Nhân quyền Liên hiệp quốc, Ân xá quốc tế, các tổ chức quốc tế Theo dõi Nhân quyền, Phóng viên không Biên giới, Văn bút Quốc tế và nhiều chính khách, nhân sĩ tên tuổi trên thế giới đã tỏ rõ lập trường đứng về phía những người đấu tranh dân chủ VN, chống lại các hành động bắt giữ và những biện pháp chà đạp nhân quyền thô bạo của nhà cầm quyền toàn trị CSVN do Nguyễn Phú Trọng cầm đầu.[37]
29.10.16
© Âu Dương Thệ
[1] . Lao động, 17.10
[2] .Công an nhân dân 20.10
[3] .Cùng tác giả, “Hội nghị Trung Ương 3: Phải đưa ngay vụ Formosa gây ra thảm trạng môi trường lên bàn nghị sự! Nguyễn Phú Trọng là cái gương rất xấu, đụng đâu hỏng đó! “ http://www.dcpt.org/thoisu/baithoisu2016/adt507.htm
[4] . Nguyễn Phú Trọng, diễn văn bế mạc HNTU 4, Chính phủ 14.10
[5] . Người Việt 18.10; Linh mục Anton Đặng Hữu Nam trả lời phỏng vấn của nhà báo Trần Quang Thành, DQVN 19.10
[6] . VOA, RFA 23.10
[7] . Cùng tác giả, “Đại hội 12 đi về đâu? Nguyễn Phú Trọng quyết dùng cả giải pháp bạo lực để thanh toán đối thủ trong đảng http://www.dcpt.org/thoisu/baithoisu2016/adt901.htm
[8] . Vietnam Net 12.10. Trong bài Vũ Ngọc Hoàng chỉ mới nêu ra hiện tượng nhưng không dám động tới nguyên nhân.
[9] . VOV 9.10
[10] . Infonet 17.10
[11] . Tương tự 4
[12] . Phỏng vấn TS Nguyễn Quang A của VOA 14.10
[13] . GS Nguyễn Đình Cống, „Sự trộn lẫn khái niệm của ĐCS“, Anh Ba Sàm 16.10
[14] . Tiền phong 17.10
[15] . Lao động 3.8
[16] . TS Lê Đăng Doanh, BBC 5.10
[17] . VOV 8.10
[18] . Viet Times 6.8
[19] . Tương tự 4
[20] . VOV 18.10
[21] . Cùng tác giả, „Hai năm làm Tổng bí thư (1.2011 – 1. 2013) – Nguyễn Phú Trọng đang đưa chế độ và đất nước đi về đâu? Phần III. Nội trị / Đối với dân: Đàn áp trí thức, thanh niên và coi thường nhân dân“, http://www.dcpt.org/thoisu/baithoisu2013/adt3.htm
[22] . Cùng tác giả, „Nghĩ gì về „Cách mạng Tháng 8“? Từ 71 năm và 7 tháng: Lời hứa của những người cầm đầu chế độ toàn trị trước sau vẫn như „miệng quan trôn trẻ“! http://www.dcpt.org/thoisu/baithoisu2016/adt209.htm
[23] . Süddeutsche Zeitung, Deutschlandrundfunk 24, 27.10
[24] . Tương tự 21, BBC 14.7,
[25] . Lao động 6.8
[26] . Chính phủ (CP) 3.8
[27] . VOV 23.7
[28] . Đài Bắc kinh (BK), Quân đội Nhân dân, BBC 27-30.8
[29] . BK 14.9
[30] . Thông cáo chung, CP 14.9
[31] . Tuổi trẻ 17.10
[32] . BBC 13.9
[33] . Cộng sản 20.10
[34] . BBC 21.10
[35] . BK 20.10, VOV2010
[36] . Remarks With Executive Secretary of the Communist Party of Vietnam His Excellency Dinh The Huynh, U.S.Department of State 25.10, VOA, RFA, BBC 25-27.10
[37]. BBC 14.10, RFI 20.9, RFA 27.10
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét