Ông Nguyễn Đình Hương: 'Tự diễn biến là vô cảm trước bức xúc của dân' - Người Đưa Tin -->

Breaking

Post Top Ad

Thứ Tư, 19 tháng 10, 2016

Ông Nguyễn Đình Hương: 'Tự diễn biến là vô cảm trước bức xúc của dân'


Cắt nghĩa khái niệm "tự diễn biến" trong Đảng, Nguyên Phó trưởng Ban tổ chức trung ương đồng thời chia sẻ "có nhiều bức xúc luôn đeo đẳng tâm trí".

Ông Nguyễn Đình Hương, nguyên Phó trưởng ban tổ chức Trung ương.
Hội nghị Trung ương 4 vừa diễn ra đã nhấn mạnh đến những biểu hiện "tự diễn biến," "tự chuyển hóa" trong nội bộ Đảng. VnExpress có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Đình Hương (nguyên Phó trưởng Ban tổ chức Trung ương, nguyên Trưởng ban bảo vệ chính trị nội bộ) về vấn đề này.

- Nhiều năm làm công tác tổ chức, ông nghĩ sao về chủ trương chỉnh đốn Đảng được nêu lên tại Hội nghị Trung ương 4, khoá XII?

- Gần đây khi gặp các vị có thẩm quyền trong Đảng, tôi nói thẳng là nhiều khi “soi gương”, xem xét lại chính mình, tôi nhìn nhận trước hết phải tự chỉnh đốn bản thân. Vì sao? Vì trong cuộc sống hôm nay, tôi thấy có nhiều điều bức xúc, nhiều trường hợp cụ thể khiến niềm tin bị xói lở và tôi đặt câu hỏi mình có dao động không? Tôi tự trả lời là “không”, nhưng những bức xúc thì luôn đeo đẳng tâm trí.

Trước đây thời tôi giúp việc cho anh Lê Đức Thọ, có một câu chuyện nhỏ. Được Đảng giao phụ trách lĩnh vực tổ chức cán bộ, biết tin con của hai vị lãnh đạo địa phương làm ở tàu viễn dương, mà thời đó đi tàu viễn dương là nghề hái ra tiền, anh Thọ lập tức giao thư ký truyền đạt ý kiến của mình là “đưa các cháu lên bờ”. Mục đích của việc này là để gìn giữ uy tín cán bộ và lòng tin của dân.

Sau đó cứ một tháng anh Thọ lại cho kiểm tra xem yêu cầu đã được thực hiện chưa. Chỉ một chuyện nhỏ như vậy đã phải quan tâm chú ý làm sao giữ gìn uy tín cán bộ. Ngày nay, tình trạng tham nhũng, xa dân xuất hiện ở nhiều cấp, nhiều nơi, nói như ngôn ngữ bây giờ là “không bức xúc mới lạ”.

Thực hiện chủ trương xây dựng, chỉnh đốn Đảng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá”, theo tôi trước hết phải bằng những việc làm cụ thể và mạnh mẽ để lấy lại niềm tin của người dân.

- Theo ông, như thế nào là “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá”?

- Trong phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương 4 vừa qua, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nêu rõ, một trong những biểu hiện của nó là phai nhạt lý tưởng cách mạng. Vài ngày tới, khi Trung ương ban hành Nghị quyết về xây dựng, chỉnh đốn Đảng thì chúng ta sẽ có điều kiện tìm hiểu kỹ hơn.

Với tư cách cá nhân, tôi cho rằng “tự diễn biến” ở đây trước hết là đi ngược lý tưởng phục vụ nhân dân, đi ngược lý tưởng làm cho đất nước “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn” - đó là những ai vô cảm trước khó khăn, bức xúc của dân, lợi dụng chức quyền để tham nhũng, vơ vét.

Trước đây, Liên Xô sụp đổ vì nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân đã được báo chí quốc tế mổ xẻ là nhiều cán bộ cấp cao tham nhũng, đặc quyền đặc lợi, không quan tâm tới đời sống người dân. Nhà hỏng từ bên trong thì chỉ cần gió nhẹ cũng đổ.

- Ông nói cần những việc làm cụ thể và mạnh mẽ, ông có đề xuất nào cụ thể?

- Tôi nhớ Đại hội VI, Đại hội xác định đường lối đổi mới cho đất nước đã nêu, trong điều kiện Đảng lãnh đạo chính quyền, mỗi đảng viên dù ở cương vị nào cũng phải là một công dân kiểu mẫu. Có lập lại kỷ cương trong Đảng, trong cơ quan các cấp của nhà nước mới có sức mạnh lập lại trật tự trong xã hội. Mỗi cán bộ, đảng viên hãy nghiêm túc xem xét mình đã sống lành mạnh, sống bằng lao động của mình hay chưa…

30 năm trước, Đảng nói như vậy là nức lòng dân và tôi cho rằng đó vẫn là “kim chỉ nam”. Chẳng hạn như, để lập lại kỷ cương thì phải có địa chỉ trách nhiệm rõ ràng với những bê bối. Trước đây, Quốc hội miễn nhiệm một Phó thủ tướng vì thiếu trách nhiệm quản lý nhà nước trong vụ "sốt giá xi măng năm 1995" và vụ "Thuỷ cung Thăng Long"; rồi miễn nhiệm một bộ trưởng trong vụ “Lã Thị Kim Oanh”… Nay nhiều vụ việc tiêu cực lớn xảy ra nhưng người dân bức xúc vì trách nhiệm cứ “chạy vòng quanh”.

Tinh thần xử lý đúng người, đúng tội, đúng pháp luật và “không có vùng cấm” cần được thể hiện rõ, trước mắt đối với 6 vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp mà Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng đã thống nhất chủ trương đưa ra xét xử sơ thẩm từ nay đến đầu năm 2017.

- Chống tham nhũng phải song hành với xây dựng cơ chế kiểm soát quyền lực thì mới giải quyết vấn đề một cách căn cơ. Ý kiến của ông?

- Đổi mới phải đồng bộ. Việt Nam đổi mới kinh tế đã 30 năm, nhưng theo tôi đổi mới hệ thống chính trị và công tác cán bộ còn chậm. Đã đến lúc các nhà chiến lược cần hoạch định đổi mới hệ thống chính trị một cách chủ động, và phải thỏa mãn nguyên lý cái áo bao giờ cũng rộng hơn để tạo tiền đề cho cơ thể phát triển. Kiểm soát quyền lực chỉ là một việc trong sự đổi mới đồng bộ đó, tất nhiên đây là việc khó vì đụng chạm đến những cấu trúc lớn.

- Theo Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, trong 4 nhóm việc chỉnh đốn Đảng lần này, giải pháp rất quan trọng là cơ chế kiểm soát quyền lực, "nhốt quyền lực vào lồng quy chế lập pháp". Ông bình luận gì?

- Đây là một hình ảnh tốt, vì lồng thì không đóng kín như hộp, người ngoài có thể nhìn vào để kiểm soát. Theo kinh nghiệm quốc tế thì phải đưa chế độ quản lý quyền lực trở thành các quy định pháp luật của nhà nước, trong mọi khâu của thực thi quyền lực, mọi lĩnh vực mà quyền lực ảnh hưởng tới.

Kinh nghiệm của Trung Quốc cho thấy, có ít nhất 4 biện pháp để ràng buộc và giám sát quyền lực, đó là: Lấy pháp luật để ràng buộc quyền lực, lấy đạo đức để ràng buộc quyền lực, lấy quyền lực để ràng buộc quyền lực và lấy nhân dân để ràng buộc quyền lực. Ở đây, tôi chia sẻ với các ý kiến nhấn mạnh vai trò nhân dân, tức là phải có tự do, dân chủ để người dân thực hiện quyền của mình.

Võ Văn Thành
VnExpress

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad