Quan ngại quanh Dự thảo Luật về Hội - Người Đưa Tin -->

Breaking

Post Top Ad

Chủ Nhật, 16 tháng 10, 2016

Quan ngại quanh Dự thảo Luật về Hội


Các nhà hoạt động, giới luật sư lên tiếng về Dự thảo Luật về Hội dự kiến được đưa ra thảo luận và thông qua tại kỳ họp thứ hai Quốc hội khóa 14 sắp diễn ra.

Đảng Cộng sản Việt Nam không cho phép có đối lập chính trị                 

Theo kế hoạch, kỳ họp thứ hai Quốc hội khóa 14 diễn ra từ ngày 20/10 đến 22/11.

Dự thảo Luật về Hội do Bộ Nội vụ chủ trì soạn thảo, với bản mới nhất đã được hoàn thiện vào ngày 10/10/2016, trang tin Tuyên Giáo nói.

Một trong những nội dung được công luận quan tâm là Luật về Hội trong bối cảnh người dân ngày càng ý thức hơn về quyền của họ.

  Điều tôi bức xúc nhất về Dự thảo Luật về Hội là chính quyền buộc các hội phải có tính pháp nhân mới được hoạt động."

Nhà văn Phạm Thành
Hôm 15/10, trả lời BBC từ Hà Nội, nhà văn Phạm Thành, chủ blog Bà Đầm Xòe, nói: "Điều tôi bức xúc nhất về Dự thảo Luật về Hội là chính quyền buộc các hội phải có tính pháp nhân mới được hoạt động."

"Nghĩa là chính quyền chỉ thừa nhận những hội mà họ có thể chi phối sự hoạt động."

"Như thế rõ ràng là chống lại quyền của người dân và vi phạm những Công ước quốc tế về nhân quyền mà Việt Nam đã ký kết."

"Mặt khác, với những điều khoản khắt khe như buộc các hội đoàn không được nhận tiền từ các tổ chức nước ngoài, chính quyền dường như chỉ muốn hội là cánh tay nối dài của họ thôi."

Ông cũng dự báo: "Khó có khả năng chính quyền tiếp nhận những phản biện từ người dân mà họ sẽ thông qua Dự thảo Luật theo ý họ."

"Có thể chính quyền đang bị áp lực từ nhiều phía và cũng lo ngại giới dân chủ tạo sức ép qua các hội đoàn."

Luật 'phản động'

Cùng thời điểm, luật sư Trần Vũ Hải cho biết: "Nếu dự thảo này thành luật, những công dân tham gia những nhóm hội mà không đăng ký pháp nhân được nhà nước công nhận, hóa ra công dân tham gia các hội bất hợp pháp."

Luật sư Trần Vũ Hải: "Một luật biến công dân lương thiện thành người vi phạm pháp luật là một luật 'phản động'."

"Như vậy, một luật biến công dân lương thiện thành người vi phạm pháp luật là một luật 'phản động'.

"Nhà nước quá quan tâm đến quản lý thắt chặt hội, nên nếu dự luật này thông qua phải đổi tên là Luật hạn chế Hội."

"Lẽ ra Dự luật phải quy định Nhà nước đảm bảo và khuyến khích công dân thực hiện quyền lập hội như thế nào, tạo điều kiện cho hội hoạt động ra sao."

Trong một diễn biến khác, báo Pháp Luật TP Hồ Chí Minh hôm 15/10 viết: "Hiến pháp 1992 cho đến Hiến pháp 2013, tức là 24 năm qua, đã ghi nhận quyền tự do lập hội của công dân."

  Nhà nước quá quan tâm đến quản lý thắt chặt hội, nên nếu dự luật này thông qua phải đổi tên là Luật hạn chế Hội."

Luật sư Trần Vũ Hải
"Thế nhưng một đạo luật để cụ thể hóa quyền quan trọng này vẫn chưa được hoàn thiện. Dự thảo Luật về Hội đưa vào, rút ra rất nhiều lần."

"Trong khi thực tế các hội, đoàn vẫn tồn tại như một điều tất yếu và đóng góp không nhỏ vào ổn định xã hội và thịnh vượng quốc gia".

"Nhiều 'sai lệch' cần tháo gỡ"

Trong tuần, một cuộc hội thảo nhằm đóng góp ý kiến cho dự thảo Luật về Hội đã diễn tại Hà Nội, với sự tham gia của hơn 30 chuyên gia, khoa học gia đến từ các tổ chức chính trị, xã hội khác nhau, cùng sự có mặt của Bộ Nội vụ.

Theo đánh giá chung của những người tham dự, bản dự thảo này "còn những điểm 'sai lệch' cần tháo gỡ", trang tin Tuyên Giáo nói, bởi có những "bó hẹp về quan điểm, cách nhìn nhận, chưa hướng mạnh mẽ đến bảo đảm "quyền lập hội" mà dường như chỉ chú trọng đến công việc quản lý Nhà nước chặt chẽ hơn đối với hội".

Theo dự thảo hiện thời, Luật về Hội không áp dụng đối với Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam, Công đoàn Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và Hội Cựu chiến binh Việt Nam.

VOA

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad