"A well regulated Militia, being necessary to the security of a free State, the right of the people to keep and bear Arms, shall not be infringed." Second Amendment to the United States Constitution.
"Một tập hợp Dân Quân được điều hợp hoàn chỉnh, cần thiết cho an ninh của một Tiểu Bang tự do, quyền của người dân được sở hữu và trang bị Vũ Khí, không thể bị xâm phạm." Tu Chính Số Hai của Hiến Pháp Hoa Kỳ.
Trên đây là nguyên văn Tu Chính Số Hai của bản Hiến Pháp Hoa kỳ, do luật sư Nguyễn Hoàng Duyên dịch sang tiếng Việt. Thời lập quốc của Hoa kỳ nó cũng không khác gì với những cuộc nội chiến của các quốc gia khác trong lịch sử, thay vì người ta sở hữu kiếm, cung, giáo, mác, thì súng đạn cũng là vũ khí mà mọi người có quyền làm chủ để tự bảo vệ cho bản thân, gia đình, làng xóm hay bộ tộc.
Khi Hoa kỳ lập quốc, khác hẳn với những chế độ quân chủ, độc tài, gia đình trị hay quân phiệt, thậm chí là độc đảng lãnh đạo, khi thu tóm quyền lực cai trị hay lãnh đạo, những chế độ này có xu hướng nghiêm cấm sở hữu vũ khí, một phần là vì ổn định trật tự xã hội, vũ khí chỉ dành cho những người thi hành pháp luật, tuy nhiên phần lớn đều là muốn bảo vệ quyền lực cai trị của cá nhân, gia đình, phe nhóm hay đảng phái, họ không cho phép người dân sở hữu vủ khí, là giảm bớt sự đe dọa lật đổ quyền lực của họ.
Còn Hoa kỳ, ngoài ý nghĩa cho phép người dân được quyền tự vệ ra, việc cho phép người dân sở hữu vủ khí cũng là một cách quân bình xã hội, quân bình quyền lực của chính phủ liên bang, nếu một khi chính phủ liên bang có những chính sách khiến người dân bất mãn, và nếu không có việc sở hữu vủ khí, người dân sẽ dể dàng bị chính phủ thao túng, đe dọa hay trấn áp bằng vũ lực mà họ không thể phản kháng.
Do đó, ngay sau Tu Chính Số Một là quyền tự do ngôn luận, thì Tu Chính Số Hai là quyền sở hữu súng đạn, vũ khí, được bảo vệ bằng Hiến Pháp và không thể bị xâm phạm.
Và kể từ ngày lập quốc đến nay hơn 200 năm, Hoa kỳ chỉ có một lần nội chiến duy nhất là cuộc chiến Nam – Bắc được mang ý nghĩa là “phong trào giải phóng chế độ nô lệ” dưới thời của Tổng Thống Abraham Lincoln, cho thấy dưới môt cơ chế mà đa số người dân chấp thuận, việc tự do sở hữu súng đạn không dẫn đến những cuộc nội chiến gay gắt về quyền lợi hay quan điểm xã hội.
Đương nhiên, kể từ sau đệ nhị thế chiến đến nay, cứ mỗi lần đến mùa bầu cử Tổng Thống, thì nạn lạm dụng súng đạn gia tăng, quyền sở hữu súng đạn lại trở thành những đề tài gây tranh cãi về chính trị, phía chống đối cho rằng cần phải kiểm soát lại quyền tự do sở hữu súng đạn, để giảm bớt những tội ác có thể xảy ra trong đời sống của người dân, còn phía ủng hộ thì bám vào Hiến Pháp, khẳng định quyền tự do sở hữu súng đạn, đồng nghĩa với quyền tự bảo vệ bản thân, gia đình của dân chúng và không thể thay đổi Hiến Pháp.
Trên thực tế, phía đảng Dân Chủ, tuy chưa bao giờ thành công trong việc đòi tu chỉnh Hiến Pháp về quyền sở hữu vũ khí, nhưng mỗi khi đảng này nắm quyền điều hành chính phủ, thì đều đặt ra những luật lệ gay gắt hơn và không vi hiến, để kiểm soát súng đạn.
Ví dụ dưới thời Tổng Thống Bill Clinton, năm 1997, chính phủ của ông đã thành công trong việc buộc các nhà sản xuất súng đạn phải đặt thêm khóa nơi cò súng, một hình thức xiết chặt luật lệ về súng đạn, sau đó nhiều tiểu bang cũng có những luật lệ riêng để kiểm soát, ví dụ thời hạn kiểm tra lý lịch người mua súng lâu hơn, đòi hỏi khó khăn hơn, nhiều tiểu bang còn buộc người mua súng phải đi khám sức khỏe tâm thần, phải có giấy của bác sĩ chứng nhận tâm thần không có vấn đề mới được sở hữu súng, có tiểu bang buộc người mua súng, phải trãi qua khóa huấn luyện an toàn súng đạn, hay buộc người mua súng phải mua bảo hiểm v.v…
Tuy nhiên không phải vì những vụ bắn giết mà người dân Hoa kỳ muốn hủy bỏ “quyền” sở hữu súng đạn được ghi trong Hiến Pháp. Năm 2000, cựu phó Tổng Thống Al Gore, đòi sửa lại bản Hiếp Pháp về quyền sở hữu súng đạn, kết quả ngay tại quê nhà của ông, tiểu bang Tennessee, ông thua đậm cho ông Bush, cho thấy còn rất nhiều tiểu bang ở Hoa kỳ, người dân bảo vệ mạnh mẽ quyền sở hữu vũ khí.
Hoa Kỳ là một quốc gia đa sắc tộc, nơi đây hàng năm tiếp nhận hàng triệu di dân từ khắp nơi trên thế giới, có những sắc dân đến từ những vùng đất chiến tranh, bom đạn, nhìn thấy vũ khí là sợ hãi, tuy nhiên cũng có những sắc dân lại cảm thấy an tâm hơn khi họ được sở hữu vũ khí để bảo vệ cho gia đình, cho bản thân, và có thể ngăn chặn tội ác kịp thời.
Cộng đồng người Việt cũng đến từ một xứ sở có chiến tranh, thời gian đầu, ít ai ủng hộ cho quyền sở hữu súng đạn, nhưng khi ở lâu và thẩm thấu được ý nghĩa của quyền sở hữu súng đạn, vũ khí, thì càng ngày càng có nhiều người ủng hộ cho quyền này hơn.
Cách đây vài năm, một tên cướp gốc da đen xông vào Thượng Xá Phúc Lộc Thọ, cầm vũ khí định cướp tiệm bán đồng hồ, ngay sau đó tên cướp này đã bị bắn gục bởi con trai người chủ tiệm gốc Việt, nếu không có quyền sở hữu súng đạn, thì làm sao người dân ứng phó với những tình huống bất ngờ và nguy hiểm này? Do đó quyền sở hữu súng đạn, nếu thẩm thấu được ý nghĩa của nó, người ta sẽ thấy cần thiết hơn là ngăn cấm.
Người Mỹ gốc da đen thường nói “ Gun kill no body, people kill people”, họ lý giải cây súng thì cũng giống như con dao, cây nĩa trong nhà bếp của các bạn, bản thân của vũ khí không giết người, là do con người có ý định giết nhau mà thôi.
Xã hội của quốc gia nào mà không có những vụ giết chóc bằng vũ khí, vậy kẻ dùng súng ở những xã hội cấm vũ khí, thì mua súng đạn ở đâu ra? Họ cũng nhập lậu từ bên ngoài vào, nguồn gốc cây súng cũng không ai biết.
Trong khi xã hội Hoa kỳ, người dân sở hữu vũ khí, nhưng họ bị kiểm soát bởi luật lệ, các công ty sản xuất đều có những con số serial cho mỗi cây súng, nhờ đó mỗi khi xảy ra vụ giết chóc, họ từ đầu đạn, kiếm ra được công ty nào sản xuất, và từ công ty đó, họ biết được sản xuất bao nhiêu cây súng, loại súng đó được bán ở những đại lý nào, trong nước hay ngoài nước? Từ đó có thể truy ra hung thủ dể dàng hơn. So với những quốc gia cấm vũ khí, việc điều tra các vụ giết người khó khăn hơn, vì họ không kiểm soát được nguồn gốc của vũ khí.
Tôi cũng như nhiều người khác, xuất thân từ một quốc gia có chiến tranh, thời gian đầu định cư tại Hoa kỳ, tôi cũng có quan điểm không đồng ý việc sở hữu vủ khí (thập niên 80), nhưng rồi khi ở lâu, học hỏi, thẩm thấu và cảm nhận. đến nay tôi nhận ra rằng, việc sở hữu vũ khí vẫn là cái quyền chính đáng của mọi người, khi trong nhà có một khẩu súng, tôi vẫn thấy an tâm hơn, vì biết mình có phương tiện bảo vệ cho bản thân, gia đình hay hàng xóm trước những tội ác bất ngờ có thể xảy.
Đương nhiên, chính phủ cũng không thể kiểm soát hết được hành động của 300 triệu dân, cũng sẽ có nhiều trường hợp sử dụng súng đạn một cách vô tội vạ, bắt nguồn từ những bất đồng quan điểm, thù oán hay bất mãn trong xã hội, nhưng ít ra bên cạnh những thiểu số lạm dụng quyền tụ do súng đạn, vẫn còn đa số người dân hiểu rõ quyền sở hữu và ý thức trách nhiệm như thế nào.
Do đó nếu các bạn sinh sống ở Hoa kỳ, bạn sẽ hiểu rõ hơn về những cái “quyền” của bạn mà quốc gia này tôn trọng, và chính những điều này đã khiến cho đất nước Hoa kỳ trở nên hùng mạnh, đứng đầu thế giới.
Hoa Kỳ nhìn từ bên ngoài, các bạn đều cảm thấy ‘thoáng”, tự do, nhưng chúng tôi có cả môt rừng luật lệ để bảo vệ đời sống, bảo vệ giá trị gia đình của người dân sống trên vùng đất này, luật lệ do chúng tôi bỏ phiếu, và chúng tôi chịu trách nhiệm với những gì chúng tôi bỏ phiếu, nó không giống như nhiều quốc gia khác, chính phủ “tự ý” đặt ra luật lệ để bảo vệ cho quyền cai trị của họ, khi người dân phản kháng thì họ qui chụp cho tội “vi phạm luật lệ quốc gia”, rồi nhốt “người dân vào tù”.
Các bạn cứ nhìn thấy cuộc bầu cử lần này ở California của chúng tôi là hiểu rõ, Cần Sa có được hợp pháp hay không? Tất cả bên chống và bên ủng hộ sẽ tham gia bỏ phiếu, và do chính chúng tôi bỏ phiếu để quyết định, chứ không có “ông” chính phủ nào “tự ý” ra luật cho chúng tôi cả.
Donald Trump hay Hillary Clinton phải bay đến từng tiểu bang vận động, đi xin từng lá phiếu của cử tri, chứ không ngồi ở cái “hang”, rồi chui ra nói “Dân Chủ đến thế là cùng” đâu các bạn. Thôi được rồi bài sau sẽ kể cho các bạn nghe thế nào là “nghèo mà hạnh phúc” với “giàu mà hạnh phúc”, nó khác nhau như thế nào các bạn nhé, tôi vẫn thích và yêu “cái giàu mà hạnh phúc hơn” vì nó có nhiều phương tiện “cho” hơn là “xin”, trong một xã hội “cho” thì nó hạnh phúc đến tận tâm hồn, còn trong xã hội “xin” thì nó “nhục” đến cả ông bà tổ tiên.
© Trần Nhật Phong
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét