“Do nhà nước không thừa nhận quyền tư hữu về đất đai nên nó sinh ra những cái bất công. Nhà nước hoặc là cơ quan cấp huyện thì người ta có quyền bất cứ lúc nào có thể thu hồi đất của các cá nhân, các hộ gia đình. Đây là nguồn gốc sinh ra mất công bằng hay là sinh ra các cái mâu thuẫn. Trường hợp Đắk Nông cũng không nằm ngoài trường hợp đó” theo Luật sư Hà Huy Sơn
Có tin công an đã lên kế hoạch truy bắt ít nhất 4 nghi can đã xả súng. Riêng báo điện tử VnExpress nói nguồn tin của báo này cho hay một trong 4 nghi can có tên là Hoàng Văn Thắng đã bị tạm giữ ngay sau khi xảy ra vụ việc.
Báo chí cho hay vụ nổ súng xảy ra vì tranh chấp đất đai. Theo các tường thuật, sáng 23/10, một công ty có tên là Long Sơn đã đưa hơn 30 nhân viên và máy móc đến san ủi vườn điều của một hộ dân ở xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức.
Trên giấy tờ, khu vườn bị cho là nằm trong phần đất rừng được chính quyền giao cho công ty Long Sơn. Nhưng thông tin chưa được kiểm chứng từ dư luận địa phương cho rằng khu vườn đã hình thành nhờ công sức khai hoang của một số người dân.
Do tính chất phức tạp về nguồn gốc đất nên việc san ủi đã dẫn đến xô xát. Tin tức cho biết một nhóm người đã tấn công các nhân viên của công ty Long Sơn bằng súng tự chế khiến tổng cộng 18 người chết và bị thương, đều là nhân viên công ty.
Nhiều nhà hoạt động vì quyền đất đai và một số luật sư bày tỏ trên mạng xã hội rằng vì không có báo chí độc lập, tự do, nên tin bài tường thuật về vụ việc có nhiều điểm chưa rõ ràng. Tuy nhiên, họ vẫn nhận định rằng vụ việc là kết quả của luật đất đai có khiếm khuyết, kết hợp với cách hành xử bất công của chính quyền.
Luật sư Hà Huy Sơn, người đã bào chữa cho nhiều nhà hoạt động vì tiến bộ xã hội, nêu ý kiến với VOA:
“Do nhà nước không thừa nhận quyền tư hữu về đất đai nên nó sinh ra những cái bất công. Nhà nước hoặc là cơ quan cấp huyện thì người ta có quyền bất cứ lúc nào có thể thu hồi đất của các cá nhân, các hộ gia đình. Đây là nguồn gốc sinh ra mất công bằng hay là sinh ra các cái mâu thuẫn. Trường hợp Đắk Nông cũng không nằm ngoài trường hợp đó”.
Ở góc nhìn của người trực tiếp chịu những bất công về đất đai, nhà hoạt động Trịnh Bá Phương nói:
“Các công ty, các doanh nghiệp được bảo kê bởi chính quyền, bởi công an thì họ tùy tiện họ cướp đoạt của người dân. Họ cướp đoạt trắng trợn không chỉ ở vụ Đắk Nông đó mà cướp đoạt trắng trợn khắp nơi trên nước Việt Nam. Cướp đoạt như thế thì dẫn đến sự bức xức của người dân là đã xảy ra nhiều. Vụ ở Đắk Nông thì em cho rằng gia đình họ đã không thể còn tin tưởng công lý Việt Nam sẽ bảo vệ quyền lợi cho họ”.
Anh Phương có mẹ là bà Cấn Thị Thêu đã bị chính quyền bỏ tù vì các hoạt động liên quan đến đấu tranh về đất đai ở Hà Nội.
Từ kinh nghiệm của chính gia đình anh và của nhiều trường hợp người dân khác kiện tụng khi đất đai của họ bị nhà nước thu hồi bất hợp lý, anh Phương cho hay các tòa án thường “dìm các đơn kiện của người dân hàng chục năm”.
Nhìn nhận về hoạt động phân xử của tòa án liên quan đến tranh chấp đất đai, Luật sư Hà Huy Sơn nhận xét:
“Người dân khi có mâu thuẫn, khi có tranh chấp, tòa án thường đứng về phía các cơ quan hành pháp, tức là tóm lại là đứng về phía ủy ban nhân dân, nên các mâu thuẫn thường không giải quyết công bằng ở tòa án. Nên người dân thường tự giải quyết các bức xúc bằng các biện pháp tiêu cực như là xảy ra ở Đắk Nông vừa rồi”.
Vụ việc gây rúng động này một lần nữa thu hút sự chú ý của công luận đến các vấn đề đất đai ở Việt Nam, đồng thời nhắc công chúng nhớ đến những vụ nổ súng liên quan đến đất của các ông Đoàn Văn Vươn ở Hải Phòng hay Đặng Ngọc Viết ở Thái Bình trong quá khứ.
Nhà hoạt động Trịnh Bá Phương bày tỏ quan ngại rằng do vấn đề cơ bản là luật đất đai và nhà nước pháp quyền có khiếm khuyết nghiêm trọng và chưa biết bao giờ mới được sửa chữa, nên những mâu thuẫn, tranh chấp lớn sẽ còn xảy ra. Anh nói:
“Sẽ không có một tương lai tươi sáng gì sau tiếng súng. Nhưng mà cái lựa chọn duy nhất của họ là buộc phải nổ súng bởi vì tài sản của họ bị cướp đoạt quá trắng trợn. Mà đặc biệt là với cái nền tư pháp Việt Nam hiện nay đang có phần bị thao túng bởi các doanh nghiệp, bởi công an. Trong tương lai sẽ có nhiều vụ tương tự. Tôi nghĩ rằng với tình trạng này sẽ còn xảy ra rất nhiều vụ tương tự nữa”.
Về giải pháp triệt để cho tương lai, Luật sư Sơn cho rằng phải có nhà nước pháp quyền. Tuy nhiên, luật sư cho rằng chưa biết đến bao giờ mới có được điều đó. Trước mắt, ông nói chính phủ trung ương cần phải chỉ đạo ủy ban nhân dân các cấp thực hiện nghiêm luật đất đai hiện nay, dù còn có khiếm khuyết.
Theo đó, phải cung cấp thông tin công khai, minh bạch cho người dân về quy hoạch 5 năm một lần. Bên cạnh đó, kế hoạch sử dụng đất của cấp huyện phải được hội đồng nhân dân huyện thông qua và được ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt 5 năm một lần.
An Tôn
VOA
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét