“Với chủ quyền không thể tranh cãi đối với quần đảo Nam Sa (Việt Nam gọi là Trường Sa) và các vùng biển phụ cận, Trung Quốc quyết liệt chống lại nước nào khác chiếm đóng bất hợp pháp và xây dựng các cơ sở trên một số đảo và bãi đá ngầm của quần đảo Nam Sa của Trung Quốc.”
Hôm Thứ Sáu 18 tháng 11, 2016, phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Trung Quốc tên Cảnh Sảng phát biểu theo một câu hỏi cò mồi trong buổi họp báo như vậy khi được hỏi về phản ứng của Trung Quốc trước tin Việt Nam cơi nới thêm một phần đảo Trường Sa Lớn và kéo dài thêm cho phi đạo trên đảo.
Dịp này ông ta nói tiếp rằng: “Chúng tôi kêu gọi mạnh mẽ nước liên quan tôn trong thật sự chủ quyền và quyền lợi hợp pháp cũng như lợi ích của Trung Quốc, ngừng ngay lập tức viêc chiếm đóng và xay dựng cũng như rút về các nhân sự và cơ sở.”
Trung Quốc cướp quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam năm 1974 sau một trận hải chiến với hải quân VNCH. Sau đó, đến năm 1988 mới xua tàu tới cướp một số bãi đá ngầm tại quần đảo Trường Sa. Dù là kẻ cướp, nhưng Bắc Kinh lại vẫn tuyên bố “chủ quyền không thể tranh cãi.”
Mỗi khi lãnh tụ hai nước gặp nhau đều đưa ra các bản tuyên bố chung kêu gọi “tránh các hành động làm phức tạp thêm tình hình” mà Cảnh Sảng nhắc lại hôm Thứ Sáu. Hơn một năm qua, Bắc Kinh ào ạt bồi đắp 6 bãi đá ngầm cướp của Việt Nam ở quần đảo Trường Sa biến chúng thành 6 căn cứ quân sự khổng lồ trên biển nhằm khống chế toàn bộ Biển Đông.
Các nước trong khu vực gồm cả Việt Nam và Hoa Kỳ đã mạnh mẽ lên tiếng chống lại hành động vừa đánh trống vừa ăn cướp của Bắc Kinh. Việt Nam không có khả năng cản trở ngoài những lời tuyên bố suông. Hoa Kỳ tuy sức mạnh quân sự có thừa nhưng lại tuyên bố không can thiệp vào các tranh chấp lãnh thổ, mà chỉ biểu diễn ít màn “tự do hải hành,” không làm Bắc Kinh chùn bước.
Hôm Thứ Năm, Trung Tâm Nghiên Cứu Chiến Lược và Quốc Tế (CSIS) tại Washington đưa ra một số không ảnh và cho biết rằng thời gian gần đây, Việt Nam lặng lẽ kéo dài phi đạo trên đảo Trường Sa Lớn không ngoài mục đích tăng cường khả năng giúp các máy bay lớn hơn có thể đáp xuống.
Những không ảnh mới nhất cho thấy đảo Trường Sa lớn đã được cơi nới cho rộng hơn từ hơn 500 ha lên hơn 70 ha và đặc biệt, phi đạo có sẵn trên đảo này đã được kéo dài từ 550 mét lên khoảng 1,000 mét. Các máy bay vận tải nhỏ hoặc các thủy phi cơ chỉ cần đường băng ngắn có thể lên xuống an toàn hơn khi thực hiện các phi vụ tiếp liệu, vận chuyển người và cả nhu cầu trinh sát ở khu vực.
Ngày 9 tháng 8, 2016, thông tấn quốc tế cho hay Việt Nam bí mật tăng cường phòng thủ các đảo tại quần đảo Trường Sa với các loại hỏa tiễn cơ động Extra mua của Do Thái có khả năng phóng đến một số đảo nhân tạo của Trung Quốc.
Theo Reuters, một số nhà ngoại giao vào giới chức quân sự nói với hãng tin này rằng Hà Nội đã chuyển một số giàn phóng hỏa tiễn cơ động từ đất liền tới 5 căn cứ ở quần đảo Trường Sa trong những tháng gần đây.
Các giàn phóng này nhỏ và được cất giữ trong nhà nên các máy bay quan sát từ trên cao không thể thấy. Tin tức lúc đó nói chúng cũng chưa được trang bị đầu đạn nhưng có thể sẵn sàng để hoạt động trong vòng hai hay ba ngày, theo ba nguồn tin khác nhau. Bộ Ngoại Giao Việt Nam thì nói tin đó hoàn toàn không chính xác. (TN)
Người Việt
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét