Cần những người tự do và trách nhiệm
Mặc Lâm: Trước tiên nhà giáo Phạm Toàn cho biết sơ lược con đường mà nhóm Cánh Buồm đã chọn từ nhiều năm qua:
Phạm Toàn: Trước hết, phải nói những việc mà tôi đã làm trong 7 năm nay với nhóm Cánh Buồm thì tôi đã làm cách đây 40 năm. Tôi đã thử cùng với giáo sư Hồ Ngọc Đại rất nhiều việc thì GS mời tôi về cộng tác vào năm 1978, giao cho tôi nhiệm vụ là tổ chức dạy các môn học giáo dục phổ thông làm thế nào cho trẻ con mà mình không giảng và tổ chức cho nó làm việc thì nó tự tìm ra kiến thức.
Cái triết lý giáo dục của bọn tôi là thế này, là thế nào để thanh thiếu niên của toàn dân tộc thông qua nhà trường phổ thông trở thành con người tự lập tự sống, tự phát triển được. -Phạm Toàn |
Mặc Lâm: Xin ông cho biết nhóm Cánh Buồn có triết lý giáo dục hay không và nếu có thì nó là gì?
Phạm Toàn: Cái triết lý giáo dục của bọn tôi là thế này, là thế nào để thanh thiếu niên của toàn dân tộc thông qua nhà trường phổ thông trở thành con người tự lập tự sống, tự phát triển được. Chúng tôi có cái cuộc hội thảo cách đây 4-5 năm về tự học, tự giáo dục. Thế và sau cuộc hội thảo có tên là “Em biết cách học” tức là làm thế nào cho chúng biết cách học, từ cách biết cách học thì nó sẽ sống tự lập được. Chúng tôi muốn có những con người tự do và trách nhiệm.
Mặc Lâm: Xin nhà giáo thêm một chút chi tiết hơn về triết lý giáo dục mà chương trình theo đuổi liệu nó xem trọng tính chất xây dựng con người trước hay bồi đắp kiến thức cho các em là quan trọng hơn?
Môn lối sống chúng tôi dạy các em sống đồng thuận. Đồng thuận tức là cùng lao động, hai là tôn trọng các giá trị tinh thần văn hóa của nhau. Anh muốn theo đạo gì anh theo, anh muốn theo chủ nghĩa gì thì cứ theo nhưng mà chúng ta tôn trọng nhau.
Và yếu tố thức ba rất quan trọng nữa tức là cùng nhau “tháo ngòi xung đột”. Tháo ngòi xung đột là cái để dạy cho các nguyên thủ quốc gia, để dạy cho các người đứng đầu các nước nhưng mình không dạy được họ thì mình hy vọng dạy các em nhỏ của một dân tộc khi nó lớn nó sẽ thành những con người biết sống đồng thuận, biết cùng lao động, tôn trọng nhau và cùng tháo ngòi xung đột.
Chúng tôi làm việc gì cũng có nguyên lý của nó cả.
Phải cải cách người làm cải cách giáo dục
Mặc Lâm: Chương trình có chú ý tới những em khó khăn về kinh tế lẫn khả năng tiếp thu để hướng các em vào các mục tiêu khác chẳng hạn như hướng nghiệp hay bồi bổ kiến thức phổ thông để các em có thể tự mưu sinh nếu không theo học hết chương trình hay không?
Phạm Toàn: Chúng tôi có khuynh hướng chứ. Chúng tôi không bao giờ hướng tới đại học cả. Chúng tôi đề nghị hệ thống giáo dục hết lớp 9 thì các em có thể vào đời được.
Khi hết lớp 9 vào đời bằng một trong ba con đường. Một là lao động để kiếm sống. Cái thứ hai là đi học nghề thêm một hai năm để kiếm sống ung dung hơn, đàng hoàng hơn, đầy đủ hơn và thứ ba những em nào có điều kiện cả về kinh tế và trí tuệ nữa thì tiếp tục con đường học trung học bên trên nữa.
Muốn cải cách bây giờ phải trước hết cải cách cái người làm cải cách giáo dục bởi vì những người ấy chưa chắc đã có năng lực đủ để làm cải cách giáo dục. -Phạm Toàn |
Muốn cải cách phải định nghĩa được lại các khái niệm và tôi còn nhấn mạnh nữa là muốn cải cách bây giờ phải trước hết cải cách cái người làm cải cách giáo dục bởi vì những người ấy chưa chắc đã có năng lực đủ để làm cải cách giáo dục.
Mặc Lâm: Xin được phép một câu hỏi chót, nhóm Cánh Buồm bỏ công rất nhiều cho chương trình đầy tham vọng này nhưng khi áp dụng vào thực tế thì khả năng nào có thể hiện thực hóa chương trình một cách rộng khắp trong khi Bộ Giáo dục và Đào tạo gần như sẽ khó chấp nhận đưa nó vào chương trình giảng dạy hiện nay?
Phạm Toàn: Vâng chúng tôi rất biết thân! Nhưng nó ra đời vào cái thời đại có một công cụ vô cùng ghê gớm là Internet, cho nên sau đây độ nửa tháng quý vị sẽ thấy bộ sách tôi đưa hết lên mạng thành dạng Open book và mọi người tự do lấy xuống dùng cho gia đình mình, cho lớp học mình cho trường của mình. Ai cấm thì cứ cấm, ai cho phép thì cứ cho phép. Mình cứ tự cho phép mình bởi vì thời đại này đã có Internet mà chúng tôi lại không cần nhuận bút, chúng tôi không cần bản quyền chúng tôi chỉ cần người dân thấy có ích cho mình rồi cùng dùng.
Thời đại bây giờ nó cho phép mọi người ở mọi nơi có thể tự do làm việc tự do đóng góp, tự do hết sức mình với một tinh thần trách nhiệm. Trong vòng ít hôm nữa chúng tôi sẽ giới thiệu trên mạng mà chúng tôi chủ trương, mạng Cánh Buồm (canhbuom.edu.vn) nơi đây sẽ giới thiệu cách vào Open book đấy để sau một cái nhấp chuột thôi là anh có sách rồi.
Mặc Lâm: Xin cám ơn nhà giáo Phạm Toàn.
Mặc Lâm
RFA
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét