Theo báo chí Việt Nam, mới đây, Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Điện lực Vĩnh Tân 1 đã xin phép nhà chức trách đổ chất thải từ việc nạo vét luồng lạch xuống biển.
Hồ sơ xin phép nói lượng chất thải từ quá trình nạo vét luồng hàng hải, vũng quay tàu, khu nước trước bến phục vụ nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 1 sẽ lên đến hơn 1,5 triệu mét khối. Công ty đề xuất được đổ chất thải ra biển. Địa điểm đổ cách đất liền khoảng 3 hải lý (5,5 kilomet) và khá gần với Khu bảo tồn biển Hòn Cau, một trong 16 khu bảo tồn biển của Việt Nam.
Tin cho hay sau khi thẩm định hồ sơ, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Thuận nói việc đổ thải với khối lượng lớn xuống biển “sẽ ảnh hưởng đến môi trường Khu bảo tồn sinh thái biển Hòn Cau cũng như hoạt động hàng hải tuyến ven biển từ Quảng Bình đến Bình Thuận”.
Báo Giao thông viết: “Những tác động của việc đổ thải đối với Khu bảo tồn biển Hòn Cau là có thể xảy ra nên Sở TN&MT đề nghị không thực hiện chôn dưới biển mà tìm phương án khác...”
Ông Phạm Ngọc Đăng, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam, phân tích với VOA về các yếu tố gây ô nhiễm liên quan đến nhà máy nhiệt điện:
“Vận chuyển than và chất thải của nhiệt điện ra thì trong đó có các loại ô nhiễm là lưu huỳnh, sun-phua, chì, rồi cadmium. Những cái đó là độc hại. Nếu lâu ngày sẽ ngấm xuống, sẽ tồn lưu trong bùn của các luồng lạch. Về mặt đổ chất nạo vét bùn thải các luồng lạch ra biển, theo tôi biết, về mặt luật pháp nhà nước có quy định rất rõ ràng. Ví dụ, không được đổ trong vòng 6 hải lý. Trước đây là trong vòng 12 hải lý, 3-4 cây số là không được phép. Đổ ra biển như vậy tất nhiên cũng ảnh hưởng đến hệ sinh thái, và phải đổ ra xa nó khuếch tán được lâu. Nói chung, hóa chất độc hại thì không được đổ ra biển, theo tôi là như thế”.
Theo các nguồn chính thống, khu bảo tồn biển Hòn Cau - có diện tích 12.500 ha - là nơi có hệ sinh thái biển phong phú. Điểm đặc biệt của Hòn Cau là quần thể san hô nguyên thủy dài hơn 2 kilomet với gần 234 loại san hô.
Một số nhà khoa học cảnh báo việc đổ thải với số lượng lớn cách đất liền chỉ 3 hải lý sẽ gây chết san hô, các loại thủy sinh khác sẽ bị diệt vong. Hệ quả là Khu bảo tồn Hòn Cau - được thành lập từ năm 2008 - có thể bị xoá sổ.
Hồi trung tuần tháng 9, ông Nguyễn Hữu Quý, Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Bình Thuận, nhận định với báo chí rằng do ô nhiễm từ các nhà máy nhiệt điện ở Vĩnh Tân và các dự án khác, việc khu bảo tồn Hòn Cau bị xóa sổ “chỉ còn là vấn đề thời gian”.
Cùng thời gian đó, báo chí dẫn lời ông Huỳnh Quang Huy, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Bình Thuận, cho biết “Nước thải ở các nhà máy nhiệt điện thường thải ra với nhiệt độ cao, điều này cũng đồng nghĩa những rạn san hô và các loài thủy sinh sẽ bị tác động trực tiếp, đe dọa sự sống còn”.
An Tôn
VOA
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét