Mỹ sẽ điều tra thép Trung Quốc xuất qua ngả Việt Nam - Người Đưa Tin -->

Breaking

Post Top Ad

Thứ Tư, 9 tháng 11, 2016

Mỹ sẽ điều tra thép Trung Quốc xuất qua ngả Việt Nam


Có cáo buộc các công ty thép Trung Quốc tuồn hàng qua Việt Nam trước khi xuất sang Mỹ 

Bộ Thương mại Mỹ hôm 7/11 chính thức mở điều tra cáo buộc các nhà sản xuất thép Trung Quốc tuồn hàng qua Việt Nam trước khi xuất sang Mỹ để tránh thuế.

Cuộc điều tra sẽ tìm hiểu liệu việc nhập khẩu thép cán nóng và cán nguội, làm ở Trung Quốc nhưng có một ít thay đổi tại Việt Nam, có phải là cách né tránh thuế hay không.

Trong sáu tháng đầu năm 2016, các lô thép từ Việt Nam xuất sang Hoa Kỳ tăng lên đến 312.329 tấn, so với 25.756 tấn cùng kỳ năm ngoái. Tương ứng với thời điểm này, xuất khẩu thép của Trung Quốc đến Việt Nam tăng 46%, đạt 6,3 triệu tấn so với 4,3 triệu tấn cùng kỳ năm ngoái, theo thống kê của Dịch vụ thông tin thương mại toàn cầu (GTIS).

Động thái của Bộ Thương mại Hoa Kỳ được đưa sau khiếu kiện hồi tháng Chín từ bốn nhà sản xuất thép của Hoa Kỳ, U.S. Steel Corp., Nucor Corp., AK Steel Holding Corp. và ArcelorMittal, nhằm ngăn chặn tình trạng dư thừa thép do Trung Quốc sản xuất tại thị trường nước này, Wall Street Journal tường thuật hôm 6/11.

"Cuộc điều tra có thể dẫn đến việc áp mức thuế mới đối với thép nhập khẩu từ Trung Quốc qua ngả Việt Nam, theo luật ngăn chặn việc gian lận thuế," báo này viết.

"Các nhà sản xuất thép của Hoa Kỳ cáo buộc rằng nhà sản xuất thép Trung Quốc vận chuyển kim loại vào Việt Nam, thay đổi một chút về đặc tính chống ăn mòn của sản phẩm để dán nhãn "sản xuất tại Việt Nam" và sau đó chuyển đến Hoa Kỳ theo mức thuế thấp hơn dành cho thép Việt."

"Do áp lực từ các nhà sản xuất thép nội địa, Hoa Kỳ trong năm qua đã áp mức thuế cao đến 266% với ít nhất bốn loại thép mới nhập từ Trung Quốc."

"Các nhà sản xuất thép đặt tại Hoa Kỳ vô cùng quan ngại khi thép từ Việt Nam bắt đầu tràn vào các cảng của nước này."

'Xung đột'

Hôm 8/11, trả lời BBC, Tiến sỹ Nguyễn Văn Phú, một nhà nghiên cứu kinh tế của Đại học Strasbourg, Pháp, nói: "Vì Mỹ áp dụng thuế trên các sản phẩm từ Trung Quốc cao hơn Việt Nam nên việc Trung Quốc xuất thép qua ngả Việt Nam là điều dễ hiểu."

"Các công ty sản xuất thép của Mỹ sẽ không thể cạnh tranh lại các công ty của Trung Quốc và Việt Nam, do giá nguyên liệu và nhân công ở hai nước này rẻ hơn ở Mỹ, đó là chưa nói đến các tiêu chuẩn môi trường, kỹ thuật lao động…"

"Nền kinh tế hiện nay có xu hướng toàn cầu hóa đi đôi với việc giảm các thuế quan và rào cản thương mại, vì vậy gây xung đột với xu hướng bảo hộ mậu dịch."

Chuyên gia cũng nhận định: "Việc nhập thép Trung Quốc về Việt Nam rồi xuất qua Mỹ là chuyện không hiếm gặp trên thế giới. Ví dụ như vải linen được sản xuất ở Pháp sau đó được chuyển qua Trung Quốc hoặc một nước châu Á nào khác để dệt sợi, sản xuất ra áo quần, sau đó lại xuất thành phẩm trở lại Pháp."

"Các doanh nghiệp chỉ làm thế nào cho có lợi cho họ là được."

"Tuy vậy, những con số mà báo chí Mỹ nêu trong vụ này không có nhiều ý nghĩa vì cần phải điều tra kỹ lưỡng, cũng như theo dõi nhu cầu thị trường của Việt Nam và của Mỹ, đánh giá năng lực sản xuất thép của Việt Nam trong thời gian này."

Trả lời câu hỏi của BBC về dự báo Việt Nam sẽ có phản ứng như thế nào về kết quả cuộc điều tra của Bộ Thương mại Hoa Kỳ, ông Phú nói: "Tất nhiên là Việt Nam sẽ nói là chúng tôi có tạo thêm giá trị thặng dư trên các sản phẩm xuất qua Mỹ."

"Bài học cho các doanh nghiệp Việt Nam trong vụ này là phải xây dựng đạo đức kinh doanh trong môi trường cạnh tranh toàn cầu."

"Nếu không thì sẽ phải trả giá đắt, trong trường hợp này sau điều tra thép xong, Mỹ sẽ áp dụng thuế cao hơn cho các sản phẩm 'made in Việt Nam' thì tất cả đều 'chết'," Tiến sĩ Phú nói với BBC.

BBC

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad